Mua nợ xấu: Tiền riêng hay tiền chung?
July 30, 2012

Mua nợ xấu: Tiền riêng hay tiền chung?

July 30, 2012

Nguyễn Xuân Thành

Thứ năm, ngày 30/7/2012

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Nợ xấu mang tính hệ thống thường phát sinh sau các cơn bùng nổ tín dụng trong chu kỳ tăng trưởng kinh tế nóng và các quy định về hoạt động an toàn bị thiếu vắng, hay bị vô hiệu hóa. Trong những năm qua, Việt Nam mắc phải cả 2 vấn đề này.

 

mua-no-xau-tien-rieng-hay-tien-chung?

Nợ xấu của ngân hàng Việt Nam, ngoài việc được che đậy dưới các dạng đảo nợ, còn được chuyển sang một hạng mục trong báo cáo tài chính được gọi là tài sản khác.

2006 là năm bắt đầu của đợt sóng thành lập ngân hàng lần thứ hai (sau đợt thành lập ngân hàng vào đầu thập niên 1990). Mười ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị và 4 ngân hàng mới được thành lập. Quy mô tín dụng ngân hàng so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng từ 20% vào cuối thập niên 1990 lên đến 136% vào cuối năm 2010, gần bằng với tỉ lệ ở Trung Quốc và Thái Lan và cao hơn hẳn các nước khác trong khu vực. Nếu sự mở rộng tín dụng vào đầu thập niên 2000 đi liền với sự phát triển tài chính theo chiều sâu thì trong những năm gần đây đó là kết quả của chính sách tiền tệ vô cùng nới lỏng. Ngay cả sau lần "mạnh tay" thắt chặt tiền tệ vào năm 2008 để chống lạm phát, tín dụng lại tăng mạnh vào năm 2009 và 2010. Kinh nghiệm quốc tế đã nhiều lần chứng minh rằng, tiền tệ dễ dãi cộng với quản trị yếu kém trong thời gian dài luôn gây ra trục trặc trong hệ thống ngân hàng.

Điểm đáng chú ý là 2006-2011 lại là thời kỳ khung pháp lý và giám sát hoạt động ngân hàng không ngừng được hiện đại hóa. Quy định hiện hành của Việt Nam về bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng thương mại đã bao trùm hết các nội dung giám sát về vốn, giới hạn tín dụng, giới hạn đầu tư góp vốn cổ phần, tỉ lệ khả năng chi trả và phân loại chất lượng nợ, trích dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, các ngân hàng, mà thực chất là các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế sở hữu ngân hàng, có thể dễ dàng vô hiệu hóa tất cả các quy định đảm bảo an toàn, cho dù đó là các quy định theo chuẩn mực quốc tế. Điều này được thực hiện một cách đúng luật (nhưng sai tinh thần của luật) thông qua việc hình thành cấu trúc sở hữu chéo giữa doanh nghiệp phi tài chính - ngân hàng - các tổ chức tài chính phi ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng Việt Nam là bao nhiêu?

Hiện nay, Việt Nam có nhiều nguồn thông tin về nợ xấu. Nguồn thông tin chính thức nhất là số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, dựa trên việc tổng hợp số liệu báo cáo của từng tổ chức tín dụng. Con số này đã tăng liên tục từ 2,16% cuối năm 2010 lên đến trên 3% vào cuối năm 2011 và 4,47% vào cuối tháng 5 năm 2012. Tỉ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống cũng khớp với số liệu trong báo cáo tài chính của các ngân hàng.

Biểu đồ dưới đây trình bày tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam vào cuối năm 2011 so với năm 2010. Ngoại trừ Vietcombank và Bản Việt, tỉ lệ nợ xấu của những ngân hàng còn lại đều tăng. Nhưng nếu tỉ nợ xấu chỉ dừng lại ở các con số trên thì tổng giá trị nợ xấu ở vào mức 117.000 tỉ đồng. So với 372.824 tỉ đồng vốn điều lệ và 414.153 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, thì hệ thống ngân hàng Việt Nam không chỉ không bị mất khả năng chi trả mà còn có thể tự xử lý được nợ xấu của mình.

Nếu nợ xấu chỉ thấp như theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thì không cần gì đến giải pháp tái cơ cấu

 

Nguồn thông tin thứ hai về nợ xấu là số liệu thanh tra, giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước. Con số này thường cao gấp đôi số liệu nợ xấu chính thức. Ví dụ, tỉ lệ nợ xấu theo Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng vào cuối tháng 6.2011 là 6,62%, , so với con số chính thức 3%. Đến cuối tháng 3.2012, tỉ lệ nợ xấu theo cơ quan này lên tới 8,6% so với con số chính thức 3,9%. Mức gia tăng tỉ lệ nợ xấu sau Thanh tra, Giám sát là do việc xác định lại các khoản nợ tái cơ cấu mà trước đây không được coi là nợ xấu. Vậy, tổng giá trị nợ xấu là 202.000 tỉ đồng, gần bằng một nửa tổng vốn chủ sở hữu của tất cả các tổ chức tín dụng. Đây là mức nợ xấu cao và mang tính hệ thống.

Nguồn thông tin nữa về nợ xấu là con số của tổ chức đánh giá tín nhiệm vay nợ Fitch Ratings. Fitch lấy số liệu dư nợ cho vay theo báo cáo của một số ngân hàng Việt Nam và xếp lại theo chuẩn mực kế toán quốc tế thay vì Việt Nam. Con số của Fitch thường cao hơn con số chính thức khoảng 3 lần. Tỉ lệ nợ xấu mà Fitch đưa ra đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam là 13%.

Nợ xấu của ngân hàng Việt Nam, ngoài việc được che đậy dưới các dạng đảo nợ đã được Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng phát hiện (hoặc chưa phát hiện hết), còn được chuyển sang một hạng mục trong báo cáo tài chính được gọi là tài sản khác. Khi ngân hàng chuyển nhượng các khoản nợ thực tế đã quá hạn cho công ty mua bán nợ (AMC) do chính mình sở hữu thì khoản nợ này được ghi thành tài sản khác. Còn khi các khoản nợ xấu, bao gồm cả nợ xấu từ cho vay lẫn tài sản từ đầu tư chứng khoán, góp vốn đầu tư và ủy thác đầu tư, được chuyển nhượng cho các tổ chức khác mà không có tiền thực thu về thì khoản này được chuyển thành khoản phải thu.

Tổng hợp báo cáo tài chính của riêng 37 ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần, giá trị tài sản khác năm 2011 tăng tới 40,5% so với 2010, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 15,9%. Vào cuối năm 2011, các hạng mục tài sản có khác chiếm tới 7,1% tổng tài sản (hay 14,6% dư nợ cho vay). Chỉ tính riêng giá trị các khoản phải thu liên quan tới cho vay và đầu tư tài chính thì con số là 148.000 tỉ đồng. Nếu đây thực chất cũng là nợ xấu, thì tổng giá trị nợ xấu có thể lên tới 350.000 tỉ đồng, bằng 14,9% dư nợ cho vay.

Mua lại nợ xấu: Tiền ngân hàng hay tiền ngân sách?

Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam được công bố bằng quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu ngân hàng. Có thể nói mọi kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ đều được bao hàm trong này, nhưng nó lại không cho thấy thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nếu tổng hợp lại, có thể thấy được 2 hướng xử lý nợ xấu: dựa vào thị trường và dựa vào Nhà nước.

Giải pháp dựa vào thị trường bao gồm sáp nhập ngân hàng trên cơ sở tự nguyện, giảm và mua bán lại nợ xấu theo cơ chế thị trường, chứng khoán hóa và hoán đổi nợ và sử dụng công ty tái cơ cấu nợ tư nhân. Việc sáp nhập 3 ngân hàng yếu kém SCB, Đệ Nhất và Tín Nghĩa vừa qua thực chất chỉ mới dừng lại ở bước "gom về một chủ", chứ không hề giúp xử lý nợ xấu. Các hoạt động thâu tóm ngân hàng diễn ra một cách không minh bạch và còn làm tăng thêm tình trạng sở hữu chéo. Và với sự kém tin cậy của các thông tin tài chính hiện nay thì hầu như không thể tìm ra được nhà đầu tư sẵn sàng mua lại ngân hàng yêu kém.

Xử lý nợ xấu thông qua giảm và mua lại nợ, chứng khoán hóa và hoán đổi hay đấu giá quyền giảm nợ cũng không khả thi. Bởi lẽ, thị trường mua bán nợ tư nhân vẫn còn trong quá trình phôi thai. Đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, việc bán nợ cho một tổ chức tư nhân ở mức giá chiết khấu là không thể được nếu như chưa có sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước và còn có thể bị quy trách nhiệm làm "thất thoát tài sản nhà nước".

Trong khi đó, giải pháp dựa vào Nhà nước đòi hỏi Nhà nước đóng một vai trò chủ động và sử dụng nguồn lực công để xử lý nợ xấu, đặc biệt khi nợ xấu ngày càng mang tính hệ thống. Việc Ngân hàng Nhà nước gần đây đề xuất thành lập công ty quản lý tài sản là ví dụ minh chứng. Tuy nhiên, việc sử dụng giải pháp của khu vực Nhà nước đặt ra một tình thế nan giải. Nếu không có sự can thiệp của Nhà nước thì nợ xấu không thể giải quyết nhanh, nhưng nếu sử dụng thì sẽ phải tiêu tốn một phần tiền ngân sách. Kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng của thế giới cho thấy, việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước là cần thiết; nếu không, những thiệt hại mà một hệ thống tài chính bị nợ xấu đè nặng gây ra cho nền kinh tế sẽ lớn hơn rất nhiều. Và nếu dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu, có 3 vấn đề tối quan trọng mà Việt Nam phải tuân thủ.

Hỗ trợ thanh khoản: Không phải ngân hàng nào cũng hỗ trợ

Việc Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua sẵn sàng đứng ra hỗ trợ thanh khoản, mặc dù giúp ổn định hệ thống, nhưng lại tạo tâm lý ỷ lại cho các ngân hàng và không thúc đẩy họ quyết tâm xử lý nợ xấu. Việc ban hành thông tư về cơ chế cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng mất khả năng chi trả cũng cần phải được xem xét lại.

Về nguyên tắc, việc cho vay hỗ trợ thanh khoản, thông qua kênh tái cấp vốn, chỉ được xem xét đối với ngân hàng được đánh giá là chỉ mất thanh khoản tạm thời. Đối với các ngân hàng được đánh giá là đã mất khả năng chi trả (vốn chủ sở hữu âm) thì không thể cho vay, dù là tái cấp vốn hay cho vay đặc biệt. Kinh nghiệm trong thời gian qua cho thấy, việc đổ tiền vào các ngân hàng này chỉ giúp họ tiếp tục phình to tài sản và nguồn vốn của mình, nhưng lại đi vào hạng mục "tài sản khác", chứ không phải cho vay ra nền kinh tế. Việc ngân hàng yếu kém vẫn tăng tổng tài sản, dù không tăng dư nợ tín dụng, còn có nguy cơ làm tăng chi phí xử lý nợ xấu.

Công ty mua bán nợ xấu ngân hàng: Cần một mô hình chuẩn

Khi tỉ lệ nợ xấu bình quân lên trên 10% và mang tính hệ thống thì việc sử dụng mô hình công ty mua bán nợ là có cơ sở. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc lựa chọn tiêu chí hoạt động cho mô hình này đóng vai trò quyết định cho sự thành công của nó.

Thứ nhất, vốn cho công ty mua bán nợ phải là tiền "thật" từ ngân sách. Giải pháp dùng tiền cung ứng (tiền phát hành) sẽ có nguy cơ gây bất ôn vĩ mô và chỉ thành công nếu xử lý được nợ xấu trong vòng dưới 1 năm để thu hồi được tiền. Giải pháp phát hành trái phiếu (hoặc bằng trái phiếu chính phủ hoặc do chính công ty phát hành với sự bảo lãnh của Chính phủ) sẽ đưa vấn đề xử lý nợ xấu vào vòng luẩn quẩn. Đó là do trái phiếu chính phủ ở Việt Nam chủ yếu do các ngân hàng thương mại nắm giữ. Không thể giải quyết nợ xấu bằng cách bán trái phiếu cho ngân hàng, rồi dùng tiền này để mua nợ xấu của chính ngân hàng. Vậy, nguồn lực để mua lại nợ xấu phải là tiền ngân sách từ việc thoái vốn nhà nước khỏi các hoạt động đầu tư đang có lợi nhuận tài chính cao để thu được giá cao, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thậm chí là bán tài sản nhà nước.

Thứ hai, công ty mua bán nợ phải được giao nhiệm vụ rõ ràng là mua lại nợ xấu của ngân hàng rồi xử lý nhanh trong một khoảng thời gian ngắn bằng cách đòi nợ, bán lại cho bên thứ ba hay thu hồi tài sản. Mục tiêu mua nợ xong rồi tái cấu trúc là không nên, vì thực chất là dùng tiền ngân sách để đảo nợ và cuối cùng nợ xấu vẫn còn đó. Trên cơ sở đó, công ty mua bán nợ chỉ có thời gian hoạt động có giới hạn. Cần quy định ngay từ đầu là công ty sẽ chỉ hoạt động trong vòng 5 năm và sau đó sẽ chấm dứt hoạt động. Điều này cũng giải thích vì sao cần có một công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu ngân hàng, trong khi đã có Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. DATC là công ty vừa mua bán vừa tái cơ cấu nợ, hoạt động trên cơ sở lâu dài, mãi mãi và thông qua các thương vụ trực tiếp với doanh nghiệp. Còn công ty mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước là giúp giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng; sau khi hệ thống ngân hàng trở lại vững mạnh thì sẽ chấm dứt hoạt động.

Hàn Quốc trong năm 1998 - 2003 đã sử dụng công ty quản lý tài sản độc lập với tên gọi KAMCO (Korean Asset Management Corporation). Công ty này nhận 55 tỉ USD từ ngân sách để mua lại nợ xấu với giá bình quân 46%. Kết quả là 70% nợ mua về đã được bán theo phương thức đấu giá, bán lại cho các quỹ tái cấu trúc doanh nghiệp của khu vực tư nhân và phát mãi tài sản.

Thứ ba, nợ xấu mua lại phải là những khoản nợ có thể xử lý được. Đối với khoản nợ được đánh giá là không có khả năng thu hồi thì không mua lại. Với khoản nợ gần như đã mất này, phải dùng vốn dự phòng rủi ro của các ngân hàng để xử lý, còn công ty mua bán nợ chỉ mua những khoản nợ có khả năng thu hồi. Ngoài ra, những khoản nợ mà bản thân ngân hàng có khả năng thu hồi tốt nhất thì cũng không cần mua lại. Vì vậy, nguồn lực cung cấp cho công ty mua bán nợ không phải là để mua lại 100% nợ xấu mà có thể chỉ là 25-50%.

Thứ tư, giá mua nợ phải là giá đã chiết khấu. Kinh nghiệm đau xót của Indonesia cho thấy khi công ty mua bán nợ, dưới tác động của các mối quan hệ chính trị - kinh doanh, đã mua nợ xấu ngân hàng "ngang giá", từ đó tạo ra một sự bất công lớn và lãng phí nguồn lực nhà nước. Trong khi đó, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia, giá mua nợ xấu bình quân chỉ bằng 45% giá trị nợ trên sổ sách.

Sau cùng, không thể dùng công ty mua bán nợ để mua nợ xấu, rồi cứu các ngân hàng đã mất khả năng chi trả. Nhóm ngân hàng này cần phải được quốc hữu hóa.

Ngân hàng mất khả năng chi trả: Cứu hệ thống, không phải cứu ngân hàng

Quan trọng hơn mô hình công ty mua bán nợ là việc Nhà nước phải đứng ra tiếp quản những tổ chức tín dụng mà tỉ lệ nợ xấu quá cao và đã được đánh giá là mất khả năng chi trả. Tiếp quản ở đây là Nhà nước nhận vai trò chủ sở hữu ngân hàng, nhưng không phải mua lại từ cổ đông hiện hữu. Các cổ đông hiện hữu có lựa chọn góp thêm vốn, nếu không sẽ mất quyền sở hữu. Nhà nước sẽ dùng nguồn lực ngân sách để trực tiếp xử lý nợ xấu của các ngân hàng này. Sau khi "dọn dẹp" sạch sẽ ngân hàng, Nhà nước sẽ bán lại ngân hàng cho nhà đầu tư mới. Nếu ngân hàng đã quá yếu kém, không thể vực dậy thì cho đóng cửa sau khi hoàn trả đầy đủ cho người gửi tiền.

Đây là giải pháp mà Nhà nước đứng ra làm cầu nối. Việc rao bán các ngân hàng yếu kém trước khi xử lý là không khả thi.Bởi lẽ, không ai chấp nhận mua và nếu mua thì phải có bảo lãnh của Nhà nước đối với các khoản mất mát phát sinh này. Giải pháp này cũng cho thấy, tiền ngân sách không phải dùng để cứu các chủ ngân hàng mà là để duy trì sự vững mạnh của hệ thống. Chỉ khi nào tiền bán lại ngân hàng đủ thu hồi khoản tiền ngân sách đã bỏ ra và còn có lợi nhuận, Nhà nước mới trả lại một phần cho các cổ đông ngân hàng ban đầu.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'