Nhìn lại Hội thảo Chính sách phát triển phương tiện không phát thải: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
April 10, 2024

Nhìn lại Hội thảo Chính sách phát triển phương tiện không phát thải: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam

April 10, 2024

Gần 60 người đã tham dự trực tiếp và trực tuyến Hội thảo Chính sách phát triển phương tiện không phát thải (ZEV): Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam, tổ chức bởi Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam, tại khuôn viên của Trường vào ngày 10 tháng 4 vừa qua. 

Hội thảo nhằm chia sẻ và thảo luận với các đại biểu tham dự gồm những người làm chính sách,doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan báo chí, vv.. các kết quả nghiên cứu bước đầu về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách cho phương tiện không phát thải, cũng như các điều kiện tiền đề cần lưu ý trong áp dụng và xây dựng chính sách cho Việt nam.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright phát biểu khai mạc.

Trong phần phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh tính kịp thời của hội thảo khi bàn về cam kết của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông và bày tỏ hy vọng rằng hội thảo sẽ thúc đẩy sự hiểu biết về những thách thức liên quan và mở đường cho các kế hoạch trong tương lai. Tiến sĩ Tự Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giới thiệu bối cảnh nghiên cứu và chia sẻ những phát hiện ban đầu, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của khách mời và các đối tác quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm từ các nước đang phát triển khác đang phải đối mặt với những thách thức tương tự Việt Nam.

Gói gọn trong một buổi sáng, hội thảo đi qua 6 phần trình bày với các chủ đề: Bối cảnh và hiện trạng Chính sách ZEV ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển phương tiện giao thông không phát thải; Chính sách ZEV và Hiệu quả Năng lượng ở Việt Nam; Xanh hóa giao thông đô thị; Tài trợ khu vực tư nhân – Xe buýt sạch; Và Vận tải không phát thải: Trình diễn Dự án Vận tải Hydrogen tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Văn Đại, giảng viên FSPPM trình bày về Bối cảnh và hiện trạng Chính sách ZEV ở Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Văn Đại, giảng viên của FSPPM đã bắt đầu bằng phần trình bày về những cam kết đầy tham vọng của Việt Nam về phương tiện không phát thải. Trong bối cảnh nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu với hơn 140 quốc gia tham gia, lập trường của Việt Nam có vẻ quyết đoán hơn khi đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến băm 2050. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này, Tiến sĩ Đại nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về chiến lược chuyển đổi, giải quyết các thách thức về an ninh năng lượng và những tác động đến GDP. Các nội dung được nêu ra xoay quanh các cách tiếp cận như các chương trình khuyến khích cũng như các nhiệm vụ pháp lý, xem xét các thông lệ quốc tế tối ưu và mối quan tâm của các bên liên quan ở các lĩnh vực khác nhau bao gồm môi trường, giao thông vận tải, tài chính, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp.

Tiến sĩ Feng An, Chủ tịch Trung tâm Đổi mới Năng lượng và Giao thông vận tải (ICET) Hoa Kỳ trình bày về Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển phương tiện giao thông không phát thải.

Tiếp nối phần trình bày của Tiến sĩ Phạm Văn Đại, Tiến sĩ Feng An, Chủ tịch Trung tâm Đổi mới Năng lượng và Giao thông vận tải (ICET) Hoa Kỳ, chia sẻ về các chương trình ZEV tiên tiến toàn cầu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt đầu quá trình chuyển đổi ZEV sớm, và ví việc này với "Login effect" (tạm dịch: hiệu ứng đăng nhập), bắt đầu càng sớm thì kết quả càng tốt. Ông đã nêu ra những đặc điểm nổi bật của các thị trường phương tiện phát thải trung hòa (NEV) và ZEV toàn cầu quan trọng như Trung Quốc, Châu Âu (Na Uy) và Hoa Kỳ. Ông cũng bàn về Tesla như một ví dụ điển hình về việc điều hướng các khoản tín dụng carbon như một định hướng ban đầu để bù lỗ. Tiến sĩ Feng An cũng thảo luận về các thị trường ZEV mới nổi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm và chiến lược cho Việt Nam, bao gồm hợp tác quốc tế, mục tiêu và chính sách rõ ràng, hoạch định chiến lược, năng lượng sạch, mở rộng mạng lưới thu phí và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tiến sĩ Hạ Quang Hưng, giảng viên FSPPM trình bày về Chính sách ZEV và Hiệu quả Năng lượng ở Việt Nam.

Trong khi Tiến sĩ Đại tập trung vào bối cảnh chính sách ZEV của Việt Nam và Tiến sĩ Feng An chia sẻ những hiểu biết về các chương trình ZEV toàn cầu, Tiến sĩ Hạ Quang Hưng, giảng viên tại FSPPM đã thảo luận về tình hình thực tế của Chính sách ZEV và Hiệu quả Năng lượng ở Việt Nam. Tiến sĩ Hưng bàn về động lực ứng dụng ZEV ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh bốn yếu tố chính trong việc xây dựng chính sách ZEV của Việt Nam bao gồm đánh giá tính khả thi của việc chuyển đổi sang ZEV, vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch sản xuất điện cho ZEV, cân bằng giữa sx điện bền vững và mức độ phát triển ZEV, cũng như cân nhắc các ưu nhược điểm của việc triển khai ZEV.

Tiến sĩ Hưng cũng trình bày một vấn đề nan giải liên quan đến sản xuất và an ninh năng lượng so với các kế hoạch ZEV ở Việt Nam, lưu ý vai trò quan trọng của nhiệt điện, đóng góp đến 46,1% sản lượng điện vào năm 2023, trong khi thủy điện và năng lượng tái tạo vẫn ở mức ổn định. Ông chỉ ra thách thức của việc chọn ZEV nhằm giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe và môi trường trong khi điện cung cấp lại phụ thuộc vào việc tăng cường đốt than, điều này mâu thuẫn với các mục tiêu môi trường đề ra.

PGS. Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt-Đức, Đại học Việt - Đức trình bày về Xanh hóa giao thông đô thị.

Tiếp nối các phần trình bày trên, PGS. Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn từ Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt-Đức, Đại học Việt - Đức đã bàn về một thách thức trong giao thông đô thị là việc dùng xe hơi điện cá nhân sẽ không giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng như hiện nay. Ông ủng hộ sự thay đổi theo hướng di chuyển xanh trong đô thị, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên người dân vận động, hơn là tăng không gian cho xe ô tô cá nhân. Tiến sĩ Tuấn đề xuất mô hình đầu tư mới tập trung theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống, bắt đầu cho người đi bộ, xe đạp, phương tiện giao thông công cộng, giao thông thương mại, taxi và cuối cùng mới đến ô tô cá nhân. Ông cũng đã vạch ra 9 chiến lược cho việc xanh hóa giao thông đô thị.

Ông Shunsuke Nakai, Chuyên gia Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Tài nguyên Thiên nhiên tại Châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới trình bày về Tài trợ khu vực tư nhân – Xe buýt sạch (online).

Tiếp theo, đại diện cho Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới, ông Shunsuke Nakai, Chuyên gia Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Tài nguyên Thiên nhiên tại Châu Á-Thái Bình Dương, đã chia sẻ về vai trò của IFC trong các hoạt động huy động vốn tư nhân. Ông nhấn mạnh những nỗ lực tư vấn và đầu tư đáng kể của IFC vào lĩnh vực xe điện, với tổng trị giá hơn 3 tỷ USD cho hơn 30 dự án tại các thị trường mới nổi. Ông cho biết Việt Nam là thị trường mục tiêu của IFC trong mảng xe điện, tập trung vào năm lĩnh vực chính bao gồm Vận tải công cộng – Xe buýt sạch, Xe thương mại, Sản xuất dọc theo Chuỗi giá trị xe điện, Tổ chức tài chính và mô hình AssetCos & Leasing. Ngoài ra, ông Nakai còn trình bày hai tình huống điển hình về hỗ trợ tư vấn của IFC nhằm nâng cao khả năng vay vốn hệ thống nhượng quyền xe buýt điện ở Ấn Độ, và hỗ trợ tài chính của IFC cho một dự án xe buýt điện ở Chile.

Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Pacific Group trình bày về Vận tải không phát thải: Trình diễn Dự án Vận tải Hydrogen tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuối cùng là phần trình bày của ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch điều hành Công ty TNHH Pacific Group, trình làng dự án chuỗi dự án hydrogen xanh sắp được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu. Giai đoạn đầu kéo dài 13 tháng sau khi được phê duyệt chính sách, để triển khai chuyển hóa năng lượng mặt trời thành hydrogen phi tập trung ứng dụng công nghệ từ Nhật Bản hoặc Đức, kết quả là tạo đủ điều kiện để vận hành ba xe buýt phục vụ tham quan du lịch tại Thành phố Thủ Đức và Thành phố Vũng Tàu.

Ông Minh cũng nhấn mạnh cách tiếp cận ưu tiên công nghệ và hình dung dự án sẽ thúc đẩy đổi mới hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Chuỗi dự án này sẽ là một nghiên cứu tình huống, giúp cung cấp dữ liệu có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu phân tích và thiết lập các mục tiêu giảm phát thải trong thực tế.

Tiến sĩ Lê Việt Phú, FSPPM điều phối phiên thảo luận.

Sau phần trình bày của các diễn giả, hội thảo dành 30 phút cho phần hỏi đáp do Tiến sĩ Lê Việt Phú từ FSPPM chủ trì.

  • Uyên Vũ

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'