Khởi đầu của Sáng kiến Học viện Chính phủ số - Chương trình đồng kiến tạo cho sự phát triển của các địa phương thông qua chuyển đổi số
October 11, 2023

Khởi đầu của Sáng kiến Học viện Chính phủ số - Chương trình đồng kiến tạo cho sự phát triển của các địa phương thông qua chuyển đổi số

October 11, 2023

Cảm kích, sôi nổi và truyền cảm hứng là những tính từ mà cả ban tổ chức và đại biểu tham dự từ các tỉnh thành dành cho Hội thảo Đối tác Lãnh đạo Quản trị Tài sản Công trong Kỷ nguyên số, do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đồng tổ chức vào ngày 6 tháng 10 vừa qua tại Đại học Fulbright Việt Nam. Hội thảo này là bước khởi đầu cho việc hình thành Học viện Chính phủ số, nơi cung cấp các chương trình đào tạo cho cán bộ nhà nước kiến thức thực tế để giải quyết hiệu quả các thách thức về chuyển đổi số, cụ thể trong quản trị tài sản công.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh FSPPM

Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia quản trị công cao cấp, Chủ nhiệm Chương trình ứng dụng Công nghệ đột phá cho quản trị tài sản công (DT4PAG), Ngân hàng Thế giới, trong phần phát biểu của mình đã đưa ra ví dụ về một tai nạn giao thông thương tâm trong tháng 9 vừa qua khi một phương tiện chở khách liên tục vượt tốc độ trong một thời gian dài đã gây tai nạn khiến nhiều người thiệt mạng.

Bà Trần Thị Lan Hương điều phối phiên thảo luận mở: Thách thức quản trị tài sản công tại các địa phương của Việt Nam. Ảnh FSPPM

Dữ liệu về nhiều lần vượt tốc độ này vốn đã sẵn có, nên nếu các địa phương, Bộ Giao thông Vận tải hoặc Cục Đường bộ có thể sử dụng được thì những tai nạn thảm khốc như vậy đã có thể được ngăn chặn. Bà nhấn mạnh mục tiêu của Chương trình DG4PAG là hướng đến hỗ trợ các địa phương ứng dụng các nền tảng số và dữ liệu để đưa ra những quyết định dựa trên dữ liệu. Về cơ bản là các lãnh đạo sẽ biết được địa phương mình có các tài sản gì (hạ tầng, giao thông, đô thị, nhà công, đất đai, v.v..), các tài sản công này đang ở đâu, đang được sử dụng như thế nào, giá trị ra sao, để ra các quyết sách phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương được tốt hơn.

Giáo sư Ashok Kumar trình bày Keynote speech chủ đề Quản trị tài sản công: Dẫn dắt, Đổi mới, Thực hiện. Ảnh FSPPM

Bên cạnh bài phát biểu của các chuyên gia thì phần trình bày của Giáo sư Ashok Kumar, Giám đốc Đào tạo cấp cao về Chính phủ số, Khoa Khoa học máy tính, Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ đã giúp các đại biểu có một cái nhìn tổng quan - một khung tham khảo để từ đó nhìn nhận các vấn đề về chuyển đổi số trong các lĩnh vực mà mỗi người quan tâm. Ông đã dành thời gian nghiên cứu về Việt Nam và đã nêu ra một lợi thế trong thế kỷ 21 của Việt Nam mà nhiều nước phải ghen tị đó là xu hướng rất tích cực về mặt dân số. Tuy nhiên nhu cầu của lực lượng này là rất cao và nếu chính phủ không chú trọng đáp ứng những nhu cầu cho họ như môi trường sạch, di chuyển an toàn, hợp lý thì phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, vì nhân tài sẽ di cư, đầu tư sẽ suy giảm. Do đó việc quản lý và tối ưu hóa tài sản công trở thành một nhu cầu khẩn cấp, mang lại sự hấp dẫn để người tài phát triển ở trong nước, dẫn đến tăng trưởng GDP. Qua đó ông nêu ra ba vai trò của các nhà lãnh đạo: Vai trò dẫn dắt, đi đầu - Vai trò thích nghi trong một thế giới không ngừng thay đổi - Vai trò hợp tác đồng sáng tạo.

Giáo sư Ashok Kumar Seetharaman trình bày Keynote speech chủ đề Quản trị tài sản công: Dẫn dắt, Đổi mới, Thực hiện. Ảnh FSPPM

Một ví dụ mà Giáo sư Ashok Kumar đưa ra là sự thành công của ứng dụng di động OneService ở Singapore, một nền tảng toàn diện cho phép người dân phản hồi và được giải quyết nhanh chóng các vấn đề của thành phố mà không cần phải tìm ra cơ quan Chính phủ hoặc hội đồng thị trấn nào để liên hệ. Qua đó Giáo sư Ashok nhấn mạnh người dân vốn có những nhu cầu của họ và chính phủ chỉ có thể thành công khi phối hợp cùng nhau, cung cấp dịch vụ công cho người dân một cách liền lạc, nhanh chóng và kịp thời.

Đại biểu Phan Quý Phương (bên trái), Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại biểu Phạm Thiện Nghĩa (bên phải), Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp chia sẻ những thách thức và thành tựu trong quản trị tài sản công tại địa phương. Ảnh FSPPM

Tham gia phiên thảo luận mở Thách thức quản trị tài sản công tại các địa phương của Việt Nam, lãnh đạo của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp đã có phần chia sẻ các vấn đề mà địa phương mình đang phải đối mặt, cũng như các công cụ về chuyển đổi số, các công cụ phân tích dữ liệu mà họ đang sử dụng để hỗ trợ để tăng cường các trụ cột phát triển của địa phương, tạo ra những động lực phát triển mới cho địa phương.

Ba phiên tham vấn chuyên sâu và trình bày kết quả thảo luận về các chủ đề Hạ tầng đô thị, Quản lý đất đai và Nhà công sản của các đại biểu tham dự. Ảnh FSPPM

Các đại biểu tham dự đã tham gia phiên thảo luận tham vấn chuyên sâu với các điều phối viên là chuyên gia của FSPPM, World Bank và SECO về ba chủ đề bao gồm Hạ tầng đô thị, Quản lý đất đai, và Nhà công sản. Đại diện của từng nhóm đã có phần trình bày tổng kết sống động những đóng góp ý kiến của nhóm mình về ba chủ đề này. Đây sẽ là chất liệu rất quan trọng để nhóm chuyên gia dự án bao gồm Ngân hàng thế giới, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright và Chuyên gia từ Đại học Carnegie Mellon có đủ thông tin đầu vào để bắt đầu các công việc tiếp theo bao gồm thiết kế xin ý kiến, lắng nghe bài toán từ các địa phương khác và tiếp tục dùng các thông tin đầu vào đó để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực sự của các địa phương.

TS. Huỳnh Nhật Nam, Phụ trách Dự án, Giảng viên, Nghiên cứu viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright giới thiệu về Chương trình đào tạo của Học viện Chính phủ số. Ảnh FSPPM

Các bước tiếp theo sẽ được triển khai trong giai đoạn tới của Sáng kiến học viện Chính phủ số bao gồm:

  • Bước 1: Tiếp thu và chắt lọc tất cả ý kiến của các đại biểu đã đóng góp trong hội thảo để thiết kế bộ khung chương trình đào tạo có thể trang bị kỹ năng, kiến thức và giúp các địa phương từng bước giải quyết các vấn đề của mình, sử dụng các công cụ chuyển đổi số.
  • Bước 2: Các chuyên gia đi thực địa (dự kiến vào tháng 12/2023) ở các địa phương sẽ tham gia các khóa đào tạo của Học Viện Chính phủ số trong năm đầu tiên triển khai, để lắng nghe, chia sẻ và trao đổi những điều kiện cụ thể của từng địa phương.
  • Bước 3: Trên cơ sở khung chương trình đã thiết kế, kết hợp các bài toán từ địa phương, nhóm dự án tiến hành tổ chức các khóa đào tạo dành cho 2 nhóm: Nhóm lãnh đạo cao cấp và Nhóm lãnh đạo quản lý (cấp chuyên viên) của các địa phương.

Bên cạnh 3 địa phương được đưa vào danh sách thụ hưởng của năm đầu tiên (Tp. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng), các địa phương được kỳ vọng cũng sẽ tham gia các khóa đào tạo bao gồm Cao Bằng, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bạc Liêu.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu bế mạc. Ảnh FSPPM

Đúng với tinh thần của một chương trình đồng kiến tạo, các chương trình đào tạo của Học viện Chính phủ số được hình thành từ những đóng góp nhu cầu và vấn đề thực tiễn của địa phương, được tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi chính phủ số từ Đại học Carnegie Mellon, Đại học Fulbright Việt Nam, với sự tài trợ và đồng hành của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Với kiến thức và các vấn đề đa dạng, việc thực hiện chương trình đào tạo này sẽ là cơ sở có thể giúp được nhiều địa phương khác đang gặp phải vấn đề tương tự, không chỉ giúp giải các bài toán cụ thể trước mắt mà có thể giúp cho các bài toán trong tương lai, trong việc làm thế nào để thực sự mang lại những động lực mới cho sự phát triển của các địa phương thông qua chuyển đổi số. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra được một chương trình đào tạo mà qua đó đóng góp được nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.

  • Uyên Vũ

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'