Những công việc thú vị dành cho bạn trẻ muốn tạo tác động xã hội
July 13, 2023

Những công việc thú vị dành cho bạn trẻ muốn tạo tác động xã hội

July 13, 2023

Làm nghề gì vừa có thu nhập tốt lại vừa có ý nghĩa?

Các bạn trẻ tham gia một cuộc thi mô phỏng chính sách toàn cầu với chủ đề giảm thiểu thiệt hại của cháy rừng. Ảnh: FSPPM.

Tất nhiên ai đi làm cũng cần có tiền, nhưng đối với một số người, tiền không phải là động lực lớn nhất. Xã hội nào cũng cần có những người tâm huyết với giá trị công, điều phối các hoạt động cộng đồng, tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội, từ đó tạo ra những điều tốt đẹp nhất cho đất nước. Vai trò này trở nên đặc biệt cần thiết trong một thế giới ngày càng bất định và có nhiều thách thức cần giải quyết. Làm sao để nâng cao chất lượng sống, mọi trẻ em đều được đến trường và được bảo vệ, người lao động được đảm bảo quyền cơ bản, giữ được không khí sạch và bảo vệ rừng v.v..

Nếu bạn thường nghĩ đến việc giải quyết các vấn đề xã hội như vậy và cho rằng những công việc mang tính thương mại thuần túy hay khu vực nhà nước đều không thực sự dành cho mình, bạn có thể phù hợp với một không gian làm việc nằm ở khoảng giao thoa giữa khu vực công (nhà nước) và khu vực tư (doanh nghiệp).

Không gian này đang ngày càng được mở rộng, không chỉ gói gọn trong khu vực công, các tổ chức cộng đồng hay tổ chức phi chính phủ. Các doanh nghiệp cũng đang chung tay vào công cuộc tạo giá trị chung này, và vì thế, nhiều đường hướng công việc mới đã và đang được hình thành.

Dưới đây là ba gợi ý về công việc trong các doanh nghiệp nhưng lại chú trọng đến lợi ích chung.

1. Người phụ trách chính sách công tại các tập đoàn

Các tập đoàn đa quốc gia làm việc tại Việt Nam từ trước đến nay đều có vị trí phụ trách quan hệ đối ngoại, bao gồm quan hệ công chúng, quan hệ chính phủ, xây dựng thương hiệu về trách nhiệm xã hội cho công ty. Ở một số tập đoàn như Google hay Meta, vị trí này còn được gọi cụ thể là Quản lý Chính sách Công (Public Policy Manager). Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đây là dấu hiệu cho thấy vai trò của chuyên gia chính sách công đã được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Theo ông, tương tác giữa doanh nghiệp và chính phủ không đơn thuần chỉ là tiếp nhận chính sách một cách thụ động hay tác động để có được những chính sách có lợi cho riêng mình. Một doanh nghiệp lớn với hiểu biết chuyên sâu về ngành có thể đưa ra những gợi ý chính sách khôn khéo mà nhà nước có thể ghi nhận để tạo ra được lợi ích chung. Với nguồn lực của doanh nghiệp, họ còn có thể dễ dàng giúp cho các ý tưởng có lợi cho cộng đồng trở thành hiện thực, TS. Tự Anh nói.

Những tình huống phức tạp càng cho thấy sự cần thiết của việc chung tay giữa khu vực công và tư. Còn nhớ trong đại dịch COVID-19, khi việc đi lại để mua thực phẩm thiết yếu bị kiểm soát, nhiều người dân lâm vào tình cảnh khó khăn. Vào lúc này, Zalo (thuộc tập đoàn VNG) đã tận dụng nền tảng và độ phủ rộng của mình để tạo ra Zalo Connect, giúp xác định những người cần giúp đỡ trong cự ly gần để cộng đồng có thể san sẻ với nhau kịp thời.

Tài xế GrabCar hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm đến các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn COVID-19. Ảnh: N.T.

Giai đoạn COVID cũng là lúc mà các dịch vụ vận tải công nghệ trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng. Chị Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại, phụ trách vấn đề chính sách công tại Grab Việt Nam cho biết, phía Grab đã tích cực làm việc cùng chính quyền TP. HCM để đảm bảo sự vận hành của dịch vụ giao nhận bằng xe hai bánh trong giai đoạn giãn cách. Đây là một việc không chỉ tốt cho bản thân Grab, mà còn giúp đảm bảo công việc cho các tài xế và đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo chị Trang, đó là một trong những tác động đáng kể mà vai trò quản lý chính sách công ở các doanh nghiệp lớn có thể góp phần kiến tạo.

2. Người quản lý mục tiêu phát triển bền vững trong các doanh nghiệp

Tại các doanh nghiệp, các giá trị và trách nhiệm xã hội đang được lồng ghép vào hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Những tiêu chuẩn như ESG (Environment, Sustainability, Governance - Môi trường, Bền vững, Quản trị) hay DEI (Diversity, Equity, Inclusion - Đa dạng, Bình đẳng, Dung hợp) ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí trở thành điều kiện để doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Anh Nguyễn Đỗ Thuyên, người có kinh nghiệm quản lý các dự án về hiệu quả năng lượng cho biết, đơn cử như ngành dệt may, nhiều người mua (buyer) lớn như các nhãn hàng thời trang từ các nước phát triển đang ngày càng chú trọng các tiêu chí tạo tác động khi lựa chọn nhà cung ứng (supplier). Và vì đây không phải là những tiêu chí có thể đạt được một sớm một chiều, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị để thích ứng. Đó là lúc cần có những người quan tâm đến các giá trị, hiểu quy định, hiểu địa phương, và có thể thực hiện điều phối các bên có liên quan để tạo ra thay đổi.

Một buổi tọa đàm chia sẻ các giải pháp sáng tạo xanh từ các doanh nghiệp Bắc Âu, tổ chức tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, tháng 3.2023. Ảnh: M.H.

Các dự án phát triển cũng luôn tìm kiếm những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội để hợp tác. Chị Đinh Thị Thu Hoài (Phó chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội) đã có nhiều năm làm việc để để thúc đẩy sự hợp tác này. Theo chị, việc kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp vào các mục tiêu phát triển bền vững có thể khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng trong quá trình hội nhập, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hiểu rằng đó là xu hướng không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp nào với quy mô đáng kể cũng sẽ cần người hiểu về các mục tiêu này để không bỏ lỡ các cơ hội.

3. Tham gia những doanh nghiệp giải quyết vấn đề xã hội

Doanh nghiệp xã hội (social enterprises) là một kiểu tổ chức điển hình cho thấy sự giao thoa giữa hai khu vực công và tư. Đây là những công ty vì lợi nhuận, nhưng lại được sinh ra với sứ mệnh giải quyết các vấn đề xã hội, tạo lợi ích cộng đồng, và cam kết sử dụng 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Họ dùng chính sản phẩm/dịch vụ của mình để giải quyết các vấn đề xã hội.

Chuỗi nhà hàng KOTO là một trong những doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam, với mục tiêu đào tạo và tạo việc làm cho các trẻ em đường phố, hoạt động từ những năm 1999. Tò he là một doanh nghiệp xã hội khác thành lập từ năm 2006, tạo ra lớp học nghệ thuật cho các trẻ em thiệt thòi, sử dụng thiết kế này trong các sản phẩm thông dụng, bán và chia lại lợi nhuận cho chính các tác giả nhí.

Wellbeing (thành lập từ năm 2014) cũng là một doanh nghiệp như thế. Với mong muốn phổ cập kiến thức y tế cho cộng đồng vì một Việt Nam an toàn hơn, họ cung cấp các khóa học về sơ cấp cứu cho các tổ chức, công ty, trường học trên khắp Việt Nam. Họ cũng là đơn vị cung cấp máy AED (máy khử rung tim ngoài tự động) cho các sân bay trong nước.

Học viên thực hành băng bó trong một lớp học về sơ cấp cứu của Wellbeing. Ảnh: H.N.

Bản thân doanh nghiệp xã hội đã là một khái niệm mới và chính sách về loại hình này cũng còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, đội ngũ nòng cốt luôn cần những người đa năng, với hiểu biết về quy trình chính sách và tinh thần vừa dấn thân nhưng lại vừa thực dụng, bác sĩ Nguyễn Văn Công, người sáng lập và điều hành Wellbeing chia sẻ.

Hơn nữa, giải quyết vấn đề xã hội nằm trong thiết kế của các doanh nghiệp xã hội, nên nếu ai đó đã có sẵn tinh thần này, họ sẽ luôn có động lực làm việc mà mình không cần phải liên tục thúc đẩy. Đó là thứ khó tìm và khó đào tạo hơn kiến thức đơn thuần, ông cho biết thêm.

Học gì để sẵn sàng kiến tạo thay đổi?

Một không gian giao thoa với những nhiệm vụ mới cần người có hiểu biết đa ngành và sẵn sàng thích ứng để điều phối quá trình thay đổi này. Một chương trình cao học về chính sách công có thể trang bị cho người học kỹ năng đó.

Với chuyên ngành chính sách công, bạn sẽ học được cách tác động để tạo ra thay đổi từ tầng cao nhất của vấn đề: chính sách. Ngoài giá trị công, học viên được trau dồi những kỹ năng phân tích, phương pháp nghiên cứu, cũng như hiểu biết về quy trình chính sách và tình hình địa phương, đàm phán và thương lượng.

Lợi thế của người học ngành chính sách công đến từ kỹ năng toàn diện và hiểu biết đa ngành. Thay vì đóng vai trò chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể, họ có thể đóng vai trò điều phối các bên liên quan để hướng đến mục tiêu giải quyết vấn đề. Đó là một kỹ năng tạo ra sự khác biệt trong bối cảnh đang chuyển đổi tại Việt Nam.

  • Xuân Hường

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'