Hội thảo quốc tế: Sự thay đổi đa chiều của hệ thống sông Mekong dưới áp lực của con người và khí hậu
November 13, 2023

Hội thảo quốc tế: Sự thay đổi đa chiều của hệ thống sông Mekong dưới áp lực của con người và khí hậu

November 13, 2023

Ngày 13-14/11 vừa qua, hội thảo khoa học quốc tế Mekong River System and Multi-Dimensional Change under Human and Climate Pressures (tạm dịch: Sự thay đổi đa chiều của hệ thống sông Mekong dưới áp lực của con người và khí hậu) đã được tổ chức thành công tại Đại học Fulbright Việt Nam.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM phát biểu chào mừng. Ảnh FSPPM

Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright; Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực JPL, Cơ quan Hàng không & Vũ trụ Hoa Kỳ, Viện Công nghệ California (NASA Jet Propulsion Laboratory, California Institute of Technology); và Đài Quan sát Lũ lụt Dartmouth, Đại học Colorado tại Boulder (Dartmouth Flood Observatory, University of Colorado at Boulder). Hội thảo có sự tham gia của Tiến sỹ Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam; bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM; và Tiến sỹ Trần Minh Khôi, Uỷ hội sông Mekong (Mekong River Commission), cơ quan liên chính phủ giữa Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam với nhiệm vụ là phối hợp quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước khu vực. Chương trình được đề xuất bởi nhóm chuyên gia Sơn Văn Nghiêm (NASA/JPL), Robert Brakenridge (University of Colorado), và Tiến sỹ Lê Việt Phú (Đại học Fulbright Việt Nam).

TS. Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu chào mừng. Ảnh FSPPM

Thông qua các phần trình bày tại hội thảo, các học giả lần lượt giới thiệu khái quát và đi sâu vào phân tích đặc điểm lưu vực sông Mekong và những vấn đề cần được quan tâm tại khu vực này.

TS. Lê Việt Phú, Giảng viên Chính sách Môi trường, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright phát biểu. Ảnh FSPPM

Lưu vực sông Mekong được thừa hưởng sự đa dạng sinh học và tài nguyên. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực rất nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu và con người. Các công trình thuỷ lợi được xây dựng trong vòng 40 năm qua một mặt hỗ trợ đáng kể cho phát triển nông nghiệp, cung cấp nước tưới tiêu, giảm thiểu tác động của lũ lụt và xâm nhập mặn, nhưng mặt khác lại hạn chế phù sa chảy về lưu vực sông. Các đập thuỷ điện, được phát triển nhiều nhất ở Trung Quốc, làm thay đổi lưu lượng nước, là mối đe doạ với ngư nghiệp, cũng như là nguồn phát thải khí nhà kính. Trước những nguy cơ trên, tác động đa chiều của con người và khí hậu lên hệ thống sông Mekong cần được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh FSPPM

Sự phát triển nhanh chóng của viễn thám đã hỗ trợ rất nhiều trong việc tìm hiểu các vấn đề về tài nguyên và môi trường. Một số ưu điểm nổi bật của phương pháp này là dữ liệu có sẵn, tiết kiệm chi phí, và đặc biệt là tiếp cận được những khu vực chưa có trạm quan trắc. Các tác giả trình bày một số nghiên cứu trước đây của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam về theo dõi tuổi lúa ở ĐBSCL, hiện trạng sử dụng đất, độ ẩm của đất,... hay nghiên cứu ứng dụng viễn thám quang học trong phân tích hiện trạng sử dụng đất, so sánh với kết quả đo đạc thực nghiệm tại huyện Ba Tri (Bến Tre), từ đó cho thấy phương pháp viễn thám có độ chính xác cao, đặc biệt trong phân loại các loại hình nông nghiệp. Nghiên cứu về hiện trạng sử dụng đất tại Viêng Chăn (Lào) và hiện tượng đô thị hoá ở Việt Nam, qua đó thiết lập tương quan giữa đô thị hoá và chất lượng không khí. Bên cạnh các nghiên cứu về môi trường và tài nguyên, các chuyên gia thảo luận về nghiên cứu mức độ dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu và xây dựng khung đánh giá khả năng thích ứng.

GS. Vũ Tường Tường Thụy, Đại học Curtin, Malaysia. Ảnh FSPPM

Ngoài các nghiên cứu được đề cập phía trên sử dụng ảnh viễn thám quang học, các chuyên gia cũng trao đổi nghiên cứu sử dụng viễn thám radar khẩu độ tổng hợp giao thoa (InSAR) để đo sụt lún ở TP.HCM và ĐBSCL, và khám phá tác động của các công trình hạ tầng lên vấn đề sụt lún nền.

GS. Nghiêm Văn Sơn, nhà nghiên cứu cấp cao của Phòng nghiên cứu Chuyển động phản lực của NASA, Hoa Kỳ. Ảnh FSPPM

Tài nguyên nước cũng là một chủ đề trọng tâm khác trong hội thảo. Tài nguyên nước, trong đó có nước ngầm, đang bị suy giảm. Các diễn giả đánh giá vấn đề này ở các tỉnh thành miền Trung và các khu vực ven biển là những nơi có tác động rõ nét hơn. Các nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng trên tại ĐBSCL gồm (i) biến đổi khí hậu, (ii) các công trình hạ tầng ở phía thượng nguồn, và (iii) các vấn đề nội vùng (khai thác quá mức, tăng trưởng dân số,...).

TS. Trần Minh Khôi, Thư ký Ủy hội sông Mekong, Viêng Chăn, Lào. Ảnh FSPPM

Phương pháp viễn thám được sử dụng rộng rãi trong theo dõi và đánh giá tài nguyên nước, chẳng hạn như mô hình WBMsed để đánh giá lưu lượng phù sa ở cấp độ toàn cầu hay mô hình đo đạc sông hồ bằng bức xạ kế tầng cao thụ động (passive microwave radio metry) với ứng dụng để đo mực nước sông (river stage), lưu lượng sông (river discharge), và mực nước hồ (lake water level) của sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam.

Bà Anna Podkowa, Đại học Warsaw, Ba Lan. Ảnh FSPPM

Ứng dụng mở rộng của phương pháp bức xạ kế tầng cao thụ động trong dự đoán khả năng lũ lụt cũng được thảo luận. Ngoài ra, các nghiên cứu về tài nguyên nước tập trung vào ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm, cách thạch tín ngấm vào nước ngầm, cũng như phát hiện các khu vực nhiễm thạch tín lớn tại Việt Nam cũng được đưa ra trao đổi.

TS. Lâm Đào Nguyên, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP. Hồ Chí Minh. Ảnh FSPPM

Các tác giả cũng đề xuất ứng dụng viễn thám trong đánh giá thiệt hại của các thảm hoa thiên nhiên (động đất, sóng thần). Để khắc phục nhược điểm của viễn thám là chỉ đánh giá tổng quát thiệt hại của khu vực, sử dụng thị giác máy tính (computer vision) có thể phân loại mái nhà nguyên vẹn và mái nhà bị hư hại, từ đó đánh giá chi tiết mức độ thiệt hại.

TS. Sagy Cohen, Đại học Alabama, Hoa Kỳ. Ảnh FSPPM

Hai ngày hội thảo với 21 bài trình bày cùng khu triển lãm poster đi qua rất nhiều các khía cạnh khác nhau trong quản lý tài nguyên lưu vực sông Mekong. Những thảo luận trong hội thảo mở ra những hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực, cũng như mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế.

TS. Albert Kettner, Đại học Colorado, Hoa Kỳ. Ảnh FSPPM

Một số hình ảnh của Hội thảo:

 

  • Phương Lam

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'