Quy định để... cho có
August 08, 2014

Quy định để... cho có

August 08, 2014

Đỗ Thiên Anh Tuấn

Thứ Sáu, 8/8/2014, 15:13 (GMT+7)

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn

Từ Luật Các tổ chức tín dụng (2010) cho đến các quy định dưới luật như Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, v.v... đều đưa ra các quy định tương đối rõ ràng về những điều kiện và trường hợp được cấp và không được cấp tín dụng. Chẳng hạn như Điều 126 Luật Các TCTD 2010 quy định rất rõ những trường hợp như thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và những chức danh tương đương; Cha, mẹ, vợ, chồng, con của những đối tượng vừa nêu; và một số trường hợp khác nữa đều không được cấp tín dụng. Tương tự, Điều 127 cũng quy định rõ các giới hạn cấp tín dụng của TCTD đối với khách hàng và những người có liên quan, chẳng hạn như TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng như cổ đông lớn, cổ đông sáng lập ngân hàng; hay các doanh nghiệp mà những đối tượng không được cấp tín dụng được nêu tại Điều 126 trên đây nắm giữ trên 10% vốn điều lệ; các công ty con, công ty liên kết của TCTD. Ngoài ra, Luật cũng quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng này, tùy loại đối tượng, không được vượt quá từ 5% (như đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn) đến 10% (như các công ty con, công ty liên kết) vốn tự có của TCTD. Quyết định 1627 và Thông tư 13 cũng có những quy định cụ thể và chi tiết đối với các trường hợp đặc biệt này.

Bên cạnh đó, để đảm bảo các quy định được thực thi và tuân thủ, ngoài việc thanh tra, giám sát từ bên ngoài của cơ quan thanh tra NHNN hay yêu cầu kiểm toán độc lập (Điều 42 Luật Các TCTD 2010), luật còn quy định các TCTD phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ (Điều 40) và kiểm toán nội bộ (Điều 41) để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong hoạt động; bảo vệ, quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả tài sản và các nguồn lực; đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy chế, quy trình, quy định nội bộ. Để đảm bản yêu cầu này, bản thân NHNN cũng đã ban hành Thông tư 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD. Theo tinh thần của Thông tư 44, các TCTD phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm giúp Tổng giám đốc điều hành thông suốt, an toàn và đúng pháp luật mọi hoạt động nghiệp vụ của TCTD. TCTD không chỉ phải thường xuyên kiểm soát việc chấp hành pháp luật và các quy định nội bộ trên tất cả các lĩnh vực tại trụ sở chính, sở giao dịch và chi nhánh mà còn đối với cả các công ty con và công ty liên kết của TCTD. Nói chung, hầu như tất cả các quy định đều rất rõ ràng và chặt chẽ, mục đích và tinh thần của các quy định cũng rất tốt đẹp và phù hợp với các chuẩn mực kinh doanh ngân hàng ở các nước phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế sự yếu kém và tính dễ tổn thương của các ngân hàng ở Việt Nam thời gian qua là do các quy định này đã bị bỏ qua và không được tuân thủ đúng mực. Có một số lý do quan trọng dẫn đến tình trạng này nhìn từ cả hai nhóm ngân hàng:

Thứ nhất, đối với khối NHTMNN là do mâu thuẫn lợi ích nảy sinh từ sự không có sự tách bạch rạch ròi giữa quyền sở hữu, quyền điều hành, và quyền giám sát khiến cho các ngân hàng này có động cơ bỏ qua hoặc không tuân thủ đúng mực các quy định giám sát và đảm bảo an toàn. Hơn nữa, bản thân khối ngân hàng này thường được hưởng các "ngoại lệ" trong việc tuân thủ các giới hạn đảm bảo an toàn và khung giám sát của NHNN.

Thứ hai, đối với các NHTMCP là do tình trạng sở hữu chéo phức tạp khiến cho các quy định đảm bảo an toàn thường bị vô hiệu hóa, trong khi việc giám sát của NHNN cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. Các ngân hàng, mà thực chất là các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế sở hữu ngân hàng, thông qua sở hữu chéo vẫn có thể dễ dàng vô hiệu hóa tất cả các quy định đảm bảo an toàn, kể cả các quy định giám sát nội bộ hay cả yêu cầu kiểm toán độc lập, cho dù đó là các quy định xây dựng theo chuẩn mực quốc tế. Chẳng hạn như để lách quy định ngân hàng không được trực tiếp cho thành viên HĐQT của mình vay, các thành viên HĐQT này lại lập ra các công ty riêng để gián tiếp vay tiền ngân hàng. Trong các công ty này, tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT của ngân hàng cũng không vượt quá 10% tại công ty nhằm lách tiếp quy định về hạn chế cấp tín dụng. Đáng chú ý gần đây còn xuất hiện một loại định chế tài chính mới với cái tên công ty cổ phần đầu tư tài chính, có vai trò rất quan trọng trong các thương vụ thâu tóm ngân hàng và "đầu cơ" tài chính, song lại chưa được nhận diện và đưa vào khuôn khổ giám sát của các cơ quan quản lý. Đáng chú ý là việc vô hiệu hóa các quy định này trong nhiều trường hợp là không trái quy định của luật nhưng lại sai với tinh thần của luật. Một số các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng gần đây cho thấy có tình trạng cố ý làm trái quy định của pháp luật, song còn rất nhiều trường hợp khác đang bị nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm các quy định đảm bảo an toàn ngân hàng nhưng lại rất khó xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Để giải quyết các bất cập này không phải dễ trong một sớm một chiều, nó đòi hỏi phải có một loạt các biện pháp mạnh mẽ và quyết đoán của NHNN từ cả khối NHTMNN và NHTMCP. Có một số giải pháp có tính nguyên tắc nhằm hạn chế tình trạng này như:

(i) Đối với khối NHTMNN, trước mắt là cần phải tách bạch được giữa quyền sở hữu và quyền giám sát, sau đó là giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng này, cần phải giảm tâm lý ỷ lại bằng kỷ luật thị trường đối với các NHTMNN đã cổ phần hóa; và đặc biệt là cần phải xóa bỏ ngoại lệ trong việc tuân thủ khung giám sát;

(ii) Đối với khối NHTMCP, cần phải giảm hệ quả tiêu cực của tình trạng tách rời quyền sở hữu và quyền kiểm soát, cần phải đảm bảo tôn trọng nguyên tắc "one-share-one-vote", cơ quan giám sát NHNN phải đảm bảo tính chính danh, làm rõ cấu trúc sở hữu và vai trò, danh tính của người sở hữu cuối cùng và trách nhiệm giải trình; bên cạnh đó, các khái niệm người có liên quan cũng cần phải được định nghĩa lại theo hướng bao trùm hơn và đặc biệt là yêu cầu công khai minh bạch, đảm bảo tính hiệu lực và sự nghiêm minh của chế tài.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'