Nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ
October 20, 2018

Nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ

October 20, 2018

TS. Huỳnh Thế Du (*)

Nguồn: thesaigontimes.vn

Trong các chỉ tiêu hiện hữu, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ nên chuyển thành một chỉ tiêu tham chiếu trong các báo cáo chứ không nên là một chỉ tiêu chính vì ba lý do. Thứ nhất, nó không tương thích với chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Thứ hai, nó có thể bóp méo việc điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ ba, nó làm mất vai trò của tiền đồng cũng như hình ảnh quốc gia.

Sự mâu thuẫn của hai chỉ tiêu

Tăng trưởng GDP thực phản ánh tốc độ tăng trưởng các sản phẩm được tạo ra hàng năm trong nền kinh tế. Ví dụ, giả sử một nền kinh tế chỉ duy nhất trồng lúa với năm trước sản lượng là 1 triệu tấn và năm sau là 1,1 triệu tấn thì tốc độ tăng trưởng là 10%. Do vậy, nó là một con số duy nhất cho dù tính bằng bất kỳ đơn vị tiền tệ nào đó.

Theo nguyên tắc bình thông nhau và tỷ giá đồng tiền được điều chỉnh một cách tự nhiên theo mức chênh lệch lạm phát giữa hai quốc gia thì mức tăng GDP thực bình quân đầu người tính bằng hai loại tiền tệ phải bằng nhau.

Việc đặt ra cả chỉ tiêu tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ sẽ thường dẫn đến tình trạng rất bất thường và các con số mâu thuẫn nhau.

Ví dụ, Nghị quyết Đại hội XI vào năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm trong giai đoạn 2011-2015 là 7-7,5%/năm và GDP bình quân đầu người năm 2015 khoảng 2.000 đô la Mỹ. Con số thực tế là 5,9%/năm và 2.109 đô la Mỹ.

Như vậy, tăng GDP thì thấp hơn kế hoạch rất nhiều, trong khi GDP bình quân đầu người lại vượt kế hoạch. Nguyên nhân là "nhờ" lạm phát cao và mức độ điều chỉnh của tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng thấp hơn mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ rất cao.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020 đã xác định chỉ tiêu tăng GDP bình quân năm trong giai đoạn này là 6,5-7%/năm và GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200-3.500 đô la Mỹ.

Với chỉ tiêu tăng GDP, giả sử tốc độ tăng trưởng dân số giai đoạn 2016-2020 khoảng 1%/năm thì tốc độ tăng GDP bình quân đầu người theo kế hoạch được duyệt sẽ là 5,5-6%/năm.

Khi lạm phát tăng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính sách điều hành tỷ giá không thay đổi (đương nhiên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị giảm) thì sẽ “góp phần” làm tăng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ. Điều này đi ngược lại với quy luật khách quan.

Với chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức tăng danh nghĩa bình quân hàng năm là 8,7-10,7%.

Giả sử mức độ mất giá của đồng đô la Mỹ (lạm phát của Mỹ) trong giai đoạn 2016-2020 bằng với bình quân năm năm trước đó (1,6%) thì tốc độ tăng GDP thực tính theo đồng đô la Mỹ sẽ trong khoảng 7,1-9,1%. Mức này cao hơn rất nhiều so với mức 5,5-6% nêu trên.

Nếu theo con số kế hoạch GDP bình quân đầu người 3.200 đô la Mỹ vào năm 2020 và giả sử mức tăng GDP bình quân đầu người theo các năm là tương đương nhau thì con số của năm 2017 phải là 2.492-2.583 đô la Mỹ. Con số thực tế chỉ là 2.389 đô la Mỹ cho dù mức tăng GDP bình quân hai năm 2016-2017 đúng 6,5% và tốc độ tăng dân số vào khoảng 1%.

Như vậy, khả năng rất cao là tình trạng của giai đoạn 2016-2020 sẽ ngược với giai đoạn 2011-2015. Điều này có nghĩa là chỉ tiêu tăng trưởng GDP thì đạt, nhưng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đồng đô la Mỹ sẽ không đạt.

Làm thế nào có thể đạt được cả hai chỉ tiêu?

Giả sử tỷ lệ lạm phát và mức độ mất giá của tiền đồng trong ba năm 2018-2020 tương đương với hai năm qua thì GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ sẽ chỉ vào khoảng 2.880 đô la Mỹ, bằng 90% so với kế hoạch.

Nhìn vào thực tiễn xảy ra ở các năm trước, để có thể đạt được con số 3.200 đô la Mỹ nói trên thì có thể điều hành chính sách vĩ mô sao cho GDP theo giá danh nghĩa bằng tiền đồng tăng thêm hơn 10% nữa và tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng chỉ như mức thông thường.

Nói như vậy để cho thấy khi lạm phát tăng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính sách điều hành tỷ giá không thay đổi (đương nhiên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị giảm) thì sẽ "góp phần" làm tăng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ. Điều này đi ngược lại với quy luật khách quan.

Trong bài viết 10 năm WTO: thua trên sân nhà đăng trên TBKTSG, số ngày 21-4-2016, tác giả đã chỉ ra đây chính là hiện tượng "phồn hoa giả tạo" - lạm phát càng cao thì tính ra đồng đô la Mỹ thấy mình giàu có hơn nhưng thực chất là đời sống khó khăn hơn.

Tác động tiêu cực đến vai trò của đồng tiền và hình ảnh quốc gia

Tác giả bài viết này hiểu rằng việc đưa thêm chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính bằng đô la Mỹ là để tiện cho việc so sánh Việt Nam với các nước khác. Tuy nhiên, việc sử dụng một đơn vị tiền tệ khác sẽ làm mất đi vai trò của đồng tiền quốc gia.

Thêm vào đó, hãy thử hình dung xã hội sẽ phản ứng như thế nào khi năm 1976 một ai đó đề nghị lấy đồng đô la Mỹ làm đơn vị tính toán và giờ đây là đề nghị sử dụng đồng nhân dân tệ để làm đơn vị tham chiếu? Nhìn ở khía cạnh hình ảnh quốc gia với một góc nhìn toàn diện theo thời gian thì vấn đề rất nhạy cảm và không hay.

Tóm lại, những phân tích nêu trên cho thấy trong những kỳ kế hoạch tới, Việt Nam không nên đưa chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ làm chỉ tiêu chính thức vì nó vừa không khoa học và có thể làm méo mó chính sách vĩ mô, vừa không ổn về hình ảnh quốc gia và vị thế tiền đồng. Đối với trường hợp để tham chiếu và so sánh thì trong các báo cáo đánh giá có thể tính chỉ tiêu này như các chỉ tiêu phân tích khác mà thôi.

(*) Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'