Gom tiền về ngân khố thế nào?
November 28, 2013

Gom tiền về ngân khố thế nào?

November 28, 2013

HỒNG PHÚC

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/

Đề xuất tăng tỷ lệ thu về ngân sách nhà nước từ tiền lãi của Tập đoàn Dầu khí quốc gia PVN từ năm 2013 sẽ là 75% nộp ngân sách nhà nước và 25% được đầu tư trở lại cho tập đoàn thay vì tỷ lệ 50-50 như các năm trước đã và đang gặp các phản ứng mạnh mẽ của ngành Dầu khí. "Họ phản ứng rất mạnh, gửi văn bản và lobby qua nhiều kênh khác nhau. Vì vậy, khi việc thu lợi tức từ DNNN về ngân sách được tiến hành thì một làn sóng DN, bộ, ngành, cơ quan chủ quản sẽ phản đối, đưa ra các lý do để bảo vệ nguồn lợi đó và mặc cả về tỷ lệ là điều chắc chắn sẽ xảy ra", một thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói với TBKTSG.

Dấu hỏi tỷ lệ giữ - thu

Tránh xung đột lợi ích là chuyện lớn nhất phải giải quyết khi Chính phủ thu lợi tức của DNNN về ngân sách. Sẽ không loại trừ việc DNNN sẽ lập quỹ này qũy kia hay viện nhiều lý do khó khăn, cần tái cơ cấu DN, thay đổi chiến lược kinh doanh... để giữ tiền lại, hay dùng kỹ thuật kế toán chuyển lợi nhuận sang năm trước, năm sau. Kỷ luật tài chính DNNN bấy lâu không được tôn trọng nay càng có thể lệch lạc, theo ông nguyễn Trí Dũng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Vì vậy ông Dũng cho rằng nếu muốn làm "cuộc cách mạng" này việc đầu tiên phải lấp đầy khoảng trống về cơ chế, đưa ra hướng dẫn chi tiết bằng văn bản của Chính phủ hay nghị định nêu rõ các bước làm, chính sách với từng nhóm DN và công khai việc sử dụng các khoản tiền đó, với quy trình thu phải thống nhất, đơn giản và thưởng phạt rõ ràng.

"Trong Luật ngân sách có nêu một trong những nguồn thu của ngân sách nhà nước là từ lợi tức của các DNNN và đó là cơ sở quan trọng. Song việc này chưa có các văn bản hướng dẫn nên rất cần có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright - nói, "Biết là áp lực chống đối sẽ lớn nên cơ chế đưa ra cần rất rõ ràng, sòng phẳng, đặc biệt tỷ lệ lợi tức thu về ngân sách – DN được giữ lại. Nó không nên cào bằng với tất cả mà tỷ lệ, cơ chế có thể khắt khe với chỗ này, thoáng với chỗ kia. Sau khi thu Chính phủ cần công khai việc sử dụng nguồn tiền này bởi đó là một nguồn lực của người dân. Biết là sẽ khó nhưng nếu ta không thực hiện điều này sẽ là sự thụt lùi đáng tiếc".

Hiện ông Tuấn cho rằng có thể gom nhóm DNNN như sau: nhóm các tập đoàn kinh tế nhà nước; 1.309 DNNN hiện chưa được cổ phần hóa nằm dưới dạng công ty TNHH một thành viên; các công ty cổ phần có NN nắm cổ phần, trong nhóm này có các DN do bộ, ngành, địa phương nắm phần vốn nhà nước và nhóm SCIC là đại diện vốn nhà nước.

Với mỗi nhóm phải có cách làm khác nhau. Ví dụ, với nhóm công ty SCIC đang đại diện vốn nhà nước cần có đề xuất chính sách phân chia cổ tức trong các công ty này thông qua tại đại hội đồng cổ đông, và SCIC sau khi tiếp nhận cổ tức đó phải chuyển về ngân sách chứ không phải nằm đâu đó hay gửi ngân hàng. Với 1.309 DN kia, chúng ta gần như không có thông tin gì cụ thể về tình hình hoạt động của các DN này, hầu như không có báo cáo kiểm toán nào được công khai. Chiến lược và phương án kinh doanh của 1.309 đó phải được đánh giá lại, giám sát các phương án đó và yêu cầu thực hiện tỷ lệ cổ tức nộp về phù hợp chứ không phải tiếp tục để họ vẽ lên phương án làm sao để tiêu hết phần tiền đó.

Vậy, cách thu nên thế nào? Theo ông Tuấn, thứ nhất, nếu DNNN thuộc sở hữu của bộ, ngành đó thì có thể coi nguồn lợi tức của các DN bộ ngành đó là vốn đối ứng cho ngân sách TW trong năm tài khóa đó. Các bộ ngành đều có nhu cầu tài chính trong từng năm, ví dụ, anh cần 10.000 tỉ năm nay, thay vì ngân sách rót cho anh cả 10.000 tỉ tôi rót 8.000 tỉ, 2.000 tỉ còn lại bộ, ngành đó phải thu từ lợi tức của các DN anh chủ quản (Việc này còn tạo động cơ để cơ quan chủ quản giám sát tốt hơn DN con bởi vì chính sách cổ tức hay phân chia lợi nhuận là một công cụ hữu hiệu để chủ sở hữu hay cổ đông giám sát doanh nghiệp). Nếu anh không thực hiện đúng nghĩa vụ đã giao, lãnh đạo DN phải bị cách chức. Điều này càng giúp kỷ luật tài khóa vốn rất mềm nhiều năm qua trở nên nghiêm minh hơn và giúp tăng cường hiệu quả DNNN, tạo động cơ cho lãnh đạo DNNN thay đổi quan điểm, và việc này nếu làm được sẽ gắn với vấn đề lớn hơn là cải cách DNNN và xa hơn là thể chế kinh tế.

Cách thứ 2 là gom lợi tức về một điểm tập kết. DNNN phải chuyển phần phải nộp về ngân sách trung ương. Bộ Tài chính gom về, cân đối xong lại phân bổ lại. Cách này, theo ông Tuấn, không hiệu quả cao vì không tạo động cơ cho bộ chủ quản giám sát DN và có thể tăng chi phí quản lý ngân sách.

Kỷ luật ngân sách cần chặt hơn

Song, những kịch bản sẽ xảy ra cần lường trước, ông Tuấn nói: "Tôi nghĩ sẽ có 2 tác động, trên phương diện chính trị và kinh tế. Phương diện chính trị là sẽ có sự không đồng thuận. Các tập đoàn, DNNN sẽ viện đủ lý do về tình hình khó khăn, cần thêm nguồn lực cho tái cấu trúc... Nhưng nếu Chính phủ quyết tâm và có cơ sở rõ ràng thì sẽ dung hòa được. Nếu anh khó quá, thay vì lấy lại 10 đồng tôi chỉ lấy 6 đồng, vấn đề là anh và tôi phải sòng phẳng rõ ràng".

Thách thức thứ hai lớn hơn, ở chỗ nếu soi lại hết lợi tức của DNNN từ trước tới nay thì rất nhiều lợi nhuận đã hình thành nên tài sản, có thể là tài sản vật chất hữu hình hay tài sản tài chính hiện các tập đoàn đang nắm giữ, đầu tư. Vậy cần xem lợi nhuận đó phải trích nộp về từ năm nào, theo lộ trình trong từng năm từ nay trở đi hay Chính phủ chỉ thu phần lợi nhuận từ 2013. Bản chất của cổ tức là dòng tiền chứ không phải lợi nhuận kế toán. Lợi nhuận kế toán có thể rất cao nhưng anh có thể không có dòng tiền trả cổ tức cho cổ đông. Mặc dù các tập đoàn, ngân hàng lợi nhuận tích lũy rất nhiều và nó là cơ sở hình thành vốn tự có lớn cho ngân hàng, giờ phần đó không phải cục tiền mà nó mà đã hình thành nên tài sản, khoản đầu tư nằm rải rác nên cần có lộ trình để các DN thanh lý danh mục tài sản để có tiền chuyển về trả nhà nước. Trong thời gian ngắn và điều kiện hiện nay các DNNN không thể bán tài sản đó thu tiền về. Song Chính phủ có thể thông qua chính sách gom cổ tức để tạo thêm áp lực thoái vốn khẩn trương tại các tập đoàn, DNNN chứ không để họ tìm cớ lưỡng lự, thoái thác trách nhiệm như hiện nay. "Tôi nghĩ làm được điều này rất tích cực. Hai chính sách thoái vốn ngoài ngành và nộp lại cổ tức phải duy trì song song và lồng ghép mới hiệu quả. Nếu sợ làm việc này mà gây áp lực, và chọn tiếp tục thỏa hiệp thì sự dung túng sẽ trao quyền thương lượng cho ai đó và mọi việc lại duy trì hiện trạng như trước khi có đề xuất này", ông Tuấn nói.

Chia sẻ về những băn khoăn này, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết: "Tới đây chúng tôi sẽ ngồi lại tính toán tỷ lệ nộp về với từng loại hình DN và lĩnh vực, cân nhắc và đưa ra tỷ lệ cho hợp lý chứ không thể cào bằng. DN nào kêu khó khăn nhưng vẫn phải nộp về một ít. Bởi xét cho cùng, có những DN Nhà nước thậm chí đang cần bán vốn đi và khi chưa thoái được cần dứt khoát thu về lợi tức, không có lý gì nên để lợi tức lại để tiếp tục đầu tư mở rộng trong khi Chính phủ còn đang mong rút về vốn đầu tư gốc ở đó".

Ông Ngoạn cho rằng khó khăn lớn nhất cơ quan quản lý sẽ gặp phải là một số DN sẽ kêu ca về việc thiếu vốn để mở rộng đầu tư. Các lý lẽ sẽ rất nhiều: Nếu thiếu điện, thiếu than thì Chính phủ đừng có kêu, dự án đã thỏa thuận với đối tác quốc tế rồi nếu không có vốn tham gia thì sẽ ảnh hưởng quan hệ quốc tế, đề án kinh doanh đã quyết rồi nếu không làm thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp... Các tập đoàn như điện, than khoáng sản hay dầu khí cũng sẽ phản ứng rằng nếu thu hết về họ sẽ gặp khó trong mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh.

"Phản ứng là tất yếu. Tôi cho rằng cần cân nhắc có tình và lý, kiến nghị của DN hợp lý cũng cần lắng nghe. Cần đặt tất cả lên bàn, cân đo lợi ích ngắn hạn và chi phí dài hạn, cái trước mắt và lâu dài, việc cấp thiết và việc đầu tư cho tương lai. Lý lẽ thì thế nhưng cần có tính toán cụ thể cho từng trường hợp. Đó là bài toán của Chính phủ cần giải. Chính phủ cần tính toán kỹ và đưa lý lẽ đủ sức thuyết phục. Nếu đã đưa ra quan điểm cuối cùng tôi cho rằng cần cương quyết thực hiện. Kỷ luật ngân sách cần làm chặt hơn", ông Ngoạn nói.

"Cải cách DNNN là một cái két có nhiều cánh cửa và anh cần có nhiều chìa khóa. Việc thu gom lợi tức về là một chìa khóa không thể thiếu và đây là giải pháp sẽ hỗ trợ, bổ sung thêm các giải pháp tổng thể của tái cấu trúc DNNN" (Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'