Tìm kiếm “lực hấp dẫn” cho hoạt động thương mại của Việt Nam
December 01, 2021

Tìm kiếm “lực hấp dẫn” cho hoạt động thương mại của Việt Nam

December 01, 2021

Khi xem xét giao thương quốc tế, chúng ta thường tự hỏi tại sao nước này giao thương với nước này mà không phải nước kia, tại sao nước này lại thu hút giao thương nhiều hơn các nước khác... Thương mại giữa các quốc gia phụ thuộc vào yếu tố mà trong đó có nhiều yếu tố có thể thay đổi (biến số), và ở Việt Nam việc phân tích các yếu tố này là cần thiết để dự đoán khả năng trao đổi thương mại hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các nước trong các quan hệ song phương cũng như hội nhập liên kết trong khu vực.

Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) đã bàn về chủ đề này trong buổi dạy thỉnh giảng bộ môn Chính sách Ngoại thương của chương trình Thạc sĩ Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Bài giảng "How Heavy is Gravity? Vietnam's Trade with other Nations" (tạm dịch "Mô hình lực hấp dẫn có quan trọng? Bàn về thương mại của Việt Nam với các nước khác") đưa ra những nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước và các khuyến nghị cho Việt Nam để tiếp tục thu hút đầu tư và thương mại trong tương lai.

GS. David O. Dapice

Các yếu tố ảnh hưởng tới thương mại quốc tế thường được liệt kê gồm có: quy mô của các nền kinh tế, quy mô dân số, khoảng cách địa lý giữa các quốc gia, chi phí vận chuyển và tần suất dịch vụ, thuế và các rào cản thương mại khác, chất lượng cơ sở hạ tầng, lịch sử giao thương các nước... Đã có nhiều lý thuyết phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia, trong đó có lý thuyết về mô hình trọng lực (gravity model) được sử dụng để dự đoán quan hệ thương mại song phương dựa trên quy mô nền kinh tế và khoảng cách địa lý giữa hai đối tác thương mại/đầu tư. Ở Việt Nam, lý thuyết này cũng được sử dụng khá nhiều để phân tích hoạt động thương mại song phương giữa Việt Nam và các quốc gia cũng như dòng chảy FDI vào Việt Nam sau Đổi Mới.

Tuy nhiên, GS. David nhận xét rằng các biến số trong mô hình trọng lực tuy quan trọng về mặt số liệu (thường sử dụng các số liệu như GDP, GDP bình quân đầu người, GNP và GNP bình quân đầu người) nhưng các yếu tố này không đầy đủ để có thể giải thích cơ cấu thương mại giữa hai nước. Đơn cử như trường hợp Ấn Độ và Indonesia đều là những nền kinh tế lớn và có khoảng cách gần gũi với Việt Nam nhưng lại không trở thành đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hàn Quốc hay Đài Loan. Do vậy, việc dự đoán quan hệ thương mại giữa hai quốc gia cần sự phân tích đầy đủ của nhiều yếu tố để có độ chính xác cao.

GS. David O. Dapice

Việt Nam bắt đầu tự do hóa thương mại và mở cửa giao thương với các nước sau Đổi Mới. Một đặc điểm quan trọng là Việt Nam giao dịch với nhiều đối tác và không có quốc gia nào chiếm quá nhiều ưu thế. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã giúp thúc đẩy FDI chảy vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS. Dapice, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có giá trị gia tăng khá thấp. Việt Nam chủ yếu thu hút FDI nhờ vào giá thành lao động rẻ ở khâu lắp ráp thành phẩm, khâu đơn giản nhất trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, khả năng cao là nhân công sẽ trở nên khan hiếm, dẫn đến chi phí lương tăng. Khi chi phí lương tăng thì các doanh nghiệp FDI sẽ dịch chuyển đầu tư ở khâu lắp ráp thành phẩm sang các nước khác, chẳng hạn như Indonesia. Vì vậy, GS. Dapice cho rằng Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển các ngành sản xuất cung ứng đòi hỏi lao động kỹ thuật cao để có thể "giữ chân" FDI nhằm duy trì đà phát triển và vị thế của mình.

GS. David O. Dapice

Ngoài ra, GS. Dapice nhận định các yếu tố như cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển, tấn suất và tốc độ dịch vụ có thể là các yếu tố chi phối hoạt động trao đổi thương mại song phương hơn là yếu tố khoảng cách địa lý hay quy mô dân số.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'