Thông tin chung

Sáng kiến Học viện Chính phủ số Việt Nam (Digital Government Academy - DGA) là cấu phần quan trọng Chương trình Ứng dụng Công nghệ đột phá cho Quản trị Tài sản công (DT4PAG) do World Bank khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright là đối tác chiến lược được lựa chọn để triển khai Sáng kiến. DGA hướng đến mục tiêu trang bị kỹ năng, kiến thức và nhận thức giúp tăng cường năng lực làm việc trong môi trường số trên góc độ quản lý tài sản công cho lãnh đạo và cán bộ, công chức tại các tỉnh và thành phố. DGA cũng hướng đến phát triển mạng lưới các Trung tâm Xuất sắc (CoE) để kết nối các đối tác trong nước và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp  nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức trong chuyển đổi số mà các địa phương đang đối mặt. 

Brochure | Xem thêm

Hoạt động kết nối

Tăng cường sự tham gia của các đối tác là một mục tiêu quan trọng trong DT4PAG và DGA. Nguyên tắc xuyên suốt của chương trình là ưu tiên hợp tác với những địa phương thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới giải quyết các thách thức quản trị tài sản công thông qua các nền tảng công nghệ và đổi mới dữ liệu. Trong giai đoạn đầu triển khai từ năm 2023, DGA ưu tiên bốn tỉnh, thành tiên phong gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Đồng Tháp. DGA cũng mời gọi và khuyến khích sự tham gia chủ động của các tỉnh, thành trên cả nước trong các hoạt động đào tạo, hội thảo, diễn đàn trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, v.v…

Ngoài ra, Sáng kiến DGA hướng đến phát triển mạng lưới các Trung tâm Xuất sắc (CoE) để kết nối các đối tác trong nước và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức trong chuyển đổi số mà các địa phương đang đối mặt. Mạng lưới COE sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành củng cố các nền tảng công nghệ và thực hành quản trị dữ liệu mở, cung cấp ý kiến tư vấn, đánh giá cho các địa phương hợp tác với từng tình huống quản trị tài sản công cụ thể và gợi mở các phương án chuyển đổi số phù hợp với kỳ vọng của địa phương. Fulbright sẽ đóng vai trò là một COE trọng điểm tại Việt Nam và đầu mối kết nối các COE Việt Nam với thế giới. 

Khóa đào tạo

Sáng kiến DGA hướng đến cung cấp các kỹ năng số cần thiết cho cán bộ khu vực công để có thể lãnh đạo và thực hiện thành công chuyển đổi số tại địa phương. Mỗi năm, DGA sẽ hợp tác với 3-5 tỉnh, thành để triển khai các chương trình đào tạo với phương pháp giảng dạy chính là phân tích tình huống. Tình huống sẽ được xây dựng riêng cho mỗi địa phương theo bài toán thực tế của từng tỉnh, thành. Chương trình đào tạo sẽ cung cấp cả kiến thức cơ bản và kỹ năng chuyên môn cho 02 nhóm đối tượng riêng biệt: Nhóm lãnh đạo cao cấp (ELP) và nhóm Cán bộ quản lý (MLP).

Chương trình Lãnh đạo cao cấp (ELP) được thiết kế dành cho các lãnh đạo cấp Sở trở lên với mục đích cung cấp kiến thức cập nhật về những xu hướng và thách thức mới nhất mà các nhà lãnh đạo chuyển đổi số khu vực và thế giới đang phải đối mặt, đồng thời tạo không gian trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo chuyển đổi số giữa các địa phương. Mỗi năm DGA sẽ tổ chức một khóa học ELP dưới dạng hội thảo kéo dài 2 ngày.

Chương trình Cán bộ quản lý (MLP) được thiết kế dành cho cán bộ cấp trung và cấp chuyên viên. Mỗi năm DGA sẽ tổ chức hai khóa MLP, mỗi khóa học gồm hai lớp chuyên sâu, mỗi lớp kéo dài từ 2 đến 2.5 ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các lớp MLP sẽ có các bài giảng và thảo luận nhóm, tập trung phân tích các nghiên cứu tình huống thực tế của nhiều địa phương để tìm và phát triển các giải pháp cụ thể cho từng vấn đề.

 

Báo cáo/ Nghiên cứu

  • Khung kiến ​​thức: Skills-framework-v2-3.pdf
  • Báo cáo khởi động
  • Nghiên cứu tình huống
  • Báo cáo giữa kỳ
  • Báo cáo cuối kỳ