Hội thảo: Quản trị Tài nguyên và Tái Cơ cấu Nông nghiệp  trong Bối cảnh Liên kết ở Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
January 15, 2016

Hội thảo: Quản trị Tài nguyên và Tái Cơ cấu Nông nghiệp trong Bối cảnh Liên kết ở Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

January 15, 2016

Thành phố Cần Thơ, ngày 15 tháng 01 năm 2016

Vào ngày 15 tháng 01, Sáng kiến Chính sách Công Hạ vùng Mekong (LMPPI) và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB) đã cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Quản trị Tài nguyên và Tái Cơ cấu Nông nghiệp trong Bối cảnh Liên kết ở Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”. Với sự góp mặt của 50 khách mời từ nhiều sở ngành liên quan và 06 viện nghiên cứu uy tín của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), hội thảo đã mang đến cho các đại diện cơ quan ban ngành, giới học thuật và các bên liên quan một cái nhìn tổng thể về vai trò cũng như mối tương quan giữa liên kết vùng và quản trị tài nguyên hiệu quả, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong thời gian diễn ra hội thảo, các khách mời đã trao đổi về cơ cấu quản trị tài nguyên nước tại Việt Nam và các vấn đề liên quan như những quy định liên tỉnh về nguồn nước, việc sử dụng và cấp nước nội tỉnh, việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và những tác động của biến đổi khí hậu lên nông nghiệp tại ĐBSCL. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu của LMPPI đã tóm lược hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam trong hai thập kỷ qua, và giới thiệu các kịch bản phát triển tương lai cho ĐBSCL theo một nghiên cứu gần đây do chính phủ Việt Nam và Hà Lan thực hiện. Phần chương trình tái cơ cấu nông nghiệp làm rõ yêu cầu phải phát triển một nền nông nghiệp bền vững tạo ra giá trị cao thông qua việc xây dựng các chuỗi giá trị về gạo, thủy sản và cây ăn quả cho thị trường nội địa cũng như cho xuất khẩu trong khi vẫn đảm bảo được tính bền vững của từng vùng sinh thái với biến đổi khí hậu và dự báo mực nước biển dâng. Vấn đề phân mảng thể chế được phân tích và làm rõ dưới góc độ pháp lý. Tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết vùng được kiểm chứng so sánh bằng các ví dụ điển hình từ các quốc gia khác.

Trong phần thảo luận nhóm cuối hội thảo, các khách mời đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cũng như quan ngại trước những thách thức về tái định hướng chiến lược phát triển của từng tỉnh nói riêng và của cả ĐBSCL nói chung.

Các đại biểu nhận định thấy việc yếu kém trong liên kết vùng và phân mảng thể chế đã làm giảm tiềm năng phát triển kinh tế của ĐBSCL. ĐBSCL đang thiếu hụt một cơ chế quản lý cấp vùng nhằm đảm bảo sự tương hòa giữa các dự án phát triển cấp tỉnh với sự phát triển của cả vùng. Những chia sẻ trong hội thảo cho thấy dịch vụ dành cho người nông dân địa phương vẫn còn rất nhiều điểm yếu kém, chẳng hạn như việc mở rộng các dịch vụ hỗ trợ và khuyến nông, thú y, cung cấp hạt giống, thuốc trừ sâu, máy móc và tiếp cận thị trường cũng còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, việc phối hợp liên kết vùng nhằm xây dựng những công trình hạ tầng kiên cố như thủy lợi và đê kè để mở rộng sản xuất và bảo vệ tài sản khỏi lũ lụt còn khá yếu kém.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là phân mảng thể chế. Hiện tại không có cơ chế nào kiểm soát các khoản đầu tư cấp vùng, và việc sử dụng các dịch vụ, sản xuất và cơ sở hạ tầng công tại ĐBSCL. Phân định đơn vị hành chính vùng ĐBSCL thành 13 tỉnh thành đã tạo ra các rào cản cho việc phối hợp hiệu quả trong đầu tư và quản trị công tại các tỉnh thành cùng có mục tiêu phát triển cũng như chia sẻ các lợi ích chung.

Mặc dù cấu trúc sinh thái của ĐBSCL khá phức tạp, với ba hệ sinh thái riêng biệt – vùng lũ, vùng ngọt, vùng mặn – nhưng vẫn cần có sự phối hợp giữa các vùng nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của cả đồng bằng. Hiện tại, khả năng phối hợp vẫn chưa đạt đến mức độ cần thiết thông qua quá trình phân quyền. Quá trình này giao quyền quyết định cao hơn trong quản trị và đầu tư công đối với các vấn đề sở tại như sử dụng nguồn lực và ngân sách tài chính cho từng tỉnh thành. Hiện nay, quá trình này chỉ làm cho việc phân mảng thể chế càng thêm phức tạp và khó phối hợp.

Hội thảo kết thúc bằng các câu hỏi cần thiết phải trả lời nhằm đặt nền tảng tiền đề cho các nghiên cứu và đối thoại tiếp theo về cách thức xây dựng các liên kết vùng hiệu quả, tăng cường quản trị nguồn lực, và thúc đẩy sự phát triển bền vững tại ĐBSCL.

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'