Những khuyến nghị vì một Việt Nam thịnh vượng
January 22, 2022

Những khuyến nghị vì một Việt Nam thịnh vượng

January 22, 2022

Đại học Fulbright Việt Nam vừa tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về cuốn sách “Việt Nam Hôm nay và Ngày mai” với sự có mặt của ban chủ biên cuốn sách – Giáo sư Trần Văn Thọ và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh cùng nhóm tác giả bao gồm ông Trần Hữu Phúc Tiến, ông Trương Trọng Nghĩa, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du và Tiến sĩ Phạm Chi Lan.

“Việt Nam Hôm nay và Ngày mai” là một công trình biên soạn tập thể của 22 trí thức, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước, với tâm tư nóng bỏng muốn góp phần vào quá trình đổi mới đất nước. Như lời dẫn nhập của ban chủ biên, “hầu hết các bài viết phân tích từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp.” Buổi trò chuyện trực tuyến tại Fulbright không có tham vọng bàn luận tất cả mọi chủ đề được nêu ra trong cuốn sách mà đưa ra vài lát cắt từ góc độ kinh tế, luật pháp và thể chế với sự luận đàm của các chuyên gia cùng độc giả.

Thay đổi tư duy phát triển

Để phác họa con đường phát triển cho tương lai, cho đến gần đây, chúng ta thường tham khảo kinh nghiệm các nước đi trước, và dựa trên các khung mẫu lý luận đã được xác lập, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Ta phải thay đổi tư duy phát triển và vẽ ra một viễn cảnh mới về tương lai Việt Nam. Đó là thông điệp mà Giáo sư Trần Văn Thọ gửi gắm qua bài viết “Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch”. Trong tương lai với tiền đề mọi người sẽ phải sống chung với đại dịch, kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi và tư duy phát triển của Việt Nam cũng phải khác với các lý luận đã có. Các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa, truyền thống và hiện đại sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trong quá khứ.

Khi đề xuất những đối sách Việt Nam cần có để phát triển trước những tác động của đại dịch, ngoài chiến lược trung hạn như chú trọng hơn thị trường trong nước, làm thâm sâu công nghiệp hóa, đẩy mạnh thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc (và Hàn Quốc); tăng cường sản xuất và củng cố mạng lưới các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm, y tế), quan tâm đến an ninh kinh tế, và ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo lao động, Giáo sư Trần Văn Thọ chú trọng đến chiến lược dài hạn là thay đổi tư duy phát triển.

Theo giáo sư, tư duy cũ cho rằng con đường phát triển của một nước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp và sau đó sang thời đại hậu công nghiệp. Trong quá trình phát triển đó, đô thị hóa và tập trung dân số, tập trung hoạt động kinh tế ngày càng mạnh. Trọng tâm của an sinh xã hội chuyển từ văn hóa sang kinh tế. Theo suy nghĩ này thì Việt Nam hiện nay đang ở trình độ giữa thu nhập trung bình thấp và trung bình cao, công nghiệp đang chuyển từ nhẹ sang nặng, và độ 15 năm nữa sẽ dần dần bước qua thời đại hậu công nghiệp.

Tuy nhiên thời đại sống chung với Covid-19 cùng với sự lớn mạnh của kinh tế số sẽ làm đảo lộn trật tự phát triển của tư duy cũ. Giáo sư Trần Văn Thọ đề xuất sự thay đổi tư duy, trước hết là về tuần tự phát triển: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ hầu như phải đồng thời phát triển. Nông, ngư nghiệp phải được coi trọng hơn và kết hợp với công nghiệp, với kinh tế số và một số ngành dịch vụ (lưu thông, phân phối, tiếp thị…) để hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, giáo sư cho rằng phải đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn. “Tập trung vừa phải” là từ khóa mới cho vấn đề đô thị hóa để vừa tập trung vừa giãn cách. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn. Phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt cũng phải thiết kế theo hướng giãn cách xã hội. Việt Nam có nhiều thành phố cỡ trung và nhỏ nằm rải rác khắp nước, nhất là ven biển, nếu được đầu tư xây dựng theo hướng mới, dân số sẽ phân tán khỏi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Trần Văn Thọ, Giáo sư Kinh tế, Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản

Công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động (ngày càng tăng hình thức làm việc tại nhà, quản lý từ xa…) và làm phát sinh chênh lệch giữa người dân trong việc tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới và thích ứng với hoàn cảnh mới. Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực tạo công ăn việc làm cho 100 triệu dân. Giáo sư Trần Văn Thọ khuyến nghị một loạt chính sách xoay quanh ba từ khóa digital minimum (biện pháp trợ giúp, và cải cách nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng làm cho tất cả người dân đều có điều kiện tham gia và có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số), work sharing (nghiên cứu một hình thức chia sẻ công việc trong đó người có công việc giảm giờ làm và giảm thu nhập để nhiều người khác có thể tham gia lao động, basic income (chính sách cung cấp thu nhập cơ bản cho tất cả mọi người ở dưới giới tuyến nghèo.

Ngoài ra, giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng Việt Nam cần hướng tới một xã hội nhân văn dựa trên tinh thần tương thân tương ái, hồi quy các giá trị truyền thống về an sinh xã hội.

Trong khi đó, dưới góc nhìn thể chế - tư tưởng, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng mô hình của Việt nam hiện đang gặp “trục trặc”, và tác giả gợi ý rằng, để đạt đến các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cần giảm nhẹ tính chất “ý thức hệ” để có những cuộc thảo luận khoa học, cởi mở và hữu ích hơn giữa Đảng và giới trí thức. Đảng cũng cần chấp nhận việc kết nạp người tài vào bộ máy quản trị đất nước, vì lợi ích tối cao của quốc gia.

Ở góc độ pháp luật, Luật sư Trương Trọng Nghĩa xem xét sự tiến hóa của Hiến Pháp từ 1945 đến nay, từ “dân chủ nhân dân”, “nhà nước chuyên chính vô sản”, đến “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” kéo dài đến hôm nay. NNPQXHCN hay kinh tế thị trường định hướng XHCN có đem lại “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đến năm 2045 như nghị quyết hay không, đó là điều còn chờ thực tế sẽ trả lời.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

 

Giải bài toán doanh nghiệp

Tiến sĩ Phạm Chi Lan trong bài viết “Doanh nghiệp Việt và giấc mơ Việt Nam thịnh vượng” cho rằng để Việt Nam thịnh vượng thì cần thể chế, cần khoa học công nghệ, cần nguồn nhân lực, cần hạ tầng và nhiều thứ khác, nhưng đặc biệt rất cần sự đóng góp của lực lượng doanh nghiệp, vì hơn ai hết doanh nghiệp chính là người trực tiếp tạo ra của cải vật chất xã hội và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Khi phân tích thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và suy nghĩ về hướng đi tương lai, khi chúng ta đang mong thực hiện giấc mơ Việt Nam thịnh vượng vào khoảng giữa thế kỷ này, Tiến sĩ Phạm Chi Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tăng cường nền tảng vi mô của kinh tế thị trường, đặc biệt là sự tham gia chủ động và tích cực của doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp. “Doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp không chỉ ngồi chờ các nhà làm chính sách thiết kế chính sách cho mình mà phải tham gia tích cực vào quá trình kiến tạo nền tảng cho kinh tế thị trường ở Việt Nam. Kinh nghiệm thực tế hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp thời gian vừa qua cũng đã cho thấy: các hiệp hội doanh nghiệp, thông qua việc đối thoại và làm việc với các cơ quan nhà nước, cũng có thể góp phần rất tích cực vào việc thúc đẩy cải cách thể chế và tạo một môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn ở Việt Nam,” bà chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà, các hiệp hội doanh nghiệp có sự kết nối, sự tham vấn với các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, các nhà quản trị, các luật gia và các tổ chức trong xã hội để đưa ra các khuyến nghị hợp lý nhất, hài hòa được lợi ích của các bên thì từ đó có thể giúp nhà nước thiết kế chính sách tốt hơn.

TS. Phạm Chi Lan khuyến nghị Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường thể chế thị trường bằng cách tạo một môi trường cạnh tranh và đảm bảo quyền tài sản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực “cứng” cũng như các lĩnh vực “mềm” như đổi mới sáng tạo và công nghệ. Nếu như không đảm bảo các quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu sản phẩm thì khó có thể khuyến khích được doanh nghiệp. Bà lấy ví dụ câu chuyện bảo hộ thương hiệu sản phẩm của gạo ST25 của Việt Nam, khi thương hiệu bị “đánh cắp” thì sẽ không thể khuyến khích sự đầu tư vào nghiên cứu để đưa ra những giống mới hoặc những sản phẩm mới có sự đóng góp của công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, bà đề xuất các doanh nghiệp tăng cường khả năng học hỏi của mình theo phương châm “học suốt đời”, ứng dụng sáng tạo công nghệ và thay đổi hệ thống quản trị. Bà cũng gợi ý các doanh nghiệp tăng cường sự liên kết với nhau – mối liên kết hữu cơ vô cùng cần thiết cho doanh nghiệp – đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa thời gian vừa qua và sự cần thiết phải kết nối người Việt ở khắp năm châu để cùng chung tay xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'