Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam hậu COVID-19: Cơ hội thu hút làn sóng FDI mới
May 21, 2020

Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam hậu COVID-19: Cơ hội thu hút làn sóng FDI mới

May 21, 2020

Trong phiên thảo luận về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam hậu Covid-19 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) ngày 21/5/2020, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đề cập về cơ hội thu hút làn sóng FDI mới của Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Đây là điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam có thể mở cửa nền kinh tế trở lại sớm với mức độ thiệt hại thấp hơn, với mức độ tự tin cao hơn so với nhiều quốc gia khác.

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nhờ có xuất phát điểm thuận lợi này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút làn sóng FDI mới khi nhiều công ty toàn cầu đẩy mạnh đa dạng hóa địa điểm đầu tư nhằm phân tán rủi ro và tăng sức chống chịu trước những biến động đột ngột như Covid-19.

Nhưng từ cơ hội đến thực tế luôn có khoảng cách nhất định. Định hướng chính sách, thực lực và sự chuẩn bị của Việt Nam mới quyết định số lượng và quan trọng hơn là cơ cấu và chất lượng FDI nền kinh tế thu hút được.

"Chúng ta đều biết, để thu hút được các dự án FDI có chất lượng, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện cơ bản như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng, và môi trường kinh doanh thuận lợi. Trong thời gian qua, những điều kiện này tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều hạn chế. Tôi cho rằng trong giai đoạn sắp tới, và đặc biệt là trong năm nay, Chính phủ nên tập trung cao nhất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa giúp khởi động lại và kích thích nền kinh tế, vừa giúp tạo công ăn việc làm, đồng thời lại nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn nền kinh tế" – chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, để thu hút được các công ty công nghệ cao, Việt Nam cần kiện toàn các nền tảng pháp lý và thể chế để đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, tăng cường giao dịch và thanh toán điện tử. Thế giới hậu Covid-19 sẽ chứng kiến sự tăng tốc của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, điều mà Việt Nam đang thiếu, vì thế sẽ rất khó thu hút FDI công nghệ cao để tham gia ngày một sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh những cơ hội to lớn về thu hút FDI, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh lưu ý một số rủi ro.

Thứ nhất, nếu không có chính sách và cơ chế khuyến khích đúng đắn, Việt Nam sẽ lại chỉ thu hút được các dự án FDI gia công, công nghệ cũ. Điều đó chỉ làm trầm trọng thêm cơ cấu hiện tại, và do vậy cản trở nỗ lực tái cơ cấu.

Thứ hai, dòng vốn ngoại sẽ không chỉ đến Việt Nam dưới dạng đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn dưới hình thức mua bán – sáp nhập doanh nghiệp.

"Tôi nghĩ Chính phủ nên có chính sách phù hợp để điều tiết các dòng vốn này sao cho chúng góp phần tăng cường nguồn lực và năng lực cho nền kinh tế, đồng thời hạn chế được các tác động tiêu cực tiềm tàng."

Hội thảo về chủ đề trên do Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam -TP.HCM, bà Mary Tarnowka chủ trì. Tham gia thảo luận có Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ông Marco Breu, Tổng Giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, Chuyên gia kinh tế trưởng Qũy Đầu tư VinaCapital Michael Kokalari.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'