Sáng kiến của người dân từ bệ phóng công nghệ số
June 18, 2021

Sáng kiến của người dân từ bệ phóng công nghệ số

June 18, 2021

Một người dân Hà Nội đã đề xuất một sáng kiến nâng cao sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân ở quận Đống Đa bằng cách xây dựng các điểm truy cập dịch vụ công tại các chuỗi quán cà phê lớn. Người dân dùng các dịch vụ trực tuyến này sẽ được ưu đãi về giá tại các quán cà phê này và ngược lại các quán có tỉ lệ cao người sử dụng các dịch vụ công cấp 3 và 4 sẽ được hưởng các ưu đãi về chính sách quản lý của địa phương.

Đây là một trong những sáng kiến tham gia Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (gọi tắt là Sáng kiến CPII), một dự án do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) khởi xướng trong khuôn khổ Chương trình đo lường chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI. Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) đồng hành UNDP thực hiện dự án này trong giai đoạn đầu từ tháng 10/2020 đến tháng 08/2021.

Tiếp cận từ dưới lên (bottom-up)

Tại buổi trao đổi trực tuyến giới thiệu Sáng kiến CPII với công chúng vừa qua, TS. Huỳnh Nhật Nam, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã diễn giải ý tưởng của Sáng kiến CPII. Nó khởi nguồn từ quan sát cho thấy sự tham gia của người dân (citizen engagement) đã và đang trở thành một cách tiếp cận được khuyến khích và áp dụng ở nhiều quốc gia trong việc xác định, thiết kế, hoàn thiện và triển khai các giải pháp đổi mới xã hội.

Sự tham gia tích cực và thực chất của người dân đem lại những lợi ích to lớn cho quản trị nhà nước bởi lẽ, người dân, hơn ai hết là những người hàng ngày phải đối diện với các thách thức của địa phương, do đó thấu hiểu đâu là những vấn đề cần giải quyết, tại sao các thách thức này phát sinh, nên giải quyết các thách thức này khi nào và bằng cách nào.

"Chính vì vậy, người dân là một nguồn quan trọng cung cấp các giải pháp mang tính sáng tạo và khả thi cho các thách thức của địa phương. Từ góc độ chính quyền, sự tham gia của người dân trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách mang lại sự chính danh cho các chính sách này, đồng thời giúp chính quyền xác định được các vấn đề xã hội dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó có những giải pháp khả thi hơn, dễ được cộng đồng tiếp nhận và thực hiện" – theo ông Nam.

Ở Việt Nam, khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" được Chính phủ đưa ra thể hiện quan điểm ủng hộ sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Huỳnh Nhật Nam, trong thực tế, quá trình ra quyết định chính sách của nhiều địa phương vẫn mang tính mệnh lệnh từ trên xuống và đại trà cho nhiều đối tượng khác nhau. Điều này không chỉ tạo ra khoảng cách giữa các thách thức xã hội mà người dân gặp phải và các giải pháp do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, mà còn thu hẹp phạm vi và số lượng các giải pháp chính sách do thiếu sự tham vấn người dân một cách hiệu quả.

Do đó, có thể coi CPII như một nỗ lực đa dạng hóa cách tiếp cận của các hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Thay vì cách tiếp cận truyền thống, cụ thể là cách tiếp cận từ trên xuống (top-down), CPII tạo cơ hội cho chính quyền địa phương tìm kiếm những sáng kiến từ các cá nhân trong xã hội, hay chính là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up), để bổ trợ cho cách tiếp cận truyền thống trong nỗ lực cải thiện chất lượng hành chính và quản trị công.

Theo TS. Huỳnh Nhật Nam, để cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, các sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của người dân ở Việt Nam cần dựa trên cơ sở tạo lập mối quan hệ đối tác giữa chính quyền và người dân, dựa trên các nguyên tắc phù hợp và khả thi với cả hai bên và phù hợp với bối cảnh chính trị xã hội của cả địa phương.

Trong mối quan hệ đối tác này, do gần gũi với thực tế cuộc sống nên mỗi người dân có vai trò như một đơn vị cảm biến, theo dõi và xác định các vấn đề của địa phương. Vì vậy, trong quản trị địa phương, chính quyền và người dân phải thực sự trở thành đối tác. Chỉ như vậy, quản trị địa phương mới trở nên hiệu quả và hợp lòng dân vì suy đến cùng, mục tiêu tối thượng của chính quyền là phụng sự lợi ích và vì hạnh phúc của nhân dân.

CPII hướng đến việc nhận diện và hỗ trợ các tỉnh/thành thí điểm những cách tiếp cận mới giúp xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người dân và chính quyền địa phương trong quy trình xây dựng và thực thi chính sách. CPII mong muốn tạo ra các câu chuyện thành công và bằng chứng cho thấy rằng, với sự khuyến khích và không gian chính sách phù hợp, chính quyền các tỉnh/thành đủ năng lực tạo ra các thay đổi tích cực trong quản lý hành chính tại địa phương, từ đó lan tỏa sự quan tâm về tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách đến các tỉnh thành khác.

Mục tiêu của CPII là xác định, thúc đẩy, khuyến khích các sáng kiến địa phương, trong đó điều kiện thiết yếu là phải có sự cam kết của lãnh đạo cấp cao nhất để giải quyết các vấn đề của địa phương và triển khai một cách minh bạch các đề xuất sáng tạo từ người dân, không chỉ bao gồm mỗi cá nhân công dân, mà còn là các tổ chức doanh nghiệp, xã hội, và bản thân các cơ quan nhà nước.

Số hóa tương tác người dân và chính quyền

Triển lãm số Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII Digital Expo), một hợp phần của dự án Sáng kiến CPII, là nơi trưng bày các sáng kiến của người dân và địa phương.

Các chuyến thực địa đến các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Ninh, Hà Giang vào tháng 12/2020 và đến các tỉnh An Giang và Tây Ninh vào đầu tháng 4/2021 giúp nhóm nghiên cứu nhận ra tiềm năng to lớn của tương tác số giữa người dân và chính quyền địa phương.

Theo TS. Huỳnh Nhật Nam, các địa phương sử dụng nhiều và đa dạng các kênh tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước, bao gồm các kênh truyền thống (ví dụ như hội đồng nhân dân các cấp), các kênh bán truyền thống (ví dụ như hộp thư điện tử, hỏi đáp trực tuyến trên trang web của UBND các cấp hoặc của các sở ngành), và các kênh hiện đại (ví dụ như Facebook và Zalo). Hầu hết các phường xã mà nhóm nghiên cứu khảo sát trên địa bàn của 5 tỉnh thành đều sử dụng Zalo và Facebook để tương tác với người dân, thậm chí tại các xã có thể xem thuộc vùng xa vùng cao như xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ, Hà Giang) và các xã Quảng Thọ, Quảng Thái (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế).

Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận rằng các kênh facebook và zalo hiện chỉ được dùng chủ yếu để đưa thông tin đến người dân, chưa được khai thác như một kênh để khuyến khích người dân góp ý kiến hoặc đề xuất các giải pháp cho các vấn đề kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa có số liệu đánh giá chính thức hiệu quả của các kênh tương tác trên, đặc biệt các kênh bán truyền thống và hiện đại, là các kênh kết nối được với người dân liên tục và sâu rộng nhất. Một số tỉnh như Thừa Thiên-Huế, Tây Ninh hiển thị minh bạch các góp ý, khuyến nghị, thậm chí khiếu nại của người dân và các trả lời giải trình trên trang web của các cơ quan nhà nước hữu quan, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá hiệu quả và sự sẵn lòng của quản lý nhà nước địa phương với người dân.

Theo TS. Huỳnh Nhật Nam, người dân quan tâm nhiều nhất đến các vấn đề dân sinh. Các tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước do đó thường liên quan đến các thủ tục hành chính công và các vấn đề xã hội như vệ sinh, giao thông, và trật tự đô thị. Ngoài các góp ý mang tính sự vụ như trên, sự tham gia của người dân ở mức độ cao hơn, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng chính sách hoặc giải quyết vấn đề, bài toán lớn của địa phương là rất ít. Khi nhóm nghiên cứu phỏng vấn sâu cán bộ quản lý nhà nước, đại hiện Hội Cựu chiến binh và người dân tại thành phố Huế, một trong những nguyên nhân của việc này đến từ tâm lý "có nói không ai nghe, và có nghe cũng không ai làm gì". Chính sự mất niềm tin này dẫn đến việc một bộ phận người dân không còn thiết tha đến việc đóng góp ý kiến.

Nhìn chung, chính quyền các địa phương vẫn chưa có các công cụ và cơ chế hiệu quả để thu thập, chọn lọc và phân tích các thông tin hữu ích từ người dân, từ đó địa phương chưa xác định được đầy đủ các vấn đề của mình và thiếu các kho giải pháp cho các vấn đề đó.

Để khắc phục vấn đề, từ giữa tháng 4/2021, UNDP và FSPPM bắt đầu công bố trang web của Triển lãm số CPII 2021 và mời gọi tất cả các tỉnh thành trên cả nước tham gia. Trong thời gian 1 tháng kể từ ngày mở triển lãm, nhóm nghiên cứu đã nhận được khoảng 30 sáng kiến, TS. Huỳnh Nhật Nam cho biết.

Những sáng kiến tiêu biểu như Hue-S, một phần mềm ứng dụng phục vụ nhân dân và du khách phản ánh hiện trường và các vấn đề bất cập trong đời sống hàng ngày, được tích hợp nhiều tiện ích nhằm cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đã triển khai sâu rộng và phát huy tác dụng thực tế.

Được vận hành từ giữa tháng 7/2019, Hue-S trở thành một kênh tương tác trực tiếp rất năng động của chính quyền tỉnh này với người dân trên nền tảng di động. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, có đến hơn 200 cơ quan, đơn vị đã vào cuộc xử lý hơn 70% các phản ánh của người dân.

"Một số địa phương, ví dụ như tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua ứng dụng "phản ánh hiện trường", đang dần khôi phục niềm tin của người dân rằng các cơ quan quản lý tiếp thu và thực hiện thỏa đáng các phản hồi của người dân," TS. Huỳnh Nhật Nam kết luận.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'