Khi con nợ mua chủ nợ
March 05, 2015

Khi con nợ mua chủ nợ

March 05, 2015

Nguồn: https://thesaigontimes.vn

Đỗ Thiên Anh Tuấn*

Việc tái cấu trúc ngân hàng đang được NHNN tiến hành song song với tiến trình xử lý nợ xấu. Điều này là cần thiết và thực tế cũng đã thu được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cách mà chúng ta làm đang dẫn đến một rủi ro khác, đó là hiện tượng con nợ mua luôn chủ nợ mà hệ quả là quyền của chủ nợ bị vô hiệu trong khi nảy sinh thêm dạng thức sở hữu chéo mới phức tạp hơn.

Nhiều dạng thức sở hữu phức tạp, trong đó nổi bật là sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu định hình và trở nên phổ biến trong giai đoạn 2006-2008. Trên thực tế, để nhận dạng rõ các dạng thức sở hữu này là không hề đơn giản, đặc biệt trong điều kiện thông tin về sở hữu ngân hàng không được minh bạch và các chuẩn mực công bố thông tin đối với công ty đại chúng như các ngân hàng cổ phần thường không được tuân thủ. Bài này phân tích lại thực trạng sở hữu chéo cũng như những hệ lụy của nó nhưng ở một góc nhìn khác - góc nhìn của con nợ khi nó mua và dành quyền kiểm soát chủ nợ đang ốm yếu và cần được tái cấu trúc.

Về phương diện lý thuyết, dạng sở hữu chéo đơn giản nhất là A sở hữu B và B cũng sở hữu trở lại A. Thực tế sở hữu chéo không đơn giản và "lộ liễu" như vậy mà thay vào đó là các liên kết sở hữu gián tiếp thông qua nhiều chủ thể trung gian, thậm chí thay quan hệ sở hữu (ownership) thành quan hệ tài trợ (financing). Chẳng hạn A sở hữu B nhưng B không trực tiếp sở hữu A mà lại sở hữu C, đến lượt mình C mới sở hữu A. Dạng sở hữu này được gọi là sở hữu xoay vòng (circular ownership). Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, có một dạng quan hệ sở hữu được biến tướng thành quan hệ tài trợ nợ (debt financing) hết sức tinh vi mà cơ quan chức năng không dễ phát hiện. Đó là khi, ngân hàng A cho B vay, rồi B dùng tiền vay này sở hữu trực tiếp ngược trở lại A, hoặc gián tiếp sở hữu A sau khi thông qua sở hữu một vài chủ thể trung gian nào đó. Ở Việt Nam, sở hữu chéo một phần cũng được hình thành từ những yêu cầu tăng vốn pháp định trước đây của NHNN mà chúng tôi đã có nhiều dịp phân tích trong các nghiên cứu và bài viết chính sách của mình. Ngoài ra, sở hữu chéo còn được hình thành trong nhiều bối cảnh khác nữa, thậm chí trong nỗ lực tái cấu trúc ngân hàng và xóa bỏ sở hữu chéo hiện nay, vô hình trung lại đang tạo ra những tình huống sở hữu chéo mới.

Như chúng ta biết, về mặt danh nghĩa, việc A cho B vay không làm phát sinh quan hệ sở hữu (A không sở hữu B mà là chủ nợ của B) nhưng bản chất kinh tế thì A vẫn có quan hệ sở hữu B hoặc tựa như sở hữu B (quasi-ownership), bởi vì A vẫn có thể ảnh hưởng hoặc thậm chí chi phối một số quyết định của B. Về phương diện pháp lý, A không sở hữu B và như vậy không được bảo hộ với tư cách là chủ sở hữu mà chỉ được bảo hộ với tư cách là chủ nợ. Về mặt kinh tế, thực ra A đang sở hữu một phần tài sản tại B và đương nhiên chính phủ phải bảo hộ quyền tài sản này của A thông qua vai trò của luật phá sản. Thế nhưng khi luật phá sản yếu kém và quyền của chủ nợ không được đảm bảo sẽ làm nảy sinh động cơ con nợ chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình, đặc biệt khi khoản nợ vay là quá lớn.

Hệ quả tất nhiên là nợ xấu nhưng không chỉ dừng lại ở đây, yếu kém còn dẫn đến một rủi ro khác còn nguy hiểm hơn, đó là hiện tượng con nợ mua luôn chủ nợ. Khi các ngân hàng bị nợ xấu và do đó làm suy yếu vốn tự có và cần thanh khoản thì khả năng bị mua lại và thâu tóm sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trà trộn trong vai các nhà đầu tư đi thâu tóm ngân hàng có cả bóng dáng của chính những con nợ ngân hàng đó. Con nợ thay vì dùng tiền có được để trả nợ, chúng lại dùng số tiền đó để mua cổ phiếu và thâu tóm ngân hàng vì như vậy sẽ có lợi hơn. Hiện luật pháp không có những hạn chế hay kiểm soát tình trạng này. Chúng ta không thể kể ra đây những tình huống mà ở đó con nợ đã mua lấy chủ nợ như thế nào vì nó đang được quy là "nhạy cảm" nhưng những người trong cuộc đang biết rõ điều này. Hệ quả là, sau khi đã "bắt cóc" được chủ nợ, thay vì tích cực đòi nợ hay phát mãi tài sản đảm bảo, ngân hàng lại tiến hành các chính sách ưu đãi cho con nợ, chẳng hạn như giảm nợ, xóa nợ, hay đảo nợ, thậm chí còn bị buộc phải cho con nợ vay thêm. Cho vay thêm cũng là một cách để các cổ đông rút vốn khỏi ngân hàng khi ngân hàng bị hạn chế trả cổ tức do không có lợi nhuận hoặc khi bị phá sản. Tác động tiêu cực của tình trạng này lên tính kỷ luật, tính ổn định, an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính là không thể xem nhẹ. Nó không chỉ làm xói mòn quan hệ sở hữu, quan hệ tín dụng mà còn làm suy giảm niềm tin của người gửi tiền và gây thiệt hại lợi ích của cổ đông nhỏ.

Những gì đang diễn ra là hệ quả của tình trạng sở hữu chéo trước đây nhưng cách mà chúng ta ứng xử với việc tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu hiện nay cũng là một phần nguyên nhân. Tức là, thay vì xử lý nợ xấu ngân hàng trên tinh thần thực thi đầy đủ quyền của chủ nợ, đồng thời giải quyết các yếu kém của ngân hàng trên tinh thần loại bỏ hoặc hạn chế sở hữu chéo, có nguy cơ vô tình chúng ta lại dùng chính sở hữu chéo để xử lý nợ xấu, vô tình tạo cơ hội để con nợ có thể chuyển trách nhiệm của chúng thành quyền của chủ nợ. Nói khác đi, biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém không phù hợp, cùng với yếu kém cố hữu trong việc thực thi quyền của chủ nợ đang vô hình trung tạo cơ hội để con nợ mua luôn chủ nợ. Hệ quả dễ thấy là tiến trình xử lý nợ xấu luôn chậm chạp và thường là theo cách tốn kém cho nền kinh tế, trong khi việc tái cấu trúc sở hữu ngân hàng, trong đó có sở hữu chéo đang tạo cơ hội cho nhiều nhóm cổ đông mới "không rõ lai lịch" tham gia tái cấu trúc và sở hữu mà không loại trừ có cả con nợ ngồi trong đó.

Cho đến nay việc tái cấu trúc ngân hàng mới chỉ tập trung vào các ngân hàng nhỏ và thường được mô tả là đã xử lý được 8 trong 9 ngân hàng yếu kém nhất, bất chấp có những ngân hàng đã tái cấu trúc nhưng rồi lại đổ vỡ như trường hợp VNCB. Chúng ta không phủ nhận một số thành quả đạt được trong việc giải quyết một số trục trặc của các ngân hàng cũng như nhiều yếu kém khác của hệ thống tài chính. Song những gì đạt được là chưa căn cơ, mới chỉ là tạm thời và không bền vững, chưa tạo được nền tảng và động lực để hệ thống ngân hàng phát triển thực sự lành mạnh và ổn định. Qua thực tiễn xử lý một số ngân hàng yếu kém thời gian qua cho thấy triết lý để cho các ngân hàng tự tái cấu trúc hay mua bán và hợp nhất trên tinh thần tự nguyện là thất bại. Thất bại ở đây không phải tự bản thân cái nguyên tắc tự nguyện mà là do cái nguyên tắc đó được trao không đúng đối tượng, tức là "tự do vô lối". Các ngân hàng (thực ra phải nói đúng hơn là các cổ đông lớn chi phối) vốn dĩ đã không thể tự giải quyết được các khó khăn cố hữu của chúng (thậm chí đã âm vốn) nhưng lại được trao quyền tự quyết đi kèm với các hỗ trợ của NHNN như tái cấp vốn và thanh khoản.

Nhiều người nghĩ rằng ngân hàng sẽ chỉ bị bắt làm "con tin" khi họ cho vay một khách hàng quá nhiều. Khi tôi nợ anh 1 đồng thì anh nói tôi nghe, nhưng khi tôi nợ anh 100 đồng thì tôi nói anh nghe. Điều này cũng giống như J. M. Keynes từng nói: "Nếu bạn nợ ngân hàng 100 bảng, bạn có vấn đề; nhưng nếu bạn nợ ngân hàng một triệu bảng, ngân hàng có vấn đề." Các con nợ hiểu điều này và chúng sẽ tìm cách để biến vấn đề của chúng thành vấn đề của ngân hàng. Chính vì vậy mà các thông lệ an toàn tài chính cũng như quy định ở Việt Nam không cho phép ngân hàng cho vay một khách hàng quá nhiều để hạn chế rủi ro đặc thù và cũng là để giảm nguy cơ ngân hàng bị bắt làm "con tin". Tuy nhiên trong bối cảnh sở hữu chéo và việc thực thi giám sát an toàn tài chính lỏng lẻo thì những quy định như vậy thường bị vô hiệu hóa. Khi mà chủ nợ đã bị con nợ mua thì trong cả hai trường hợp "tôi nói anh đều phải nghe"./.

* Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'