Sở hữu chéo vẫn phức tạp
November 04, 2013

Sở hữu chéo vẫn phức tạp

November 04, 2013

Tác giả: Vũ Dũng

04/11/2013 12:44

Nguồn: www.nhipcaudautu.vn

"Chúng ta đang dùng sở hữu chéo hoặc không thay đổi hoặc tăng tính phức tạp về sở hữu chéo để tái cấu trúc ngân hàng". Đó là lo ngại của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay.

Theo ông, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ban đầu có nêu tái cấu trúc để xử lý sở hữu chéo. Tuy nhiên, trên thực tế, lại dùng các biện pháp khuyến khích ngược: dùng sở hữu chéo để xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém. Trong khi đó, sở hữu chéo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu, mấu chốt của tình trạng yếu kém trong hệ thống ngân hàng hiện nay. NCĐT đã trao đổi với ông Thành xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém vừa qua?

Trong 2 năm qua, quá trình tái cấu trúc chủ yếu tập trung các ngân hàng yếu kém. Cụ thể là 9 ngân hàng yếu kém trong danh sách của Ngân hàng Nhà nước. Cho đến nay, theo báo cáo, đã có 8 ngân hàng đã được tái cấu trúc.

Một nội dung quan trọng của đề án tái cấu trúc ngân hàng là tái cấu trúc không chỉ để giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, áp dụng hệ thống quản trị mới, cũng như thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là khắc phục tình trạng sở hữu chéo. Thế nhưng, vấn đề sở hữu chéo đến nay vẫn rất phức tạp.

Ông nhận xét gì về cơ cấu sở hữu của ngân hàng sau tái cấu trúc?

Tại một số ngân hàng được hợp nhất, cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi. Tức đằng sau các nhóm cổ đông đó là doanh nghiệp phi tài chính nắm quyền kiểm soát các ngân hàng này trước đó, giờ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát. Một trường hợp nữa là một số ngân hàng yếu kém có nhóm cổ đông mới. Nếu nhóm cổ đông này là nhà đầu tư thực sự, nghĩa là góp tiền thật và muốn cải thiện hoạt động ngân hàng thì họ lại bị vượt quá giới hạn sở hữu cho phép.

Theo quy định, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 20% tỉ lệ cổ phần của ngân hàng Việt Nam. Tỉ lệ này quá ít nên không thể nắm quyền điều hành, không thể thay đổi công tác quản trị của ngân hàng. Để không vượt quá giới hạn, nhóm cổ đông nước ngoài mới phải tham gia thông qua các nhóm cổ đông khác nhau, các tổ chức khác nhau, nhưng các tổ chức này thực sự cũng có liên quan. Như vậy, một cấu trúc sở hữu chéo cũ lại được thay thế bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới.

Ông có thể cho ví dụ cụ thể không?

Tại sao TrustBank lại đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đó là vì đứng đằng sau ngân hàng này là các công ty xây dựng, công ty bất động sản. Một ngân hàng trước đây yếu kém do sở hữu chéo và bây giờ sở hữu chéo còn phức tạp hơn một cách công khai.

Nhìn vào các tình huống cụ thể giải quyết 8 ngân hàng yếu kém vừa rồi, có thể thấy chúng ta đều dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc. Cách làm này cho phép không phải dùng tiền ngân sách. Ngân hàng thì có nguồn lực mới để xử lý nợ xấu, trả lại được các khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng cách làm đó lại dấy lên nhiều mối lo ngại.

Điều đáng ngại đó là gì, thưa ông?

Nhìn lại, nợ xấu tăng nhanh cũng một phần lớn là do sở hữu chéo. Tức các nhóm nhà đầu tư sở hữu ngân hàng đồng thời sở hữu các công ty phi tài chính của mình và họ dùng khả năng kiểm soát ngân hàng để cho phép công ty phi tài chính của chính mình vay mà không theo các chuẩn mực cho vay. Có thể việc cho vay vi phạm luật hay đúng luật, nhưng kết quả vẫn là dùng sở hữu chéo để lách.

Mặc dù chúng ta áp dụng các khung giám sát hiện đại (như việc hướng tới Basel II), nhưng khung giám sát đó vẫn có thể bị lách nhờ cơ cấu sở hữu chéo. Chẳng hạn, chúng ta đã có quy định không được cho cổ đông lớn của ngân hàng vay mà không có thế chấp, đặt ra giới hạn cho vay một khách hàng lớn nhất, hay giới hạn cho một nhà đầu tư vay, nhưng nhờ có sở hữu chéo nên lách được các quy định đó. Chính vì vậy, tái cấu trúc phải đi liền với việc khắc phục sở hữu chéo.

Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục vấn đề này?

Rõ ràng, trước mắt, sở hữu chéo chưa được khắc phục. Nếu chưa được khắc phục thì chỉ lành mạnh hóa được trong ngắn hạn, còn rủi ro tiềm ẩn vẫn còn đó và gánh nặng đối với cơ quan quản lý nhà nước vẫn rất lớn.

Để khắc phục vấn đề sở hữu chéo, cần phải có nhà cổ đông mới thực sự, nguồn lực thực sự để thay thế nhóm cổ đông cũ. Các cổ đông mới là nhà đầu tư của ngân hàng nhưng không có doanh nghiệp sân sau.

Nhưng như ông vừa nói, một số nhà đầu tư mới tham gia tái cấu trúc vẫn đã có doanh nghiệp sân sau phi tài chính?

Nếu có lĩnh vực xây dựng thì nên đầu tư vào lĩnh vực xây dựng; còn không phải lĩnh vực xây dựng mà lại đầu tư vào ngân hàng để kiếm vốn cho doanh nghiệp. Điều này thuộc về vấn đề chính sách. Và Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra khung pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ đó khi phê duyệt các đề án tái cấu trúc ngân hàng.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'