Trường Fulbright tổ chức Chương trình Đào tạo Cao cấp dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN
December 07, 2021

Trường Fulbright tổ chức Chương trình Đào tạo Cao cấp dành cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN

December 07, 2021

Vào ngày 4-5/12, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức chương trình đào tạo cấp cao với nội dung “Nhà Lãnh đạo Dẫn dắt trong Thế giới Biến động” cho các thành viên trong Ban Giám Đốc, Hội đồng Quản trị, Trưởng các Ban chuyên môn, Văn phòng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Mục tiêu của khóa học nhằm cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau về xu hướng kinh tế toàn cầu và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua các phân tích chính sách kinh tế cập nhật và độc lập được thực hiện bởi các đơn vị nghiên cứu và tư vấn hàng đầu như trường Chính sách công & Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Harvard và nâng cao tầm nhìn chiến lược, khả năng phân tích chính sách và thích ứng cho các lãnh đạo của PVN cùng các đơn vị thành viên đối với những biến đổi của thế giới hiện đại.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khóa học được tổ chức kết hợp giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp tại nhiều điểm cầu. Ban giảng viên tham gia giảng dạy khóa học bao gồm các giảng viên cao cấp của Trường Fulbright như TS. Vũ Thành Tự Anh, ông Nguyễn Xuân Thành và TS. Lê Việt Phú. Ngoài ra, còn có các học giả nước ngoài và các chuyên gia hàng đầu thế giới về chính sách kinh tế, năng lượng và môi trường như GS. David Dapice, GS. Edward Cunningham - Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy (Hoa Kỳ) và GS. Zeger van de Wal - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.

 

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Là một nền kinh tế thâm dụng năng lượng cao, Việt Nam đã sử dụng rất nhiều năng lượng (điện, dầu khí, v.v.) để tạo ra tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu, nền kinh tế Việt Nam có cường độ sử dụng điện cao hơn Trung Quốc và cao gấp đôi Thái Lan mặc dù Thái Lan có điều kiện khí hậu tương đồng và mức độ đô thị hóa cao hơn Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Toàn cầu (COP-26), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh “việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân” và đề xuất nỗ lực để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, chuyển dịch sang các loại năng lượng xanh tạo tiền đề cho phát triển bền vững là xu hướng tất yếu; tuy nhiên xu hướng này cũng đặt ra nhiều thách thức và cơ hội đối với các tập đoàn dầu khí và năng lượng quốc gia.

TS. Lê Việt Phú, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Một trong những thách thức đó là quá trình chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo sẽ tạo ra mâu thuẫn lợi ích trong nội bộ tổ chức. Đầu tư vào các dự án start-up nghiên cứu về công nghệ năng lượng tái tạo cũng đòi hỏi cam kết vốn lớn và tỉ lệ thất bại cao. Để quá trình chuyển dịch diễn ra suôn sẻ và đạt được những mục tiêu theo kỳ vọng đòi hỏi phải có một cơ chế quản trị minh bạch và chặt chẽ ở cấp tập đoàn để chọn lựa và rót vốn vào những dự án có khả năng thành công cao. Trong trường hợp của Trung Quốc, các tập đoàn dầu khí quốc gia áp dụng chiến lược chuyển dịch từng bước (adjacency strategy), ví dụ tập đoàn CNOOC Ltd. có chuyên môn kỹ thuật về khai thác dầu ngoài khơi tập trung đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi. Hoặc tập đoàn Sinopec Group sở hữu 30.000 cây xăng bán lẻ trên toàn quốc đã tìm cách tích hợp các trạm sạc cho xe điện vào các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của mình. GS. Edward Cunningham, chuyên gia năng lượng quốc tế  & cũng là Giảng viên Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy cho rằng những thách thức và khó khăn mà Việt Nam nói chung và PVN nói riêng đang phải đối diện không mang tính đặc thù riêng biệt, vì vậy, thông qua phân tích các tình huống thành công và thất bại của các nước khác, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể rút ra được những bài học và hàm ý quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng của mình.

 

Một nội dung quan trọng khác trong chương trình đào tạo là kỹ năng cho các nhà lãnh đạo trong thế giới VUCA và thời đại số. Với mức độ khó dự đoán và tính nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng xảy ra gần đây như đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá dầu sụp đổ, các nhà lãnh đạo công cần trang bị cho bản thân và đội ngũ của mình những tập hợp kỹ năng có tính linh động cao. Nhà lãnh đạo phải biết cách truyền đi thông điệp chính sách một cách hiệu quả để thành công huy động được sự ủng hộ của công chúng đối với hành động chính sách của mình. Bên cạnh đó, khi thế hệ Gen Z và Gen Y tham gia vào lực lượng lao động và tiến vào các tổ chức công ngày càng nhiều, lực lượng lao động sẽ ngày càng đa dạng về độ tuổi và khả năng tiếp thu kiến thức công nghệ. Từ đó dẫn đến hiện tượng “đào tạo ngược” (reverse training) trong đó những nhân viên trẻ ở độ tuổi 20-30 có thể hướng dẫn các quản lý cấp trên ở độ tuổi trung niên về cách sử dụng các nền tảng công nghệ và mạng xã hội để giao tiếp hiệu quả với công chúng.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trao Chứng chỉ cho học viên khóa học

Kết thúc khóa học, Tổng giám đốc PetroVietnam ông Lê Mạnh Hùng gửi lời cảm ơn đến các giảng viên của Trường Fulbright, Trường Harvard Kennedy và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) đã phối hợp để tổ chức thành công khóa học phù hợp với xu thế và bối cảnh hiện tại của thế giới và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trao Chứng chỉ cho học viên khóa học

“Trong hai năm qua, PVN đặc biệt quan tâm đến quản trị biến động, chúng tôi cũng đặt quản trị biến động và thay đổi lên ưu tiên hàng đầu; chính vì vậy, nội dung chương trình học của khóa học Nhà Lãnh đạo Dẫn dắt trong Thế giới Biến động rất phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện tại và trong tương lai.”

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trao Chứng chỉ cho học viên khóa học

Ông Lê Mạnh Hùng đánh giá cao công tác tổ chức của khóa học và sự tham gia nhiệt tình của các học viên khi trao đổi và thảo luận sôi nổi với các nhà nghiên cứu nước ngoài. Đồng thời, ông cũng hy vọng trong thời gian sắp tới, PetroVietnam và Trường Fulbright có thể tiếp tục đồng hành trong các dự án nghiên cứu khoa học và huấn luyện đào tạo để giải quyết các bài toán khó về năng lượng cho Việt Nam.
  • Quỳnh Chi

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'