Nobel Kinh tế 2018: Lời giải cho những bài toán khó
October 09, 2018

Nobel Kinh tế 2018: Lời giải cho những bài toán khó

October 09, 2018

Nguồn: Tuổi Trẻ, Thứ Ba, ngày 9-10-2018, tr. 13

Mô hình tích hợp

Đối với vấn đề biến đổi khí hậu (BDKH), các nhà hoạch định chính sách luôn phải đối mặt với câu hỏi: điều gì xảy ra nếu chúng ta tiếp tục phát triển nóng dựa trên nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, hay phải thực hiện chính sách gì để giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên dưới 2 độ C vào năm 2050 (được coi là mốc giới hạn về tính chịu đựng của hệ sinh thái trên trái đất. Nếu nhiệt độ trung bình tăng quá sẽ dẫn đến những thảm họa cho thiên nhiên và con người). Mô hình tích hợp kinh tế - biến đổi khí hậu (Integrated Assessment Model – IAM) là một trong những công cụ rất hữu hiệu để trả lời các câu hỏi đó. Các mô hình này cho phép chúng ta mô phỏng mối quan hệ tương tác giữa nền kinh tế và khí hậu toàn cầu, từ đó cho phép xây dựng các kịch bản kinh tế và chính sách liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Những mô hình đơn lẻ (ví dụ các mô hình kinh tế, mô hình cân bằng tổng quát, hay mô hình mô phỏng khí hậu), do mức độ tích hợp không có dẫn đến việc nghiên cứu chính sách là rất khó khăn hay không thể thực hiện được. Bởi vì hoạt động kinh tế, phát thải khí nhà kính, và thiệt hại từ BDKH không có gắn kết trực tiếp với nhau về chiều không gian và thời gian. Giả dụ chúng ta tiếp tục lạm dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay, thì tác động của hoạt động kinh tế hiện nay sẽ tích tụ và tiếp diễn trong hàng ngàn năm tới. Đồng thời, không phải quốc gia nào cũng chịu tác động tiêu cực của BDKH. Những quốc gia ở vĩ độ thấp và cao độ thâp như Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt hại do mực nước biển dâng hay cường độ và tần suất của các cơn bão nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng mạnh, trong khi một số nước ở vĩ độ cao ở Bắc Mỹ hay Nga lại có thể có lợi khi nhiệt độ của trái đất ấm lên. Mô hình IAM giúp giải đáp những câu hỏi trên dựa trên một khung tích hợp kinh tế - khí hậu chặt chẽ.

Cốt lõi của mô hình IAM là mô phỏng chu trình carbon từ hoạt động của con người ảnh đến tỷ lệ CO2 trong khí quyển. Chu trình phát thải – hấp thụ carbon dựa trên ba kênh lưu trữ chính bao gồm bầu khí quyển; đại dương và sinh quyển; và các tầng nước sâu của đại dương. Tăng phát thải làm tăng tỷ lệ khí nhà kính trong bầu khí quyền, làm thay đổi quá trình cân bằng năng lượng, dẫn đến quá trình tuần hoàn tăng nhiệt độ và tăng lượng hơi nước trong khí quyển, và càng làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt của bầu khí quyển. Trong khi đó, đại dương là nguồn hấp thụ chính nhưng quá trình hấp thụ diễn ra rất chậm, và khi nhiệt độ nước biển tăng lên thì quá trình hấp thụ càng giảm đi.

Những thay đổi của bầu khí quyển sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu thông qua ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hàng hóa sử dụng vốn và lao động, năng lượng, và thời tiết. Chẳng hạn nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên tác động phụ thuộc vào nhiệt độ tham chiếu hiện tại và mức độ tăng. Mặc dù đại đa số mô hình nông nghiệp dự báo tác động tiêu cực của BDKH với nông nghiệp, một số khu vực có thể hưởng lợi do mức độ tăng trung bình dẫn đến vụ mùa kéo dài. Phát triển kinh tế được gắn liền với sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Do đó, phúc lợi kinh tế, và lượng khí thải nhà kính toàn cầu đều có mối quan hệ tương tác với thiệt hại do BDKH gây ra. Các chính sách can thiệp như đánh thuế phát thải có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và mức độ phát thải. Dựa trên mô hình tích hợp này, nhà hoạch định chính sách có thể lựa chọn hành động nhằm đạt các mục tiêu như tối đa hóa phúc lợi, hay giảm thiểu mức độ tăng nhiệt độ của trái đất trong tương lai.

Mô hình trên đã được ứng dụng để tính giá phát thải Carbon, với mục đích đánh thuế vào các hoạt động sử dụng và phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Ví dụ trong hình cho thầy nếu không có can thiệp chính sách thì mức độ phát thải công nghiệp toàn cầu sẽ tiếp tục tăng đến cuối thế kỷ 21 (Base). Với kịch bản tối ưu (Opt) thì lượng phát thải sẽ đạt mức tối đa vào khoảng giữa thập kỷ 2040. Trong khi đó, nếu để nhiệt độ trái đất không tăng quá 2.5 độ C (T<2.5) thì cần giảm phát thải ngay từ thời điểm hiện nay.

 


 

Giúp xác định chính sách phát thải

Mô hình IAM rất quan trọng trong các chính sách phát thải trên toàn cầu. Do vòng đời carbon trong khí quyển rất lâu dài (giả sử bạn đốt một cây nến thì sau hàng ngàn năm có đến hơn 20% phát thải vẫn tồn tại trong khí quyển). Do chính sách ứng phó BDKH cần cái nhìn rất dài hạn, không chỉ vài chục mà hàng trăm năm, việc chuyển dịch kinh tế giảm bớt phát thải cần thực hiện ngay trong ngắn hạn. Điều này tạo ra tình huống chính sách mà chính phủ mỗi quốc gia phải đặt lên bàn cân. Nếu chính phủ đặt nặng mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn bằng cách phát triển nhanh dựa trên nhiên liệu hóa thạch bằng mọi giá, hậu quả sẽ dồn lại cho thế hệ tương lai lâu dài và vĩnh viễn. Ngược lại, nếu quá chú trọng đến bảo vệ môi trường thì những thiệt hại về kinh tế trước mắt, đi kèm các mục tiêu sinh kế, xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội của thế hệ đang sinh sống bị ảnh hưởng tiêu cực. Xác định điểm cân bằng giữa hai lựa chọn trên là một vấn đề đạo đức và cũng là một trong những tranh cãi lớn nhất của mô hình IAM (thông qua hệ số chiết khấu). Đồng thời mô hình IAM cũng giải thích tại sao khó có thể đạt được một cơ chế thống nhất mang tính ràng buộc về phát thải, khi mà các nước công nghiệp phát triển (thủ phạm chính của BDKH) một mặt vẫn tiếp tục phát thải nhiều nhất, nhưng lại không chịu trách nhiệm trước những hậu quả xảy ra trên toàn thế giới.

Mô hình IAM đã được áp dụng để khuyến nghị cắt giảm phát thải khí nhà kính thông qua chính sách đánh thuế carbon toàn cầu, được áp dụng thống nhất ở tất cả các quốc gia, và thực hiện thông qua chương trình mua bán phát thải toàn cầu. Về mặt lý thuyết là như vậy!

Mặc dù mô hình áp dụng cho quy mô toàn cầu, việc đưa vào giảng dạy ở các trường đại học rất quan trọng để giúp hiểu quá trình can thiệp chính sách nhằm giảm thiểu tác động của BDKH. Bộ môn kinh tế học BDKH còn khá mới mẻ ở Việt Nam, do đó mô hình tích hợp IAM còn hầu như chưa được biết đến. Một số cơ quan hay viện nghiên cứu đã có những đề tài về mô hình cân bằng tổng quát đánh giá tác động của BDKH, tuy nhiên mức độ tích hợp mô-đun khí hậu hầu như không có.

Ứng dụng thực tiễn tại Việt Nam

Với những nguồn phát thải lớn nhất như nhiệt điện, giao thông đi lại, và công nghiệp, việc tính đầy đủ chi phí ngoại tác vào giá thành sẽ dẫn đến kết luận là sử dụng nhiên liệu hóa thạch không hề rẻ hơn so với các loại tài nguyên tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió, hay nhiên liệu sinh học. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy chi phí sản xuất mỗi Kwh điện than gây ra tác hại khoảng 5.6 cent, bao gồm 3.4 cent thiệt hại sức khỏe trực tiếp, và 2.2 cent chi phí gây ra do biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu của trường Fulbright tại Việt Nam cũng cho kết quả tương tự như vậy. Đưa các chi phí trên vào chi phí phát điện đốt than sẽ đẩy giá sản xuất điện lên 11-12 cent/Kwh, so sánh ngang bằng với chi phí điện tái tạo kết hợp với một số công nghệ lưu trữ.

Lê Việt Phú
(Giảng viên Chính sách môi trường
Trường Chính sách công và Quản lý, ĐH Fulbright Việt Nam)

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'