Tổng quan

Được bắt đầu từ 2008, Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp của Việt Nam do Trường Harvard Kennedy (HKS) và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đồng tổ chức, kéo dài 5 ngày tại Trường Harvard Kennedy với sự tham gia của các thành viên cao cấp của Chính phủ từ cấp Thứ trưởng trở lên, do một Phó thủ tướng hoặc Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu.

VELP khởi nguồn từ sáng kiến của Chính phủ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard,  nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách cao cấp Việt Nam tham gia đối thoại với các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về những diễn biến mới nhất về kinh tế - chính trị toàn cầu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, qua đó giúp các lãnh đạo Việt Nam nâng cao tầm nhìn chiến lược và năng lực phân tích chính sách.

Tính đến năm 2019, Trường Fulbright đã đồng tổ chức 7 chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam.

Nội dung chương trình

VELP được thiết kế tập trung vào những vấn đề kinh tế và chính sách quan trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt trong ngắn, trung và dài hạn. Các thành viên tham gia cùng trao đổi và thảo luận với các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về những xu hướng kinh tế toàn cầu, từ đó nhận diện những cơ hội và thách thức của môi trường kinh tế bên ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập. 

Các thảo luận cũng xoay quanh những nghiên cứu cập nhật về kinh tế Việt Nam của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. Đây là những phân tích độc lập, khách quan, sâu sắc và thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhờ vào quá trình nghiên cứu kinh tế Việt Nam một cách toàn diện và liên tục của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard từ cuối thập niên 1980.

Tính đặc thù và độc đáo của chương trình

Không giống những diễn đàn đối thoại chính sách khác ở Việt Nam, VELP khác biệt ở những khía cạnh then chốt sau:

Thứ nhất, VELP tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cùng trao đổi và thảo luận và với các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế toàn cầu. Những diễn giả tham gia trình bày và thảo luận tại VELP đến từ những viện nghiên cứu, các trường đại học danh tiếng, các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới; ý kiến của họ luôn được các nhà hoạch định chính sách tại Washington, Brussels hay Bắc Kinh lắng nghe. Điểm đặc biệt là những diễn giả này đang ở trung tâm của những dòng chảy chính định hình xu hướng chung của nền kinh tế thế giới, nên cho dù không nhất thiết phải đồng ý, nhưng những quan điểm, cách nhìn nhận và tiếp cận của họ đều rất đáng để tham khảo. Đây cũng chính là việc mà các nước năng động nhất ở châu Á cũng như nhiều nơi trên thế giới đã và đang thực hiện.

Thứ hai, VELP được thiết kế đặc biệt để tập trung vào những vấn đề kinh tế và chính sách mà Việt Nam đang phải đối mặt trong ngắn, trung và dài hạn. Mặc dù một số nội dung được đề cập có liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng tất cả điều được thiết kế để giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nắm bắt một cách tốt hơn về những cơ hội và thách thức của môi trường kinh tế bên ngoài mà nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập. Chính phủ Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách ở Hà Nội. Tuy nhiên, đối tượng tham gia, và nhất là diễn giả ở các diễn đàn này thường là những khuôn mặt quen thuộc với quan điểm được lặp đi lặp lại. Ngược lại, VELP cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cơ hội tiếp cận với những phân tích sâu sắc, những góc nhìn mới mẻ mà các diễn đàn ở Việt Nam thường không có được.

Thứ ba, tại VELP các nghiên cứu cập nhật về kinh tế Việt Nam của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Đây là những phân tích độc lập, khách quan và thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Hiếm có tổ chức quốc tế nào đã tìm hiểu và nghiên cứu về Việt Nam một cách lâu dài và liên tục như Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. Không giống như các nhà tài trợ, việc tư vấn chính sách của Harvard không dựa vào một chương trình nghị sự và chính sách toàn cầu được quyết định ở bên ngoài Việt Nam. Cũng không như các công ty tư vấn có tính thương mại, việc tư vấn chính sách của Harvard không bị ảnh hưởng bởi những ước muốn phải làm hài lòng khách hàng dù là là chính phủ hay doanh nghiệp. Sự khách quan của Harvard đã cho phép chương trình có được một lịch sử nghiên cứu chính sách đáng tin cậy, chân thực, thẳng thắn với những khuyến nghị giàu tính thực tiễn.

Các thành viên của Chính phủ đã từng tham dự VELP đã có những đánh giá cao về  Chương trình này ở những khía cạnh: (1), VELP đã cung cấp những quan điểm và  nhận thức mới, sâu sắc về những vấn đề kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU vốn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam; (2), VELP là một cơ hội để học hỏi và phản ảnh quan điểm trong một không gian thư giãn tại khuôn viên của một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới; (3), ở VELP, các thành viên có thể lắng nghe, đặt câu hỏi và thảo luận với những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực liên quan; (4), VELP đã làm cho họ nhìn nhận lại những giả định của mình về nền kinh tế Việt Nam, nhất là những yếu tố liên quan đến triển vọng duy trì tăng trưởng cao.

Các chủ đề VELP gần đây

VELP 2019 

Chương trình được thực hiện từ 2 – 6/12/2019 tại trường Harvard Kennedy School, Boston, Hoa Kỳ. Chủ đề của chương trình là làm thế nào để tăng cường sức mạnh của Việt Nam một cách toàn diện về chính trị, kinh tế và công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị toàn cầu đang biến động phức tạp.

Bên cạnh những học giả nổi tiếng từ Harvard như GS. Jason Furman, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Obama và GS. Anthony Saich, Giám đốc Trung tâm Ash, một chuyên gia hàng đầu thế giới về Trung Quốc, VELP 2019 còn đón nhận nhiều diễn giả là lãnh đạo đến từ những tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ như Google, Facebook và Amazon, thảo luận những xu hướng có tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ số và chuyển đổi số. 

Thông qua các thảo luận về cách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ đám mây, an ninh mạng, và cải cách dịch vụ công nhờ cách mạng kỹ thuật số, ý kiến của các chuyên gia hàng đầu đem đến cho những nhà hoạch định chính sách Việt Nam những phân tích mới mẻ và góc nhìn thực tiễn để sẵn sàng đối diện với các thách thức chính sách trong tương lai.

Đoàn VELP của Việt Nam gồm 15 thành viên do Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương dẫn đầu.

Giảng viên

VELP có sự tham gia của các học giả hàng đầu tại Đại học Harvard và các giảng viên uy tín của FSPPM