FSPPM tham dự chuỗi hội thảo nghiên cứu của Đại học Duke (Hoa Kỳ)
October 26, 2021

FSPPM tham dự chuỗi hội thảo nghiên cứu của Đại học Duke (Hoa Kỳ)

October 26, 2021

Gần đây, Đại học Duke (Hoa Kỳ) đã tổ chức một chuỗi hội thảo trong học kỳ Mùa thu với sự tham gia của ba đại diện từ các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, trong đó có Đại học Fulbright Việt Nam. Bùi Mạnh Tiến và Chu Đức Mạnh, cựu học viên chương trình Thạc sĩ Chính sách Công (MPP) của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), đã tham dự và trình bày hai bài nghiên cứu tại hội thảo.

Chuỗi hội thảo được Đại học Duke tổ chức hàng tuần, kéo dài từ ngày 31/8/2021 đến ngày 2/11/2021, nhằm tạo điều kiện cho giới nghiên cứu chia sẻ những phản hồi về các công việc họ đang thực hiện, cũng như mở rộng mạng lưới nghiên cứu của Đại học Duke nhằm mở ra những hợp tác tiềm năng trong tương lai. Ngoài hai đại diện của FSPPM, các nghiên cứu viên đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đã có các bài trình bày nghiên cứu tại hội thảo.

 

 

Bùi Mạnh Tiến, cựu học viên MPP2021 và hiện là Trợ lý Nghiên cứu tại FSPPM, trình bày bài nghiên cứu "Impacts of fiscal decentralization on local development in Vietnam" (Tác động của phân cấp tài khóa đối với phát triển địa phương ở Việt Nam). Dựa trên dữ liệu của 63 tỉnh ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019, bài nghiên cứu xem xét tác động của phân cấp tài khóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và hiệu quả hoạt động của chính quyền ở cấp tỉnh. Nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của phân cấp tài khóa đối với sự phát triển đa chiều của địa phương, được đo lường bằng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu ngân sách địa phương, tỷ lệ tiếp tục đi học THPT và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cũng như hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc sử dụng nguồn lực cho những mục đích trên. Để nâng cao các tác động tích cực đó, nghiên cứu đề xuất tăng cường phân cấp, đặc biệt là phân cấp tài khóa ở Việt Nam thông qua việc tăng cường thẩm quyền thuế địa phương bao gồm cơ sở thuế và tỉ lệ chia sẻ các khoản thu. Sự phân cấp tài khóa cần được thiết kế linh hoạt theo bối cảnh và điều kiện đặc trưng của từng địa phương, trên cơ sở cân nhắc giữa tính hiệu quả và công bằng trong phân bổ nguồn lực cho phát triển. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, song hành cùng môi trường thể chế thuận lợi cũng đòi hỏi địa phương có năng lực quản trị tương xứng. Một chính quyền địa phương có năng lực quản trị tốt, trách nhiệm giải trình cao, cùng với hiểu biết vững chắc về điều kiện và nhu cầu của địa phương mới phát huy tối đa hiệu quả của phân cấp tài khóa. Thiếu những điều kiện trên, tác động của phân cấp trở nên mờ nhạt hơn.

 

 

Chu Đức Mạnh, cựu học viên MPP2019 và hiện là Trợ giảng tại FSPPM, trình bày bài nghiên cứu "Gauging changes in marginal propensity to consume caused by government expenditure: Evidence from a global sample" (Đo lường những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cận biên do chi tiêu chính phủ gây ra: Bằng chứng từ một mẫu toàn cầu). Nghiên cứu được thực hiện nhằm đo lường sự gia tăng trong chi tiêu của hộ gia đình sau khi có một biện pháp kích thích tài khoá của chính phủ. Áp dụng một khung lý thuyết hoàn chỉnh được phát triển bởi Hagedorn, Manovskii, and Mitman (2019) cho một mẫu lớn bao gồm 23 nước trong suốt giai đoạn từ 1990-2019, nghiên cứu cho thấy khi chính phủ tăng chi tiêu của mình 1% thì chi tiêu của hộ gia đình sẽ tăng 0.32% trong cùng năm đó. Phát hiện này là minh chứng cho hiệu quả chính sách tài khoá ở phạm vi toàn cầu trong suốt thời gian vừa qua. Điều này mang đến nhiều hàm ý chính sách về các biện pháp kích thích nền kinh tế; đặc biệt giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang mang đến tác động xấu đối với nền kinh tế thế giới. Ngoài ra nghiên cứu còn cho thấy mối quan hệ tiêu cực giữa tỷ lệ vay nợ của chính phủ với hiệu quả chính sách tài khoá được thể hiện thông qua số nhân Keynesian.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'