Lãnh đạo và giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tham gia Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023
September 21, 2023

Lãnh đạo và giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tham gia Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

September 21, 2023

“Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 – Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” được tổ chức ngày 19/9 là một diễn đàn thảo luận sôi nổi, khách quan và rất ý nghĩa cho những người làm chính sách.

TS. Vũ Thành Tự Anh (thứ hai từ bên phải sang), Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tham gia Phiên Tọa đàm Cấp cao chủ đề "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Diễn đàn đã thu hút sâu sắc dư luận xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương. Theo thống kê của Ban Tổ chức, có khoảng 450 đại biểu đã tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Diễn đàn cũng được kết nối trực tuyến với 6 Học viện và trường Đại học với khoảng hơn 1000 giảng viên, học sinh, sinh viên trực tiếp theo dõi. Theo ghi nhận của Ban Tổ chức đã có hơn 900.000 lượt người theo dõi và tương tác trên các nền tảng số. Diễn đàn chia sẻ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua đại diện các Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của các hiệp hội, một số doanh nghiệp tham gia và chia sẻ giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, giới học thuật, nhà nghiên cứu, người hoạch định chính sách và cơ quan thực thi chính sách, cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tại Diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại các phiên toàn thể và phiên thảo luận chuyên đề cùng hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học. Đồng thời, có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đại biểu trong và ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế UNDP, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao năng suất trong phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.”

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Ông Jonathan Pincus cho biết trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia duy trì được tốc độ tăng năng suất cao trong dài hạn, trong đó bên cạnh Hoa Kỳ thì chủ yếu bao gồm các quốc gia châu Âu. Các quốc gia này có một điểm chung: họ là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để đạt được hiệu ứng kinh tế nhờ quy mô trong cả các ngành công nghiệp và nông nghiệp.

TS. Pincus cũng chia sẻ, ở khu vực Đông Nam Á có Thái Lan và Malaysia đã từng có tốc độ tăng năng suất lao động tăng nhanh. Tuy nhiên hai nước này lại không duy trì được tốc độ này sau khủng hoảng tài chính châu Á, không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp mà không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong hơn ba thập niên trở lại đây. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Theo TS. Pincus, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong việc xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Hiện nay ở Việt Nam, đầu tư của nhà nước cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là rất thấp, còn ở khu vực tư nhân thì hai hoạt động này chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI và đa quốc gia. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là nhỏ và vừa thì khó có thể có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển.

TS. Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế UNDP, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thảo luận bàn tròn với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới" – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Ông Jonathan chỉ rõ hai vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là chi tiêu quá ít và quá dàn trải, và khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương. Không những thế, đầu tư R&D chưa tập trung vào những ngành then chốt, đồng thời việc dàn trải ra rất nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của đầu tư.

Ngoài ra, TS. Pincus cũng góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam. Hiện nay chưa có đủ không gian trong giáo dục đại học, nhất là các ngành khoa học, kĩ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang quan tâm tới cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực quý báu này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trình bày tham luận với chủ đề “Chuyển đổi xanh” và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn.

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn.

Cả ba động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với ba động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.

Ngược lại, việc ban hành và thực thi các chính sách mang tính hành chính, phản ứng thụ động, bắt buộc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không có lộ trình sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Về chuyển đổi động lực tăng trưởng về tiêu dùng và sản xuất trong nước theo hướng kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, các chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nếu hoạch định theo hướng phân mảnh về thể chế sẽ khó tạo động lực khuyến khích thực thi tự nguyên và nếu áp đặt một cách cứng nhắc sẽ làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế. Hướng tiếp cận tốt hơn là hoạch định chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn theo hệ sinh thái dẫn dắt bởi các cụm ngành. Chính sách cần hướng tới việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái để chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ thu được lợi ích từ việc tham gia một cách chủ động vào các hoạt động kinh tế tuần hoàn.

Trên phương diện hoạch định chính sách ở cấp độ Quốc hội, các cụm ngành cần được xác định thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bao gồm: Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và bao bì (với trọng tâm chính sách là tái chế); Dịch vụ vận tải và logistics (với trọng tâm chính sách là công nghệ thông minh); Xử lý chất thải (với trọng tâm chính sách là chuyển đổi từ xử lý rác thải sang tạo năng lượng từ rác); Kinh tế nước (với trọng tâm chính sách là định giá đúng đối với nước từ các nguồn khác nhau và việc khai thác sử dụng nước phải tuân thủ đúng mức giá đã tính đầy đủ các chi phí kinh tế - xã hội chứ không chỉ chi phí tài chính.)

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Về đầu tư năng lượng tái tạo, trong kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu và những cơ chế ưu đãi cao nhất cần được áp dụng cho việc thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.

Ưu tiên chính sách thứ nhất là củng cố lưới điện để truyền tải điện tái tạo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Lưới điện cũng cần được đầu tư theo hướng “thông minh” để có thể phản ứng linh hoạt với những biến động của cung và cầu. Chi phí cân bằng và ổn định lưới điện sử dụng pin lưu trữ đang giảm đi. Khác với quá trình lưu chuyển năng lượng tái tạo vốn mất nhiều thời gian, giải pháp cân bằng lưới điện dùng pin lưu trữ là xu hướng tất yếu đang được các công ty điện lực toàn cầu sử dụng ngày một phổ biến. Hệ thống lưới điện mạnh hơn và thông minh hơn sẽ giảm thiểu các sự cố mất điện và có giá cả phải chăng.

Ưu tiên chính sách tiếp theo là cần xây dựng một hệ thống đấu thầu giá điện cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Vì điện mặt trời và gió (cũng như hydro) có chi phí vận hành thấp hoặc gần bằng không, còn lại chủ yếu là chi phí cố định, nên các nguồn phát này có lợi thế tự nhiên khi tham gia đấu thầu giá điện so với nguồn điện than hay khí đốt (vốn không thể trả giá thấp hơn chi phí nhiên liệu nếu không muốn bù lỗ).

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Dù các nhà sản xuất điện tái tạo luôn muốn có hợp đồng bao tiêu, nhưng họ cũng sẽ hài lòng với cơ chế đấu thầu giá điện công khai, minh bạch do trung tâm điều độ độc lập quản lý. Giải pháp thay thế cho cơ chế đấu thầu là hợp đồng bao tiêu dài hạn ở một mức giá xác định với các điều khoản giống các dự án năng lượng hóa thạch. Giải pháp này sẽ giúp các dự án năng lượng tái tạo dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng như các khoản vay quốc tế có chi phí thấp và dài hạn hơn. Tuy nhiên, loại hợp đồng này sẽ tăng gánh nặng cho Nhà nước bởi khi đó rủi ro sa thải công suất điện sẽ được chuyển từ các dự án năng lượng gió và mặt trời sang đơn vị mua điện.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tham gia Phiên Tọa đàm Cấp cao chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

TS. Vũ Thành Tự Anh (thứ hai từ bên phải sang) - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Tham gia vào Phiên Toạ đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, trả lời cho câu hỏi của Điều phối Phiên Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám Truyền hình Quốc hội Việt Nam: Có ý kiến cho rằng, dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng vẫn cần ưu tiên đầu tư cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, cần phát triển kinh tế trước rồi mới chuyển đổi xanh, vì tình hình kinh tế khó khăn thì chi phí chuyển đổi xanh sẽ rất lớn. Đâu là nhiệm vụ cấp bách cần phải làm, và chuyển đổi xanh có phải là biện pháp mang tính chất dài hạn hay không? TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã đưa ra quan điểm về vấn đề này: Nếu chúng ta hiểu kinh tế xanh như một nền kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường, thì một cách tất yếu, chuyển đổi xanh sẽ tác động ngay lập tức tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và làm thay đổi thói quen tiêu dùng, vì vậy đòi hỏi phải có tầm nhìn và cách tiếp cận hoàn toàn khác so với hiện nay.

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Từ góc độ kinh tế, thách thức lớn đối với Việt Nam như một quốc gia đi sau và có mức thu nhập trung bình là làm thế nào để chuyển từ “điểm cân bằng” thấp, trong đó sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, tận khai tài nguyên, sang “điểm cân bằng” cao hơn bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối thiểu tổn hại đến môi trường. Không những thế, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, vì vẫn là một nước có thu nhập trung bình nên nước ta phải duy trì mức độ tăng trưởng hợp lý để bắt kịp các nước phát triển và không bị tụt hậu.

Từ góc độ chính sách, nhiệm vụ chính là biến thách thức về khí hậu và môi trường thành cơ hội: quá trình chuyển đổi xanh trở thành động lực tăng trưởng và tạo ra nền tảng mới cho nền kinh tế và hoạt động kinh doanh bền vững.

TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, khi nào có sự chuyển đổi của những công nghệ đột phá và những xu hướng mới thì đó chính là cơ hội của những quốc gia đi sau bứt phá và vươn lên. Đây cũng là cơ hội của Việt Nam hiện nay, và chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội này.

TS. Vũ Thành Tự Anh khẳng định, xu thế về chuyển đổi xanh là xu thế của tương lai, đây chính là sự đánh đổi giữa ngắn hạn và dài hạn. Nếu chúng ta đầu tư vào chuyển đổi xanh ở thời điểm này thì trong ngắn hạn, có thể sẽ tốn nhiều chi phí và tăng trưởng có thể chậm lại. Tuy nhiên, vấn đề là liệu chúng ta có nên tiếp tục chạy theo tăng trưởng với cái giá phải trả là cạn kiệt tài nguyên và tổn hại đến môi trường hay không? Do đó, TS. Vũ Thành Tự Anh đề nghị cần có một cam kết nhất quán, một tầm nhìn dài hạn và một lộ trình cụ thể để đi từ ngắn hạn đến dài hạn, nhờ đó xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.

Thông điệp gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright gửi thông điệp tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Kết thúc Phiên Toạ đàm cấp cao trong phần thông điệp của các chuyên gia gửi tới Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhắn gửi rằng: Thời thế đã thay đổi, vị thế của Việt Nam cũng đã đổi thay. Trong bối cảnh mới này, cần có một "hệ điều hành" khác mới có thể tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng. Lâu nay chúng ra loay hoay với tái cơ cấu vì chúng ta dùng một cơ cấu cũ để thay đổi chính nó. Thay vào đó, cần thúc đẩy các nhân tố mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tạo ra cơ hội và sức bật mới. Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai của Việt Nam, vì vậy hãy để lại cho các thế hệ tương lai một nền kinh tế bền vững và lành mạnh hơn.

Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 – Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

  • Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'