Không thể “tay không bắt giặc”
January 07, 2014

Không thể “tay không bắt giặc”

January 07, 2014

Nguồn: http://www.tuoitre.vn

TT - Cầu Phú Mỹ xét về mặt kỹ thuật là dự án thành công. TP.HCM đã có một cây cầu chất lượng tốt, được xây dựng đúng tiến độ. Nhưng xét về mặt tài chính là sự thất bại và để lại nhiều bài học về việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng của TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-1, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM, người nghiên cứu khá sâu về dự án này - phân tích:

- Cầu Phú Mỹ là dự án đầu tư được xây dựng theo đúng quy hoạch giao thông của TP.HCM. Năm 2002, TP đã đề xuất với trung ương được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao) để huy động vốn từ khu vực tư nhân. Sau quá trình đàm phán, một tổ hợp gồm năm nhà đầu tư đã tham gia dự án BOT cầu Phú Mỹ. Họ đã thành lập một công ty cổ phần rất đặc thù là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ.

Về vấn đề vốn, chủ đầu tư đã cam kết sẽ góp 30% vốn đầu tư là vốn tự có, số còn lại sẽ đi vay ngân hàng nước ngoài, cụ thể là ngân hàng của Pháp.

* Vì sao TP.HCM lại đứng ra bảo lãnh cho dự án này, thưa ông?

- Không phải TP.HCM không có ngân sách để làm dự án này mà thành phố muốn huy động vốn tư nhân. Theo cam kết, 70% vốn là vay từ các ngân hàng thương mại nước ngoài. Việc phải vay nước ngoài vì khoản vay rất lớn. Hơn nữa lãi suất vay dù cao hơn lãi suất vốn ODA nhưng lại thấp hơn lãi suất thương mại trong nước. Tuy nhiên chủ đầu tư không vay được vì không có bảo lãnh của Chính phủ VN. Các ngân hàng của Pháp chỉ cho vay nếu chủ đầu tư có bảo lãnh của Chính phủ. Do đó để thu xếp được nguồn vốn, Quỹ đầu tư phát triển TP.HCM (nay là Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM) đứng ra vay dưới sự bảo lãnh của Bộ Tài chính, sau đó cho chủ đầu tư cầu Phú Mỹ vay lại.

Thực tế cho thấy dự án cầu Phú Mỹ chọn được hai nhà thầu xây dựng rất có uy tín. Vì thế sau khi huy động được vốn, họ đã xây dựng vượt tiến độ. Khởi công vào tháng 2-2007, chỉ hai năm rưỡi sau đã hoàn thành, khánh thành và thông xe vào tháng 9-2009, nhanh hơn bốn tháng so với dự kiến. Dự án được hoàn thành với chất lượng được đánh giá là tốt trong số các công trình tương tự trong giai đoạn 2005-2010 như cầu Thủ Thiêm, cầu Rạch Miễu... Đây là thành công của dự án. Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra để xây dựng cây cầu này.

Tuy nhiên, tranh chấp xuất hiện khi đưa vào khai thác, chủ đầu tư không trả được nợ. Do đường vành đai phía đông không được hoàn thành đúng tiến độ như trong cam kết hợp đồng BOT nên lượng xe thấp hơn dự báo, khiến khoản thu không bù đắp được số tiền cần trả nợ hằng năm. Vì khoản vay của các ngân hàng nước ngoài có bảo lãnh của Nhà nước nên TP đã phải đứng ra trả nợ thay. Theo tính toán của tôi, số nợ phải trả hằng năm vào khoảng 330-350 tỉ đồng. Trong khi phí thu được năm 2012 là 95 tỉ đồng, năm 2013 là 103 tỉ đồng. Khoản thu thực tế này cũng thấp hơn phương án tài chính ban đầu của họ là 180 tỉ đồng. Bởi vậy ngay cả trường hợp lượng xe qua cầu đúng như dự báo thì vẫn không đủ để trả nợ.

* Vậy theo ông, phải giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Hợp đồng BOT quy định nếu đường vành đai xây dựng chậm trễ dưới ba năm kể từ khi cầu thông xe và lượng xe qua cầu thấp hơn dự báo trong phương án tài chính của dự án thì TP.HCM dùng tiền ngân sách để bù đắp cho phần chênh lệch phí thu qua cầu. Trường hợp chậm trên ba năm, chủ đầu tư sẽ chuyển giao dự án cho TP.HCM và TP hoàn trả tiền vốn đầu tư cộng với lãi bảo toàn vốn và lãi BOT. Thực tế đường vành đai đã chậm quá ba năm nên thực hiện đúng cam kết, TP.HCM phải nhận lại dự án.

Tuy nhiên, ở đây có cả lỗi của chủ đầu tư bởi chính họ cũng vi phạm hợp đồng. Trong tổng số 1.806 tỉ đồng vốn đầu tư ban đầu, chủ đầu tư phải góp 30% nhưng họ đã không góp đủ, thay vào đó đi vay từ các ngân hàng thương mại như BIDV, Sacombank...

TP.HCM có cam kết gì thì thực hiện theo đúng cam kết đó. Tuy nhiên, vì lỗi ở cả hai bên nên cần kiểm toán xem chủ đầu tư đã thật sự bỏ bao nhiêu vốn vào dự án. TP.HCM nhận lại khoản nợ đã bảo lãnh và trả cho nhà đầu tư số tiền họ đã bỏ vào dự án cộng với lãi suất theo quy định. Cần xem xét vốn góp vào Công ty cổ phần đầu tư Phú Mỹ bao nhiêu, bao nhiêu dùng để đầu tư xây cầu, bao nhiêu dùng đi làm các dự án khác. Đáng lẽ công ty được thành lập nhằm mục đích thực hiện dự án này thì chỉ làm dự án này, nhưng lại đi đầu tư vào các dự án khác là không đúng.

Những năm trước mắt, ngân sách TP.HCM sẽ phải trả nợ cho dự án này. Nhưng khi đường vành đai hoàn thành, lưu lượng xe tăng lên thì phí thu được sẽ tăng lên. Chưa kể TP.HCM có được cây cầu mà với số tiền hơn 3.000 tỉ đồng hiện nay không thể xây dựng nổi.

* Từ những vấn đề nảy sinh ở dự án cầu Phú Mỹ, theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng tương tự ở các dự án đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn tư nhân trong tương lai?

- Việc thẩm định tính khả thi tài chính của mỗi dự án rất quan trọng. Nếu thẩm định kỹ sẽ thấy nhà đầu tư không trả được nợ ngay từ đầu. Điều này thấy rõ qua việc tổng mức đầu tư liên tục tăng, từ 1.806 tỉ đồng dự tính ban đầu nay đã lên khoảng 3.250 tỉ đồng. Nhà đầu tư dự báo mức trượt giá, biến động tỉ giá không đúng so với thực tế.

Khi dự án đã có sự tham gia của khu vực tư nhân thì tư nhân phải có tiền, phải thật sự bỏ tiền của họ vào dự án, không thể tay không bắt giặc được. Cơ quan có thẩm quyền nhà nước cần phải kiểm soát nhà đầu tư có thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng hay không. Cụ thể, họ có góp vốn đủ so với quy định, hay họ không có vốn mà chỉ đi vay các ngân hàng thương mại. Phải đầu tư bằng tiền của họ thì họ mới tính toán khả thi nhất cho đồng vốn bỏ ra, gắn trách nhiệm của họ với dự án. Suốt vòng đời của dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thành lập ra một tổ công tác theo dõi để đảm bảo cơ quan nhà nước và chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng các cam kết ban đầu. Có như vậy khi tranh chấp hay trục trặc xảy ra mới xác định được trách nhiệm thuộc về ai.

Có rất nhiều quan ngại sự thất bại về mặt tài chính trong dự án BOT cầu Phú Mỹ sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của TP.HCM, đặc biệt trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nếu TP.HCM cứ thực hiện theo đúng các cam kết thì sẽ tạo được uy tín cho TP.HCM, thậm chí uy tín còn tăng lên.

BẠCH HOÀN thực hiện

Chủ đầu tư vi phạm nguyên tắc tài trợ dự án BOT?

Theo phân tích từ một chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ phải góp vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, công ty này đã không góp đủ vốn và thay vào đi vay tiền từ hai ngân hàng thương mại là BIDV và Sacombank. Để có được khoản vay này, chủ đầu tư đã thế chấp cho Sacombank quyền thu phí cầu Phú Mỹ. Mặc dù không có quy định cấm trong hợp đồng nhưng việc thế chấp này lại vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài trợ dự án theo cơ chế BOT. Đó là trong khi quyền thu phí là tài sản quan trọng để đảm bảo khả năng trả nợ của dự án thì chủ đầu tư lại dùng nó làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay khác.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'