Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung tâm Ash Đại học Harvard tại Việt Nam
June 17, 2014

Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Trung tâm Ash Đại học Harvard tại Việt Nam

June 17, 2014

Nguồn: http://www.hks.harvard.edu

Chuyến công du Đông Nam Á vừa qua của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đánh dấu sự trở lại Việt Nam sau gần một thập niên, và là chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Với ông Kerry, chuyến đi này xét theo nhiều góc độ chính là sự khẳng định những nỗ lực của ông trong việc thúc đẩy Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ở Thượng viện Hoa Kỳ.

Lịch sử tái lập quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam xét theo nhiều khía cạnh đều gắn liền với quá trình hoạt động của Trung tâm Ash về Việt Nam, đặc biệt là hoạt động của Chương trình Việt Nam tại Harvard và sáng kiến chủ lực với tên gọi Chương Trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP hay Trường Fulbright). Có thể lật lại nguồn gốc của Chương trình Việt Nam tại Harvard và FETP từ thập niên 1990 khi John Kerry hợp tác với đồng nghiệp ở Thượng viện Hoa Kỳ là Thượng Nghị sĩ John McCain thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Ảnh: Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ với giảng viên, học viên và cựu học viên FETP tháng 12/2013. Ảnh do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp

Tuy nhiên, tại Harvard, nền móng cho việc tái lập quan hệ ngoại giao đã được bắt đầu từ nhiều năm trước đó, khi Thomas Vallely, giám đốc và là người sáng lập Chương trình Việt Nam, cùng với giáo sư Dwight Perkins của Trường Quản lý nhà nước Harvard Kennedy và nhà kinh tế David Dapice đến Việt Nam vào thập niên 1980 để nghiên cứu các vấn đề kinh tế. Thomas Vallely và John Kerry biết đến nhau khi còn là những cựu chiến binh trẻ tích cực hoạt động chính trị trong các phong trào phản chiến ở Massachusetts vào đầu thập niên 1970. Ông Vallely từng là lính thủy đóng ở Đà Nẵng trong khi ông Kerry là đại úy hải quân làm nhiệm vụ tuần tra bờ biển và sông rạch ở Việt Nam trong thời chiến. 

Sau khi lấy bằng thạc sĩ về hành chính công (MPA) ở Trường Kennedy (khóa 1983) và theo đuổi sự nghiệp chính trị ở Hạ viện bang Massachusetts, ông Vallely lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 1985 sau chiến tranh. Không lâu sau khi quay về Harvard và trở thành giám đốc của Chương trình Việt Nam bấy giờ vừa mới ra đời, ông Vallely bắt đầu nỗ lực gieo mầm cho việc tái lập quan hệ giữa Washington và Hà Nội. Sau gần hai thập niên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, người ta có thể dễ dàng quên rằng quá trình tái lập quan hệ đã gây ra nhiều tranh cãi như thế nào vào lúc đó. Nhiều nhóm cựu chiến binh cương quyết phản đối bình thường hóa vì cho rằng chính quyền Hà Nội vẫn đang giam giữ tù binh Mỹ. John Kerry và John McCain thấy rằng trước hết họ cần giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh (POW) trước khi hướng đến việc bình thường hóa. Họ đã vận động để thiết lập Ủy ban Chuyên trách vấn đề POW-MIA (tù binh chiến tranh/người mất tích) của Thượng viện Hoa Kỳ. Ủy ban này cùng với sự hợp tác của chính phủ Việt Nam đã thực hiện chương trình điều tra toàn diện để từ đó đặt nền móng chính trị cho các mối quan hệ bình thường hóa toàn diện sau này.

Ông John Kerry cũng đóng vai trò tích cực trong nỗ lực thiết lập hoạt động trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Bắt đầu với Chương trình học bổng Fulbright hỗ trợ cho các học giả Việt Nam đến Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu, các mối quan hệ hàn lâm từng bước được hình thành giữa hai quốc gia. Chương trình Fulbright tại các nước hầu hết đều do Đại sứ Quán Hoa Kỳ ở nơi đó quản lý, nhưng lúc bấy giờ do quan hệ ngoại giao chưa được thiết lập và chưa có đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề nghị Đại học Harvard và Chương trình Việt Nam quản lý Chương trình học bổng Fulbright.

“Thông qua Chương trình Fulbright, Harvard đã tiên phong thực hiện các sáng kiến ngoại giao giai đoạn II giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và nhận thấy có đủ điều kiện để thúc đẩy giai đoạn hợp tác hàn lâm tiếp theo giữa hai nước – từ đó dẫn đến việc hình thành FETP.” Ông Ben Wilkinson, giám đốc Chương trình Việt Nam hiện nay cho biết.

Nhằm bổ sung cho học bổng du học Hoa Kỳ của Chương trình Fulbright, Harvard lên kế hoạch thiết lập một trung tâm đào tạo kinh tế học và chính sách công tại Việt Nam cho các viên chức nhà nước. “Kinh tế học được xác định là trọng tâm ban đầu vì các nhà làm chính sách của Việt Nam lúc bấy giờ hầu như chưa được tiếp cận lĩnh vực kinh tế học thị trường – họ chủ yếu được đào tạo về kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu Liên Xô,” ông Wilkinson nói. Và cũng nhờ chủ trương giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, Harvard đã có thể tiếp cận được đông đảo người học hơn so với các chương trình học bổng truyền thống.

Như vậy Trường Fulbright đã được thiết lập tại TP.HCM vào năm 1994 với sự tài trợ từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một năm trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Cùng với việc mở cửa các cơ sở ngoại giao ở Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ từng bước tiếp quản trách nhiệm quản lý Chương trình Fulbright, cho phép Chương trình Việt Nam tại Harvard tập trung nguồn lực vào FETP.

Ở Thượng viện Hoa Kỳ, John Kerry trở thành một trong những người vận động tích cực nhất cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ tại Washington. Ông tận dụng lợi thế là thành viên kỳ cựu và sau đó là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để vận động cho FETP và các nỗ lực ngoại giao nhà nước ở Việt Nam. Không lâu sau khi có quyết định bổ nhiệm vị trí Ngoại trưởng, ông Kerry đã có bài phát biểu trong đó đề cập đến các chương trình ở Việt Nam như sau: “Tôi là người luôn ủng hộ mạnh mẽ cho Trường Fulbright và những gì mà chương trình này mang lại cho chúng ta.”

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12 năm 2013 với sự tham gia của ông Wilkinson và ông Vallely, Ngoại trưởng Kerry đã biểu dương điển hình về thành quả của FETP và Chương trình học bổng Fulbright. Trong buổi tiếp xúc với các giảng viên, cựu học viên và học viên FETP tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM, ông Kerry đã trực tiếp lắng nghe những nỗ lực tăng cường giáo dục đại học ở khu vực Hạ vùng Me Kông. Cũng trong chuyến công du này, Ngoại trưởng Kerry cũng nhấn mạnh sáng kiến có thể nói là đầu tiên tại Hoa Kỳ trong hợp tác giáo dục đại học ở Việt Nam: Dự án Trường đại học Fulbright Việt Nam (FUV).

FETP được Chương trình Việt Nam quản lý 20 năm qua với cơ cấu hiện tại là chương trình hợp tác hàn lâm giữa Trường Harvard Kennedy và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trả lời câu hỏi về tầm quan trọng của việc chuyển tiếp thành một trường đại học độc lập, ông Wilkinson nói, “Cơ cấu quản trị hiện nay của FETP đã được thực hiện một cách trôi chảy kể từ khi thành lập chương trình, nhưng việc chuyển tiếp trở thành một trường đại học độc lập sẽ đảm bảo hơn nữa sự bền vững của trường trong tương lai.”

Ở Việt Nam, ông Kerry thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho mô hình mới này khi thảo luận với các lãnh đạo đối tác Việt Nam tại Hà Nội. “Chuyến thăm của Kerry là rất quan trọng khi nêu bật những gì Chương trình Việt Nam đã và đang thực hiện ở trong nước, giúp tạo lực đẩy quan trọng cho dự án FUV,” ông Wilkinson nói. “Việc hình thành trường đại học mới theo mô hình Hoa Kỳ là một nỗ lực chưa từng có trong bối cảnh của Việt Nam.” Một quỹ phi lợi nhuận (TUIV – Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam) do ông Vallely làm chủ tịch đã được thiết lập để hỗ trợ cho trường đại học non trẻ này. Hiện tại Quỹ đang làm việc với chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như các nhà tài trợ cá nhân và tổ chức ở hai nước nhằm thiết lập nền tảng tài chính vững chắc cho FUV, đảm bảo dự án này sẽ tiếp tục đào tạo lâu dài nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam trong tương lai.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'