Dân không chấp nhận trả thêm tiền mua cái yếu kém
September 17, 2015

Dân không chấp nhận trả thêm tiền mua cái yếu kém

September 17, 2015

Nguồn: www.thesaigontimes.vn

Đỗ Thiên Anh Tuấn (*)

Nếu muốn có "giá thị trường" thì trước hết việc hạch toán của các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng phải minh bạch và sòng phẳng theo "cơ chế thị trường" chứ không thể hạch toán cả cái yếu kém vào giá thành sản xuất điện được.

Cứ tưởng tình trạng thiếu minh bạch trong hạch toán giá thành điện của các tập đoàn kinh tế Việt Nam (bao gồm EVN, TKV, PVN) đã được cải thiện phần nào bởi những nỗ lực cải cách ngành điện cũng như tuyên bố đưa giá điện về "giá thị trường" của Chính phủ.

Thế nhưng trong khi người dân chưa hết bức xúc chuyện EVN hạch toán các hạng mục xây biệt thự, bể bơi, sân tennis... vào giá thành điện mà Thanh tra Chính phủ kết luận năm 2013 (lẽ ra cơ quan thuế đã phải có ý kiến, giống như họ từng làm với doanh nghiệp tư nhân, chứ sao phải cần đến Thanh tra Chính phủ?) thì đề xuất gần đây của những tập đoàn này về việc đưa các khoản lỗ tỷ giá vào giá thành điện là không thể chấp nhận được.

Biệt đãi từ phương diện kỹ thuật

Chúng ta không rõ các tập đoàn đã đề xuất cụ thể những gì với Bộ Công Thương (do tính minh bạch kém lâu nay vẫn thế), song qua một số nguồn tin báo chí, để xử lý khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá, các tập đoàn đề xuất tính vào giá thành điện. Đây là một đề xuất không thể chấp nhận được.

Căn cứ vào các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá phải được phản ánh vào chi phí tài chính. Nếu khoản lỗ nhỏ có thể hạch toán một lần vào tài khoản chi phí tài chính trong năm tài chính, còn nếu khoản lỗ lớn thì đưa vào chi phí trả trước dài hạn, sau đó phân bổ dần vào chi phí tài chính trong một số năm.

Chúng ta biết rằng, giá thành của sản phẩm sản xuất (điện) được kết chuyển và tính từ ba khoản mục chi phí gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, và chi phí sản xuất chung (trong đó có khấu hao tài sản cố định). Các khoản vay để đầu tư xây dựng cơ bản và tài trợ dự án nay đã hình thành tài sản cố định và do vậy đã được trích khấu hao và phân bổ vào chi phí sản xuất chung, cấu thành nên giá thành điện hàng năm. Khoản thanh toán nợ vay tăng lên do chênh lệch tỷ giá lúc này không thể phản ánh ngược trở lại vào chi phí đầu tư ban đầu để làm tăng nguyên giá tài sản cố định được, bởi vì tài sản cố định đã hình thành và đưa vào sử dụng. Lúc này, chênh lệch (lỗ) tỷ giá được phân bổ dần vào chi phí tài chính trong thời gian tối đa năm năm (Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) số 10).

Cũng theo quy định thì chi phí đi vay (phải hiểu rõ là khoản thanh toán lãi chứ không phải thanh toán vốn gốc) phải được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phát sinh, cụ thể là chi phí tài chính, nên không ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do lãi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng được phép vốn hóa, tức được tính vào giá trị của tài sản (VAS 16) nên đã được phản ánh vào giá thành điện và người dân đang phải trả cho chi phí đó (tất nhiên giá thành và giá bán là khác nhau, song trường hợp ngành điện thì bản chất vấn đề không thay đổi).

Trên thực tế, các dự án điện thường được tài trợ bởi vốn vay bằng ngoại tệ trong khi doanh thu bán điện lại bằng nội tệ nên khi tỷ giá tăng thì khoản thanh toán nợ vay (xin nhấn mạnh là chỉ khi tính bằng nội tệ) sẽ tăng lên, gồm cả trả nợ gốc và lãi vay. Dù vậy, khoản thanh toán tăng thêm này không thể gọi là chi phí được và do vậy không có cơ sở để tính vào giá thành sản phẩm. Nếu như khoản chi trả nợ gốc không được gọi là chi phí (chi tiền và chi phí là khác nhau) thì khoản chi trả tiền lãi vay tăng thêm do chênh lệch tỷ giá, cũng không thể xem là chi phí, bởi vì lãi suất tiền vay không tăng và dòng tiền trả lãi cũng không tăng nếu doanh nghiệp tính và trả lãi bằng đồng ngoại tệ.

Chuyện thua lỗ của các tập đoàn kinh tế nhà nước là do những trục trặc cố hữu của chính các tập đoàn đó. Người dân không thể trả thêm tiền để mua cái yếu kém của bản thân ngành điện.

Con số 1.200 tỉ đồng hay thậm chí 10 lần con số đó mà TKV đưa ra có lẽ là bao gồm cả phần tăng thêm của cả khoản thanh toán nợ gốc và của nhiều hạng mục vay ngoại tệ khác để đầu tư mà không chắc có liên quan trực tiếp đến sản xuất điện.

Trục trặc "kỹ thuật" ở đây là do tập đoàn đi vay ngoại tệ trong khi nguồn thu lại bằng nội tệ nên rủi ro tỷ giá là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, cái giá của rủi ro, một khi được "thông cảm", chỉ được phản ánh vào chi phí tài chính chứ không thể tính vào giá thành và đề xuất chuyển cho người dân phải gánh như vậy được.

Đến vấn đề "hệ tư tưởng chủ đạo"

Chính sách duy trì lãi suất đồng đô la Mỹ thấp như thể để hạn chế động cơ găm giữ đô la Mỹ, nhờ đó hạn chế gây áp lực lên tỷ giả (bên cạnh lý do giảm đô la hóa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại vô hình trung khuyến khích các doanh nghiệp, đáng kể là các tập đoàn kinh tế nhà nước, ra sức vay nợ bằng ngoại tệ một cách rất rủi ro.

Chênh lệch lãi suất vay tiền đồng và đô la Mỹ lên đến năm điểm phần trăm mỗi năm, trong khi NHNN cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá hai điểm phần trăm đã khiến cho các doanh nghiệp mặc nhiên xem đó không chỉ như một sự bảo đảm rủi ro tỷ giá mà NHNN dành cho họ mà còn là tạo ra một món lợi kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage) quá hời không thể bỏ qua.

Chính sách này đang gây ra tính chu kỳ của những biến động tỷ giá mỗi khi kỳ đáo nợ đến hạn. Hơn nữa, bằng chính sách này, NHNN đã tự đặt mình trước sức ép "cân não" buộc phải điều chỉnh tỷ giá ngoài mục tiêu mỗi khi tình hình vĩ mô trong nước và quốc tế thay đổi. Nó không hề tạo ra sự ổn định như người ta vẫn nghĩ, thay vào đó nó làm cho động thái điều hành tỷ giá của NHNN trở nên bất định hơn trong một bối cảnh mà lẽ ra xu hướng tỷ giá đã dễ dự đoán hơn nhiều.

Trong một thị trường cân bằng (mà chắc là Việt Nam đang muốn hướng đến), một nguyên lý cơ bản là việc được lợi bao nhiêu trên thị trường tiền tệ (do chênh lệch lãi suất) sẽ phải bị mất đi bấy nhiêu trên thị trường ngoại tệ (do chênh lệch tỷ giá). Một thị trường không cân bằng là cơ hội cho những nhà đầu tư chênh lệch giá. Trong khi NHNN đang nỗ lực xóa bỏ vấn nạn đầu cơ ngoại tệ thì vô hình trung chính cách điều hành chính sách của NHNN lại đang nuôi dưỡng đầu cơ chứ không phải là xóa bỏ nó.

Điều đáng nói nữa là với chính sách tỷ giá như vậy đã tạo ra tâm lý ỷ lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải thường xuyên đối diện với rất nhiều rủi ro và buộc họ phải tự tìm lấy công cụ bảo hiểm (chẳng hạn như công cụ phái sinh) hoặc có phương án dự phòng rủi ro (trích dự phòng rủi ro). Tình huống thua lỗ do thay đổi tỷ giá vừa qua của các tập đoàn kinh tế nhà nước cho thấy chẳng có một phương án phòng tránh rủi ro hữu hiệu nào được các tập đoàn tính đến trước mỗi quyết định đầu tư dự án. Các tập đoàn này mặc định NHNN phải duy trì mục tiêu ổn định tỷ giá cho mình, mà nếu không đảm bảo được như vậy thì họ luôn có cớ để đánh tráo khái niệm thua lỗ do yếu kém thành thua lỗ do điều hành chính sách vĩ mô.

Quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN vừa qua là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, còn chuyện thua lỗ của các tập đoàn là do những trục trặc cố hữu của chính các tập đoàn đó - và do vậy cần phải cải tổ chúng một cách mạnh mẽ hơn.

Chính phủ thường nói rằng cần phải nâng giá bán điện về cái gọi là "giá thị trường" (cạnh tranh) để khuyến khích tư nhân đầu tư vào ngành điện, nhưng liệu có thuyết phục hay không khi việc tăng giá điện là để bù đắp những thua lỗ do chính yếu kém của bản thân doanh nghiệp chứ không phải do suất đầu tư vào ngành điện lớn hay chi phí tốn kém? Cần phải hiểu rằng đã là độc quyền thì không thể nào có giá cạnh tranh được, và trong trường hợp đó Chính phủ phải tiếp tục can thiệp chứ không thể để cho doanh nghiệp độc quyền tự tung tự tác.

(*) Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'