Kinh tế Việt Nam 2013-2014: Nhìn lại và bước tới
January 24, 2014

Kinh tế Việt Nam 2013-2014: Nhìn lại và bước tới

January 24, 2014

Đỗ Thiên Anh Tuấn

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

 

Kinh tế Việt Nam 2013: ổn định trong khó khăn

Có thể dùng hai từ để nói về kinh tế Việt Nam năm 2013, đó là ổn định và khó khăn, hay nói chính xác hơn là ổn định trong khó khăn. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ theo đuổi liên tục trong 3 năm qua thể hiện sự nhất quán của chính sách và cũng là một đòi hỏi cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay.

Kinh tế có thể tạm xem là ổn định...

Cái gọi là sự ổn định của nền kinh tế được thể hiện ở một vài chỉ báo quan trọng, chẳng hạn như lạm phát được duy trì ở mức thấp 6,04% so với mục tiêu 7-8%; lãi suất có xu hướng giảm thấp và ổn định, không còn tình trạng chạy đua lãi suất phức tạp như những năm trước; tỷ giá nhìn chung được duy trì khá ổn định trong thời gian dài dù có những thời điểm tỷ giá phi chính thức có biến động vượt khỏi trần biên độ, đặc biệt sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá chính thức lên 1% vào trung tuần tháng 6/2013. Cán cân thương mại được cải thiện đáng kể từ mức thâm hụt nặng nề trước đây nay cơ bản thăng bằng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,3 tỷ USD, cũng tăng 15,4% so với 2012. Tính chung trong năm 2013, Việt Nam xuất siêu gần 900 triệu USD, trong đó đóng góp quan trọng là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu 13,9 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu lên đến 13 tỷ USD. Khu vực FDI chiếm đến 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và 56,7% kim ngạch nhập khẩu. Điều đáng chú ý, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam nhập siêu lên đến 23,7 tỷ USD.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính từ đầu năm đến 15/12/2013 đạt 21,6 tỷ USD, gồm 14,3 tỷ USD cấp mới và 7,3 tỷ USD bổ sung, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn thực hiện chỉ đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với 2012. Vốn FDI cùng với nguồn kiều hối ước tính cả năm khoảng 11 tỷ USD đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng cán cân thanh toán và giảm áp lực đối với tỷ giá. Đồng thời nhờ đó, dự trữ ngoại hối cũng được cải thiện đáng kể, từ mức đủ trang trải 2,2 tháng nhập khẩu trong quý 1/2012 lên gần 3 tháng nhập khẩu trong quý 3/2013. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng mức dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2013 của Việt Nam có thể lên đến 38,7 tỷ USD và năm 2014 lên mức kỷ lục 46,1 tỷ USD, tương đương khoảng 3,1-3,2 tháng nhập khẩu tiềm năng.

Nhưng...

Chắc chắn rằng, sự ổn định của nền kinh tế trong năm qua một phần là nhờ các giải pháp quyết liệt, dứt khoát, hợp lý và nhất quán của Chính phủ trong điều hành chính sách. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng sự ổn định này còn được hỗ trợ một phần, dù sự hỗ trợ này là không mong muốn, do sức cầu của nền kinh tế suy yếu. Điều này cũng giống như việc một đứa trẻ không còn quậy phá hay hiếu động nữa thì không hẳn là do cha mẹ quản lý tốt hơn mà có thể là do sức khỏe của đứa trẻ không được tốt.

Điều đầu tiên có thể nhận thấy là, tăng trưởng kinh tế đã không đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra, tức chỉ đạt 5,42% so với 5,5%. Mục tiêu không đạt chính là biểu hiện của tình trạng khó khăn mà khu vực sản xuất đang đối mặt so với kỳ vọng. Theo thống kê, trong năm 2013 có khoảng 60.737 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với 2012, trong đó gần 9.818 doanh nghiệp chính thức giải thể hẳn. Con số này được cho là vẫn còn rất thấp so với tình hình thực tế bởi vì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động mà không khai báo hoặc không thể thống kê được. Trong khi đó, tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trở ngại dù lãi suất ngân hàng đã có xu hướng giảm, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 11% so với mục tiêu 12%. Tỷ lệ nợ xấu cao của ngân hàng và tình trạng khốn khó tài chính của doanh nghiệp khiến cho các điều khoản cho vay được các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn trước. Điều này có thể tốt cho các ngân hàng nhưng không có lợi cho nền kinh tế xét trong ngắn hạn. Tỷ giá dù được duy trì tương đối ổn định, thậm chí có phá giá danh nghĩa, nhưng thực ra đồng Việt Nam vẫn lên giá thực so với USD đã làm suy giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường quốc tế, thậm chí ngay chính ở thị trường trong nước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2013 chỉ tăng 5,9% so với 2012. Các đầu tàu sản xuất công nghiệp của cả nước cũng chỉ tăng rất thấp như TP.HCM tăng 6,3%, Hà Nội tăng 4,5%, Hải Phòng tăng 4,3%, Đồng Nai tăng 7,6%, Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 3,8%. Tồn kho đầu tháng 12/2013 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2% so với cùng kỳ. Tồn kho bất động sản không những không suy giảm, thậm chí có thể còn tăng hơn. Chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp đầu tháng 12/2013 chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ khu vực FDI (tăng 6,6%).

Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế ngoài lý do sức cầu tư nhân, gồm cả tiêu dùng và đầu tư, suy giảm thì sức cầu của khu vực chính phủ cũng giảm. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 205,7 nghìn tỷ, bằng 101,5% kế hoạch và tăng nhẹ 0,3% so với 2012, trong đó vốn trung ương quản lý giảm 18,3%, còn vốn địa phương quản lý lại tăng 6,3% so với 2012. Dù đầu tư từ vốn ngân sách suy giảm nhưng nguồn thu ngân sách còn suy giảm mạnh hơn. Cụ thể, thu ngân sách năm 2013 chỉ đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán. Trong khi đó, tổng chi 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán. Trong năm 2013 thâm hụt ngân sách đã lên đến 5,3% GDP, vượt mốc cho phép 4,8% ban đầu của Quốc hội.

Tình hình thực hiện các đề án tái cơ cấu kinh tế

Trong khi tập trung thực hiện các giải pháp ngắn hạn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng thì Chính phủ vẫn không quên theo đuổi các mục tiêu dài hạn hơn trong việc thực hiện các đề án tái cơ cấu kinh tế. Theo báo cáo của Chính phủ, mục tiêu của việc thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo vẫn là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công. Đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu, chẳng hạn như đã điều chỉnh cơ cấu và cơ chế phân bổ vốn đầu tư; tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết, tập trung kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; thực hiện cơ chế quản lý, cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư, bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương, tăng cường trách nhiệm của địa phương và chủ đầu tư.

Về tái cơ cấu tài chính, tín dụng, trọng tâm là các NHTM. Chính phủ đã triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD và đạt được kết quả bước đầu. Hoạt động của hệ thống NH được kiểm soát và bảo đảm an toàn, trong đó các NH yếu kém được cơ cấu lại. Thanh khoản được cải thiện, sức cạnh tranh của nhiều NHTM được nâng lên. Chính phủ cũng đã chủ động xử lý nợ xấu qua việc thành lập Công ty xử lý nợ (VAMC). Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cũng đang tích cực được nhận diện và xử lý.

Về tái cơ cấu DNNN. Công việc đã thực hiện như tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý DNNN; triển khai các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước và xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm, phát huy tính tự chủ và công khai minh bạch của doanh nghiệp trong kinh tế thị trường theo thông lệ quốc tế.

Mặc dù có những kết quả bước đầu, song tiến trình thực hiện các đề án tái cơ cấu này vẫn còn chậm so với yêu cầu; nhiều trở ngại và thách thức quá lớn khiến cho không chỉ làm giảm các động lực và quyết tâm mà còn có nguy cơ làm biến dạng các ý định tái cấu trúc ban đầu.

Triển vọng kinh tế 2014: ổn định trong tăng trưởng?

Năm 2014, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8%, tức cao 0,3 điểm phần trăm so với mục tiêu năm 2013, bất chấp kết quả không đạt mục tiêu trong năm 2013, tình hình khó khăn vẫn còn tiếp diễn và các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn trong năm 2014. Mặc dù vậy, việc đặt ra mục tiêu cao hơn cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phấn đấu đưa nền kinh tế bước vào quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời cũng thể hiện sự lạc quan của chính phủ về khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như khu vực sản xuất.

Thâm hụt ngân sách được nới trần lên 5,3% GDP có lẽ để nhằm tạo thêm không gian tài khóa cho khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra một số rủi ro và thách thức, trong ngắn hạn là ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp (mục tiêu 7%), và trong dài hạn là gánh nặng nợ công tăng cao. Trong điều kiện sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn còn dè dặt, khu vực sản xuất trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, các nút thắt chính sách và thể chế vẫn chưa được tháo gỡ, nợ xấu vẫn còn cao và chưa được xử lý thực chất... thì sẽ rất thách thức khi theo đuổi mục tiêu ổn định trong tăng trưởng. Một chính sách phân phối lúc này có lẽ sẽ cần hơn nhiều so với việc chạy theo 'ảo ảnh' con số tăng trưởng kinh tế.

Tóm lại, dù nền kinh tế 2013 vẫn chưa thoát khỏi khó khăn nhưng để đạt được sự ổn định trong khó khăn như vậy cũng là một thành quả rất đáng trân trọng trong điều hành chính sách, đặc biệt khi so với thời kỳ bất ổn và khó khăn của mấy năm trước đây. Tuy nhiên, vẫn còn rất rất nhiều thách thức để kinh tế Việt Nam có thể chuyển từ ổn định trong khó khăn sang ổn định trong tăng trưởng, và vẫn còn rất xa với nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trong ổn định mà Chính phủ đang theo đuổi.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'