Chuyến đi nghiên cứu thực địa ở hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa của học viên FSPPM - khi người học tìm được cái mình cần, người chia sẻ thấy mình được hiểu
September 11, 2023

Chuyến đi nghiên cứu thực địa ở hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa của học viên FSPPM - khi người học tìm được cái mình cần, người chia sẻ thấy mình được hiểu

September 11, 2023

Mình mong muốn tìm kiếm một lý thuyết áp dụng được trong thực tiễn và bây giờ mình đã thấy. Đó chính là những con người đã học lý thuyết nhưng không phải lý thuyết suông mà họ đã áp dụng được vào thực tiễn, có hiệu quả, được đánh giá cao và tạo tiền đề cho sự phát triển sau này.

Ban Quản lý Dự án đầu tư Các công trình giao thông tỉnh Bình Thuận giới thiệu về Dự án Đường Hàm Kiệm – Tiến Thành. Ảnh FSPPM.

Những dòng chia sẻ trên đến từ anh Nguyễn Duyên Khánh, học viên lớp MPP24 trong chuyến đi nghiên cứu thực địa ở hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa cho môn học Thực thi Chính sách của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright vào tháng 8 vừa qua.

Chuyến nghiên cứu thực địa này là một trong những hoạt động được học viên mong đợi nhất trong chương trình Thạc sĩ Chính sách công. Chỉ trong 2 ngày, 44 học viên cùng giảng viên đã làm việc hết công suất với lịch trình dày đặc gồm các cuộc họp với lãnh đạo địa phương và các chuyến đi thực địa đến các dự án nhằm tìm hiểu về quá trình thực hiện triển khai thực tế các dự án này, gồm hai dự án ở Phan Thiết là Đường Hàm Kiệm – Tiến Thành và Dự án Kè sông Cà Ty và hai dự án ở Nha Trang là Đập ngăn mặn sông Cái và Dự án Vệ sinh môi trường.

Đi thực địa Dự án Đập ngăn mặn sông Cái. Ảnh FSPPM.

Với anh Khánh cũng như 43 học viên chương trình Thạc sĩ Chính sách công MPP24 của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, việc tham gia chuyến đi nghiên cứu thực địa này là để tìm hiểu một số tình huống thực thi chính sách và thực hiện bài viết nhóm qua các dự án được giao. Nhưng sau chuyến đi này, họ đã vỡ ra nhiều điều hơn thế nữa.

Chính sách không tự thực thi

Qua những chia sẻ chân tình và cởi mở của Ban Quản lý Dự án Đầu tư các Công trình Giao thông tỉnh Bình Thuận, anh Trần Công Sơn, học viên Lớp Lãnh Đạo và Quản Lý nhận xét rằng những chia sẻ này kết hợp với kiến thức ở Trường Fulbright về khung lý thuyết thực thi từ trên xuống, từ dưới lên, những vấn đề về nguồn lực, bối cảnh kinh tế xã hội chính trị, truyền thông chính sách đến những câu chuyện liên quan đến quyền tự quyết của người thực thi, khi kết hợp lại với nhau đã giúp anh vỡ ra nhiều điều, từ bồi thường cho người nông dân như thế nào để thỏa đáng, đến động lực thực hiện một dự án công phải xuất phát từ cái tâm của người làm. Khung ký thuyết với những vấn đề trọng yếu giúp học viên biết được lộ trình, biết con đường đến đích phải qua bao nhiêu chặng, đi qua những khó khăn nào, kết hợp với những cách giải quyết tham khảo từ địa phương giúp anh có thể chắt lọc và áp dụng vào công việc của mình.

Anh Trần Công Sơn, học viên Lớp Lãnh Đạo và Quản Lý trong buổi trao đổi với Ban Quản lý Dự án Đầu tư các Công trình Giao thông tỉnh Bình Thuận. Ảnh FSPPM.

Đặc biệt các học viên đã có buổi lắng nghe và trao đổi với Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về tổng thể Chiến lược quy hoạch đô thị biển Khánh Hòa. Phần trình bày của KTS. Nam Sơn đã khái quát cho các học viên 9 định hướng chiến lược quy hoạch đô thị biển Khánh Hòa. Trong đó, ông chú trọng việc nâng cấp đô thị biển trên nền tảng phát triển bền vững dựa trên tạo lập khung quản lý, thực hiện quy hoạch theo hướng hợp tác đa ngành. Với vị trí của Khánh Hòa ông nhấn mạnh việc phát triển bản sắc đặc thù của đô thị biển – sông - núi - đảo và đặt rất nhiều tâm huyết vào Đô thị sân bay – Cam Ranh – Cam Lâm gắn với đô thị du lịch biển. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tạo lập khung phát triển, đảm bảo sự hài hòa bảo tồn giá trị cảnh quan, cụ thể là định hướng xây dựng đô thị theo trục đông tây để mở các khoảng thở ven biển, giúp tận dụng quỹ đất phía sau có thể nhìn được biển và đón được gió biển. Những định hướng quan trọng còn lại về việc thu hút nhiều nguồn lực công, tư, trong nước với nước ngoài theo tư duy kinh tế thị trường, kinh tế số và đô thị thông minh, đặc biệt chú trọng đảm bảo an cư lạc nghiệp cho người dân trong mọi dự án. Ví dụ như giá trị đền bù giải tỏa cần theo tư duy kinh tế thị trường vì chính người dân địa phương mới là những người xứng đáng nhất được hưởng các lợi ích khi đô thị phát triển, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của học viên.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trình bày tổng thể Chiến lược quy hoạch đô thị biển Khánh Hòa. Ảnh FSPPM.

Những chia sẻ của KTS. Nam Sơn đã mang đến những giá trị quý báu về tầm nhìn dự án theo chuẩn mực toàn cầu. Chính sự cởi mở của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong việc mời KTS. Nam Sơn làm cố vấn chiến lược là một cơ chế rất hay mà địa phương mình có thể học hỏi kinh nghiệm. – học viên Nguyễn Duyên Khánh chia sẻ.

Sức mạnh của sự lan tỏa tri thức và kinh nghiệm

Là cựu học viên của Trường Fulbright từ khóa MPP2 (2009 - 2011), ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc Sở KH&ĐT Tỉnh Khánh Hòa, đã bày tỏ niềm vui khi được đón thầy và các bạn đến Nha Trang. Ngoài việc tận tâm chia sẻ kinh nghiệm mình có được, ông Nhân cho rằng những ý kiến, câu hỏi từ các bạn chính là thông tin từ phía người quan sát mà ông cần lắng nghe. Chuyến đi nghiên cứu thực địa này của các bạn là cơ hội để chia sẻ lẫn nhau, cũng là cơ hội để ông giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển của Khánh Hòa. Học viên Fulbright từ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực công việc khác nhau sẽ là những kênh thông tin hữu ích đưa tỉnh Khánh Hòa đến với cộng đồng.

Do vậy, một triết lý ông Nhân rất tâm đắc học từ Fulbright đó chính là đứng trên vai người khổng lồ. Những điều tích cực cần được lan tỏa để giúp ích cho nhiều người. Ông tin rằng những thương đau và bài học kinh nghiệm từ người đi trước cần được chia sẻ lại, để giúp các bạn tránh được những rủi ro mà trong quá trình làm việc các bạn gặp phải.

Anh Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT Tỉnh Khánh Hòa đưa đoàn đi thực địa Dự án Đập ngăn mặn sông Cái. Ảnh FSPPM.

Những chia sẻ của Giám đốc Sở KH&ĐT Khánh Hòa Châu Ngô Anh Nhân từ kinh nghiệm thực thi các dự án CCESP & CCSEP và Đập ngăn mặn trên Sông Cái, và cách mà Khánh Hòa đã làm để huy động được vốn từ Trung ương đã được học viên đánh giá là cực kỳ sáng tạo và hữu ích. Tiêu biểu là những chia sẻ về cách tháo gỡ các vướng mắc về vốn và tiến độ ngay từ đầu cũng như việc xây dựng được mối liên hệ xuyên suốt với Trung ương và các bộ ngành, vốn là chuyện không phải một sớm một chiều, cùng tầm nhìn dài hạn và cơ chế tạo cơ hội cho cán bộ trẻ tiếp tục thực thi qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo, là những điểm nhấn quý giá mà học viên nhận được.

Tính minh bạch, trung thực và tinh thần học hỏi chủ động

Chính sách không tự thực thi. Người thực thi phải linh hoạt xử lý, những việc vượt thẩm quyền, những việc chưa rõ ràng thì phải báo cáo, phải giải trình cụ thể lý do vì sao không phù hợp với quy định, phải vận động, đề xuất những phương án theo định hướng tốt cho dự án. Đây cũng chính là căn cứ để bảo vệ người thực thi. Ông Châu Ngô Anh Nhân đã nhắc đến bài học, giá trị đầu tiên khi đến với Fulbright là tính minh bạch, tính trung thực và chính ông đã áp dụng những giá trị này vào công việc của mình.

Anh Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư các Công trình giao thông tỉnh Bình Thuận đưa đoàn đi thực địa Dự án Đường Hàm Kiệm – Tiến Thành. Ảnh FSPPM.

Dù được đánh giá rất tích cực, trong câu chuyện của những người thực thi vẫn là việc không ngừng học hỏi, tham khảo những mô hình mới để có thể thực thi tốt hơn. Từ góc nhìn của người chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư các Công trình giao thông tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự bất ngờ khi thấy các học viên có lượng kiến thức rất chi tiết và sát với thực tế. Ông đánh giá cao các bạn đã có sự chuẩn bị rất tốt, cũng như biết cách đặt vấn đề cho những trăn trở trong lĩnh vực công và những quan tâm về dự án.

Anh Nguyễn Hữu Khánh Linh, học viên lớp Lãnh đạo và Quản lý trong buổi trao đổi với BQL Dự án Đầu tư các Công trình Giao thông tỉnh Bình Thuận. Ảnh FSPPM.

Anh Nguyễn Hữu Khánh Linh, học viên lớp Lãnh đạo và Quản lý cho rằng chính nhờ những kinh nghiệm, những va đập tích lũy được từ nhiều năm làm dự án - như anh nói môm na là trăm hay không bằng tay quen, thì chuyến đi này với anh như cá gặp nước, vì khi nghe qua vấn đề và cách giải quyết, anh đã nắm được ngay.

Tập thể học viên MPP24, giảng viên và lãnh đạo địa phương trong chuyến đi nghiên cứu thực địa tại Khánh Hòa. Ảnh FSPPM.

Khi được hỏi take away của bạn là gì sau chuyến đi nghiên cứu thực địa này, anh Phạm Mạnh Cường học viên lớp Phân tích Chính sách đã chia sẻ rằng Nguồn lực có hạn, thời gian thì cũng chỉ có từng đấy thôi, vậy thì khi tiếp cận một vấn đề, mình phải tiếp cận có tính hệ thống. Đấy là giá trị mà Trường Fulbright đã mang lại cho mình. Hôm nay chứng kiến các cựu học viên hiện là lãnh đạo ở các sở ban ngành chia sẻ những câu chuyện thực thi tại địa phương, mình có thêm niềm tin để tiếp tục hành trình phía trước.

  • Uyên Vũ

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'