“Đối với những ai thật sự muốn chìm trong một không gian học tập, nghiên cứu thì trường Fulbright cung cấp một môi trường rất lý tưởng. Tại đây bạn được gặp bạn bè là những người có cùng niềm ham thích học tập và các thầy cô – những người có chuyên môn đa dạng với phong cách giảng dạy khác nhau - hết mình hỗ trợ học viên. Ngoài những bài giảng trên lớp, chúng tôi còn có cơ hội tìm hiểu thêm về những sự kiện đang diễn ra cũng như xu hướng phát triển của các nước trên thế giới thông qua các buổi thảo luận chính sách với những học giả hàng đầu thế giới được tổ chức định kỳ tại Trường Fulbright.” 

 Nguyễn Thị Xuân Hường, học viên MPP2020 chuyên ngành Phân tích chính sách; Đồng sáng lập TUVA Communications

Tổng quan

Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP) của FSPPM là chương trình đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo về chính sách công, lãnh đạo và quản lý theo chuẩn mực giáo dục Hoa Kỳ. Chương trình MPP của FSPPM được thiết kế theo mô hình của Trường Harvard Kennedy, được cập nhật những phát triển mới nhất trong đào tạo chính sách công, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh đặc thù của Việt Nam.

Chương trình MPP chuyên ngành Phân tích chính sách được thiết kế nhằm trang bị cho học viên tư duy hiện đại, lý thuyết nền tảng, và công cụ định lượng mới nhất để phân tích, thiết kế, thực thi, và đánh giá chính sách. Học viên học tập trung  trong 15 tháng (bao gồm 9 tháng tập trung toàn thời gian, 6 tháng tập trung bán thời gian) và được nhận bằng Thạc sĩ Chính sách công (chuyên ngành Phân tích chính sách) do Hiệu trưởng trường Đại học Fulbright Việt Nam cấp.

Chương trình đào tạo

Các môn học được tổ chức một cách toàn diện và có hệ thống. Ngoài những môn học bắt buộc, nhà trường cung cấp nhiều môn học tự chọn để học viên có thể tự thiết kế chương trình theo nhu cầu riêng của mình.

Chương trình đào tạo bằng Thạc sĩ Chính sách công chuyên ngành Phân tích Chính sách bao gồm 34 tín chỉ các môn học bắt buộc, 4 tín chỉ môn Triết học, 20 tín chỉ các môn tự chọn, môn Nghiên cứu thực địa, và luận văn tốt nghiệp tương đương 12 tín chỉ. 

Học viên của chuyên ngành này sẽ học chung với chuyên ngành Lãnh đạo và Quản lý các môn như Nhập môn chính sách công, môn Triết học và các môn tự chọn.

Các môn tự chọn được nhóm thành 03 Định hướng Chính sách như sau:

  • Phân tích tài chính và đầu tư
  • Phát triển kinh tế - xã hội
  • Chính sách nhà nước và doanh nghiệp

Học viên hoàn thành đầy đủ các môn học tự chọn thuộc 01 trong 03 Định hướng Chính sách trên sẽ được ghi nhận trên Bảng điểm tốt nghiệp.

Xem thêm chi tiết chương trình đào tạo bằng Thạc sĩ Chính sách công - chuyên ngành Phân tích Chính sách tại đây.

 

 

Học viên của chuyên ngành này sẽ học chung với chuyên ngành Phân tích Chính sách các môn như Nhập môn chính sách công, môn Triết học và các môn tự chọn (ngoại trừ những môn mang tính kỹ thuật như Phân tích tài chính và Thẩm định đầu tư công).

Điều kiện tốt nghiệp

  • Hoàn thành ít nhất 70 tín chỉ theo yêu cầu của chương trình.
  • Bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
  • Hoàn thành yêu cầu về năng lực tiếng Anh theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tóm tắt lộ trình học tập:

Kết quả học tập

Học viên ra trường đạt được những chuẩn mực cao về kiến thức, năng lực và phẩm chất để sẵn sàng cho mọi cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà phân tích chính sách hàng đầu, giảng viên đại học và những nhà quản lý thành công trong khu vực doanh nghiệp. Với những kiến thức và kỹ năng được trang bị từ Trường Fulbright, học viên có thể tiếp tục học hỏi trong suốt chiều dài sự nghiệp, có thể lãnh đạo và hợp tác hiệu quả, cũng như có thể tư duy một cách chiến lược. 

Tri thức

  • Nắm vững các nền tảng lý thuyết, học thuật, phương pháp và thực tiễn trong lĩnh vực chính sách công và quản lý khi áp dụng tại Việt Nam và trên thế giới
  • Hiểu biết sâu sắc về quá trình chuyển đổi của Việt Nam theo hướng thị trường và hội nhập toàn cầu là nền tảng cho phân tích chính sách
  • Hiểu rõ cách vận hành trong thực tế của quy trình chính sách, bao gồm thiết kế, phân tích chính sách, đề ra giải pháp, thực thi và đánh giá chính sách

Kỹ năng

  • Tư duy phản biện: Học viên được rèn luyện kỹ năng tư duy độc lập, khách quan, mạch lạc và dựa trên bằng chứng về các vấn đề, quan điểm, và sự kiện trước khi đi đến kết luận.
  • Năng lực phân tích, tổng hợp: Học viên phát triển kỹ năng phân tích, tổng hợp một cách hệ thống bằng cách học cách đặt câu hỏi một cách xác đáng, chọn lọc và phân tích bằng chứng một cách cẩn trọng để từ đó đưa ra những kết luận hoặc phán đoán có căn cứ. Học viên có năng lực thiết kế, thực thi, phân tích và thuyết trình các nghiên cứu và phân tích chính sách.
  • Năng lực giải quyết vấn đề: Có khả năng tìm kiếm, phát hiện và xây dựng các giải pháp để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và thực tiễn. 
  • Giao tiếp hiệu quả: Có khả năng trình bày và tương tác hiệu quả với công chúng trong các môi trường đa dạng (cuộc họp chuyên môn, các phiên chất vấn, và hội thảo). Biết soạn thảo các tài liệu chuyên môn như tóm tắt chính sách (policy brief), tóm tắt quyết định (decision memo), tóm tắt nghiên cứu, báo cáo phân tích chính sách, văn bản pháp luật (legislation). 

Phẩm chất

  • Cam kết phụng sự xã hội (Committed): Thể hiện và áp dụng quan điểm phụng sự cộng đồng
  • Năng lực (Competent): Nền tảng vững chắc, cách tiếp cận liên ngành, đa ngành giúp học viên phát triển năng lực phân tích, quản lý thay đổi và đối diện thách thức, có khả năng tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và bền vững. 
  • Kết nối (Connected): Duy trì sự kết nối với cộng đồng chính sách và mạng lưới Fulbright, luôn thể hiện tinh thần hợp tác, tương trợ, và tôn trọng.
  • Tự tin (Confident): Tự tin trong công việc và cuộc sống.
  • Cạnh tranh (Competitive): Có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. 

Học tập thông qua trải nghiệm

Trải nghiệm học tập của bạn ở FSPPM không đóng khung trong khuôn khổ lớp học. Với mục tiêu đào tạo để phụng sự cộng đồng, FSPPM luôn nỗ lực gắn kết chương trình giảng dạy của mình với thực tiễn chính sách công tại Việt Nam. Các buổi thực địa đến các địa phương được Trường tổ chức giúp học viên tìm hiểu chiến lược và hệ sinh thái phát triển cụm ngành ở từng vùng miền, hoặc tìm hiểu các mô hình phát triển hành chính, xã hội thành công tại các địa phương của Việt Nam. 

Ngoài ra, trên cơ sở hợp tác với các trường đại học quốc tế, học viên chương trình MPP còn có cơ hội tham gia các chương trình hội thảo, thực tập ở nước ngoài.

Đối tượng tuyển sinh

Cách thức ứng tuyển

Đọc thêm về quy trình tuyển sinh tại đây

Ứng tuyển trực tuyến trên trang web.