Kinh tế Việt Nam thời Covid-19, hậu bầu cử Mỹ và RCEP
December 16, 2020

Kinh tế Việt Nam thời Covid-19, hậu bầu cử Mỹ và RCEP

December 16, 2020

Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) trong cuộc hội thảo gần đây với các học viên của trường đã cập nhật chủ đề: "Kinh tế Việt Nam trong thế giới biến động: Covid, hậu bầu cử Hoa Kỳ và RCEP". Nội dung chính xoay quanh triển vọng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Covid-19, hậu bầu cử Hoa Kỳ và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, nền kinh tế thế giới trong năm qua bị cuốn vào dòng xoáy bất định vì cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến triển vọng phục hồi kinh tế u ám. Trong 3 quý của năm 2020, thế giới đã trải qua đợt suy giảm kinh tế lớn chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm liên tiếp vào quý 2 và 3. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất cả ba quý vẫn có tăng trưởng dương.Tuy nhiên, so với các cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, hiện tại hệ thống tài chính ngân hàng vẫn đứng vững và đây là thành quả của việc tái cơ cấu lại hệ thống tài chính sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Theo ông, 18 tháng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chưa đủ để hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ. Bởi vậy, nếu hệ thống tài chính vẫn đứng vững trong bối cảnh đại dịch thì khả năng phục hồi của hệ thống tài chính rất cao.

 

 

"Kỳ vọng hiện nay vẫn là khả năng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào Quý 2 của năm 2021, với các tín hiệu là kinh tế Trung Quốc đã trở lại bình thường, sức cầu nguyên liệu sản xuất công nghiệp chế tạo hồi phục, và vaccine cho Covid-19 sẽ bắt đầu được phân phối từ Quý 2/2021".

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế vẫn lưu ý kịch bản xấu có thể xảy ra trong trường hợp thế giới sản xuất được vaccine cho Covid-19 nhưng không phân phối được hoặc phân phối với chi phí quá cao và hệ thống tài chính tuy không đổ vỡ nhưng suy yếu; điều này tạo nên tính bất trắc vô cùng cao cho kinh tế toàn cầu, khiến giá vàng tiếp tục ở mức cao và thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục trồi sụt.

Kinh tế Việt Nam thời Covid-19

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, theo ông Nguyễn Xuân Thành, cho dù Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở mức độ nhất định nhưng năm nay kinh tế là xấu, có thể được gọi là xấu nhất kể từ thời kỳ bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng đã giảm mạnh từ 7% năm 2019 xuống còn 3,8% vào quý 1, 0,4% vào quý 2 và 2,6% vào quý 3. Theo tính toán của ông, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt mức 2,5% cho cả năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Do tác động của dịch Covid-19, Việt Nam phải hứng chịu cả hai cú sốc về cung và cầu. Cú sốc kép phía cung dẫn tới sản xuất sụt giảm khi các cơ sở sản xuất phải đóng cửa vì cách ly xã hội và chuỗi cung ứng bị xáo trộn. Covid-19 đã và đang kéo hàng tỉ người tiêu dùng khắp thế giới vào làn sóng thắt chặt chi tiêu và nền kinh tế Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Cú sốc kép phía cầu biểu hiện rõ rệt khi 2020 là năm đầu tiên tiêu dùng của dân cư giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu khi thu nhập thực tế giảm mạnh bởi khủng hoảng. Người dân giảm chi tiêu không chỉ đối với những mặt hàng tiêu dùng mang tính thiết yếu như thực phẩm mà cả những mặt hàng mang tính xa xỉ.

Tác động của Covid-19 đối với lao động và việc làm cũng rất nặng nề. Ông Nguyễn Xuân Thành dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về số người lao động từ 15 tuổi trở lên trong Quý 2/2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu so với Quý 1 và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong Quý 2 là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất trong 10 năm.

 

 

Dù bức tranh kinh tế ảm đạm vì Covid 19, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, vẫn có điểm sáng nổi bật là xuất khẩu và đầu tư công bù đắp cho suy giảm tiêu dùng của người dân và sự tăng trưởng chậm của đầu tư tư nhân. Trong đó, chưa bao giờ đầu tư công lớn như năm nay. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng vừa qua ước tính đạt hơn ba trăm ngàn tỉ đồng, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, xuất khẩu ghi điểm ấn tượng nhất. Khi Covid mới xảy ra, ai cũng lo ngại xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh khi các thị trường nước ngoài chao đảo. Nhưng quá trình hội nhập hơn 30 năm qua đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam các thị trường xuất khẩu vô cùng đa dạng, nên trong giai đoạn khủng hoảng, thị trường xuất khẩu này giảm thì thị trường khác lại tăng. Trong năm nay, khi xuất khẩu vào các thị trường ASEAN và EU suy giảm đáng kể thì xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Trung Quốc lại vẫn tăng mạnh. Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tốt là vì nền kinh tế này đã tăng trưởng trở lại ngay từ quý 2. Còn với Hoa Kỳ, các mặt hàng tăng trưởng mạnh là những mặt hàng đang tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.

Hậu bầu cử Hoa Kỳ

Một vấn đề nổi lên trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đó là thặng dư thương mại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2020 là 50,9 tỷ USD.Trong khi phía Mỹ ước tính con số thâm hụt thương mại với Việt Nam là 56 tỉ USD.

Chính vì vậy, Mỹ đang gây sức ép rất lớn lên Việt Nam với cáo buộc gần đây về điều tra cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Cụ thể, Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ thông qua việc định giá đồng Việt Nam thấp hơn 4.7% so với tỷ giá hối đoái thực tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, và chính sách tỷ giá đó đã gây thiệt hại cho các ngành kinh tế nội địa của Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở một cuộc điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ hay không. Cuộc điều tra được thực hiện theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, điều khoản pháp lý tương tự mà Mỹ đã sử dụng để bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tỷ giá để giữ đồng tiền thấp hơn giá trị thực thì đó sẽ là các căn cứ để Bộ Thương mại và Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ có thể đề xuất các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, từ kết luận đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt là cả một quá trình.

"Khách quan mà nói, tỷ giá hoàn toàn không phải là yếu tố gây ra thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam. Yếu tố cơ cấu mới là nguyên nhân chính.Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN rồi gia công, chế tạo với giá trị gia tăng thấp để xuất sản phẩm cuối cùng sang thị trường Mỹ và EU. Vì thế, Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, với EU, nhưng thâm hụt ở mức tương đương với Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN", ông Thành phân tích.

 

 

Ông cũng cho rằng, điều thuận lợi đối với Việt Nam là chính quyền ông Joe Biden sẽ ít tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại song phương hơn. Ngay cả khi kết luận Việt Nam thao túng tỉ giá thì xác xuất có những hành động trừng phạt nặng nề như đối với Trung Quốc là rất thấp vì ông Biden sẽ không áp dụng cách tiếp cận của ông Trump. Mặc dù vậy, một số ngành xuất khẩu ở Việt Nam vẫn sẽ chịu tác động nhất định vì Mỹ sẽ tiếp tục có các biện pháp bảo hộ với từng ngành hàng cụ thể.

Chuyên gia kinh tế cũng nhận định chiến tranh thương mại và chiến tranh công nghệ Mỹ-Trung sẽ không chấm dứt; bởi đây là xu hướng chính sách nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng và khó có thể đảo chiều. Trong suốt nhiều thập kỉ, giới quan chức Dân chủ và Cộng hoà đều cổ xuý hợp tác với Trung Quốc với mong muốn nước này sẽ tuân thủ luật chơi của quốc tế. Nhưng thực tế thế giới đã để cho Trung Quốc chơi theo cách chơi của Trung Quốc. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã liên tục gây sức ép lên Trung Quốc và xu thế này sẽ tiếp tục với chính quyền mới.

Trong bối cảnh này, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo hướng vào xuất khẩu nhưng để thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó điều quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách phải giải được nút thắt về cơ sở hạ tầng; đào tạo nghề và giáo dục đại học; hệ thống doanh nghiệp phụ trợ và cung ứng nội địa. Ngoài ra, những điểm nghẽn về thể chế cần được khơi thông, trong đó quan trọng nhất là sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh và đầu tư.

Cuộc chơi của những "ông lớn"?

Một câu hỏi khác được đặt ra hậu bầu cử Hoa Kỳ là liệu chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ quay lại tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà nay đã phát triển thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo ông Nguyễn Xuân Thành, trong quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã tuyên bố có thể quay lại TPP nhưng sẽ đàm phán lại. Nhưng TPP không phải ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chính quyền Biden ít nhất trong đầu nhiệm kì. Hơn nữa, Đảng Dân chủ của ông Biden phản đối quyết liệt TPP với lí do bảo hộ kinh tế trong nước. Mặt khác, trong trường hợp Mỹ quay lại và đòi đàm phán lại để có thể thuyết phục được các nhóm lợi ích nội địa của Mỹ thì cũng không dễ dàng được các thành viên CPTPP chấp nhận.

"Theo tôi, chỉ có một yếu tố thúc đẩy TPP hiện nay là bối cảnh địa chính trị khu vực "Indo-Pacific" và việc Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết. RCEP là bước đi rất khôn khéo, đúng thời điểm của Trung Quốc khi nội bộ Mỹ đang lùng bùng vì các tranh cãi hậu bầu cử. RCEP sẽ trở thành sức ép đối với đội ngũ ngoại giao và an ninh sắp tới của ông Biden bởi nếu muốn đối trọng với Trung Quốc thì Mỹ phải quay trở lại cuộc chơi với khu vực."

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định RCEP vừa được ký kết ngày 15/11/2020 gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ấn Độ, vì lo ngại không cạnh tranh nổi về kinh tế với Trung Quốc và ASEAN, đã tạm thời đứng ngoài.

 

 

RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, chiếm gần 1/3 dân số thế giới, và trị giá 26.200 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định thương mại tự do này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, sáng kiến ban đầu về RCEP là của ASEAN và ASEAN muốn đưa ra thông điệp rằng ASEAN là trung tâm, tuy nhiên những nước ngoài ASEAN đều nhìn nhận Trung Quốc là trung tâm, với thông điệp Trung Quốc là ngọn cơ thúc đẩy tự do hóa thương mại.

"RCEP mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho cho Hàn Quốc và Nhật Bản vì hai nước này coi như sẽ có được thoả thuận tự do thương mại với Trung Quốc", theo chuyên gia.

Với Việt Nam, RCEP có thể giúp các công ty trong nước tăng cường xuất khẩu mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh gia tăng từ hàng hoá của Trung Quốc.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'