Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Bức tranh nhiều điểm sáng
August 28, 2021

Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ: Bức tranh nhiều điểm sáng

August 28, 2021

Ngày 20/8, Đại học Fulbright Việt Nam đã phối hợp với Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến về thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ. Hội thảo nhằm trao đổi, đánh giá sâu về hiện trạng quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay, các vấn đề tồn tại, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước thời gian tới.

Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam Đàm Bích Thủy, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội Christopher Klein đã có phát biểu khai mạc. Tham gia hai phiên thảo luận còn có các diễn giả là các cựu quan chức Chính phủ, học giả, nhà nghiên cứu và lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội Việt Nam và Hoa Kỳ.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư là trụ cột quan trọng.

Quan hệ kinh tế năng động với Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thúc đẩy tăng trưởng, chuyển đổi từ một quốc gia kém phát triển sang quốc gia có thu nhập trung bình.

Đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, thị trường đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam với gần 100 triệu dân, lực lượng lao động trẻ và sáng tạo, vị trí của Việt Nam ở khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới đã mang lại những cơ hội lớn.

Nhìn chung, Việt Nam nhìn thấy được những lợi ích, tiềm năng và tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên làm gì và làm thế nào để tận dụng cơ hội, tối đa hóa lợi ích và giải quyết hợp lý những hạn chế còn tồn tại để đạt được mục tiêu đó,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đại biện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội Christopher Klein phát biểu tại hội thảo trực tuyến.

Những vấn đề nổi cộm

Bàn về hiện trạng mối quan hệ hợp tác song phương, các chuyên gia đã tập trung phân tích những vấn đề nổi cộm như mất cân đối cán cân thương mại, vấn đề thao túng tiền tệ và triển vọng thỏa thuận thương mại khu vực.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm ngoái cho đến năm nay, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam vẫn là thương mại. Mặc dù tiêu dùng nội địa giảm do tác động của giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa khác, Việt Nam vẫn tiếp tục giao thương với thế giới, và tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế năm 2020. Sự đa dạng hóa thương mại phát huy tác dụng bởi trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang EU và châu Á bị ảnh hưởng, thì xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc lại bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường khác.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), nhận xét Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam kể từ khi BTA được ký kết vào năm 2000. Thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước; ngoài ra, với đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ là một thị trường cạnh tranh tự do lớn nhất nhì thế giới, thuế xuất nhập khẩu chỉ chiếm chưa đầy 2% trong tổng thu ngân sách, tất cả các nước trên thế giới đều có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chứ không riêng gì Việt Nam. Ông nêu ra một lý do khác giải thích cho thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ là bởi vì cơ cấu xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ luôn luôn là nhập siêu về hàng hóa và xuất siêu về dịch vụ.

GS. David Dapice, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Đông Nam Á tại Trường Quản lý Nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard nhấn mạnh sự phát triển của quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ là hết sức “ngoạn mục”: tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ 1 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2007, chủ yếu nhờ tác động của việc ký kết BTA. Sau năm 2007, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao một phần do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công rẻ do chi phí nhân công Trung Quốc tăng lên, và những doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chủ yếu hướng ra xuất khẩu, theo GS. Dapice.

Các diễn giả tham dự bàn tròn thảo luận trực tuyến nhất trí rằng Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục đối mặt với một số thách thức như bất cân đối cán cân thương mại, các vướng mắc về tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, các khó khăn về thủ tục hành chính, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Nhìn về tương lai

Việt Nam đang dần trở thành trung tâm thu hút FDI, tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp chế biến – chế tạo để xuất khẩu. Xu hướng này không thể đảo ngược được vì những yếu tố tác động vẫn đang tiếp diễn như căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, hay quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, mặc dù chưa rõ chính sách thương mại cụ thể dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là gì, chúng ta đều biết ông Biden là một người ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tin tưởng vào hợp tác quốc tế. Đồng thời như Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề cập trong bài phát biểu, chính sách của Việt Nam là hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đa phương hóa các quan hệ kinh tế, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện tại và tương lai để phát triển kinh tế Việt Nam.

Bà Virginia Foote, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Bay Global Strategies, nhận xét thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam một phần là do thị trường Việt Nam không thân thiện với nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đặc biệt là đầu tư về dịch vụ, và thực hiện giới hạn sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam là một nền kinh tế vẫn đang loay hoay tìm cách thực hiện cải cách cơ cấu. Bên cạnh sự cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính và pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mềm, nâng cao kỹ năng quản lý tầm trung cho lực lượng lao động và bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế, bà Virginia Foote cho rằng Việt Nam nên tập trung phát triển nền kinh tế số, bởi hiện nay không có công ty và lĩnh vực công nghiệp nào không sử dụng nền kinh tế kỹ thuật số; từ thương mại điện tử hoặc thanh toán điện tử cho đến chính phủ điện tử.

Chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, cho biết công ty vừa ra mắt phiên bản đầu tiên của E-Covax (Economy Covax), liệu pháp số giúp doanh nghiệp vận hành, kinh doanh không gián đoạn trong đại dịch Covid-19. “Với kinh nghiệm đã làm việc 8 năm liền với những tập đoàn hàng đầu nước Mỹ, chúng tôi thấy rằng nước Mỹ có rất nhiều các giải pháp phù hợp với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Và tôi mong muốn rằng, các tổ chức ở Mỹ sẽ viện trợ cho chúng tôi không chỉ là thuốc, vaccine, tiền bạc, hay lương thực mà hãy viện trợ cho chúng tôi cả những liều E-COVAX. Bởi vì, có 0,3% người Việt Nam hiện nay đang bị nhiễm Covid nhưng có đến 8% doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa bởi vì ảnh hưởng của Covid,” ông chia sẻ.

Ông Chris Malone, Giám đốc điều hành của Panl, một công ty tư vấn chiến lược tập trung vào các dự án ở Đông Nam Á có tác động xã hội cao, phát biểu tại hội thảo trực tuyến.

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam có thể tận dụng đại dịch Covid-19 để tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất vật tư y tế hay vaccine, hoặc chuỗi cung ứng về công nghệ như sản xuất vi mạch bán dẫn do Hoa Kỳ đang muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực này. “Có một số lĩnh vực mà Việt Nam có thể cùng hợp tác với Hoa Kỳ rất tốt như là lĩnh vực điện và năng lượng. Tôi rất mong muốn Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh để biến những thách thức của việc chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện tại thành cơ hội,” ông Vinh chia sẻ.

Các diễn giả như ông Hoàng Nam Tiến và ông Chris Malone, Giám đốc điều hành của Panl, một công ty tư vấn chiến lược tập trung vào các dự án ở Đông Nam Á có tác động xã hội cao, chia sẻ triển vọng của đầu tư vào giáo dục của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, đặc biệt là công nghệ giáo dục (edtech).  “Tôi nhìn thấy tương lai khi Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục; điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp công nghệ giáo dục trong nước và ngoài nước. Nếu điều đó thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam về công nghệ giáo dục cũng có tiềm năng xuất khẩu ít nhất là sang khu vực ASEAN,” ông Chris Malone bình luận.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'