Chưa gieo gì sao có thể gặt hái
May 16, 2013

Chưa gieo gì sao có thể gặt hái

May 16, 2013

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Số 20-2013, ngày 16/5/2013, Tr. 20-21

www.thesaigontimes.vn

Chưa gieo gì sao có thể gặt hái

Đỗ Thiên Anh Tuấn

(Giảng viên Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)

 

Từ đầu năm 2011 đến nay, Chính phủ đã chủ động xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động tái cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là dường như Chính phủ chưa có được một chương trình hành động tổng thể ngay từ đầu. Các đề án thành phần được ban hành một cách rời rạc, thiếu đồng bộ, thậm chí trước cả đề án tổng thể. Ngay cả khi bản đề án tái cơ cấu kinh tế tổng thể vừa được thông qua thì Chính phủ vẫn còn rất nhiều phần việc quan trọng khác phải làm tiếp và làm một cách khẩn trương hơn.

Kết quả sau một năm thực hiện

Có người đặt ra câu hỏi: kinh tế Việt Nam đã gặt hái được gì sau một năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Câu trả lời khá đơn giản: chúng ta hầu như chưa gieo gì sao có thể nghĩ đến chuyện gặt hái? Những chính sách của Chính phủ nêu trên chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị hạt giống nên hãy còn quá sớm để nói đến chuyện gặt hái thành quả. Nhìn ở khía cạnh tích cực, những giải pháp của Chính phủ gần đây mới chủ yếu tập trung vào các vấn đề có tính ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2013 qua đó giúp tạo tiền đề cho công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Nhưng nếu nói một cách thẳng thắn thì những gì mà Chính phủ và các bộ, ngành đã làm cho đến hiện nay liên quan đến việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế là quá chậm so với yêu cầu.

Những vấn đề đáng quan ngại nhất

Trên phương diện kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng kinh tế vẫn chậm, tồn kho tăng cao, sức sản xuất công nghiệp suy yếu, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc... chưa hẳn đã là vấn đề đáng quan ngại hiện nay. Trong khi đó, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, tình trạng bội chi ngân sách và nợ công tiếp tục tăng cao mới là điều đáng ngại. Nhưng đây vẫn chưa phải là điều đáng quan ngại nhất. Điều đáng quan ngại nhất nằm ở niềm tin của người dân, giới doanh nghiệp và nhà đầu tư đang bị lung lay một cách nghiêm trọng. Đã lâu lắm rồi, năng lực quản trị và điều hành của chính phủ mới lại chịu thử thách quá lớn như vậy.

Trên phương diện thể chế và chính sách:

Thứ nhất, những tiền đề cho tái cấu trúc kinh tế vẫn gần như chưa có. Những tiền đề này bao gồm giữ được sự ổn định vĩ mô trong ngắn hạn, một nền tảng thể chế tiến bộ và mạnh, cải thiện cơ sở hạ tầng, và gây dựng những con người xuất sắc.

Thứ hai, lực cản chủ quan, sức ỳ quá lớn của hệ thống sẽ là rào cản lớn cho cải cách. Mong muốn cải cách đích thực sẽ trở thành cải cách nửa vời do một số người trong hệ thống cũ không có động cơ cải cách, vì cải cách có thể làm mất đi một số đặc quyền, đặc lợi mà hệ thống cũ đã tạo ra cho họ.

Thứ ba, sự chi phối bởi các nhóm lợi ích đặc quyền liên kết với nhóm quyền thế sẽ có nguy cơ làm biến dạng các chính sách. Có những dấu hiệu cho thấy một số chính sách ở tầm Chính phủ lẫn bộ, ngành đang bị sa lầy vào các vấn đề không cơ bản.

Thứ tư, các chính sách đang triển khai vẫn thể hiện rất rõ cái tư duy mệnh lệnh hành chính. Hiếm khi tìm thấy cái gọi là tư duy dựa trên thị trường trong các giải pháp chính sách đề ra và biểu hiện trong thực tiễn thi hành.

Thứ năm, một số người vẫn chưa hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Một số lãnh đạo vẫn hiểu sai, hiểu không đầy đủ về yếu tố TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) trong mô hình tăng trưởng. Điều này có khả năng dẫn đến hành động "đuổi hình bắt bóng", gây lãng phí nguồn lực mà hệ quả nhiều khi còn tệ hại hơn.

Thứ sáu, có lẽ đáng quan ngại nhất, chính là nền tảng thể chế hiện đang bị phân mảng thậm chí bị phá vỡ do tình trạng mất kiểm soát quyền lực tập trung. Tình trạng lạm quyền, tính thượng tôn pháp luật không được tuân thủ ngay trong chính giới quyền thế. Các thực thể đối trọng về quyền lực không có hoặc chỉ là trong nội bộ nhưng do cùng một sứ mạng mà sự đối kháng này có thể được thỏa hiệp, có thể chỉ là tạm thời, mà kết quả là xu thế giữ nguyên hoặc kéo dài hiện trạng.

Những vấn đề "cốt tử"

Trước hết, cần phải nhận thức rằng đây là thời cơ cho cải cách. Trước đây cả chục năm cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị cải cách nhưng có lẽ thời cơ chưa chín muồi, không có lý do thực sự đủ thuyết phục cho những đề xuất cải cách. Chính vì vậy, tình thế khó khăn hiện nay chính là cơ sở thực tiễn cho nhu cầu phải cải cách triệt để. Những người không muốn cải cách, hoặc là do muốn duy trì lợi ích hiện hữu hoặc do năng lực yếu kém, phải bị loại ra khỏi hệ thống mới.

Thứ hai là cần phải từ bỏ tư duy chọn trước một khu vực kinh tế đóng vai trò chủ đạo bởi vì điều này, như thực tiễn đã chứng minh, sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại hết sức tai hại. Chừng nào tư duy này vẫn còn thì mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, như được đề ra trong bản đề án tái cơ cấu, chỉ là hình thức. Nếu động lực của tái cơ cấu kinh tế là thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực theo hướng hiệu quả thì việc vẫn duy trì sự ưu tiên nguồn lực (vốn tín dụng, đất đai, và cơ chế) cho khu vực kinh tế vốn đã được chứng minh là kém hiệu quả sẽ làm phá sản công cuộc tái cơ cấu kinh tế ngay từ đầu.

Yếu tố quan trọng phải thay đổi một cách căn bản chính là nền tảng thể chế. Thể chế được hiểu là những ràng buộc ("luật chơi") do con người tạo ra nhằm chi phối các tương tác kinh tế, chính trị và xã hội (Douglas North), bao gồm những quy định chính thức (hiến pháp, pháp luật, quyền sở hữu) và phi chính thức (chế tài, tính thượng tôn pháp luật, điều cấm kỵ, phong tục, truyền thống, quy tắc ứng xử). Hiện nay, điều cần thiết hơn bao giờ hết là phải khẩn trương xây dựng lại luật chơi mới trong một môi trường mới dựa trên nền tảng của cạnh tranh và quy luật của nền kinh tế thị trường, ở đó giới chính trị và quyền thế cũng không ngoại lệ. Phải chứng minh (bằng thực tiễn chứ không phải bằng lời nói) cho người dân thấy rằng những thành quả lao động của họ không thể bị tước đoạt bởi các nhóm quyền lực và bởi sự lũng đoạn của một số kẻ tài phiệt có thân thế; và các nhóm quyền thế cần bị buộc phải từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi lâu nay. Đồng thời với đó cần phải xây dựng được một hệ thống đòn bẩy khuyến khích phù hợp, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng trong cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống kinh tế.

Để tái cấu trúc kinh tế thành công

Các trình bày ở trên đã đưa ra những hàm ý cho các nhóm giải pháp. Có thể chúng không mới nhưng ở đây muốn nhấn mạnh đến sự tập trung vào những giải pháp quan trọng, nhưng mấu chốt vẫn là việc liệu chúng ta có muốn thực hiện chúng hay không.

Trên phương diện chung:

Một là, phải tạo dựng được những nền tảng thể chế mới và sự chuẩn bị về nguồn lực cho tái cơ cấu. Hai là, phải xây dựng được cơ chế khuyến khích phù hợp dựa trên triết lý "cây gậy và củ cà rốt". Ba là, phải tuyển chọn được những người lãnh đạo tốt nhất và những con người giỏi cho công cuộc tái cơ cấu thông qua cơ chế khuyến khích thích hợp. Bốn là, phải tạo ra được các thực thể làm đối trọng cho cải cách, đó là những tổ chức giám sát, kiểm toán và đánh giá thành quả độc lập, đó là những hệ thống cạnh tranh về quyền lực và sự nghiệp chính trị.

Liên quan đến ba nội dung trọng tâm của tái cơ cấu:

Một là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước: Cần phải áp đặt lại một cách nghiêm chỉnh kỷ luật, kỷ cương lên các tập đoàn kinh tế; chấm dứt các ưu đãi về nguồn lực và cơ chế chính sách đặc thù dành cho các tập đoàn; yêu cầu các tập đoàn phải có khả năng cạnh tranh quốc tế theo một lộ trình xác định mà nếu không sẽ bị buộc phải giải thể hoặc cổ phần hóa; quy định các tập đoàn phải công khai tài chính, hoạt động, và quản trị.

Hai là tái cơ cấu ngân hàng: Khẩn trương xử lý nợ xấu, hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo và sở hữu ngầm, cho phá sản hoặc giải thể ngay một số ngân hàng yếu kém; loại bỏ tình trạng mafia ngầm trong giới tài phiệt ngân hàng, cắt đứt các câu kết với các tài phiệt trong các lĩnh vực khác để làm trong sạch hóa và lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng.

Ba là tái cơ cấu đầu tư công: Nhanh chóng ban hành đề án tái cơ cấu đầu tư công trên tinh thần của bản đề án tái cơ cấu tổng thể; thiết lập các ràng buộc ngân sách cứng; xây dựng cơ chế giải trình và ràng buộc trách nhiệm cá nhân, hết sức tránh cơ chế chịu trách nhiệm tập thể. Để tránh tư duy và hành động nhiệm kỳ cũng như cơ hội hạ cánh mềm, cần phải xây dựng được cơ chế điều trần và chịu trách nhiệm ngay cả những lãnh đạo đã về hưu.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'