Tháo “vòng kim cô” an ninh lương thực cho Đồng bằng sông Cửu Long
September 09, 2022

Tháo “vòng kim cô” an ninh lương thực cho Đồng bằng sông Cửu Long

September 09, 2022

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về khí hậu và môi trường. Do đó, thay đổi là điều không thể chậm trễ, nhưng vấn đề là thay đổi thế nào để mang lại thành công. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam đã đưa ra nhiều khuyến nghị liên quan đến vấn đề này.

Là người đã có nhiều năm nghiên cứu về kinh tế ĐBSCL, ông nhận định gì về nông nghiệp ĐBSCL?

- Nông nghiệp là thế mạnh nổi trội quan trọng nhất của ĐBSCL và về lâu dài nông nghiệp vẫn sẽ đóng vai trò tối quan trọng trong cơ cấu kinh tế của khu vực này. Nhưng vấn đề là không phải loại nông nghiệp nào cũng tốt. Nông nghiệp mà lạm dụng thuốc trừ sâu, làm suy thoái đất, hủy hoại nguồn nước thì không hề tốt. Nhìn vào các nước có nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hà Lan thì thấy nông nghiệp của họ rất khác so với chúng ta.

Những vấn đề của nông nghiệp ĐBSCL được thể hiện qua 3 vòng xoáy đi xuống. Vòng xoáy thứ nhất là về kinh tế. Với sứ mệnh được giao là phải đảm bảo an ninh lương thực, đất đai của ĐBSCL phải giữ cho trồng lúa, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng chủ yếu để ngăn mặn, giữ ngọt thay vì các cơ sở hạ tầng hiện đại như giao thông, vận tải. Điều này khiến cho cơ cấu kinh tế của ĐBSCL bị tụt hậu và chậm thay đổi.

Vòng xoáy thứ hai là về xã hội. Khi kinh tế không phát triển, lao động trẻ của ĐBSCL sẽ di cư khiến nơi này bị thiếu hụt lực lượng lao động có tri thức, có khả năng học hỏi nhanh, cùng với đó là tỷ lệ già hóa tăng lên. Khi không có lao động, ĐBSCL sẽ không thể thu hút các nhà đầu tư đến đây xây dựng nhà máy. Điều này lại làm trầm trọng thêm vòng xoáy đi xuống về kinh tế.

Vòng xoáy thứ ba là biến đổi khí hậu. Do tập trung quá nhiều cho an ninh lương thực, phải thâm canh hai, rồi ba vụ lúa dẫn đến việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để tăng năng suất. Hệ quả là môi trường đất, nước, và sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công trình đê bao, cống đập ra đời, khiến cho môi trường của ĐBSCL ngày một trở nên tù túng và ô nhiễm. Nói một cách hình tượng, nước là tài nguyên số một của ĐBSCL, thế mạnh của ĐBSCL nằm ở sự trôi chảy của dòng nước. Với các cống, đập, đê bao như vậy, ĐBSCL không còn trôi chảy nữa, và điều vốn là thế mạnh nay lại đang trở thành nguy cơ cho ĐBSCL.

Ba vòng xoáy này quyện vào nhau và giải thích cho việc vì sao ĐBSCL rất giàu tiềm năng và từng là vùng đất mơ ước của nhiều người, nhưng nay lại đang phải đối mặt với tình trạng tụt hậu và di cư rất lớn.

Với những vấn đề bất ổn như vậy, làm cách nào để thay đổi bức tranh nông nghiệp của ĐBSCL, thưa ông?

- Phải đảo ngược 3 vòng xoáy nói trên thành vòng xoáy đi lên, nếu không nó sẽ kéo ĐBSCL chìm xuống. ĐBSCL không chỉ "chìm" do biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, mà còn "chìm" cả về kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, phúc lợi xã hội...

Vì thế mạnh nổi bật của ĐBSCL là nông nghiệp nên để đảo ngược được 3 vòng xoáy này, nhất thiết cần phải chuyển đổi nông nghiệp hướng tới 4 mục tiêu chính là tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng, thuận tự nhiên.

Để chuyển đổi nông nghiệp thành công thì cần áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp. Nếu biết tận dụng những thành tựu này thì năng suất của nông nghiệp ĐBSCL sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Cùng với đó là sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay cho nền kinh tế tuyến tính truyền thống.

Ông có nhắc đến vai trò trong việc đảm bảo an ninh lương thực như là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của kinh tế ĐBSCL. Nhưng nếu giảm diện tích và sản lượng lúa gạo xuống, kinh tế ĐBSCL sẽ bị tác động như thế nào?

- Việc đảm nhận sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực khiến cho phần lớn diện tích đất của ĐBSCL được giữ để trồng lúa. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới, nhưng lại không mang lại sự thịnh vượng kinh tế của vùng và sự khá giả cho người nông dân. Đây chính là bi kịch của ĐBSCL. Khi nhìn ra các nước trên thế giới, không có nước nào trồng lúa mà giàu cả. Để thay đổi điều này thì phải áp dụng quan điểm hiện đại về an ninh lương thực, trong đó chú trọng chất lượng dinh dưỡng và khả năng tiếp cận lương thực chứ không chỉ là sản lượng lương thực. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, tăng chất lượng nguồn nhân lực, giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp. Việc trút bỏ gánh nặng về an ninh lương thực sẽ giúp tháo bỏ chiếc "vòng kim cô" kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL.

Từ góc độ kinh tế và môi trường, việc duy trì sản lượng gạo ở mức cao như hiện nay là thiếu khôn ngoan. Có ít nhất 5 lý do cho việc giảm diện tích trồng lúa và sản lượng gạo xuống. Thứ nhất, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nên khi sản lượng giảm xuống thì theo quy luật cung cầu, giá sẽ tăng lên. Tất nhiên mức độ tăng như thế nào phụ thuộc vào độ co giãn của cầu so với giá.

Thứ hai là khi giảm sản lượng gạo thì hạt gạo của Việt Nam sẽ được chăm chút hơn, chất lượng sẽ có cơ hội được cải thiện, nhờ đó giá gạo xuất khẩu cũng sẽ tăng.

Thứ ba, vì để tăng sản lượng lúa gạo nên trong một thời gian dài ta đã quá lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, hóa dược... làm cho đất bị ô nhiễm và bạc màu. Do đó, giảm sản lượng lúa là điều kiện cần để từng bước phục hồi lại môi trường đất, môi trường nước, và sự cân bằng sinh thái cho ĐBSCL.

Thứ tư là sản xuất lúa tạo ra rất nhiều CO2. Việt Nam đã đưa ra cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, do đó, giảm diện tích lúa cũng là điều kiện cần thiết để thực hiện cam kết này.

Thứ năm, cũng cần nói thêm là theo tính toán của IPSARD (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) và Ngân hàng thế giới, ngay cả khi diện tích lúa của Việt Nam giảm xuống chỉ còn 3 triệu ha thì Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho người và thức ăn cho gia súc, đồng thời vẫn thặng dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

  • Nguyễn Hiền (thực hiện)

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'