Nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh một chữ “công”
January 03, 2024

Nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh một chữ “công”

January 03, 2024

Ngày nay, khi bạn chạy xe trên những con đường đầy ổ gà, hoặc mắc kẹt trong một ngã tư chen chúc mấy tiếng đồng hồ với khói bụi mù mịt, bạn sẽ nghĩ đến việc ai là người chịu trách nhiệm giải quyết cho những vấn đề hạ tầng công trục trặc xung quanh mình hay tôi phải làm sao để cải thiện môi trường sống này trở nên tốt đẹp hơn đây?

Trong một diễn biến khác, khi bạn đưa con cái đi học hay đến bệnh viện khám chữa bệnh, bạn cảm thấy chất lượng dịch vụ giáo dục công hoặc y tế công quá tốt hoặc quá tệ. Có bao giờ bạn thắc mắc những điều đó đến từ yếu tố cụ thể nào hay nguyên nhân đằng sau những điều mà bạn nhận được là gì hay không?

Chúng ta đã nhìn thấy hai vấn đề về môi trường và xã hội, vậy còn kinh tế thì sao? Sự tăng hoặc giảm lương lao động, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp, khả năng xuất nhập khẩu hàng hóa qua bên kia biên giới, tỷ giá chứng khoán trên các sàn giao dịch hay giá bất động sản, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng, tất cả những chỉ số đó chắc chắn không ngẫu nhiên mà lựa chọn cho mình một giá trị hay điểm cân bằng? Nhưng quan trọng hơn, chúng có liên kết với nhau như thế nào và sự phối hợp giữa các lĩnh vực trong một nền kinh tế sẽ dẫn dến kết quả nào cho một xã hội?

Đúng vậy, mỗi ngày có rất nhiều giá trị công, hàng hóa dịch vụ công, vấn đề trục trặc công xoay xung quanh bạn, bất kể bạn đang làm việc cho khu vực công hay khu vực tư. Vậy những điều đó có phải chỉ là câu chuyện do nhà nước chịu trách nhiệm vận hành hay giải quyết? Vấn đề nằm ở chỗ bạn hiểu thế nào là hành chính công và chính sách công, hai phạm trù này giống và khác nhau như thế nào?

Hành chính công và chính sách công khác hay giống nhau?

Dù cả hành chính công và chính sách công đều nhằm hướng đến cải thiện kinh tế xã hội của một quốc gia, địa phương hay cộng đồng, nhưng khi nhắc đến hai khái niệm này, người ta thường dùng hình ảnh quản lý và sáng tạo để phân biệt sự khác nhau giữa chúng.

Hành chính công thường nghiêng về vấn đề tuân thủ các quy trình và đảm bảo thực thi tốt các chính sách. Hành chính công dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của các công chức làm việc tại các cơ quan ban ngành nhà nước để đảm bảo cho các dịch vụ công, các dự án công được thực hiện hiệu quả đúng như yêu cầu mà các chính sách đã đề ra. Ngay cả ở cấp độ cao hơn của ngành này thì các chuyên gia hành chính công cũng có trách nhiệm tìm kiếm ra phương pháp tốt nhất giúp cho các khối chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội đạt được kết quả từ các sáng kiến chính sách.

Trong khi đó, chính sách công mang ý nghĩa kiến tạo, thiết kế các luật chơi khi gắn liền với các hoạt động nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách để có thể tạo ra được một hệ thống các thể chế chính thức và phi chính thức đủ sức thúc đẩy xã hội phát triển. Như vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực này có xu hướng theo đuổi mục tiêu tư vấn cho chính phủ và các tổ chức, cá nhân nhận diện đúng và tìm ra cách thức để ứng phó với các vấn đề trục trặc công.

Có thể thấy, chính sách công và hành chính công là hai lĩnh vực đều cần thiết và có nhu cầu kết hợp với nhau để tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội. Tất nhiên, các nhà thiết kế chính sách cũng cần hiểu được các công việc và thái độ của các chuyên viên hành chính công để có thể tạo ra được những chính sách vừa hiệu quả và khả thi, ngược lại, những người làm công việc hành chính khu vực công cũng cần hiểu được tư duy của người kiến tạo các thể chế và biết cách phát tín hiệu đúng đắn đến với nhóm này. 

Buổi học sử dụng phương pháp Mô phỏng tình huống (Simulation) trong lớp MPP2025 – Chuyên ngành Phân tích Chính sách tại FSPPM ngày 08.12.2023

Tuy nhiên, có phải hành chính công và chính sách công chỉ nên được hiểu ở mức độ vừa phải như bên trên hay không? Có lẽ là không, phạm trù “công” đang ngày càng bao phủ toàn thế giới và dần khẳng định vai trò quan trọng đối với từng góc độ của cuộc sống. Vấn đề phát triển bền vững, các tiêu chuẩn ESG, SCR, các thị trường và mô thức kinh tế xã hội mới xuất hiện đang ngày càng chứng minh vai trò của các giá trị công là vô cùng quan trọng, quyết định tính chất sống còn của một quốc gia, một cộng đồng, một nền kinh tế, thậm chí là cả nhân loại.

Ai làm công việc liên quan đến hành chính công?

Ngày nay, ranh giới giữa quản lý công và quản lý tư đang dần bị bôi mờ cùng với các hình thức liên kết công tư, các dự án đòi hỏi phải xã hội hóa nguồn lực đầu vào và các mô thức quản lý trong đó nguồn lực giữa hai khối công tư được cho phép chia sẻ qua lại. Nếu trước đây nhắc đến hành chính công người ta sẽ cho rằng đó là chuyên ngành đào tạo ra các công chức, thì hiện nay, một số quốc gia không còn xem đây là nguồn nhân lực của riêng khối nhà nước. Rất nhiều công chức khi tích lũy đủ kinh nghiệm và đạt vị trí quản lý ở khu vực công lại bắt đầu chuyển hướng sang làm việc cho các tập đoàn tư nhân và ngược lại. Ví dụ như trường hợp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình tại Nhà Trắng cũng chỉ được nhớ đến với hình ảnh một doanh nhân nổi tiếng của khu vực tư nhân.

Trong khi việc dịch chuyển nhân lực giữa hai khối công tư không còn xa lạ ở một số các quốc gia phát triển thì ở một số các nước khác, xu hướng giao thoa giữa hai khu vực diễn biến có phần khác biệt hơn. Việc thu hút người tài từ khu vực tư nhân sang làm việc cho khu vực công đang là giải pháp được nhiều nơi lựa chọn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một hướng đi khác không kém phần thú vị đó là chương trình biệt phái các công chức nhà nước sang làm việc tại khu vực tư nhân hoặc trong một mô hình công tư mang tính chất thí điểm hay đặc nhiệm là giải pháp giúp tăng khả năng phối hợp giữa hai khối công tư và cải thiện năng lực thực hành của các công chức.

Như vậy, ngay cả hành chính công vốn là lĩnh vực thường được xem là chỉ đóng khung trong khu vực công thì ngày nay đang có xu hướng mở rộng ra để tạo dòng thông nhau giữa hai khu vực. Theo dự báo, lằn ranh giữa hai khu vực sẽ càng mờ hơn khi các không gian chuyển đổi số và các mô thức kinh tế xã hội dần thay đổi theo tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ai làm công việc liên quan đến chính sách công?

Trước khi xác định ai là người làm công việc liên quan đến chính sách công, người viết muốn nhấn mạnh đến điểm khởi đầu cho sự hình thành chuyên môn của ngành này, đó chính là những vấn đề trục trặc công. Các chính sách công cơ bản phải xuất phát từ một trục trặc công, chẳng hạn như một nguồn lực đang không được sử dụng hiệu quả, một hành vi đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến một nhóm cộng đồng trong xã hội, một khía cạnh lẽ ra có thể được làm tốt hơn nhưng lại không được cải thiện, một cơ hội đã bị bỏ qua,… Và như vậy có thể thấy đối tượng của chính sách công nói chung chính là cộng đồng.

Lập luận trên đây cho thấy chúng ta không cần thiết phải làm việc trong chính phủ để tác động đến chính sách công, bất cứ khu vực, lĩnh vực nào thì cộng đồng cũng là chủ thể chính để phục vụ. Thực tế cho thấy, các chuyên gia xuất sắc có ảnh hưởng mạnh mẽ và hiệu quả đến chính sách công thường làm việc tại các tổ chức ngoài nhà nước nhiều hơn là trong khối chính phủ. Điều này được lý giải là bởi vì ở các góc độ mang tính gắn chặt với thực tiễn vận hành thị trường và có cơ hội bóc tách các mô thức vận hành xã hội, nhóm các chuyên gia này có được chất liệu phong phú, kinh nghiệm sâu sắc và hệ thống các mối quan hệ giúp liên tục thu thập thông tin dữ liệu và thích ứng với sự thay đổi của thế giới để kiến tạo được những chính sách thật sự tốt.

Diễn giả Phạm Phú Ngọc Trai - Nguyên Chủ tịch và Tổng Giám đốc PepsiCo International - Indochina, Phó Chủ tịch phụ trách Corporate Affairs PepsiCo ASIA PACIFIC – với bài giảng Thực tiễn đàm phán giá trị ở Việt Nam – góc nhìn của khu vực doanh nghiệp tại FSPPM ngày 27/06/2023.

Ngày nay, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tổ chức xã hội uy tín cũng có khuynh hướng thích thu hút các chuyên gia chính sách công giỏi về làm việc cho mình vì khả năng tư duy hệ thống, kết nối liên ngành và xuyên ngành của nhóm này giúp các tổ chức đưa ra được các chiến lược hay và hiệu quả, thiết kế được các kế hoạch thực hiện phù hợp, khả thi và quan trọng hơn là khả năng phối hợp tốt với các bên liên quan trong xã hội, kỹ năng vận động chính sách, kết nối với khu vực nhà nước và năng lực thích ứng, kiến tạo luật chơi trong bối cảnh chuyển đổi liên tục của thế giới VUCA và BANI.

Nhìn chung, nếu hành chính công đang dần mở rộng phạm vi hoạt động và tác động của mình ra xuyên khu vực thì chính sách công ngày càng phát huy vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu và nối kết các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau.

  • Trần Hương Giang

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'