Fulbright: Từ phiên bản giáo dục Harvard đến tổ chức học thuật xuất sắc quốc tế
April 11, 2020

Fulbright: Từ phiên bản giáo dục Harvard đến tổ chức học thuật xuất sắc quốc tế

April 11, 2020

Sau một phần tư thế kỷ, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright hoàn toàn được quản trị bởi các giảng viên Việt – điều khiến Trường "trở nên khác biệt so với các cuộc thử nghiệm có yếu tố nước ngoài khác mà Việt Nam đã triển khai".

Năm 1994, khi cuốn sách "Theo hướng rồng bay" của nhóm giáo sư Harvard ra mắt, gây xôn xao dư luận và được người Việt chuyền tay nhau đọc, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đang là sinh viên năm cuối Đại học New Dehli, Ấn Độ. Được ông nội gửi cho bản thảo cuốn sách, chàng trai trẻ "ngốn ngấu" đọc xong trong vài ngày. Cuốn sách đầu tiên của các học giả nước ngoài phân tích một cách khách quan những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam so sánh với những nước đi trước ở Đông Á đã khơi gợi và truyền cảm hứng cho bao người Việt Nam khát vọng một ngày đất nước mình cũng vươn dậy mạnh mẽ.

Khi ấy, chàng trai trẻ cũng không ngờ rằng 14 năm sau, mình sẽ đứng tên cùng các học giả Harvard trong tư cách tác giả của "Lựa chọn Thành công", một bản phân tích chính sách nổi tiếng được giới chính sách và công chúng Việt Nam xem như cuốn "Theo hướng rồng bay" phiên bản 2.0. Nguyễn Xuân Thành cùng với các đồng nghiệp ở Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa..."các chàng lính ngự lâm" của FETP (như cách mọi người hay gọi đùa) đã trở thành trụ cột của các nghiên cứu và đối thoại chính sách hợp tác với Đại học Harvard suốt từ năm 2008 đến nay.

Với Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, người sáng lập FETP, việc xây dựng thành công đội ngũ giảng viên Việt Nam đẳng cấp quốc tế chính là thành tựu đáng tự hào nhất của Trường. Giờ đây, sau một phần tư thế kỷ, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright hoàn toàn được quản trị bởi các giảng viên Việt – điều khiến Trường "trở nên khác biệt so với các cuộc thử nghiệm có yếu tố nước ngoài khác mà Việt Nam đã triển khai", theo ông Vallely.

Đội ngũ giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Chúng ta chỉ trở nên xuất sắc khi kết nối được với thế giới

Giảng viên đẳng cấp quốc tế, theo định nghĩa của ông Thomas Vallely, là "họ phải biết rõ những người khác trên thế giới đang dạy những gì họ dạy và nghiên cứu những gì họ nghiên cứu. Ở Fulbright, Tự Anh và Xuân Thành biết những gì đang diễn ra tại Trường Chính sách công Woodrow Wilson của Princeton, những gì đang diễn ra ở Trường Kennedy của Harvard, những gì đang diễn ra ở Trường Lý Quang Diệu (ba trường chính sách công hàng đầu thế giới)... Những giảng viên Fulbright là những người kết nối được với thế giới."

Giáo sư Hoàng Tụy, một trong những người đặt nền móng cho nền toán học Việt Nam, cha đẻ của lý thuyết tối ưu toàn cục nổi tiếng thế giới, lúc sinh thời từng chỉ rõ một trong những vấn đề lớn nhất của hệ thống giáo dục Việt Nam là chủ nghĩa ngoại lệ, luôn chỉ tự so sánh với chính mình, từ khoa học, y dược, đến mọi ngành khác. Nhà trí thức lớn được kính trọng với những phản biện thẳng thắn và tâm huyết về giáo dục nước nhà tin rằng muốn trở thành xuất sắc thì anh phải kết nối được và tự sánh mình với thế giới.

Ông Thomas Vallely luôn tin rằng đây là cách tiếp cận đúng đắn. "Nếu bạn chỉ so sánh ta với ta, kết nối ta với ta thôi thì bạn không có đủ áp lực để trở thành một nhà khoa học, hay kĩ sư xuất chúng. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu kém, không có nghĩa là bạn không có giá trị gì, nhưng bạn không thể trở nên xuất sắc bởi vì bạn không có sự cạnh tranh hay sáng tạo tri thức từ sự kết nối với thế giới bên ngoài".

Nếu như sự kết nối với Harvard và những trường chính sách công hàng đầu thế giới giúp cho chương trình giảng dạy và nghiên cứu của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất về mặt học thuật thì theo Giáo sư Anthony Saich, Giám đốc Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và đổi mới (Đại học Harvard), "sự hiểu biết sâu rộng về bối cảnh và những thách thức phát triển của các giảng viên Việt Nam giúp cho FSPPM luôn giữ được sự kết nối chặt chẽ với những vấn đề thực tiễn và xác lập tầm ảnh hưởng quan trọng đến quá trình hoạch định chính sách quốc gia".

Ông Thomas Vallely và Hiệu trưởng Trường Kennedy (Đại học Harvard), Tiến sĩ Douglas Elmendorf trong dịp thăm Đại học Fulbright kỷ niệm 25 năm hợp tác từ nền tảng Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

"Chúng tôi là cầu nối giữa một bên là khuôn khổ lý thuyết và phương pháp hiện đại, với bên kia bài toán chính sách có tính thực tiễn cần phải giải. Chính cầu nối này giúp cho chúng tôi một mặt luôn luôn đối diện với các bài toán thực tế, nhưng đồng thời vẫn tiếp nhận được nguồn sinh lực cũng như các phương pháp mới từ Harvard. Đấy là một vị trí tương đối đặc biệt, độc đáo của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong quá trình đưa những kiến thức có tính lý thuyết, nghiên cứu có tính học thuật trở thành những thông điệp chính sách giản dị mà Chính phủ có thể thực hiện được", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh giải thích.

Điều này lý giải vì sao các nghiên cứu của Trường, từ "Lựa chọn Thành công", "Khơi thông những nút thắt thể chế để phục hồi tăng trưởng", "Cải cách thể chế: Từ tầm nhìn đến thực tiễn" cho tới những nghiên cứu gần đây về tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long, an ninh năng lượng và tăng trưởng bền vững,...được hưởng ứng và đón nhận tích cực trong giới làm chính sách.

Các giảng viên như Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Xuân Thành, Phạm Duy Nghĩa, Huỳnh Thế Du...thường xuyên được mời tham gia các nhóm tư vấn, phản biện chính sách cho Chính phủ và các chính quyền địa phương, bình luận chính sách trên báo chí, dù không phải ai cũng dễ chịu với phong cách phê bình chính sách thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng của họ.

Giaó sư Scott Fritzen, Trường Chính sách công và Quản trị Evans, Đại học Washington (Mỹ) cho rằng: "Trên khắp thế giới chỉ có một vài chương trình Chính sách công có các giảng viên tham gia tích cực vào thảo luận chính sách với các nhà hoạch định chính sách và công chúng như các giảng viên FSPPM. Đó là một cách làm có giá trị rất lớn mà các giảng viên FSPPM đã sáng tạo ra trong nỗ lực tiếp cận với các nhà làm chính sách, tìm hướng cống hiến và là cầu nối giữa giới nghiên cứu học thuật với ứng dụng và giải quyết các vấn đề chính sách công".

Hành trình cải biến nguồn lực con người

Cũng giống như mọi dự án có yếu tố nước ngoài khác, trong vài năm đầu tiên, Trường vẫn phải dựa vào nguồn nhân lực chủ chốt đến từ nước ngoài. Các giảng viên được huy động từ khắp nơi trên thế giới – trong số đó có Giáo sư Dwight Perkins, người đã dạy lớp Kinh tế Phát triển Đông Á – một lớp học nổi tiếng của ông ở Đại học Harvard, trong suốt hai học kỳ đầu tiên. Còn Giáo sư David Dapice (Đại học Tufts), bay đi bay về giữa Boston và TP.Hồ Chí Minh trong suốt cả năm học.

Nhưng ngay từ những ngày đầu, những người sáng lập đã xác lập tầm nhìn rõ ràng: Trường Fulbright phải bắt rễ sâu sắc vào xã hội Việt Nam với tư cách một cơ sở giáo dục đào tạo tinh hoa của Việt Nam. Bởi ông Thomas Vallely hiểu rằng, nếu Fulbright là một chi nhánh (branch campus) của một trường đại học Mỹ, "Trường sẽ nhanh chóng nổi tiếng nhưng sự thực là về lâu dài, các trường chi nhánh thường có xu hướng biến thành "con gà đẻ trứng vàng" thay vì trở thành một tổ chức học thuật xuất sắc và có ảnh hưởng ở nước sở tại". Bởi vậy, "Fulbright phải trở thành một cơ sở giáo dục của Việt Nam, cho Việt Nam, với không gian tri thức của riêng nó, với đội ngũ giảng viên và cơ chế quản trị độc lập", ông Vallely lý giải.

Sự kết nối với Harvard và những trường chính sách công hàng đầu thế giới giúp cho chương trình giảng dạy và nghiên cứu của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất về mặt học thuật.

Trong nỗ lực phát triển đội ngũ giảng viên bản địa, ngay từ ngày đầu, Trường áp dụng một cơ chế độc đáo: các giảng viên Việt Nam, tuyển lựa từ những người trẻ được đào tạo ở nước ngoài về, đóng vai trò trợ giảng cho các giảng viên của trường Harvard trong vài năm đầu, cho đến khi họ tích lũy đủ kinh nghiệm để đồng giảng dạy với các giáo sư nước ngoài. Những giảng viên như Nguyễn Xuân Thành, Huỳnh Thế Du đã trưởng thành nhờ mô hình hợp tác giảng dạy và nghiên cứu Harvard – Việt Nam này.

Năm 1995, Nguyễn Xuân Thành trở về nước. Bên cạnh công việc chính của một chuyên viên ở Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh, ông làm việc cho FETP trong vai trò phiên dịch viên bán thời gian, như nhiều cán bộ giỏi ngoại ngữ của TP.HCM thời ấy. Với nền tảng chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực kinh tế - tài chính (Nguyễn Xuân Thành có bằng cử nhân kinh tế hạng ưu Đại học New Dehli, thạc sĩ kinh tế chuyên ngành tài chính Đại học Warwick), ông Thành nhanh chóng được các giáo sư Harvard tín nhiệm, mời làm trợ giảng rồi đồng giảng viên các lớp học ở FETP.

Đến năm 2002, Nguyễn Xuân Thành chính thức từ giã vị trí một cán bộ trẻ đầy triển vọng trong khu vực nhà nước để gia nhập đội ngũ giảng viên FETP. Được cử sang Harvard học Thạc sĩ chuyên ngành Hành chính Công, 2 năm sau, chàng giảng viên trẻ trở về FETP đầy tự tin đảm nhận trọng trách kiến tạo và phát triển những môn học gắn chặt với thực tiễn Việt Nam như Thẩm định dự án đầu tư và sau này là Thực thi chính sách và Lãnh đạo trong khu vực công.

Giảng viên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành.

Cũng trong năm 2004, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh trở về Việt Nam sau khi hoàn tất luận án tiến sĩ kinh tế học tại Boston College. Với chủ đề "Kinh tế chính trị học của cải cách kinh tế ở Việt Nam", luận án của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh được vinh danh là luận án xuất sắc nhất khối ngành khoa học xã hội và nhân văn của Boston College trong năm 2004. Từ chối những cơ hội công việc hấp dẫn ở các trường đại học nước ngoài, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chọn con đường trở về, và gia nhập đội ngũ giảng viên FETP, khi ấy mới chỉ là một chương trình đào tạo kinh tế học ứng dụng đặt trong con hẻm nhỏ ở đường Võ Thị Sáu. Người có công thuyết phục Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh tham gia FETP, không ai khác chính là Tommy Vallely.

Chỉ hơn ba năm sau, sự đầu tư quyết liệt vào nguồn lực con người đã cho "trái ngọt". Năm 2008 đánh dấu hai cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Trường: FETP được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chương trình thạc sĩ chính sách công hai năm, chính thức nâng cấp từ một chương trình đào tạo kinh tế học ứng dụng cấp chứng chỉ trở thành một chương trình đào tạo sau đại học. Cột mốc thứ hai là sự ra mắt của bản phân tích chính sách nổi tiếng "Lựa chọn Thành công" (xem bài 2) – kết quả nghiên cứu của nhóm giáo sư Harvard và các giảng viên FETP.

Cả hai sự kiện quan trọng này có dấu ấn của Nguyễn Xuân Thành và Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh.

Người thầy tâm huyết và người trí thức dấn thân

Giờ đây, ông Tommy Vallely không còn phải "săn đón", thuyết phục các học giả tài năng tham gia FSPPM nữa. Với uy tín của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu chính sách công hàng đầu Việt Nam và đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế, FSPPM đã thu hút nhiều giảng viên tài năng tham gia ứng tuyển vào vị trí giảng viên, trong số đó có cả những giáo sư nước ngoài đang giảng dạy ở các trường chính sách công lớn trong khu vực như Đại học Quản lý Singapore (SMU), Đại học Bắc Kinh,...

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường được bổ sung thêm những gương mặt mới đã thành danh trong lĩnh vực chuyên môn như TS. Lê Thái Hà, TS. Lê Việt Phú, TS. Yooil Bae, TS. Christopher Balding...

Đối với công chúng, các giảng viên FSPPM, như PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, TS. Vũ Thành Tự Anh, Nguyễn Xuân Thành được biết đến như những "trí thức đại chúng", những người thay vì "thu mình trong tháp ngà học thuật" luôn sẵn sàng phát biểu công khai về những vấn đề nóng bỏng của đời sống, không ngại đụng chạm hay sức ép. Đối với cánh báo chí, họ là những nhân vật phỏng vấn được ưa chuộng vì những phân tích, bình luận chính sách sắc sảo.

Từ chối những cơ hội công việc hấp dẫn ở các trường đại học nước ngoài, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chọn con đường trở về, và gia nhập đội ngũ giảng viên FETP, khi ấy mới chỉ là một chương trình đào tạo kinh tế học ứng dụng đặt trong con hẻm nhỏ ở đường Võ Thị Sáu.

Nhưng đối với các cựu học viên và học viên của FSPPM, điều khiến họ gắn bó với Trường không chỉ là danh tiếng của "các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn" mà quan trọng hơn hết, bởi tâm huyết của những người thầy coi sứ mệnh dạy học thực sự thiêng liêng. Nguyễn Xuân Hường, học viên lớp MPP2020 kể rằng, cô và các bạn "bị cảm động vì tâm huyết của các thầy đến mức mà phải động viên nhau cố gắng học cho tử tế".

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh vẫn nhớ mãi chia sẻ của một cựu học viên ở Thanh Hóa khi ông/anh có dịp ghé thăm. Bạn nói rằng, điều bạn học được nhiều nhất ở trường là sự chính trực.

"Khi em về lại cơ quan, em không thể nào nói dối, không thể làm việc đáng lẽ ra trước đây em coi như là bình thường. Em nghĩ đóng góp lớn nhất mà trường tạo ra đó là sự chính trực, và sự chính trực quan trọng nhất là trung thực với chính mình".

Đối với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh và các thầy cô FSPPM, có lẽ đó là khoảnh khắc cảm động và có ý nghĩa hơn bất kỳ một sự ghi nhận nào.

  • Việt Lâm

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'