Đại học Fulbright Việt Nam: Tư thục không vì lợi nhuận
January 19, 2015

Đại học Fulbright Việt Nam: Tư thục không vì lợi nhuận

January 19, 2015

(Nhịp cầu đầu tư) - Ngày 17.1 vừa qua, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) vừa tổ chức lễ kỷ niệm tròn 20 tuổi, sự kiện đồng thời với hoạt động chào mừng 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Cũng trong ngày này, ông Thomas Vallely, người sáng lập FETP, đã công bố về việc thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam (Fulbright University Vietnam: FUV).

Đây là trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, tuân thủ nguyên tắc về tự do học thuật và quản trị hoạt động như các trường đại học ở Mỹ. Theo đó, các cá nhân đóng góp vốn trên tinh thần thiện nguyện và những người lãnh đạo trường sẽ được bầu ra từ những cá nhân có uy tín trong xã hội. Nguồn lực tài chính lớn nhất sẽ đến từ quỹ trường (nhận sự đóng góp từ nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước trên tinh thần tự nguyện), bên cạnh học phí, tiền tài trợ nghiên cứu...

Ông Diệp Dũng, một trong những cựu học viên ưu tú của FETP, hiện làm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, cho biết ông “đánh giá cao chất lượng giảng dạy tại FETP và hy vọng FUV sẽ có những đóng góp thiết thực và tích cực cho sự phát triển của đất nước khi được thành lập trên nền tảng nguồn vốn tri thức và con người của FETP”.

Theo đó, FETP sẽ là chương trình hạt nhân thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, cùng với các chương trình khác về quản trị, luật kinh doanh, kỹ thuật và môi trường. FETP vẫn là chương trình dạy về chính sách công và là học bổng toàn phần, dưới sự hỗ trợ về học thuật và quản trị của Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy như suốt 20 năm qua.

Theo bà Hoàng Ngọc Lan, cán bộ quản lý đào tạo của FETP, “các ngành đào tạo mới của FUV cũng sẽ hoạt động tương tự như FETP, tức chỉ thành lập khi được sự hỗ trợ về mặt học thuật từ một trường đại học uy tín trên thế giới”.

Ngoại trừ FETP, các chương trình khác sẽ có thu học phí, tùy vào thiết kế chương trình và quỹ đóng góp từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, bà Lan nhấn mạnh, đối với những học viên xuất sắc mà không đủ khả năng về tài chính, FUV sẽ hỗ trợ để họ có thể theo học chương trình mong muốn.

Mặc dù là sáng kiến từ khu vực tư nhân (bao gồm những người sáng lập FETP và những cá nhân yêu mến chương trình này) nhưng dự án FUV đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Gần 1.200 cựu học viên của FETP cũng kỳ vọng FUV sẽ đại diện cho hướng đi mới trong giáo dục tại Việt Nam với mô hình quản trị hiện đại, hiệu quả và đào tạo được nguồn lực chất lượng cao.

Sở dĩ FUV nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cựu học viên FETP là vì những cựu học viên này đã có trải nghiệm thực tế tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright trong suốt 20 năm qua.

“Cường độ chương trình học tại FETP rất cao nhưng chính nhờ đó mà chúng tôi đã học được khả năng phân bổ nguồn lực hợp lý và khoa học để có được hiệu quả và kết quả cao nhất, kể cả trong học tập và công tác”, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng, nhấn mạnh.

Cụ thể, FETP thiết kế chương trình gồm nhiều môn học được cập nhật nội dung kiến thức toàn cầu từ các trường đại học ưu tú của quốc tế, ứng dụng phân tích các tình huống thực tế về vấn đề chính sách quan trọng mà Việt Nam đang đối mặt... Song song với đào tạo, nghiên cứu và đối thoại chính sách cũng là hoạt động thường xuyên của FETP. Với những nỗ lực không mệt mỏi, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khác trong và ngoài nước đánh giá cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo và quản trị trong suốt 20 năm qua.

Chính sự thành công của mô hình FETP mà FUV (triển khai dựa trên FETP) được không chỉ cựu học viên FETP, mà cả những học giả hàng đầu Việt Nam cũng đặt kỳ vọng cao vào mô hình mới này. Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, đánh giá: “Đây là bước đi phù hợp của FETP. Trở thành pháp nhân độc lập và có sự hỗ trợ của nhiều học giả danh tiếng trong và ngoài nước, giúp FUV đào tạo được nhân lực chất lượng cao.”

Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là mục tiêu mà FUV hướng đến. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, mô hình hoạt động không vì lợi nhuận của FUV giúp Trường không phải chạy theo sức ép kiếm lợi nhuận như thu học phí cao, chất lượng giảng viên thấp hay quá tải học viên trong lớp học... mà chỉ tập trung vào đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu với tôn chỉ tự do học thuật. Và cũng chính nhờ mô hình này mà FUV đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn cho phép Chính phủ Mỹ sử dụng ngân sách 20 triệu USD để Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho FUV.

Hiện nay, Quỹ tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV - quỹ đầu tư của FUV) đang vận động để gây quỹ cho FUV. Ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ TUIV, cho biết tổng mức đầu tư huy động dự kiến cho FUV sẽ là 70 triệu USD, trong đó giai đoạn đầu huy động được khoảng 5,3 triệu USD, giai đoạn thứ hai là 20 triệu USD và giai đoạn thứ ba là 44,7 triệu USD.

Dường như ước mơ về một trường đại học tư thục không vì lợi nhuận đang ngày càng tiến sát đến hiện thực khi được sự ủng hộ từ nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Quỹ trường của FUV sẽ thêm lớn mạnh và góp phần đào tạo nhân sự chất lượng cao nếu có thêm những chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề mô hình quản trị và chính sách thuế.

Cụ thể, hiện nay, ở Mỹ, nếu các nhà hảo tâm đóng góp tiền từ thiện sẽ được miễn thuế thu nhập nên khuyến khích được nhiều người tham gia. Trong khi đó, ở Việt Nam vẫn chưa có chính sách này đối với các đóng góp cho trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Ngoài ra, theo Luật Giáo dục, mô hình quản trị của các trường tư thục hiện nay là cổ đông (người đóng góp vốn) làm lãnh đạo, trong khi FUV là do những người có uy tín được bầu ra chịu trách nhiệm quản lý. Đại diện TUIV cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ về mặt chính sách để FUV được thành lập như đề xuất và kỳ vọng sẽ đào tạo được thêm những học viên ưu tú góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước. 

  • Hoàng Vy

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'