Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022 dưới góc nhìn chính sách công
February 18, 2022

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022 dưới góc nhìn chính sách công

February 18, 2022

Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức seminar trực tuyến “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” do Giảng viên Chính sách công Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên FSPPM và Chuyên gia Kinh tế thuộc Tổ tư vấn Chính phủ. Hội thảo đưa ra cái nhìn tổng quan quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tác động tới kinh tế Việt Nam và toàn cầu, đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2022.

Kinh tế Việt Nam 2021

Theo giảng viên Nguyễn Xuân Thành, ban đầu trong năm 2021 không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng kinh tế khi hầu hết các nước, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, bắt đầu thích ứng với Covid và nới lỏng giãn cách. Tăng trưởng trong quý 1 và quý 2 năm 2021 thực tế phục hồi rất mạnh (GDP lần lượt là 4,72% và 6,73%), thậm chí trong nửa đầu 2021 xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, có những tháng tăng tới 30%. Tuy nhiên, đợt dịch do chủng Delta bùng phát từ tháng 3 và lây lan nhanh ra toàn cầu, kinh tế suy giảm buộc tất cả các nền kinh tế lớn phải tiếp tục chính sách hỗ trợ cả về tài khóa lẫn tiền tệ. Tăng trưởng quý 3/2021 của Việt Nam giảm mạnh về -6,02%; tuy nhiên, tới quý 4/2021 tăng trưởng phục hồi “thần kỳ” về mức 5,22%.

Ảnh: Internet

Con số tăng trưởng GDP 2,58% cả năm 2021 mà Tổng cục Thống kê công bố là nhờ ngành công nghiệp chế biến-chế tạo đóng góp 1,46 điểm % và ngành y tế 0,50 điểm %. Các hoạt động dịch vụ như thương mại, vận tải, lưu trú và ăn uống vẫn suy giảm mạnh. Từ phía tổng cầu, doanh số bán lẻ và dịch vụ giảm liên tục trong suốt 5 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11). Ngay cả khi mở cửa lại thì sức mua thị trường nội địa vẫn ở mức yếu vì đại bộ phận người lao động có thu nhập suy giảm. Đầu tư trong năm cũng tăng chậm, nhất là đầu tư công. Nửa đầu năm, các dự án đầu tư công không được triển khai vì sắp xếp nhân sự trong hệ thống nhà nước. Nửa cuối năm thì các công trình xây dựng phải ngưng vì giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh hai điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021, đó là xuất khẩu và ổn định kinh tế vĩ mô. Điểm sáng thứ nhất, xuất khẩu tăng mạnh trong nửa đầu 2021 nhờ phục hồi kinh tế toàn cầu. Mặc dù suy giảm vào tháng 8 và 9 do đợt dịch thứ 4 nhưng xuất khẩu đã phục hồi mạnh trong quý 4/2021. Ông cho biết, trong cả năm 2021, theo công bố của ngành Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng 19%, thậm chí còn mạnh hơn cả thời kỳ tiền Covid-19 bởi tác động của việc khan hiếm hàng hóa trên thị trường toàn cầu nên cứ sản xuất được thì Việt Nam xuất khẩu được.

Ảnh: Internet

Khác với năm 2020 - bắt đầu của dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng nhanh được tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc. Sang năm 2021, Việt Nam đã tăng được xuất khẩu sang tất cả các thị trường. Thị trường EU thuận lợi do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Xuất khẩu sang châu Á tăng nhờ phục hồi kinh tế ở thị trường ASEAN và Đông Bắc Á.

Điểm sáng thứ hai theo ông Thành đó là lần đầu tiên trong lịch sử, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng toàn cầu nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định.

"Chính sách tiền tệ được điều hành ở trạng thái hỗ trợ như vậy nhưng các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát cả năm là 1,8% và các cân đối vĩ mô khác vẫn được duy trì ổn định, khác hẳn so với những gì Việt Nam từng trải qua cách đây 12 năm," ông bình luận.

Triển vọng kinh tế 2022

Việc kinh tế phục hồi mạnh trong quý IV/2021 ngay sau khi mở cửa thích ứng an toàn cho thấy triển vọng khả quan cho kinh tế 2022. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng sự phục hồi bất ngờ của quý 4/2021 mang đến hỗ trợ quan trọng: ngành công nghiệp chế biến-chế tạo tăng trưởng 8%. Tăng trưởng của ngành ngân hàng, chứng khoán bù đắp cho sự suy giảm của ngành du lịch. Cho đến thời điểm này, vì ngành dịch vụ suy giảm nên kể cả Việt Nam có phục hồi lại đi nữa, cũng cần phải chờ đợi sức mua tăng trưởng trở lại.

Theo ông Thành, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Triển vọng trong năm 2022 đối với xuất khẩu vẫn khá lạc quan, mặc dù có thể khó đạt được tốc độ tăng trưởng 19% như trong năm 2021.

Tính toán thận trọng thì xuất khẩu cũng sẽ tăng được 14% trong năm 2022. Nếu như tình trạng khan hiếm hàng hóa trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra thì Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu mạnh.” – ông nhấn mạnh.

Nếu như xuất khẩu tăng tốt thì công nghiệp chế biến-chế tạo phục vụ cho xuất khẩu cũng sẽ tăng trưởng tốt. Đối với nền kinh tế Việt Nam, triển vọng cho năm nay, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hướng vào xuất khẩu, vẫn là bức tranh tích cực.

Ảnh: Internet

Về GDP của Việt Nam trong năm 2022, ông cho biết, hiện nay các dự báo tăng trưởng của Việt Nam đang nằm trong mức từ 6,5 - 7%. Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu khiêm tốn khoảng 6,5%. Tuy nhiên, ông cho rằng, nếu như bối cảnh thuận lợi thì tăng trưởng có thể ở mức trên 7%.

Cụ thể, với kịch bản thuận lợi: toàn cầu kiểm soát được lạm phát trong khoảng giữa năm nay và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) không phải mạnh tay “hút” tiền về, việc tăng lãi suất chỉ là một lộ trình tăng lãi suất bình thường như chúng ta đang kỳ vọng. Trong nước, nếu Covid-19 không buộc các địa phương phải thực hiện giãn cách lại và gói hỗ trợ phục hồi tăng trưởng (khoảng 350.000 tỷ đồng) mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống thì các hoạt động sẽ theo hướng phục hồi mạnh. Áp lực lạm phát không quá cao sẽ cho phép chính sách tiền tệ tiếp tục được duy trì ở trạng thái hỗ trợ. Với kịch bản này, xuất khẩu tăng 14%, tiêu dùng dân cư tăng 7%, và GDP có thể tăng trưởng 7,5%.

Nhưng rủi ro một kịch bản xấu xảy ra cũng không phải là nhỏ. Lạm phát trung bình ở các nước phát triển đã vượt 6,5%. Đáng lo ngại, là lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn ở mức 7,5%. Fed đã buộc phải đẩy nhanh lộ trình giảm bơm tiền, cụ thể là đến cuối tháng 3 sẽ chấm dứt và sẽ bắt đầu lộ trình tăng lãi suất. Kinh tế toàn cầu phục hồi và căng thẳng địa chính trị sẽ giữ giá năng lượng ở mức cao. Ông Thành đánh giá là việc tăng lãi suất và giá năng lượng cao sẽ không làm giảm nhiều tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nhưng nếu chính sách tiền tệ trong nước phải đổi hướng để kiềm chế lạm phát thì thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực...

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'