Triết học tại FSPPM: Kim chỉ nam giải những nan đề xã hội
October 26, 2021

Triết học tại FSPPM: Kim chỉ nam giải những nan đề xã hội

October 26, 2021

Tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Triết học là môn học bắt buộc cho cả hai chuyên ngành Phân tích Chính sách và Lãnh đạo & Quản lý, thuộc chương trình Thạc sĩ Chính sách công (MPP). Giáo trình môn học được thiết kế bao quát những chủ đề triết học Đông phương, Tây phương, và triết học Mác – Lenin, giúp học viên có cái nhìn đa diện, liên ngành, nhận diện các mối quan hệ ở bề sâu giữa các lĩnh vực đời sống. Năm nay, môn học được giảng dạy bởi ba Giảng viên chính: TS. Vũ Ngọc Hoàng, TS. Nguyễn Nam, và TS. Nguyễn Thị Từ Huy. Được xem là một môn học "khó nhằn" và một chiều, thế nhưng lớp Triết học tại FSPPM lại rất sôi động với nhiều câu hỏi khiến Giảng viên phải suy ngẫm.

Triết học và các giá trị đạo đức

Thế giới trong thế kỷ 21 đang trải qua nhiều biến đổi lớn, từ chính trị, khoa học, xã hội, công nghệ cho đến y tế. Điều này kéo theo hệ quả là chính phủ các quốc gia phải đối mặt với nhiều vấn đề chính sách phức tạp hơn, và mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết. Các lĩnh vực tư, tổ chức phi chính phủ, hay tổ chức học thuật cũng không phải là ngoại lệ. Mặt khác, những biến đổi này thường đến rất nhanh với một tốc độ chóng mặt khiến những thách thức mới càng trở nên khốc liệt hơn. Sự bất định của thế giới VUCA hiện nay đã khiến phần đông chúng ta không kịp ứng phó, dẫn đến đào thải.

Ngay lúc này, cả thế giới vẫn đang oằn mình chống chọi với đại dịch Covid-19, dịch bệnh mà chỉ hai năm trước chúng ta không thể tưởng tượng sẽ phá vỡ mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong cơn khủng hoảng toàn cầu này, không ít người trong chúng ta đã phải tự vấn về lối sống của mình, về những giá trị đạo đức tưởng như lẽ dĩ nhiên nhưng lại quá khác biệt khi so sánh về chính trị, văn hóa, và giai cấp. Trong cơn bão của những biến đổi, Triết học chính là mắt bão, là "dĩ bất biến ứng vạn biến", là những giá trị đạo đức dẫn dắt ta kiến tạo những thay đổi tích cực thay vì để những biến đổi ấy lôi kéo.

Những giá trị đạo đức này sẽ giúp chúng ta hình thành những chuẩn mực trong công việc, cũng như trong cuộc sống với mục tiêu kiến tạo những phát triển tích cực cho cộng đồng, giúp chúng ta nhìn mọi việc với lăng kính đa chiều.

Điều này đặc biệt quan trọng trong quản lý công. Về mặt bản chất, quản lý công luôn mang tính đa ngành, và mỗi chính sách đưa ra đều ảnh hưởng đến đại dân số, thay vì chỉ một nhóm cộng đồng nhất định. Thiếu đi những chuẩn mực giá trị đạo đức mang lại, các nhà quản trị công thường dễ quên đi góc nhìn của nhiều tầng lớp dân chúng, dẫn đến việc đưa ra những quyết định về chính sách một chiều, thiếu sự cảm thông.

"Tố chất cần thiết của một người học chính sách công chính là học cách mang lại điều thiện và hạnh phúc cho con người, cho công dân của mình," TS. Nguyễn Thị Từ Huy nhấn mạnh. Và triết học chính là kim chỉ nam giúp các nhà quản trị công tương lai có thể giải mã được những vấn đề nan giải của xã hội, mà không bỏ quên sứ mệnh cuối cùng: bảo tồn độc lập, tự do, và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Triết học và tư duy rộng mở

Thế nhưng, việc giải mã những vấn đề nan giải của xã hội không phải là điều dễ dàng. Ngoài những kiến thức chuyên môn sâu, theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, các nhà kiến tạo thay đổi của tương lai cần có "một tư duy rộng mở nhằm chọn lọc tinh hoa, vận dụng vào hiện tại luôn biến đổi." Nếu chúng ta chỉ giữ nguyên một góc nhìn của cá nhân, việc kiến tạo thay đổi là điều không tưởng.

Vậy kiến tạo thay đổi liên quan như thế nào đến Triết học khi Triết học chỉ là một môn khoa học về phương pháp luận?

Triết học giúp chúng ta luôn trăn trở về những tư tưởng siêu hình, những câu hỏi hiện sinh như: liệu thế giới có thật sự như khoa học diễn giải? Liệu nhân loại có tự do ý chí hay không nếu thế giới chúng ta đang sống là tất định? Liệu những gì chúng ta biết có phải là sự thực và tại sao chúng ta phải tin vào những kiến thức này? Hay thậm chí chỉ đơn giản là mình sống cuộc đời này như thế nào là có ý nghĩa nhất?

Những câu hỏi này tưởng chừng như quá to tát và không đem lại câu trả lời thỏa đáng, nhưng chính bài tập này sẽ giúp chúng ta luôn luôn phải đặt những câu hỏi mới nhằm mở rộng tư duy, thay vì chỉ dựa vào một góc nhìn cá nhân – góc nhìn được hình thành qua năm tháng, chiếu theo nền tảng chính trị xã hội của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta không tiếp tục trau dồi tư duy mở, những gì chúng ta biết sẽ trở thành giáo điều, cứng nhắc.

"Thường được xem là xa vời, thế nhưng Triết học lại có một liên quan mật thiết đến với cuộc sống, đến đời sống tư duy của chúng ta. Triết giúp ta hình thành suy nghĩ, xem xét, phân tích vấn đề và nó trở thành lối sống của chúng ta," TS. Nguyễn Nam chia sẻ.

Mục đích của việc học Triết chính là để khi gặp những vấn đề nan giải, chúng ta sẽ có khả năng tiếp nhận những luồng tư duy khác nhau, không bị đóng khung vào một luồng tư tưởng nhất định, và tìm kiếm hướng giải quyết phù hợp nhất.

"Không vĩ nhân nào nói đúng tất cả cho mọi lúc. Cũng không có lý thuyết nào nói sai tất cả khi nó vẫn tồn tại lâu dài. Quan trọng là chúng ta cần phải tìm ra các giá trị nhân văn và khoa học cho chính mình," TS. Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Triết học và căn tính Việt

Thế kỷ 21 nhiều biến động và mang tính liên kết toàn cầu. Khuynh hướng giao thoa văn hóa Đông – Tây, và khái niệm công dân toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến. Thế nhưng, theo TS. Nguyễn Nam, công dân toàn cầu không tự nhiên xuất hiện mà được xây dựng từ một quốc gia, một dân tộc, một cộng đồng cụ thể.

"Trước khi chúng ta muốn trở thành công dân toàn cầu, chúng ta phải ý thức được mình là người Việt Nam. Chúng ta cần phải hiểu được giá trị văn hóa, căn tính dân tộc mình vì nếu quên đi nguồn cội, chúng ta sẽ trở nên hư vô. Nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta giữ khư khư những giá trị văn hóa của Việt Nam, mà phải tiếp thu cả những giá trị văn hóa của các nền văn minh khác," TS. Nguyễn Nam chia sẻ.

Triết học phương Tây sẽ giúp ta hiểu hơn về nền tảng văn hóa, các giá trị đạo đức cơ bản, hệ thống và tư tưởng chính trị, cách hình thành tư duy – tri thức – khoa học mà người phương Tây luôn gìn giữ. Thật khó có thể nói về văn hóa nếu ta không kể đến những ảnh hưởng mà các triết gia như Plato, Aristotle, Kant, Hobbes, hay Karl Marx mang lại trong quá trình hình thành xã hội phương Tây, thậm chí là phương Đông.

Cũng như vậy, việc tìm hiểu Triết học phương Đông sẽ giúp ta nhận ra rằng nó không chỉ gói gọn ở Nho giáo, mà còn là Phật giáo, Ấn Độ giáo, hay Hồi giáo – một văn hóa rất gần với văn hóa Hy Lạp. Ngay cả đối với Nho giáo thì Nho giáo Trung Quốc cũng sẽ khác biệt với Nho giáo Việt Nam.

"Văn hóa phải đa dạng và tự nguyện, tôn trọng tự do cá nhân chứ không phải xóa bỏ, không thể áp đặt một chiều. Sự đa dạng của văn hóa với đời sống xã hội cũng giống như đa dạng sinh học đối với thế giới tự nhiên. Sự đa dạng ấy nó cân chỉnh, điều tiết, khống chế các mặt cực đoan để tạo sự cân bằng và hài hòa trong đời sống xã hội," TS. Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.

Chỉ khi ta hiểu rõ ta, ta mới có thể nhận ra được sự phức tạp, đa dạng và phong phú mà cuộc sống toàn cầu hóa mang lại và ảnh hưởng của nó đến mỗi cá nhân. Và chỉ trong đa dạng, chúng ta mới có thể thấm nhuần tính người, chất người, người hóa và hóa người. Con người cần trung thực, tự trọng, cầu thị, độc lập tư duy và sáng tạo để trở thành con người mục đích. Thiếu đi Triết học, chúng ta sẽ trở thành một con người công cụ.

  • Thạch Thảo

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'