Doanh nghiệp là chủ thể chính liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
September 27, 2019

Doanh nghiệp là chủ thể chính liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

September 27, 2019

TS. Vũ Thành Tự Anh (*)

Nguồn: https://enternews.vn

ENTERNEWS.VN: Diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" diễn ra chiều 27/9/2019 tại Hội trường Thống nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Luôn tồn tại lợi ích chung giữa các địa phương trong một vùng kinh tế. Lợi ích ấy càng ràng buộc, gắn bó trong không gian mở nhưng ranh giới địa lý và quy mô mỗi địa phương khá nhỏ như ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam-Việt Nam. Để các tỉnh có liên kết với nhau, cần có lợi ích chung. Và điều đó thể hiện ở 5 yếu tố. 

Lợi ích chung của vùng kinh tế

Thứ nhất, lợi ích chung về kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của địa phương này có tính lan tỏa, giúp địa phương kia tăng trưởng tích cực hơn và ngược lại. Ví dụ tại vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hễ kinh tế TP HCM tăng trưởng thì kinh tế của các địa phương trong vùng cũng sẽ được hưởng hiệu ứng lan tỏa và tăng trưởng tích cực hơn. Điều đó nhờ vào tính liên kết địa lý tự nhiên của các địa phương trong vùng.

Thứ hai, là liên quan lợi ích của cộng đồng đầu tư. Cụ thể, nếu như có một địa phương nào trong vùng cải thiện được môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được doanh nghiệp, thì sự lan tỏa ấy bắt đầu mở ra các địa phương khác. Ví dụ cụ thể ở những năm 90's thế kỷ XX trước đây, khi TP HCM và Bình Dương nổi lên như những địa phương hấp dẫn thu hút nhà đầu tư, thì tính lan tỏa lập tức tỏa ra và có hiệu ứng dài, như sự lan tỏa về thu hút đầu tư đến tận Long An, tiếp đó là tới Tiền Giang, hay đến Tây Ninh và các địa phương khác.

Tính lan tỏa về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là điều hết sức tự nhiên, tất yếu bởi thông thường các nhà đầu tư nói chung sẽ chọn những vị trí nào có thể tạo ra được tính cộng hưởng lớn nhất, tạo ra được quy mô thị trường lớn nhất. Nơi đó thường cũng sẽ là nơi có môi trường kinh doanh tốt, hạ tầng tốt, nguồn nhân lực sẵn sàng. Khi một địa phương đã nâng được mình lên rồi thì sức lan tỏa sẽ hỗ trợ cho các địa phương khác cùng phát triển.

Thứ ba, là sự liên kết về hạ tầng. Khi một địa phương có khả năng phát triển về cơ sở hạ tầng, thì các địa phương khác chỉ cần kết nối vào cơ sở hạ tầng sẵn có đó, không phải tự mình đầu tư xây dựng từ đầu.

Thứ tư, là sự phối hợp với nhau của các địa phương trong vùng để tổ chức, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư. Khi các địa phương phối hợp với nhau, có thể tạo thuận lợi thương mại, tăng sức hấp dẫn đầu tư của cả vùng trên cơ sở phân bổ lĩnh vực xúc tiến đầu tư phù hợp với lợi thế của từng địa phương và địa phương này lại bổ trợ cho địa phương khác. Đó là lợi ích chung của cả vùng.

Lại ví dụ nếu chỉ riêng TP HCM đi xúc tiến thương mại, thì điều đó cũng phần nào sẽ có tác dụng thu hút đầu tư cho cả vùng và ngược lại. Trên cơ sở đó, nếu các địa phương cùng phối hợp nhau, thông qua một cơ chế được thống nhất điều phối bởi Hội đồng vùng, tạo ra một chu trình xúc tiến đầu tư thương mại chung; thì điều đó sẽ tạo ra một tổng thể. Có rất nhiều ví dụ chi tiết hơn. Như ở góc độ nguồn nhân lực, trong một thể thống nhất của kinh tế vùng, không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có năm, bảy trường Đại học mà nhu cầu tự nhiên và có sự thống nhất sẽ có sự hình thành các Trung tâm giáo dục, Trung tâm đào tạo cho cả vùng.

Tương tự như vậy đối với lĩnh vực tài chính. Nếu như trong lĩnh vực Tài chính mà Bình Dương và Đồng Nai cũng cạnh tranh với TP HCM để phát triển các trung tâm tài chính, thì điều đó sẽ không phù hợp các quy luật và rất lãng phí. Bởi tất cả những điều đó đều cần có sự kết nối, chia sẻ giữa các địa phương.

3 cấp độ và chủ thể của liên kết vùng kinh tế

Tuy nhiên, sự kết nối của các địa phương trong vùng kinh tế, phải xuất phát từ cả 3 cấp độ:

Thứ nhất, là cấp độ của Trung ương: Chính quyền Trung ương thông qua các cơ chế về quy hoạch vùng, thông qua các cơ chế về thành lập các Hội đồng điều phối vùng, thông qua cơ chế để "cương chế" – tạo cơ chế để việc triển khai một cách có hiệu quả và hiệu lực các cơ chế này. Cùng với đó là cơ chế về tài chính để vùng có một cơ sở tài chính cho các hoạt động.

Pháp luật Ngân sách (Luật Ngân sách) hiện nay không có quy định về cơ chế tài chính cho vùng, chỉ có hai cấp ngân sách: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Khi không có cơ chế tài chính, ngân sách cho vùng, thực sự rất khó cho mọi hoạt động.

Thứ hai, là cấp vùng. Trước nay chúng ta vẫn có các Hội đồng vùng ở các vùng kinh tế, có cơ chế vùng, nhưng các cơ chế này thiếu hiệu lực và không hiệu quả. Như vậy, nếu như ở cấp Trung ương, điều kiện là tạo ra cái khung, thì ở cấp vùng, trong khung ấy, tạo cơ chế cụ thể và phát triển thành các chiến lược, các chương trình hành động cụ thể. Đến thời điểm này, các cơ chế điều phối của vùng đang "hữu danh vô thực" – có tồn tại nhưng không hoạt động hiệu quả.

Thứ ba, là các địa phương. Bản thân các địa phương ai cũng nhìn thấy liên kết vùng là quan trọng. Và thực tế, ai cũng thấy có sự cộng sinh giữa mình và các địa phương khác. Nhưng đến lúc phải đặt vấn đề liên kết vùng lên trên bàn hoặc khi phải thực hiện các biện pháp liên kết vùng, triển khai các hành động cụ thể, thì các địa phương lại chạy theo lợi ích cục bộ.

Ở phía doanh nghiệp - chủ thể chính của liên kết kinh tế vùng suy đến cùng vẫn là doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tạo được sự liên kết trong chuỗi giá trị, không tạo được sự liên kết thông qua mạng lưới chuỗi sản xuất của mình, hay còn gọi là các doanh nghiệp không tạo ra được sự liên kết về mặt giao thương giữa các doanh nghiệp với nhau; và bên cạnh đó các Hiệp hội không đứng ra làm đầu mối để hỗ trợ và nuôi dưỡng sự liên kết này, thì Chính phủ, chính quyền có thể làm rất tốt nhưng đến lúc doanh nghiệp không chớp được các cơ hội, cũng không tạo được các giá trị để tận dụng được liên kết vùng và các vùng.

Như vậy, nhìn dưới góc độ cả Trung ương, vùng, địa phương lẫn doanh nghiệp, thì sẽ thấy có sự cộng sinh sâu sắc giữa cả 4 đối tượng này. Cụ thể nếu như vùng phát triển, từng địa phương sẽ phát triển nhờ các hiệu ứng lan tỏa, thì từ đó sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp có thêm cơ hội, thì không gian, mảnh đất phát triển của họ sẽ rộng hơn, đóng góp cho kinh tế, kinh doanh, giao thương tốt hơn. Tất cả hiệu ứng ấy sẽ tạo sức mạnh cho nền kinh tế quốc gia ở cả đóng thuế, kim ngạch xuất nhập khẩu, giao thương... Đó là sự cộng sinh giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các cấp khác nhau, giữa doanh nghiệp với Hiệp hội... Nếu cơ chế này hoạt động được một cách hiệu quả và hiệu lực, thì đây sẽ là một hình thức hợp tác mà tất cả cùng có lợi.
Chỉ có điều là, như thực tế, cơ chế này vẫn còn thiếu hiệu quả và hiệu lực.

(*) Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'