Những viên gạch tín thác niềm tin
June 17, 2021

Những viên gạch tín thác niềm tin

June 17, 2021

Những năm giữa thập niên 90s.

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) sau những nỗ lực đối ngoại cuối cùng đã thu xếp được một nơi thường trú đào tạo trong khuôn viên của Viện Kinh tế TP.HCM ở con hẻm 232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM. Từ nền móng một dãy nhà cũ, nơi đây được cải tạo xây dựng thành cơ sở đào tạo đầu tiên (campus) của FETP.

Khuôn viên đào tạo khiêm tốn với một số giảng đường nhỏ, mang phong cách sắp đặt giảng đường ở Đại học Harvard, có những ô cửa sổ hai lớp to rộng đẹp đẽ, trông ra một khoảng sân chung bé. Lúc đó, những người cán bộ dự án giáo dục này chợt nảy ra ý tưởng, phải trang trí cho không gian khuôn viên đó chút sinh động. Họ quyết định mua một cái cây về trồng.

 

Cây me che bóng mát tại cơ sở FETP ở quận 3

Ông Vũ Trọng Cao, nhân viên lái xe cho dự án, là người nhận nhiệm vụ mang về một cái cây. Ông chọn một cây me bé xíu rước về và trồng ngay giữa mảnh sân nhỏ đó. Khi gieo rễ cây xuống đất, những người thuộc dự án không hình dung được FETP là một dự án không có thời hạn kết thúc như vòng đời vốn dĩ của mọi dự án. Cây me lớn dần, vươn lên toả bóng mát rợp khuôn viên đào tạo và trở thành trung tâm sinh hoạt ngoài lớp học của các học viên FETP. Từ sự vô thức thời gian, cây me trở thành hậu cảnh xanh mướt của sân khấu lễ tốt nghiệp các khoá trong suốt hơn hai thập kỷ.

FETP từ một dự án hợp tác mang tính thân thiện vì mục tiêu giáo dục, văn hoá giữa Việt nam và Hoa Kỳ khởi phát thuở đầu bình minh bình thường hoá quan hệ hai nước, sau đó trở thành viên gạch đầu tiên hình thành Đại học Fulbright Việt Nam. Ông Vũ Trọng Cao giờ đây đã trở thành một trong những nhân viên gạo cội nhất của Đại học Fulbright và vẫn chung thuỷ với công việc cũ từ ngày đầu làm việc cho trường.

Đầu tháng 5 vừa qua, ông Cao là một trong những nhân viên hào hứng tiên phong "mở hàng" tuần lễ Trao tặng (Giving Week) của cộng đồng Fulbright, bằng việc tặng một viên gạch đóng góp cho việc xây trường. Viên gạch của ông được quy đổi bằng một khoản tiền nhỏ, trích khấu từ lương trong 6 tháng để đóng góp.

 

Ông Vũ Trọng Cao (thứ hai từ trái qua) và nhân viên Fulbright

"Cho tới năm nay, tôi đã làm việc gần 27 năm với trường. Khi vô trường làm, tôi mới khoảng ngoài 30 tuổi. Nơi đây như một mái ấm gia đình, tình cảm của Thầy Cô với nhân viên, học viên và ban giám đốc trường thật gần gũi và ấm áp. Viên gạch dù không có giá trị quá to tát nhưng đó là tấm lòng, là niềm tin và hy vọng của tôi về sự phát triển của trường" – ông Cao chia sẻ.

Tuần Trao tặng ở Fulbright là một hoạt động được khởi xướng với ý tưởng gắn kết những cống hiến, tâm huyết giáo dục, đốt lên ngọn lửa cảm hứng, đoàn kết cộng đồng Fulbright từ nhân viên, giảng viên cho đến sinh viên. Suốt tuần cao điểm, nhiều thành viên trong cộng đồng Fulbright hào hứng tham gia đóng góp qua nhiều hình thức phong phú. Đó có thể là tặng một viên gạch, một cái cây, trao tặng một khoản ngân sách tượng trưng hay các cách thức đóng góp vật chất đa dạng để xây dựng trụ sở trường tại Khu Công nghệ Cao Quận 9 và dành cho Quỹ hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và đóng góp xã hội của sinh viên.

Trao tặng còn được sáng tạo thể hiện ở những cách thức phi vật chất như viết thư vinh danh lan toả những đóng góp thầm lặng, bình dị từ người quét dọn, những nhân viên hành chính, nhân viên văn phòng, những người làm tài chính, vận hành bảo quản cơ sở vật chất... mà nếu thiếu họ, Đại học Fulbright không thể có một guồng quay vận hành trơn tru. Đó cũng có thể là những lá thư kết nối với Giáo sư, giảng viên hay đồng nghiệp để khích lệ tinh thần công việc hăng say nhiệt thành. Đó có thể là những cái ôm, bắt tay truyền cho nhau những cảm hứng tích cực và lời động viên hay tri ân chân thành.

"Cảm ơn Hoà, vì anh đã truyền cảm hứng cho chúng tôi từ những câu chuyện lịch sử của FETP. Tôi cảm thấy rất vui mỗi sáng tới trường nhìn thấy anh đã ở đó làm việc chăm chỉ. Cảm ơn anh vì những chỉ dẫn nhiệt tình với những nguồn tài liệu ở thư viện" – Bức tường tri ân của Tuần lễ nói về người phụ trách Thư viện của trường Trương Minh Hoà.

Hay đó là những nhắn nhủ: "Chị Vy và Bộ phận Tài chính luôn làm việc chăm chỉ ở văn phòng. Từ khi tôi đến làm việc sáng sớm cho đến lúc tôi về, họ vẫn ở đó. Họ làm việc hăng say, góp phần làm cho con thuyền của chúng ta giữ nhịp ra khơi".

Trên Bức tường tri ân còn có những lời gửi gắm: "Cảm ơn chị Danh – người quét dọn, đã luôn đến văn phòng sớm nhất từ 6 giờ sáng trong suốt mấy chục năm qua. Cảm ơn chị đã luôn tâm huyết chăm sóc các giỏ cây xanh tươi bày khắp phòng làm việc".

Khi họ nói: "Tôi tin vào Fulbright"

Vào Ngày lễ Lao Động ngay trước tuần Trao tặng, các sinh viên Fulbright tình nguyện đến giúp trang khí khuôn viên chuẩn bị cho sự kiện. Một số sinh viên đã dành cả ngày ở trường để thiết kế và tạo ra các thùng quyên góp.

 

Nguyễn Hà Giang (bên trái)

"Tôi rất cảm động trước sự sẵn sàng đóng góp của họ. Một sinh viên đã vẽ trang trí và đổ mồ hôi rất nhiều trong khi điều hoà bị tắt trong ngày nghỉ. Nhưng bạn không than lấy một lời, chỉ tỉ mỉ vẽ cây me và hờ hững lau mồ hôi. Chính họ đã truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều" – Nguyễn Hà Giang, nhân viên phòng phát triển và đối tác, bộ phận khởi xướng và tổ chức tuần lễ cho biết.

Mặc dù hoàn toàn tin tưởng vào tầm quan trọng của việc tạo ra một truyền thống tốt đẹp trong Fulbright và mục đích quyên góp, Hà Giang vẫn không khỏi bất ngờ trước sự ủng hộ nhiệt tình quá lớn đối với chương trình. Nhấn mạnh mục đích hoạt động nhằm tạo ra một truyền thống gắn bó, tôn trọng và đoàn kết, điều vô cùng quan trọng đối với một tổ chức còn non trẻ như Đại học Fulbright, Hà Giang tin rằng, tuần Trao đi góp phần nuôi dưỡng văn hóa tôn trọng và trao đi trong cộng đồng đại học.

"Mọi người đã viết thư cho chúng tôi nói rằng họ rất xúc động trước những câu chuyện của đồng nghiệp trên Bức tường tri ân. Khoảng gần 500 triệu đồng đã được quyên góp với những thông điệp như "vì tương lai giáo dục Việt Nam", "Tôi tin vào Fulbright",... Có những sinh viên đã quyên góp ngân sách hàng tháng để mua trà sữa và những tờ tiền mặt cuối cùng mà họ có trong tay. Tôi cảm kích và vô cùng tự hào về các sinh viên Fulbright. Dù còn trẻ, họ vẫn sẵn sàng cống hiến. Tôi chắc chắn rằng, một khi bước ra ngoài thế giới rộng lớn ngoài kia, họ sẽ luôn nhìn lại và tiếp tục cống hiến cho Fulbright và các thế hệ tương lai kế tiếp của trường như một di sản của chính họ".

Nguyễn Như Phương Anh (bên trái)

Nguyễn Như Phương Anh, sinh viên khoá (2019-2023), trong một lần trò chuyện với bạn thân đang du học tại Mỹ đã kể về câu chuyện giáo dục mang cảm hứng của Fulbright. Những câu chuyện tạo sự đồng cảm đến mức đôi bạn quyết định chung tay đóng góp. Chưa một lần đặt chân đến Fulbright, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, cậu bạn của Phương Anh đã quyết định dành ra một ngân khoản lớn từ thu nhập kiếm thêm để đóng góp ủng hộ cho sứ mệnh giáo dục của trường.

"Fulbright tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của những sinh viên Việt Nam bằng cách mang đến cho họ một nền giáo dục khai phóng, tạo ra những thế hệ kiến tạo thay đổi để làm nên sự khác biệt cho xã hội. Vì lẽ đó, chúng em quyết định đóng góp cho Fulbright để góp phần tạo ra sự khác biệt" – Phương Anh chia sẻ.

 

Hoàng Mai Linh

Là một trong những sinh viên hưởng ứng tích cực hoạt động này, Hoàng Mai Linh, sinh viên khoá (2019-2023) chia sẻ:

"Em đã không lưỡng lự khi quyết định đóng góp cho tuần lễ. Là một sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính của trường để được theo học tại đây, em cảm thấy rất biết ơn với những gì mình đang được nhận. Dù số tiền đóng góp vô cùng nhỏ nhưng em muốn thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng nơi em được học hỏi và trưởng thành. Hành động này như lời tự hứa của bản thân đó là sẽ quay lại đóng góp cho trường trong tương lai, khi trở thành cựu sinh viên, để Fulbright có thể tiếp tục theo đuổi sứ mệnh giáo dục của mình".

Những cách thức trao tặng sáng tạo khác nhau được bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam mô tả như nỗ lực chung xây dựng một văn hoá bản sắc của đại học.

 

Bà Đàm Bích Thủy

"Cách đây 5 năm, Đại học Fulbright chỉ là một ý tưởng giáo dục phát triển từ nền tảng của FETP mà khi bắt đầu gây dựng, chúng tôi không thể hình dung nổi khả năng biến nó trở thành hiện thực. Nhưng ý tưởng Fulbright giờ đây đã là một hiện thực sống động, một cơ sở giáo dục thu hút đông đảo sinh viên theo học cả hai hệ Cử nhân và Cao học. Ý tưởng đó không thể trở thành hiện thực nếu không có sự tâm huyết, cam kết và cống hiến tận tâm, nhiệt thành của những con người ở trong tổ chức, từ mọi vị trí công việc. Giving Week là một cách quy tụ, thể hiện giá trị văn hoá cống hiến của đại học Fulbright" – bà Đàm Bích Thuỷ, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam cho biết.

Tiếng nói về giáo dục

Một trong những mục tiêu trọng tâm của Tuần Trao đi đó là quyên góp cho việc xây dựng trụ sở trường và dành cho Quỹ hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và đóng góp xã hội của sinh viên. Đại học Fulbright Việt Nam hiện đang gây quỹ đóng góp xây dựng trụ sở chính của Đại học đặt tại Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 9, nằm trên khu đất 15ha trong Khu Công nghệ Cao do UBND TPHCM cấp. Bởi vậy có những đóng góp cụ thể trong suốt Tuần lễ Trao đi là những viên gạch, cây xanh với ý nguyện, một ngày nào đó khi cơ sở khang trang chính thức của trường hiện diện, mỗi người đều có thể tự hào, họ đã gửi gắm một phần tín thác của mình trong di sản học thuật này.

 

Sinh viên Đại học Fulbright

Vì lẽ đó, văn hoá trao đi, những giá trị truyền cảm hứng sẽ không chỉ giới hạn trong cộng đồng Fulbright, không chỉ diễn ra trong Tuần Trao đi (Giving Week). Là một tổ chức học thuật phi lợi nhuận, Fulbright chia sẻ với sứ mệnh giáo dục với xã hội, tồn tại bởi sự tín thác niềm tin của xã hội xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế của người Việt Nam, cho Việt Nam. Đó là tài sản không chỉ của riêng cộng đồng Fulbright kiến tạo.

Ông Trần Lê Nam xuất thân là chuyên gia tư vấn của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), tập đoàn cố vấn Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng Kế hoạch chiến lược trong giai đoạn đầu phát triển đại học. Hết giai đoạn tư vấn, ông Nam quyết định rời BCG gia nhập Fulbright trong vai trò Giám đốc Chiến lược và Phát triển. Từng du học tại Mỹ theo một chương trình học bổng của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, ông Nam thấu hiểu giá trị của một nền giáo dục đại học chất lượng. Đam mê theo đuổi những công việc có tác động tích cực đến xã hội đã dẫn dắt ông Nam tham gia nhiều dự án công việc khác nhau, từ giáo dục, phát triển việc làm cho thanh niên và phụ nữ, sáng tạo, phát triển bền vững.... Tham gia thiết kế và dẫn dắt thực hiện Tuần Trao đi (Giving Week) ở Fulbright, ông Nam muốn mở rộng không gian văn hoá đóng góp này.

 

Ông Trần Lê Nam

"Giáo dục xét cho cùng không phải là trách nhiệm kiến thiết chỉ của phía Nhà nước. Mọi người trong xã hội đều có thể kỳ vọng và hành động vì những giá trị giáo dục mà mình theo đuổi. Với bản thân, tôi hy vọng con trai của tôi trong tương lai sẽ có cơ hội mà tôi không có – đó là được lựa chọn việc học ở một tổ chức học thuật trên thế giới hoặc theo học ngay trên đất nước mình. Vì lẽ đó, trao đi như cách chúng tôi kêu gọi cộng đồng ở Fulbright thực chất cũng là cách xã hội có thể tín thác niềm tin giáo dục của họ ở Fulbright." – Trần Lê Nam chia sẻ.

Trong tuần Trao đi, không ít học viên Thạc sĩ Chính sách Công tại Fulbright tham gia đóng góp với kỳ vọng sẽ gửi gắm con mình theo học tại trường sau này. Chị Nguyễn Quỳnh Anh, học viên lớp LM 22 chia sẻ rằng sự đầu tư đáng giá nhất chính là đầu tư cho giáo dục.

 

Chị Nguyễn Quỳnh Anh (bên trái)

"Đầu tư cho giáo dục luôn xứng đáng bởi chúng ta đang mang đến cơ hội cho một thế hệ trẻ dám suy nghĩ, dám hành động, và sẵn sàng tạo ra thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn".

Anh Chu Đức Mạnh, cựu học viên Thạc sĩ Chính sách công, lớp MPP 2019 tin rằng những giá trị cốt lõi của trường chính là nền tảng tạo sức lan toả đối với xã hội.

"Giá trị lớn nhất của Fulbright là sự chính trực. Để xã hội Việt Nam cởi mở hơn thì cần nhiều thế hệ người học ở Fulbright. Đó là lý do tôi muốn đóng góp cho trường".

Sau gần 3 thập niên làm việc cho trường Fulbright, ông Vũ Trọng Cao mong mỏi được chứng kiến một lần nữa ngày trường dọn về nhà mới chính thức. Ngày rời cơ sở đào tạo Võ Thị Sáu, nhiều người như ông có tâm nguyện chuyển cây me trong khuôn viên Võ Thị Sáu về cấy thổ tại trụ sở chính thức của Đại học Fulbright ở Quận 9. Cây me trong ký ức biết bao thế hệ học viên, nhân viên và giảng viên của Fulbright giờ đây đã là biểu tượng lịch sử, hình ảnh đại diện của một đại học tiếp tục mang sứ mệnh giáo dục kiến thiết những thay đổi tốt đẹp cho xã hội Việt Nam bằng di sản con người và tri thức.

 

Cây me tại cơ sở FETP ở quận 3

Ngôi nhà chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam sẽ có những hàng me lớn hơn mà sự gieo trồng bắt đầu từ những viên gạch tín thác niềm tin không chỉ của cộng đồng Fulbright, mà của cả cộng đồng xã hội. Đó là nơi để bất kể ai trong xã hội cũng có thể tham gia kiến tạo những giá trị giáo dục lý tưởng mà họ kỳ vọng và tự hào.

  • ​Xuân Linh

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'