Chất vấn tại Quốc hội: từ tham luận đến tranh luận
November 08, 2018

Chất vấn tại Quốc hội: từ tham luận đến tranh luận

November 08, 2018

Phạm Duy Nghĩa*

Nguồn: www.thesaigontimes.vn 

Đại biểu hỏi để làm gì?

Phiên chất vấn là một tục lệ để đại biểu thay mặt cử tri mà chất vấn các thành viên Chính phủ, suy cho cùng để truy trách nhiệm chính trị của Chính phủ trước cử tri cả nước. Mặt khác, phiên chất vấn cũng là dịp để Chính phủ giải thích, làm rõ, tìm kiếm sự ủng hộ của toàn xã hội cho các chính sách của mình.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa

Có một phút để hỏi, chắc rằng từng đại biểu phải suy tính nát óc: tập trung vào vấn đề gì, hỏi ai, hỏi để làm gì? Có đại biểu hỏi để lấy thông tin, hỏi chỉ để biết. Loại câu hỏi này có thể nêu trong các yêu cầu cung cấp thông tin cho đại biểu, không cần nêu ra trong phiên chất vấn. Lại có đại biểu nêu câu hỏi gợi ý, khuyến khích các thành viên Chính phủ giải thích, làm rõ, nhấn mạnh các thành tựu mà ngành mình phụ trách đã làm được. Loại câu hỏi này không giúp làm gia tăng giá trị của phiên chất vấn. Nó chỉ là một cách dẫn chuyện để các ngành tiếp tục thói quen tham luận, độc thoại với chính mình. Hiển nhiên, với cử tri, người ta sẽ quan tâm hơn tới các câu hỏi nhấn mạnh các vấn đề chính sách còn bỏ ngỏ, chưa được nhận biết đúng hay chưa có lời giải trúng, hoặc đánh giá các chính sách đang được thực thi. Loại câu hỏi này xoáy vào trách nhiệm chính trị của các vị đứng đầu các ngành quản lý trong Chính phủ. Chắc rằng, những câu hỏi như thế mới là câu hỏi hay, đáng hỏi, đáng trả lời.

Muốn nêu được những câu hỏi hay như vậy, đại biểu cần một số khả năng. Thứ nhất, phải lắng nghe, đại diện trúng quan tâm của cử tri, chí ít của cử tri ở đơn vị đại biểu nơi mình trúng cử. Thứ hai, phải có thời gian và điều kiện chuẩn bị cho câu hỏi của mình cho thật trúng, thật đúng người, đúng chỗ, đúng lúc. Nếu chuẩn bị sơ sài, thiếu dữ liệu, chỉ hỏi dựa trên cảm tính chủ quan, câu hỏi của đại biểu chẳng những không tạo ra giá trị gì, mà còn gây nhiễu cho phiên chất vấn. Thứ ba, phải tính toán thiệt hơn, lựa chọn các ưu tiên, chất vấn chỉ là một trong số nhiều công cụ nghị viện, có cách nào đạt được lợi ích cho cử tri của mình thuận lợi và khéo léo hơn chăng. Nếu xét từ góc độ này, nghị trường là một cuộc đấu trí tinh tế giữa đại diện của các nhóm cử tri và nhóm quyền lợi khác, đại biểu không chỉ là người đại diện, mà còn phải là cầu nối thúc đẩy cuộc chia sẻ lợi ích khéo léo giữa các nhóm cử tri, nhóm quyền lợi khác nhau.

Được bầu từ 184 đơn vị bầu cử, Quốc hội nước ta gần 500 đại biểu, trong số đó gần ba phần tư là kiêm nhiệm, vừa làm cán bộ, công chức, viên chức, vừa kiêm nhiệm chức vụ đại biểu của dân. Lắng nghe ý kiến của cử tri từ đơn vị bầu cử của mình, hàng ngày lấy tin tức từ truyền thông và mạng xã hội, từng đại biểu đều biết rõ, rất rõ những thách thức trong quản lý điều hành đất nước hiện nay. Song vì lợi ích của cử tri, chỉ có một phút để hỏi trong phiên chất vấn, nêu câu hỏi gì, hỏi ai, hỏi để làm gì, hỏi như thế có mang lại lợi ích gì cho cử tri hay không, đó chính là năng lực đại diện của từng dân biểu.

Những điều nên tránh

Với tư cách bên bị chất vấn, câu hỏi nào của đại biểu Quốc hội cũng đều hay và cần được hoan nghênh. Nếu đại biểu hỏi chỉ để biết, thì Chính phủ nhân dịp đó giải thích, trả lời. Nếu đại biểu hỏi có tính chất nêu vấn đề, dẫn chuyện, thì Chính phủ cần biết ơn và nhân dịp đó mà giới thiệu các chủ trương, chính sách, thành tựu của mình và kêu gọi đồng thuận xã hội cho các giải pháp sắp tới. Nếu đại biểu hỏi khó, xoáy vào trách nhiệm chính trị, thì cũng là dịp để thành viên Chính phủ xem xét, đánh giá lại hoạt động lãnh đạo quản lý của mình, cũng là dịp để nhận biết các vướng mắc thể chế đôi khi nằm ngoài quyền lực của Chính phủ. Chỉ có điều, bên hỏi phải là đại biểu, và bên phải trả lời là các thành viên Chính phủ.

Việc trả lời câu hỏi của đại biểu thuộc về bên bị chất vấn, tức là các thành viên Chính phủ, phiên chất vấn không phải là nơi đại biểu hỏi và chính các đại biểu trả lời.

Xem thế thì hiển nhiên không nên quy chụp, yêu cầu đại biểu giải trình cho câu hỏi của mình, càng không nên đe dọa gây khó cho đại biểu, nếu họ hỏi những câu hỏi do thiếu thông tin, do chưa được chuẩn bị kỹ, hoặc gây khó chịu một cách không cần thiết cho cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, để từng đại biểu thong dong thoải mái phát biểu ý kiến của mình, miễn là đại diện cho ý chí của cử tri, pháp luật nhiều nước có tục lệ miễn trừ trách nhiệm cho đại biểu dân cử khi phát biểu, họ không thể bị truy xét vì lời nói của mình trong các sinh hoạt nghị trường. Trước đây, câu thứ 2, điều 40 Hiến pháp 1946 của nước ta cũng từng có quy định rằng "nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện".

Vì ba phần tư số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, một người kiêm nhiều chức vụ, thôi thúc từ công việc chính (cán bộ quản lý, viên chức, nhà doanh nghiệp) nên không ngạc nhiên khi một cách vô thức đại biểu đang ngồi trong Quốc hội mà phát biểu nhầm vai. Trong trường hợp có xung đột về lợi ích giữa các vai khác nhau (đại biểu là chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nhu cầu ủng hộ các chính sách thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với giá thành hợp lý... khó có thể hết lòng vì cử tri là nông dân bị giải tỏa, di dời), cách tốt nhất là im lặng, và lặng lẽ rút lui ra khỏi cuộc tranh luận. Đại biểu Quốc hội đồng thời là công chức ngành giáo dục, công an không nên dùng diễn đàn Quốc hội để bảo vệ lợi ích ngành của mình. Nếu làm như vậy, họ đang nhầm vai. Việc trả lời câu hỏi của đại biểu thuộc về bên bị chất vấn, tức là các thành viên Chính phủ, phiên chất vấn không phải là nơi đại biểu hỏi và chính các đại biểu trả lời. Làm như thế là giảm giá trị của các phiên chất vấn.

Từ nghị trường đến mạng xã hội

Điều cực kỳ mới mẻ ngày nay là khả năng tương tác nhanh chóng từ phát biểu tại nghị trường tới hàng triệu cử tri trong và ngoài nước, nhờ chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội. Đại biểu Quốc hội (người hỏi) cũng như thành viên Chính phủ (người trả lời) ngay lập tức, với tốc độ lan truyền nhanh, phải chấp nhận sự đánh giá của cư dân mạng. Thái độ của đám đông luôn bị dẫn dắt bởi cảm xúc, bởi những giá trị mà đám đông cho là đúng, là phải. Trí tuệ nhân tạo chìm sau các ứng dụng của Facebook, Viber, Zalo... mau chóng gom kết dính các đám đông và đẩy họ trôi theo sóng dư luận. Văn hóa tranh luận dựa trên lập luận, bằng chứng, khiêm nhường và điềm đạm giữ gìn sự tương kính trước người đối thoại với mình... bị vùi dập một cách không thương tiếc trước sức mạnh đám đông ảo mà rất thực đó.

Đây là một thực tiễn không thể né, không thể cấm, mà phải chế ngự. Làm thế nào để mạng xã hội giúp Quốc hội và các phiên chất vấn trở nên thân thiện, hữu ích hơn với cử tri. Đành rằng từng đại biểu Quốc hội nước ta chưa có văn phòng riêng, chưa có chuyên viên giúp việc riêng, thậm chí kinh phí hoạt động cho từng đại biểu rất eo hẹp, song để chuẩn bị câu hỏi hay cho một phút chất vấn, xoáy vào trách nhiệm chính trị của các thành viên Chính phủ, nếu vì cử tri, đại biểu Quốc hội có thể dùng ngay mạng xã hội để thu thập tin tức, sự kiện, thu thập các phân tích, đánh giá theo chiều sâu và dũng cảm nêu lên câu hỏi của mình. Bộ ngành có lợi thế với đội ngũ chuyên viên của mình, thì đại biểu có sức mạnh của ngàn vạn cử tri, tai mắt nhân dân bao giờ cũng tinh tường và công bằng. Văn phòng trên mạng, điều ấy ngày nay dễ như một cái vuốt nhẹ trên điện thoại thông minh. Những điều này không phải thay đổi thể chế đáng kể gì, chỉ cần đại biểu có tâm là làm được.

Suy nghĩ dài hơi hơn, mong đến một ngày gọn nhẹ mà tinh xảo, Quốc hội có sứ mệnh đại diện cho cử tri mà giám sát quyền lực của Chính phủ. Nước ta tuy nghèo, song nếu từ 184 đơn vị bầu cử chỉ bầu lấy vài trăm đại biểu chuyên nghiệp, cung cấp cho họ đủ tiện ích để tự tin hành xử vì lợi ích của cử tri, thì các phiên chất vấn sẽ trở thành các cuộc đấu trí thực sự. Một cuộc đấu trí giữa những người được nhân dân ủy quyền, càng căng, càng cam go, đeo bám quyết liệt... càng có lợi cho cử tri cả nước.

(*) Giảng viên, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP), Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'