Cần có cách tiếp cận sáng tạo cho quy hoạch vùng Đông Nam Bộ
November 26, 2023

Cần có cách tiếp cận sáng tạo cho quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

November 26, 2023

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã phát biểu ý kiến tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 2 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại TP.HCM chiều 26-11, nhằm thảo luận về dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh TTXVN

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành và địa Phương, đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, và đại diện của vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Đại diện Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh đóng góp ý kiến cho dự thảo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TS. Vũ Thành Tự Anh phát biểu. Ảnh: Sĩ Đông - thanhnien.vn

Thứ nhất, bản quy hoạch phải đưa ra được một tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của vùng. Đông Nam Bộ (ĐNB) là vùng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, vì vậy sự thành công hay thất bại của vùng ĐNB có vai trò quyết định trong sự thành công hay thất bại về kinh tế của cả nước. Mặc khác, dù quan trọng như vậy nhưng trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của vùng lại thấp hơn mức trung bình so với cả nước. Nghịch lý "đầu tàu chạy chậm hơn toa tàu" này cần phải đảo ngược, và Quy hoạch vùng ĐNB phải chỉ ra được những nút thắt chủ chốt đang cản trở sự phát triển của vùng, đưa ra được tầm nhìn và hệ thống các giải pháp để khắc phục những nút thắt này.

Thứ hai, TS. Tự Anh đề xuất cách tiếp cận phi tuyến tính khi xây dựng quy hoạch vùng. Cụ thể hơn, quy hoạch không thuần túy chỉ là sự dự phóng cho tương lai từ xu thế quá khứ và vị thế hiện taị. Quy hoạch cần xuất phát từ một tầm nhìn tương lai của ĐNB, tức là chúng ta muốn xây dựng vùng Đông Nam Bộ với dáng vóc và vị thế như thế nào, rồi từ đó mới nhìn lại xuất phát điểm của mình và hoạch định để đạt được tầm nhìn đó. Đề xuất này đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn rất nhiều so với cách tiếp cận tuyến tính hiện tại. Cách tiếp cận tuyến tính sẽ không tương thích với thời đại công nghệ "phá hủy sáng tạo" mà thế giới đang trải qua, và do vậy sẽ không giúp ĐNB nói riêng và Việt Nam nói chung chuẩn bị cho tương lai, tạo ra đột phá cho sự phát triển. Tóm lại, cách tiếp cận tuyến tính không phù hợp đối với một vùng kinh tế quan trọng như vùng Đông Nam Bộ. Tâm thế và cách tiếp cận khác nhau sẽ dẫn đến những kết quả rất khác nhau. Cách tiếp cận phi tuyến tính đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng chỉ như vậy mới có thể tạo ra được sự thay đổi như kỳ vọng.

Thi công cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai cũng là một thành tố quan trọng để logistics vùng Đông Nam Bộ phát triển. Ảnh ĐÔNG HÀ - tuoitre.vn

Ý kiến thứ ba là xác định các động lực tăng trưởng của vùng bao gồm:

  • Cơ sở hạ tầng phải đảm bảo có kết nối tốt giữa nội bộ, vùng và quốc tế. Bên cạnh đó, vì đô thị sẽ là động lực tăng trưởng của các quốc gia trong thế kỷ 21 nên ĐNB cần tập trung phát triển và kết nối tứ giác đô thị TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ sở hạ tầng phải hỗ trợ cho một đô thị thực sự đẳng cấp bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, nước, quản lý biến đổi khí hậu và môi trường v.v.
  • Xác định lĩnh vực phát triển với các đề xuất thiên về xu hướng dịch vụ và có giá trị gia tăng cao, như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, hậu cần và các lĩnh vực sử dụng các công nghệ dữ liệu và viễn thông hiện đại.
  • Trong Quy hoạch xác định tiểu vùng trung tâm làm động lực phát triển chính cho vùng ĐNB, nhưng cũng cần thấy rằng TP. HCM đích thực là lõi của tiểu vùng trung tâm này – tức là TP.HCM phải trở thành "động lực của động lực". Vì vậy, quy hoạch TP. HCM và quy hoạch vùng phải được khớp nối đồng bộ. Khung quy hoạch chung của vùng phải mở ra không gian cho TP.HCM phát triển và quy hoạch của TP.HCM phải tận dụng hết không gian ấy để tạo sức bật mới cho cả vùng.

Một góc cảng Cái Mép-Thị Vải cửa ngõ ra quốc tế của vùng Đông Nam Bộ, một lợi thế để phát triển logistics. Ảnh ĐÔNG HÀ, tuoitre.vn

Ý kiến thứ tư là về sự kết nối với Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo quan điểm của ông, ĐNB kết hợp với Tây Nam Bộ sẽ trở thành một chỉnh thể kinh tế thống nhất, bao gồm trọng tâm dịch vụ ở TP.HCM, trọng tâm công nghiệp ở 5 tỉnh Đông Nam Bộ và trọng tâm nông nghiệp do ĐBSCL đảm trách. Chỉnh thể này như một 1 con chim, thân giữa là TP.HCM, hai sải cánh là Đông và Tây Nam Bộ, thúc đẩy tạo ra sức mạnh thực sự cho TP.HCM và cả vùng ĐNB. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, khi đô thị phát triển, con người bao giờ cũng sẽ tìm kiếm một không gian êm đềm, thoáng đãng và sinh thái. Do đó mà vùng ĐBSCL sẽ tạo ra một dự trữ không gian phát triển về kinh tế xã hội cho vùng ĐNB.

Thứ năm, tiến sĩ Tự Anh nhấn mạnh để có một bản quy hoạch tốt thì phải có tính nhất quán nội tại bao gồm: (i) Tăng trưởng cao đòi hỏi đầu tư lớn. (ii) Sự thay đổi về cơ chế cho phù hợp. Và (iii) Thực thi mới chính là nơi công việc bắt đầu. Chúng ta đang hướng tới mục đích tăng trưởng rất cao thì phải có hệ thống các điều kiện đi kèm một cách phù hợp và tương thích, bao gồm sự chuẩn bị nguồn lực về đầu tư, cơ chế đặc thù cho từng vùng, cơ chế quản trị và yếu tố con người. Ở thời điểm hiện tại chúng ta chưa có đủ nguồn lực thì chỉ có hai sự lựa chọn. Một là giảm kỳ vọng xuống để phù hợp với năng lực hiện có. Hai là nâng cao năng lực để phù hợp với kỳ vọng.

  • Quỳnh Mai - Uyên Vũ tổng hợp

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'