FOMC và câu chuyện lãi suất
September 17, 2015

FOMC và câu chuyện lãi suất

September 17, 2015

Nguồn: www.thesaigontimes.vn

Trần Thị Quế Giang*

Gần cả thập kỷ qua, chưa khi nào lãi suất mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại ở mức thấp và kéo dài tới vậy. Sau một chuỗi cắt giảm liên tiếp bắt đầu từ phiên họp tháng 9-2007, lãi suất mục tiêu được ấn định ở mức 0 đến 0,25% từ phiên họp tháng 12-2008 và duy trì tới nay qua hơn năm mươi phiên họp. Suốt thời gian đó, có lẽ chưa khi nào việc Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) quyết định giữ nguyên hay tăng lãi suất lại tạo nên những tranh luận trái chiều như đối với phiên họp ngày 16-17 tháng 9 này.

Xu hướng ủng hộ tăng lãi suất

Từ cuối năm 2014, khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Dallas, Richard W. Fisher đã bỏ phiếu phản đối một số điểm trong quyết định về chính sách tiền tệ của FOMC và khuyến nghị việc điều chỉnh lãi suất sớm hơn thời điểm nghị quyết của các phiên họp đưa ra.

Tại phiên họp tháng 9 và tháng 12-2014, ông Fisher nhấn mạnh niềm tin vào tình hình phục hồi của nền kinh tế Mỹ tốt hơn mức đa số các thành viên FOMC hình dung và những dấu hiệu liên tiếp cho thấy sự phát triển nóng của thị trường tài chính. Tuy nhiên, việc giá dầu giảm mạnh đột ngột khiến lạm phát không nhích lên được phần nào đã cổ vũ FOMC quyết định giữ nguyên mức lãi suất mục tiêu. Thậm chí, FOMC khẳng định duy trì mức này thêm một thời gian dài sau khi chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ vào tháng 10-2015 là cần thiết nếu các chỉ số về thất nghiệp và lạm phát không tiến gần hơn tới mức mục tiêu. Bên cạnh đó, FOMC cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh lãi suất sớm hơn nếu tình hình tiến triển khả quan hơn mong đợi.

Đến cuộc họp tháng 3-2015, khi lạm phát bắt đầu dương trở lại, các chỉ số kinh tế - đặc biệt về tình hình lao động việc làm- vẫn tiếp tục được cải thiện, FOMC dường như đã có một cơ hội để tăng lãi suất. Nhưng biến động tỷ giá đồng euro và những bất ổn từ Hy Lạp đã một lần nữa khiến việc tăng lãi suất bị trì hoãn. Thay vào đó, biên bản cuộc họp khẳng định rõ ràng hơn về các tín hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ và phát tín hiệu chắc chắn hơn về khả năng điều chỉnh lãi suất vào những tháng cuối năm.

Tại phiên họp 15-7-2015, chủ tịch FED, bà Janet Yellen một lần nữa khẳng định nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2015, trên cơ sở các dự báo về tăng trưởng mạnh hơn và thất nghiệp thấp hơn trở thành hiện thực.

Cho tới giữa tháng 8, ngay cả sau khi chứng kiến những biến động mạnh về tỷ giá và chứng khoán ở Trung Quốc cũng như những điều chỉnh trên thị trường chứng khoán Mỹ, đa số kinh tế gia vẫn dự báo FED sẽ tăng lãi suất mục tiêu. Thậm chí sau đợt điều chỉnh sâu của chỉ số DJIA hôm 25-8, James Bullard (Chủ tịch Ngân hàng liên bang St.Louis) và Loretta Mester (chủ tịch Ngân hàng liên bang Cleveland) vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ và cho rằng nền kinh tế hiện hỗ trợ được việc bắt đầu tăng lãi suất.

Quả thực, chiếu theo các biên bản cuộc họp của FOMC, quyết định thời điểm tăng lãi suất phụ thuộc vào hai khía cạnh chính là thị trường lao động và tình hình lạm phát mà những chỉ số này gần đây đều được củng cố theo hướng tích cực. Theo báo cáo gần nhất, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống còn 5,1% so với mức 5,3% hồi tháng 8. Lạm phát tiếp tục dương trở lại, đạt mức 0,2% so với cùng thời điểm tháng 8-2014.

Tóm lại, theo những người ủng hộ việc FOMC tăng lãi suất, quyết định này sẽ đánh dấu chấm dứt quãng thời gian quá dài lãi suất cận 0, bắt đầu thời kỳ bình thường hóa chính sách tiền tệ và là một tín hiệu tích cực khẳng định sự phát triển ổn định trở lại của nền kinh tế Hoa Kỳ. Hơn nữa, tuy không phải sứ mệnh chính của mình nhưng FED cũng không thể không can thiệp trước rủi ro về bong bóng đầu cơ. Và trên hết, uy tín của FED có thể bị ảnh hưởng nếu FED không giữ lời sau nhiều lần ra thông điệp sẽ tăng lãi suất trong năm nay. Vậy điều gì khiến FOMC vẫn lưỡng lự?

Xu hướng giữ nguyên hiện trạng

Ngay khi chỉ số Dow Jones DJIA giảm tới 15.538 điểm hôm 25-8-2015, các nhà đầu tư cũng giảm xác suất FED tăng lãi suất vào tháng 9 từ 48% xuống còn 22%. Cùng với sự phục hồi của DJIA, xác suất này được nâng dần nhưng vẫn chiếm thiểu số. Những người ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất mục tiêu cho rằng tình hình kinh tế Mỹ có khả năng không còn tiếp tục tốt đẹp như đang thấy vì ảnh hưởng tiêu cực từ các nền kinh tế liên đới, đặc biệt là Trung Quốc.

Trên thực tế, từ đầu tháng 6-2015, báo cáo thường niên của IMF về tình hình kinh tế Mỹ đã hạ dự báo tăng trưởng 2015 của Hoa Kỳ từ mức 3.1% còn 2.5%. IMF e ngại việc đồng đô la Mỹ hiện đã bị định giá quá cao do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và do tác động chính sách tiền tệ ở các nước khác, nếu tiếp tục xu hướng tăng giá đồng đô la Mỹ sẽ khiến tăng trưởng của Mỹ khó khăn hơn. Vì thế, IMF khuyến cáo FED tiếp tục duy trì lãi suất mục tiêu 0-0,25% và chỉ nên tăng vào quý I/2016.

Sau những biến cố trên thị trường Trung Quốc, Cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ, Lawrence Summers gợi lại ký ức về khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998. Theo ông, việc nâng lãi suất có thể gây rủi ro cho ổn định tài chính, làm giảm tăng trưởng, giảm lạm phát thậm chí đi tới thiểu phát. Ông cũng cho rằng thị trường tài chính đã tự điều chỉnh rồi nên việc tăng lãi suất ngay lúc này không còn cấp thiết nữa.

Paul Krugman cho rằng dư địa cắt giảm lãi suất của FED không nhiều như thời 1997-1998. Theo ông, nếu quyết định giữ nguyên lãi suất bây giờ có sai thì sau đó FED có thể thay đổi được bằng việc tăng nhanh hơn. Ngược lại, nếu quyết định tăng lãi suất mà sai thì nền kinh tế sẽ rơi vào trì trệ nặng nề khó lòng thoát ra được. Một nhà kinh tế học nổi tiếng khác, Joseph Stiglitz, cũng cho rằng FED tăng lãi suất thời điểm này có thể là quá sớm khi việc làm và mức lương chưa tăng đáng kể, lạm phát còn quá xa để phải lo tăng lãi suất đối phó với lạm phát.

Tóm lại, những người cho rằng FED nên giữ nguyên mức lãi suất mục tiêu hiện tại đều chưa thật tin rằng nền kinh tế đã thực sự phục hồi, lo ngại tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất lên sự ổn định của thị trường tài chính, e ngại đồng đô la tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng phát triển kinh tế Mỹ và đẩy lạm phát lùi xa hơn mục tiêu 2%.

Giữa ngã ba đường

Trong khi giới chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư thể hiện một cách rõ ràng, mạnh mẽ quan điểm về việc FED nên tăng hay giữ nguyên lãi suất mục tiêu thì các thành viên FOMC phát biểu hết sức dè dặt. Thông điệp thị trường nhận được từ các vị này cơ bản vẫn là "chờ, quan sát, đợi xem tình hình ra sao".

Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Atlanta Dennis Lockhart thừa nhận tình trạng đồng đô la mạnh liên, đồng nhân dân tệ suy yếu và giá dầu giảm mạnh khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nhưng ông vẫn kỳ vọng là FED sẽ tăng lãi suất cuối năm nay.

Phó chủ tịch FED, Stanley Fischer tỏ ra thận trọng và trung lập khi trả lời phỏng vấn CNBC. Ông cho rằng ảnh hưởng của biến động tỷ giá nhân dân tệ có thể không lớn nhưng thừa nhận biến động của thị trường chứng khoán, hệ lụy tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc tới các nước trong khu vực và từ đó tác động tới nền kinh tế Mỹ sẽ là những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của FED. Mặc dù không cho rằng có những bằng chứng đáng kể cho thấy rủi ro gia tăng vì việc lãi suất mục tiêu duy trì ở mức cận 0 quá lâu, S. Fischer cũng thừa nhận cá nhân ông không muốn đợi lâu quá mới tăng lãi suất. Ông cũng khẳng định nền kinh tế Mỹ đã trở lại bình thường, FED mong muốn chứng tỏ niềm tin đó với việc bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng liên bang New York William Dudley thì cho rằng với tình hình ở thời điểm cuối tháng 8, quyết định bắt đầu tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ vào tháng 9 trở nên ít cấp thiết hơn. Giữa những quan điểm trái chiều, một gợi ý mở khác là vẫn giữ lãi suất mục tiêu ở phiên họp 16-17 tháng 9 và thể hiện rõ hơn dự định tăng vào tháng 10 hoặc chậm nhất là tháng 12-1015. Hoặc cũng có thể là một mức tăng tượng trưng chừng 1/8 điểm phần trăm thay vì mức thận trọng 1/4 như thường thấy.

Kết luận

Câu chuyện ra quyết định về lãi suất mục tiêu ở phiên họp tháng 9 sắp tới hồi ngã ngũ nhưng bài học về quy trình ra chính sách cũng như tác động của nó đối với chúng ta sẽ còn dài.

Bên cạnh tính độc lập và chuyên nghiệp của FED, tính minh bạch, độ tin cậy, các công cụ hỗ trợ việc ra chính sách và cách truyền tải thông điệp chính sách tới thị trường là những yếu tố hết sức quan trọng tác động đến kết quả cuối cùng của chính sách.

Dù FED có quyết định tăng hay giữ nguyên lãi suất, những thông điệp dự báo nhất quán dựa trên các chỉ báo kinh tế được cập nhật có hệ thống, thường xuyên cũng đã giúp thị trường chuẩn bị tốt trước mọi hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, những thảo luận cởi mở của giới học giả trên cơ sở tự do học thuật, dựa trên các số liệu minh bạch không chỉ góp phần hỗ trợ quyết định của FED mà còn giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở cho các quyết định của mình.

Trên thực tế, tuy đa số các nhà đầu tư hiện tại kỳ vọng FED không tăng lãi suất, nhưng với những thông điệp nhất quán nhận được từ FED trong một thời gian dài, qua các thảo luận của giới học giả cũng như giới chuyên gia, thị trường đã tự điều chỉnh, các nhà đầu tư hẳn đã có phương án phòng thủ (hedge) để nếu quyết định của FED không như họ kỳ vọng thì thị trường cũng không bị rung động mạnh.

* Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'