Dự án Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân

Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tài trợ cho FSPPM số tiền tổng cộng $70.000 để thực hiện dự án Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII). Nhóm nghiên cứu FSPPM phải xây dựng kế hoạch kêu gọi các tỉnh nộp đề án đồng thời chọn lựa những tỉnh có đủ năng lực sáng tạo để thử nghiệm các sáng kiến số vì người dân và thực hiện nghiên cứu khảo sát để xây dựng chương trình đào tạo năng lực kỹ thuật số cho cán bộ khu vực công. Mục tiêu của dự án nhằm tìm ra và hỗ trợ các tỉnh có khả năng thực hiện thành công các sáng kiến kỹ thuật số vì người dân.

Trong khuôn khổ của dự án, Triển lãm số CPII Digital Expo lan tỏa tinh thần "sáng tạo vì người dân" và giúp UNDP cùng với các đối tác tiếp cận và hợp tác với các tỉnh có tư duy sáng tạo để nhân rộng quy mô của các sáng kiến kết nối với người dân và cải thiện quản trị. Triển lãm dự kiến sẽ trở thành một sân chơi chung nơi các tỉnh/thành giới thiệu những giải pháp, ý tưởng sáng tạo và chia sẻ các bài học kinh nghiệm, đồng thời xây dựng một cộng đồng áp dụng đổi mới sáng tạo và "kho sáng kiến" cho các vấn đề hiện hữu tại địa phương.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Dự án tư vấn chiến lược phát triển cho Hải Phòng

Vào tháng 7 năm 2021, theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, nhóm nghiên cứu FSPPM bắt đầu thực hiện dự án tư vấn chiến lược phát triển cho thành phố Hải Phòng. Các chuyên gia Fulbright đã thực hiện nghiên cứu sơ bộ để đánh giá vị thế hiện tại của tỉnh và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. đoàn công tác của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đã trình bày báo cáo về đề xuất định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030 trong cuộc họp với Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện các Sở, ban, ngành cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Thành viên của đoàn công tác đã trình bày về tiến độ thực hiện dự án và các kết quả nghiên cứu chính mà nhóm đã thực hiện. Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng trong giai đoạn 10 năm vừa qua, cùng sự thay đổi vị thế của Thành phố so với thời kỳ đầu thành lập. Nghiên cứu của nhóm đặt Hải Phòng trong tương quan so sánh với 10 tỉnh/thành có năng lực cạnh tranh và vị thế hàng đầu cả nước. Báo cáo chỉ ra những hạn chế của mô hình tăng trưởng hiện tại qua các chỉ báo kinh tế vĩ mô, phân tích các hiệu ứng đô thị hành lang và lựa chọn chiến lược của Hải Phòng, tóm lược phân tích SWOT và gợi mở một số định hướng, giải pháp phát triển cho giai đoạn tới.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Dự án Định hướng Phát triển Kinh tế cho tỉnh Hậu Giang

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa hoàn thành dự án đề xuất Định hướng chiến lược phát triển kinh tế cho tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả của dự án là đầu vào và là căn cứ quan trọng để tỉnh Hậu Giang lập các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 10 năm tới cũng như chuẩn bị cho việc triển khai lập quy hoạch tích hợp tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Nhóm nghiên cứu FSPPM dẫn đầu bởi TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc FSPPM, thực hiện dự án từ tháng 5/2021 và hoàn thành báo cáo nghiệm thu vào cuối tháng 8/2021. Dự án phân tích hiện trạng phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang đặt trong bối cảnh phát triển chung, các xu thế lớn diễn ra trên phạm vi vùng ĐBSCL, quốc gia và toàn cầu, định vị năng lực cạnh tranh chung của tỉnh Hậu Giang và đánh giá năng lực cạnh tranh của ba ngành trọng điểm: công nghiệp chế biến-chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao và logistics. Từ đó, dự án đưa ra các đề xuất về mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; cùng với chiến lược phát triển và giải pháp ưu tiên trong giai đoạn 2021-2030.

Nhóm nghiên cứu sử dụng các công cụ phân tích và tổng hợp trên quy mô lớn các tài liệu thống kê, số liệu thứ cấp và các nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện tự nhiên, địa lý, văn hóa và kinh tế của vùng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Kết hợp là các chuyến đi khảo sát thực địa các khu nông nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông đường thủy, đường bộ quan trọng và các doanh nghiệp lớn hoạt động tại tỉnh Hậu Giang và khảo sát, phỏng vấn sâu các ban, ngành và doanh nghiệp địa phương về hiện trạng và các nút thắt phát triển của tỉnh. Vì tình hình dịch bệnh Covid-19, buổi báo cáo và thảo luận các kết quả nghiên cứu và các đề xuất định hướng về chiến lược phát triển giữa nhóm nghiên cứu, UBND và Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đã được tổ chức trực tuyến trong tháng 7/2021.

Dự án đề xuất các mục tiêu phát triển cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 hướng tới xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2025-2030 đưa tỉnh Hậu Giang trở thành địa phương có trình độ phát triển công nghiệp ở mức khá; và đến năm 2050, đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước với GRDP bình quân đạt mức 13.000 USD/người.

Dự án cũng đề xuất các định hướng chiến lược tổng thể để tỉnh Hậu Giang đảo ngược từ “vòng xoáy đi xuống” thành “vòng xoáy đi lên”, cùng với các chiến lược cụ thể cho 4 lĩnh vực: Phát triển công nghiệp, phát triển nông nghiệp-nông thôn, phát triển các cụm ngành mũi nhọn và phát triển, phân bổ đô thị.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Tái cấu trúc kinh tế tỉnh An Giang

Tạo đột phá hướng đến phát triển bền vững. 

Trường FSPPM đã đồng hành cùng tỉnh An Giang trong việc xây dựng đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh An Giang – tạo đột phát hướng đến phát triển bền vững. Đề án được kỳ vọng là tài tiệu tham khảo quan trọng cho cho công tác xây dựng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sự khác biệt của Đề án là quá trình vừa nghiên cứu, vừa thảo luận, vừa chuyển giao các tư duy, cách nhìn mới trong phát triển kinh tế và quản trị địa phương. Theo đó, đột phá ở đây không chỉ bao gồm đột phá trong các nhiệm vụ, hoạt động tái cơ cấu kinh tế, mà còn phải đột phá ngay trong tư duy quản lý và điều hành địa phương.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Chiến lược phát triển kinh tế của Thái Nguyên và vai trò của Samsung

Đề án nghiên cứu của Trường FSPPM về chiến lược phát triển kinh tế của Thái Nguyên và vai trò của Samsung giúp đánh giá năng lực cạnh tranh của Thái Nguyên, đồng thời phân tích một cách sâu sắc vai trò của Samsung đối với sự phát triển dài hạn của Thái Nguyên, từ đó đề xuất các chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn tới 2035.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Sáng kiến Chính sách công Hạ vùng sông Mekong

Sáng kiến Chính sách công Hạ vùng sông Mekong (LMPPI) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. LMPPI thúc đẩy trao đổi kiến thức, học hỏi và đối thoại về chính sách công để hỗ trợ phát triển kinh tế mang tính bền vững về môi trường, tăng năng suất nông nghiệp và cải thiện sinh kế của các hộ gia đình ở năm quốc gia nằm trên khu vực hạ vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Hoạt động của LMPPI được thiết kế để thúc đẩy hiểu biết về mối liên hệ giữa nước-thực phẩm-năng lượng và giúp đáp ứng nhu cầu của những nhà lãnh đạo địa phương là tiếp cận với những phân tích chính sách có nền tảng nghiên cứu khoa học để hỗ trợ thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn cho đô thị (BUDF)

Tính toán tính kết nối, khả năng phục hồi và nhu cầu của mạng lưới xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh (BUDF)

Dự án nghiên cứu “dữ liệu lớn” đầu tiên của Trường FSPPM ra đời nhằm tối ưu hóa quản lý và vận hành hệ thống xe buýt công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các mô hình phân tích hoạt động mạng lưới giao thông công cộng được xây dựng trong dự án phục vụ thiết thực cho yêu cầu đánh giá toàn diện và khách quan hoạt động của mạng lưới xe bus. Đây là dự án đầu tiên đánh giá độ ổn định trong vận hành của mạng lưới buýt dựa trên dữ liệu GPS trong quá khứ. Đặc biệt, các bộ công cụ này hoàn toàn có thể mở rộng để tích hợp các phương tiện giao thông công cộng khác (ví dụ như các tuyến metro) trên địa bàn thành phố.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Diễn đàn Chính sách công Châu Á

Diễn đàn Chính sách công Châu Á là sự kiện thường niên tập hợp các học giả, nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo trong khu vực doanh nghiệp và xã hội dân sự cùng nhau thảo luận những vấn đề quan trọng trong khu vực. Mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy tương tác giữa những chuyên gia tư duy hàng đầu như một biện pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và trao đổi thông tin trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Diễn đàn do Chương trình Indonesia ở Trường Harvard Kennedy tại Viện Nghiên cứu về châu Á Rajawali (RFIA), Trung tâm Quản trị và Đổi mới Dân chủ Ash phối hợp tổ chức. Chủ đề của những diễn đàn trước đây bao gồm chính sách năng lượng, mạng lưới an toàn xã hội, quản lý thiên tai và chính sách năng lượng. 

Xem thêm chi tiết tại đây.

Khóa học Mùa hè YSEALI Fulbright 2015

Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam và FSPPM phối hợp tổ chức khóa học mùa hè YSEALI Fulbright. Khóa học mùa hè YSEALI Fulbright tiếp đón 160 đại biểu YSEALI từ khắp Việt Nam đến tham dự chương trình kéo dài hai tuần vào tháng 8 năm 2015 tại cơ sở FSPPM ở TP.HCM. Trong khuôn khổ của chương trình, những người tham dự gia tăng kiến thức về những vấn đề của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn của bản thân để giúp Việt Nam hiện thực được tiềm năng của mình.

Xem thêm chi tiết tại đây.

Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Để thực hiện khát vọng không chỉ duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các thành phố thành công trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á nói chung, UBND TP.HCM đã đề nghị Trường FSPPM xây dựng đề án Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Trong năm 2019, Trường Fulbright đã hoàn thành giai đoạn một của đề án.

Xem thêm chi tiết tại đây.