Nghiên cứu dự báo về mất an ninh lương thực của Việt Nam trong đại dịch Covid-19
February 22, 2022

Nghiên cứu dự báo về mất an ninh lương thực của Việt Nam trong đại dịch Covid-19

February 22, 2022

World Development – một tạp chí hàng đầu thế giới về nghiên cứu phát triển – vừa chấp nhận đăng bài nghiên cứu “Cú sốc thu nhập và dự báo về mất an ninh lương thực của Việt Nam trong đại dịch” của nhóm tác giả Vũ Khoa (ĐH Minnesota, Hoa Kỳ), Vương Đình Tuấn Nguyễn (ĐH Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ),  Vũ Thành Tự Anh (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright – FSPPM), và Nguyễn Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển – DEPOCEN).

Đại dịch Covid-19 đe dọa an ninh lương thực của các nhóm dân cư nghèo và dễ bị tổn thương trên toàn cầu, dẫn tới nhu cầu của Chính phủ phải xác định những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất để viện trợ có mục tiêu. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất phương pháp tiếp cận hai bước để dự đoán những thay đổi về nguy cơ mất an ninh lương thực do các cú sốc về thu nhập gây ra bằng cách sử dụng dữ liệu mức sống hộ gia đình hiện có và thông tin bên ngoài về các cú sốc thu nhập. Các nhà nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận này để đánh giá những thay đổi về nguy cơ mất an ninh lương thực trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Sử dụng dữ liệu điều tra mức sống hộ gia đình trên toàn quốc từ năm 2010 đến năm 2018, trước tiên, các tác giả ước tính rằng thu nhập giảm 10% dẫn đến tỷ lệ mất an ninh lương thực tăng 3,5%. Sau đó, các tác giả sử dụng Điều tra Lực lượng Lao động toàn quốc năm 2019 để dự đoán những thay đổi về tỷ lệ hộ gia đình không đảm bảo lương thực do các cú sốc thu nhập trong đại dịch cho 702 quận/huyện. Nhóm nghiên cứu nhận thấy đằng sau sự thay đổi nhỏ và được dự báo trước về nguy cơ mất an ninh lương thực ở cấp quốc gia là sự thay đổi đáng kể ở cấp quận/huyện, và những thay đổi về nguy cơ mất an ninh lương thực càng lớn hơn ở nhóm dân số trẻ. Do đó, các chính sách cứu trợ lương thực nên ưu tiên một số quận/huyện được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hình minh họa từ bài nghiên cứu trên ScienceDirect

Mất an ninh lương thực do Covid-19 đã trở thành một vấn nạn kinh tế lớn trên toàn cầu khi việc phong tỏa và giãn cách xã hội được áp dụng rộng rãi để ngăn chặn virus COVID-19. Trong thời gian phong tỏa, nhiều người lao động bị mất một phần thu nhập hoặc mất việc, do đó họ không có đủ tiền mua thực phẩm. Mặc dù một số loại vaccine COVID-19 đã được phát triển và phê duyệt vào đầu năm 2021, thế giới vẫn tiếp tục trải qua những làn sóng lây nhiễm mới với các biến thể mới hơn và có khả năng lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển thiếu nguồn lực để mua và tiêm vaccine cho người dân. Do đó, tình trạng mất an ninh lương thực sẽ tiếp tục là một vấn đề cho đến khi các lệnh phong tỏa và/hoặc việc hạn chế làm việc và tương tác xã hội không còn cần thiết.

Với các tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch, các chính phủ và các tổ chức quốc tế đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và cứu trợ lương thực cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để các chính phủ và các tổ chức xác định được các địa phương hoặc các hộ gia đình trong một quốc gia cần hỗ trợ nhất. Việc ưu tiên các địa phương bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đại dịch sẽ giúp các chính phủ và các tổ chức cung cấp gói hỗ trợ tới nhiều người cần hỗ trợ hơn thay vì phân bổ nguồn lực tới những cá nhân ít bị ảnh hưởng. Điều này đặc biệt đúng với những quốc gia thu nhập thấp và trung bình với nguồn lực hạn chế.

Một cách tiếp cận thông thường là gửi hỗ trợ tới các hộ gia đình được xác định là hộ nghèo hoặc thu nhập thấp từ trước khi có đại dịch. Trong khi việc xác định hộ nghèo khá đơn giản, không phải mọi hộ nghèo đều bị mất an ninh lương thực trong đại dịch. Chẳng hạn, các hộ gia đình có các thành viên làm việc trong các ngành nghề không bị ảnh hưởng thì sẽ không bị ảnh hưởng, còn các hộ cận nghèo vẫn có thể chịu cú sốc an ninh lương thực nếu các thành viên trong gia đình làm việc trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển nơi mà dữ liệu về tình trạng hộ nghèo có thể đã lỗi thời và dữ liệu về thu nhập không bao gồm các hoạt động kinh tế phi chính thức.

Một phương pháp tốt hơn là kết hợp nhắm mục tiêu theo hộ gia đình với nhắm mục tiêu theo địa lý: trước tiên chính phủ (hoặc các tổ chức quốc tế) có thể xác định và phân bổ ngân sách và nguồn lực thích hợp cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để chính quyền địa phương hoặc chi nhánh tại địa phương của các tổ chức quốc tế có thể xác định và phân phối viện trợ cho các hộ gia đình hoặc cá nhân cần hỗ trợ. Đây là phương pháp đã được Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (World Food Program, 2015) sử dụng.

Hình minh họa từ bài nghiên cứu trên ScienceDirect

Nghiên cứu này đề xuất một cách tiếp cận để dự báo những thay đổi về nguy cơ mất an ninh lương thực do các cú sốc thu nhập ở cấp địa phương trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch toàn cầu. Nhóm tác giả áp dụng phương pháp này để dự báo những thay đổi về nguy cơ mất an ninh lương thực do đại dịch đối với tất cả 702 quận/huyện ở Việt Nam. Nghiên cứu dự báo tỷ lệ hộ gia đình mất an ninh lương thực tăng trung bình 0,82 điểm phần trăm, vì hầu hết các quận/huyện chỉ tăng từ 0 đến 2 điểm phần trăm và chỉ 102 trong số 702 quận/huyện có mức tăng lớn hơn 2 điểm phần trăm. Một số ít các quận/huyện có mức tăng lên tới 7,86 điểm phần trăm. Tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 5 tuổi bị mất an ninh lương thực được dự đoán sẽ tăng 0,997 điểm phần trăm, mặc dù một số ít quận/huyện có thể lên tới 19,33 điểm phần trăm.

Hình minh họa từ bài nghiên cứu trên ScienceDirect

Một số điểm quan trọng có thể rút ra từ những dự báo của nghiên cứu này. Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc ngăn chặn virus ở giai đoạn đầu và tác động tổng thể của Covid lên nền kinh tế trong giai đoạn nghiên cứu là tương đối nhỏ. Do đó, dự báo của nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng trung bình đến tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn quốc có thể là khá nhỏ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng một số ít các quận/huyện được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các huyện khác vì đại dịch có các tác động khác nhau đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhắm mục tiêu một cách hiệu quả vì những quận/huyện này có thể cần nhiều hỗ trợ hơn những quận/huyện khác. Điều này đặc biệt đúng đối với các quận có nhiều trẻ nhỏ bị ảnh hưởng hơn. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng nếu Việt Nam không ngăn chặn đại dịch sớm như vậy, tình trạng mất an ninh lương thực có thể đã trở nên tồi tệ hơn; điều này cho thấy các biện pháp ứng phó về y tế công cộng hiệu quả đối với đại dịch có thể giảm thiểu các tác động kinh tế tiềm tàng của nó.

  • Thúy Hằng 

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'