Cùng nhìn lại Hội thảo nghiên cứu “Ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam” - TS. Phạm Văn Đại
December 06, 2023

Cùng nhìn lại Hội thảo nghiên cứu “Ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam” - TS. Phạm Văn Đại

December 06, 2023

Ngày 01/12/2023 vừa qua, hội thảo nghiên cứu với chủ đề “Ảnh hưởng của mê tín đến hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam” đã được tổ chức tại Đại học Fulbright Việt Nam. Hội thảo được trình bày bởi Tiến sĩ Phạm Văn Đại - Giảng viên Chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright giới thiệu bài viết nghiên cứu của tác giả vừa được đăng trên tạp chí bình duyệt The Journal of Comparative Economics.

Trong phần trình bày, TS. Đại đã đưa ra những lý thuyết và quan điểm thú vị về ảnh hưởng mang tính phổ quát của văn hóa, tôn giáo, phong tục,... lên hoạt động kinh tế ở các xã hội khác nhau. Đặc biệt tác giả đã chỉ ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có tỷ lệ người vô thần cao nhất (Inglehart - 2004) nhưng lại chịu tác động của tín ngưỡng dân gian, bản địa cao (Truong - 2007: khảo sát 250 cán bộ, viên chức ở Hà Nội; 29% nghĩ rằng các thành công họ đạt được nhờ các lực lượng siêu nhiên như thần linh, ông bà tổ tiên.)

Trong buổi hội thảo, TS. Phạm Văn Đại đã trình bày những phương pháp và cách thức thực hiện của mình khi nghiên cứu về chủ đề. Thiết kế nghiên cứu Hồi quy gián đoạn (RDD) cùng với quy trình Kiểm tra độ vững (Robustness analysis) và Thiết kế sai biệt hai bước (2-stage difference) đã đưa ra các dữ liệu quan trọng trong việc điều tra doanh nghiệp 2020 và các năm trước từ 2016-2019, góp phần quan trọng trong việc đưa ra những kết luận xoay quanh chủ đề ảnh hưởng của mê tín lên hành vi đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu này không đi vào đánh giá quan niệm dân gian đúng hay sai, tốt hay không tốt, mà thuần túy chỉ ra sự tồn tại và ảnh hưởng của quan niệm dân gian đó trong các hành vi kinh tế - vốn được giả định là các hành vi hợp lý (rational behavior) theo kinh tế học tân cổ điển.

Một số kết luận của tác giả dựa trên phân tích kết quả nghiên cứu bao gồm: (i) Tuổi hạn 49-53 làm giảm đầu tư tài sản cố định (TSCĐ); (ii) Giảm đầu tư TSCĐ không phải nguyên nhân do hoạt động kinh doanh, không đi đôi với giảm lao động; (iii) Ảnh hưởng của tuổi hạn nhỏ hơn ở các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp niêm yết; (iv) Ảnh hưởng của quan niệm dân gian 49-53 không tìm thấy ở các doanh nghiệp có giám đốc là người nước ngoài, do đó loại bỏ nghi ngờ nguyên nhân do các vấn đề sức khỏe/sinh học.

Một số hàm ý chính sách tác giả đưa ra từ nghiên cứu bao gồm: (i) Trên phương diện xã hội và nền kinh tế, các quyết định kinh doanh có thể không duy lý và các giả định của kinh tế học có thể không đúng trong nhiều trường hợp; Và các thể chế văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng có ảnh hưởng đến sự phát triển. Nghiên cứu này chỉ là một ví dụ khi chỉ ra một kênh truyền dẫn. (ii) Về phương diện doanh nghiệp, thiếu đầu tư trong giai đoạn 49-53 có thể dẫn đến mất các cơ hội kinh doanh, cần có sự đa dạng hóa ban điều hành, quản trị doanh nghiệp. (iii) Hàm ý trong các hoạt động kinh tế thực tiễn có thể áp dụng trong các hoạt động thương mại, hợp tác đầu tư, tín dụng, v.v..

Phần còn lại của buổi hội thảo là những câu hỏi, ý kiến, phản biện và thảo luận sôi nổi giữa tác giả và người tham gia.

Xem toàn bài nghiên cứu TẠI ĐÂY (Link download miễn phí đến 31/12/2023)

  • Quỳnh Mai - Uyên Vũ

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'