Bài 3: Từ Covid nghĩ về chiến lược vaccine dài hạn cho Việt Nam
June 27, 2021

Bài 3: Từ Covid nghĩ về chiến lược vaccine dài hạn cho Việt Nam

June 27, 2021

Xu hướng "xả hàng" vaccine của các nước phát triển sắp tới làm cho nguồn cung dồi dào hơn sẽ giúp các nước thiếu hụt vaccine tiếp cận được nhiều hơn. Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng trả tiền cho khoảng 120 đến 150 triệu liều thì vấn đề còn lại là cơ chế tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng toàn diện.

Phủ sóng tốc độ tiêm có hợp lý

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa dẫn lại trường hợp gần 300 nghìn liều vaccine do Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập về từ ngày 25/5 nằm mãi ở trong kho. Vấn đề vướng mắc để vaccine ra thị trường nằm ở thủ tục hành chính chưa sẵn sàng cho việc "chi mạnh và nhập mạnh" mặt hàng khẩn cấp.

"Công ty VNVC ứng tiền ra nhập, bây giờ Nhà nước muốn lấy số hàng đó phải chuyển lại tiền cho doanh nghiệp. Tôi đoán là như vậy. Quá trình chuyển đó rắc rối ở chỗ Bộ Y tế phải được các bộ khác đồng thuận phê duyệt. Với các địa phương còn khó nữa. Nếu lấy ngân sách của địa phương mua vaccine thì theo quy định của Luật đấu thầu, mua sắm công, điều 26 liên quan mua sắm trong tình trạng đặc biệt quy định phải có phê duyệt của Thủ tướng. Dù không tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhưng cách hành xử của nền hành chính với bối cảnh dịch bệnh phải hết sức đặc biệt mới có thể giải ngân tiền công cho mua sắm khẩn cấp. Câu chuyện ở đây là anh có mang được vaccine về hay không? Anh mang được về bằng cách nào, dựa trên những quy trình nào thì bộ máy phải hậu thuẫn để thực hiện mục tiêu đó" – PGS.TS Phạm Duy Nghĩa phân tích.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh đánh giá mục tiêu tiêm cho 70% dân số từ nay đến cuối năm, kể cả khi có dồi dào vaccine cực kỳ khó khăn. Theo các số liệu của thế giới, tính theo tỷ lệ dân số thì tốc độ các nước phát triển tiêm được và tiêm nhanh, nếu tương đương với dân số Việt Nam, sẽ có khoảng 500.000 liều tiêm trong 1 ngày trên toàn quốc. Ngoài việc kỳ vọng tiêm chủng suôn sẻ, được người dân hưởng ứng tích cực, không thể không dự phòng tình huống xảy ra tác dụng phụ. Khi đó tốc độ tiêm chủng sẽ giảm do hiệu ứng tâm lý của xã hội.

Theo bà, không thể tính tốc độ tiêm vaccine theo số liều đạt/ngày mà cần tính khi đạt đến một tỉ lệ % nhất định thì số người tiêm vaccine sẽ giảm đi rất nhiều. Thay vì đạt con số kỳ vọng 70%, nên có một chiến lược ưu tiên tiêm chủng cho những địa phương, những khu vực hoặc những doanh nghiệp có nguy cơ bùng dịch cao nhất. Nguy cơ không nên được đánh giá dựa trên số ca phát hiện mà phải dựa trên rủi ro của những người có thể phơi nhiễm virus do các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời cần tập trung vào những khu vực như biên giới. Nếu kiểm soát được dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh mà biên giới hay các khu cách ly nhập cảnh vẫn không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ dịch tiếp tục lan vào cộng đồng vẫn lớn.

 

 

Tiến sĩ Thu Anh cũng lưu ý vấn đề tâm lý trong ứng xử với mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân nhiễm Covid. Theo đó, cần phải ưu tiên cho những người có nguy cơ bị tử vong và bệnh nặng cao nhất để giảm áp lực cho hệ thống y tế, từ đó hệ thống y tế có thể tiếp tục chăm sóc cho những bệnh nhân mắc các bệnh khác.

"Ở đây tôi muốn nói đến những người cao tuổi và những người có bệnh nền" – bà nhấn mạnh.

Chiến lược vaccine nội địa

Không ít bài học Việt Nam rút ra từ chiến dịch phòng chống Covid, trong đó có chiến lược về tiếp cận tìm kiếm vaccine phòng bệnh. Trong khi biến chủng Covid sẽ còn tồn tại rất lâu trên thế giới cũng như những đại dịch tương tự còn có thể xảy ra trong tương lai, Việt Nam phải đầu tư vào chiến lược vaccine nội địa bài bản và dài hạn.

Đưa ra khuyến nghị trên, Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh cho rằng, Việt Nam phải tự chủ về công nghệ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine, cụ thể là đầu tư bài bản, bền vững cho nhân lực, cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đi kèm để khi có vaccine mới có thể sản xuất nhanh chóng. Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu khoa học để phát triển các loại vaccine mới là mục tiêu then chốt.

"Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ mới khi quyết định đầu tư. Ví dụ như vaccine mRNA có hiệu quả cao, có khả năng phát triển trong một thời gian rất ngắn và khả năng mở rộng quy mô sản xuất cũng rất ngắn, điều chỉnh rất nhanh cho các biến chủng mới. Việt Nam nên tập trung vào những công nghệ tương tự như vậy hoặc các công nghệ khác mà các quốc gia trên thế giới đang tập trung phát triển." – theo Tiến sĩ Thu Anh.

Bà cũng cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu để tìm hiểu và phát triển các loại vaccine chỉ dùng một liều nhưng phòng được nhiều bệnh. Trên thế giới hiện nay đã bắt đầu triển khai thử nghiệm các dạng vaccine này hoặc các vaccine có thể điều trị được bệnh ung thư. Sau cùng phải có một hệ thống giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh mới, không chỉ giám sát ca bệnh mà phải có năng lực để giải trình tự gene của các vi khuẩn hoặc virus gây bệnh, làm cơ sở cho nghiên cứu khoa học và phát triển vaccine mới.

"Việc phát triển vaccine có thể thất bại và tỷ lệ thất bại khá cao nên Việt Nam cần phải có một chương trình đầu tư công rất lớn, khuyến khích khối tư nhân tham gia và được tiếp cận với nguồn lực đầu tư công để phát triển vaccine" – chuyên gia Thu Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải mở rộng và nâng cao năng lực cho hệ thống triển khai việc tiêm chủng vaccine trên quy mô lớn với các kịch bản về dịch bệnh khác nhau.

Lý giải vấn đề Tiến sĩ Thu Anh đề cập ở lĩnh vực pháp lý, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, sự tự chủ quốc gia về đảm bảo an toàn y tế cho người dân là một thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống pháp luật cũng như quản trị Nhà nước phải thay đổi tương ứng. Phải tạo điều kiện để hình thành các trung tâm nghiên cứu vaccine tư nhân, quản lý vận hành theo cơ chế của riêng họ. Hơn hết, các trung tâm nghiên cứu vaccine tư nhân này phải được cạnh tranh về ý tưởng và Nhà nước tài trợ thực hiện, thậm chí chấp nhận khả năng đầu tư của Nhà nước cho họ có thể thất bại.

"BioNTech và CureVac đều là 2 trung tâm nghiên cứu vaccine của Đức. Quốc gia này đã đầu tư 300 triệu euro vào CureVac nhưng vừa mới đây tuyên bố thử nghiệm thất bại. Nói cách khác, nghiên cứu vaccine không phải lúc nào cũng thành công. Nhưng nghiên cứu biến chủng virus Covid chỉ có thể phát triển nhờ các nghiên cứu virus trước đó. Người ta phối hợp rất chặt chẽ giữa Oxford với Astra Zeneca, giữa Pfizer với BioNTech v.v... Sức mạnh liên kết mới có thể tạo ra kỳ tích vaccine trong một thời gian ngắn" – PGS Phạm Duy Nghĩa phân tích.

 

Ông khuyến nghị việc thay đổi pháp luật theo hướng một mặt gia tăng tự do cho thị trường và tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị kinh doanh, nhưng mặt khác thúc đẩy một Nhà nước sáng tạo theo nghĩa dùng những công cụ quản lý mới. Đó là việc hình thành một đạo luật liên quan đến quản lý điều hành vaccine, bao gồm từ khâu tài trợ thúc đẩy nghiên cứu, rồi giám sát, đánh giá kết quả nghiên cứu, cho đến đưa vào ứng dụng sản xuất, lưu hành và tổ chức tiêm. Trong đó bao gồm cả trách nhiệm của Nhà nước đối với những vấn đề phát sinh sau khi tiêm.

 

"Sứ mệnh Nhà nước phải đảm bảo một đạo luật về quản lý, đầu tư, sử dụng cho đến ngăn ngừa hậu quả của vaccine. Điều này cần phải là một ưu tiên" – ông nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cũng cho rằng phải định nghĩa lại vai trò của Nhà nước theo tinh thần kiến tạo, khởi nghiệp. Theo đó, Nhà nước phải nâng đỡ những sáng tạo tư nhân.

"Đầu tư công cho một trung tâm nghiên cứu tư nhân, nếu tạo ra vaccine, sáng chế thuộc về tư nhân. Nhà nước cho quyền khai thác sở hữu trí tuệ đó để tư nhân có lợi nhưng để đổi lại, tư nhân phải cam kết bán lại vaccine, kể cả cho các nước nghèo với giá thấp. Đó là lý do vì sao những hợp đồng bán vaccine không được công khai, do ràng buộc rất nhiều cam kết đầu tư để có tiền nghiên cứu bào chế vaccine. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp tư nhưng thực hiện sứ mệnh công. Tầm nhìn này phải thể hiện trong đạo luật tới đây về quản lý, nghiên cứu, phát triển vaccine và lồng vào đó những ý thúc đẩy phát triển tư nhân, qua đó cũng thay đổi cách điều hành, quản lý của Nhà nước" – PGS Phạm Duy Nghĩa phân tích.

Năng lực tài chính dự phòng

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, về nguyên tắc, tài trợ nghiên cứu phát triển vaccine cũng như tiếp cận mua, phân phối và tiêm chủng vaccine phải dựa vào ngân sách Nhà nước. Theo ông, đây là trách nhiệm của Nhà nước. Người dân đã đóng thuế để khi xảy ra những đại dịch khẩn cấp như Covid, Nhà nước phải tổ chức được tiêm chủng vaccine với chi phí thấp và miễn phí cho người dân.

Việc đóng góp cho Quỹ vaccine Covid thể hiện sự đồng thuận xã hội, đóng góp và chia sẻ với Nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận mua vaccine cho người lao động chỉ là phần nhỏ. Phần chính vẫn phải là trách nhiệm của Nhà nước.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, trong khi đa số các nước trên thế giới từ nước giàu đến nước nghèo đều thực hiện chính sách chi thêm tiền hỗ trợ cho dân và doanh nghiệp trong đại dịch thì ngược lại, ở Việt Nam doanh nghiệp, người dân vẫn đóng tiền cho Nhà nước. Năm 2020, khi Việt Nam phải chống chọi với 3 đợt bùng phát dịch Covid, thu ngân sách vẫn cao hơn năm 2019, thậm chí vượt dự toán thu của năm 2020 là 9,1%.

"Đến lúc cần mua vaccine Covid thì cũng là người dân và doanh nghiệp đóng góp. Như thế không khác nào chúng ta tận thu người dân và doanh nghiệp. Nhà nước nên tiết kiệm từ các khoản chi không cần thiết khác để dành cho vấn đề vaccine và phòng chống dịch chứ không phải là tiếp tục đi huy động của người dân và doanh nghiệp," ông Thành thẳng thắn.

 

 

Một dẫn chứng khác về tư duy tiết kiệm ngân sách kì lạ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh được chuyên gia dẫn lại là việc Bộ Tài chính điều chuyển 200 triệu USD được chuẩn bị để mua vaccine trong năm 2020 sang các mục tiêu chi khác khi COVAX thông báo cung cấp 38,9 triệu liều miễn phí.

"Dịch bệnh Covid diễn ra khiến Chính phủ và các địa phương tiết kiệm được rất nhiều các chi phí hội họp. Đấy hoàn toàn có thể là một nguồn dự phòng cho tình huống khẩn cấp chống dịch Covid. Để đối phó với khủng hoảng như thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực tài chính phải luôn sẵn sàng để khi có chuyện lấy ra giải quyết" – ông Thành nói.

Đầu tư công cũng không nhất thiết phải là thành lập những doanh nghiệp nhà nước hay lập các đề án, chương trình để lấy tiền ngân sách Nhà nước thực hiện. Đầu tư công có thể là một cơ chế mới, đầu tư hỗ trợ cho các hãng dược phẩm, các trung tâm nghiên cứu của tư nhân, hay các trường đại học. Theo kinh nghiệm quốc tế, các hãng sản xuất vaccine đa phần đều là doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước sản xuất vaccine của Nga và Trung Quốc cũng hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, đầu tư công cần được hiểu là tài trợ cho những nỗ lực của tư nhân và chấp nhận rủi ro thất bại.

  • Xuân Linh – Đoàn Hằng

*Nội dung bài viết từ Toạ đàm : Mở rộng nguồn tiếp cận vaccine và Trách nhiệm của Nhà nước do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chủ trì dẫn dắt thảo luận.

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'