Trường Fulbright và hành trình hơn một phần tư thế kỷ “chuyển hóa nguồn lực con người”
April 20, 2022

Trường Fulbright và hành trình hơn một phần tư thế kỷ “chuyển hóa nguồn lực con người”

April 20, 2022

Trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cho những thạc sĩ chính sách công khoá đầu tiên của Trường Fulbright năm 2010, cố Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ rằng ông đã học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt về nền kinh tế thị trường qua các buổi trao đổi với nhóm giáo sư của Harvard và Fulbright. Những kiến thức đó, đã được ông "áp dụng thành công trong thời kỳ đương nhiệm, góp phần đưa đất nước phát triển".

Vị Thủ tướng của Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2006, một trong những nhà lãnh đạo kỹ trị có đóng góp quan trọng nhất trong thời kì đất nước cải cách, mở cửa. Ông cũng chính là người có công lớn trong việc thành lập Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, tiền thân của Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam ngày nay.

Mối quan hệ gắn bó sâu sắc của ông với Trường Fulbright khởi nguồn từ chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cải cách kinh tế của các nước Đông Á do nhóm giáo sư Harvard sáng lập Trường tổ chức đầu những năm 1990. Khi ấy, ông Khải đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (vị trí tương đương Phó Thủ tướng hiện nay). Ông Khải cùng các quan chức cấp cao phụ trách mảng kinh tế trong bộ máy nhà nước khi ấy lần đầu tiên được học một cách bài bản về những nguyên lý căn bản của kinh tế thị trường – từ cung cầu, giá cả, tỷ giá đến cơ chế xuất nhập khẩu – những khái niệm còn vô cùng xa lạ với những người vừa bước ra khỏi nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

 

Thủ tướng Phan Văn Khải đến dự Lễ tốt nghiệp của Chương trình Thạc sĩ Chính sách công khoá 1.

Mặc dù tiến trình Đổi Mới khởi đầu từ năm 1986 nhưng "các cương lĩnh, đường lối và chiến lược phát triển của Việt Nam khi đó còn rất mông lung và mang tính dò đường""hầu như có rất ít người hiểu biết về kinh tế học" – Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard, người tổ chức chuyến tham quan học tập năm ấy nhớ lại.

Ấn tượng về chuyến đi này sâu sắc đến mức sau này, ông Khải trở thành một trong những người bảo trợ nhiệt thành cho ý tưởng thành lập một chương trình đào tạo kinh tế học ứng dụng cho các nhà quản lý, cán bộ do Harvard tổ chức ngay tại Việt Nam, vào thời điểm hai nước vẫn chưa bình thường hóa quan hệ.

Bởi lẽ ông Khải, cùng những nhà lãnh đạo Việt Nam có tầm nhìn khi ấy thấu hiểu rằng, hơn bao giờ hết, đất nước đang cần những cán bộ quản lý có kiến thức và tư duy về kinh tế thị trường để có thể dẫn dắt thành công quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang kinh tế thị trường.

Sau này, Tiến sĩ Jonathan Pincus, Giám đốc FETP 2008-2013 cho rằng FETP "là một ý tưởng xuất sắc ra đời vào đúng thời điểm".

"Một yếu tố định hình Trường Fulbright trong những ngày đầu là sự trỗi dậy của những nền kinh tế Châu Á và khát vọng của những nhà lãnh đạo Việt Nam lúc đó là trở thành một phần trong cuộc chuyển hóa mang tính lịch sử khi trung tâm kinh tế của thế giới dịch chuyển từ Tây sang Đông", ông Pincus nói.

Vượt qua vô số rào cản trở ngại từ cả hai phía, cuối cùng, TP.HCM, nơi được xem như "phòng thí nghiệm" của các ý tưởng cải cách thời kì đầu Đổi Mới đã được chọn là nơi tọa lạc của một chương trình đào tạo của Harvard. Tháng 1 năm 1995, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) chính thức ra đời, trước khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

 

TS. Jonathan Pincus, Giám đốc FETP 2008-2013.

Tầm nhìn xa về con đường cải cách của Việt Nam

Khi bắt đầu xây dựng Trường Fulbright, những người sáng lập đứng trước những lựa chọn khác nhau và họ đã đưa ra quyết định mang tính chiến lược khiến cho Fulbright trở nên khác biệt so với bất kỳ một chương trình đào tạo kinh tế hay chính sách công nào ở Việt Nam sau này. Đó là quyết định tập trung đào tạo kiến thức kinh tế hiện đại, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chính quyền địa phương, thay vì nhắm vào đối tượng cán bộ cấp trung ương như cách tiếp cận quen thuộc.

"Thời kỳ đầu thập niên 1990 của thế kỉ trước, việc tiếp cận các kiến thức kinh tế quản lý hiện đại là điều xa xỉ đối với các cán bộ địa phương", ông Vallely giải thích.

Quyết định này của những người sáng lập Fulbright còn xuất phát từ những quan sát sắc sảo về con đường cải cách của Việt Nam khi ông Vallely và cộng sự, Giáo sư Dwight Perkins, Giám đốc Viện Phát triển Quốc tế Harvard thực hiện các chuyến nghiên cứu khảo sát tại đây năm 1989. Họ nhận ra rằng, các cải cách kinh tế quốc gia quan trọng của Việt Nam phần lớn xuất phát từ những cải cách ở địa phương, mà về sau thường được mô tả như hành trình "xé rào" từ dưới lên để thoát khỏi cơ chế cũ.

"Những hành động "xé rào" như phong trào "khoán chui" ở các địa phương vào đêm trước đổi mới có ý nghĩa "cởi trói" cho các hoạt động sản xuất kinh doanh bị kìm nén quá lâu trong cơ chế cũ. Những cải cách này thành công vì chúng "điểm huyệt" một cách chính xác vào các nút thắt ở địa phương. Khi các nhà lãnh đạo TƯ quan sát thấy các thử nghiệm chính sách này thành công ở địa phương thì họ cảm thấy tự tin và mạnh dạn ban hành thành chính sách quốc gia", Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright giải thích.

Ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Đại học Harvard và Chủ tịch Đại học Harvard Catharine Drew Gilpin Faust tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM.

Ông Thomas Vallely và các học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong khoá học trao đổi ngắn hạn tại Trường Harvard Kennedy.

Quyết định tập trung đào tạo nguồn cán bộ cho các địa phương của FETP, bởi vậy, theo Tiến sĩ Tự Anh, thể hiện "sự thấu hiểu sâu sắc về con đường cải cách ở Việt Nam" và "tầm nhìn xa trông rộng" mà đến giờ Tiến sĩ Tự Anh vẫn cảm thấy "không thôi thán phục và biết ơn".

Bởi kết quả của quyết định mang tính chiến lược ngày ấy là cộng đồng hơn 1500 học viên đến từ 62/63 tỉnh thành ở Việt Nam – nguồn tài sản vô giá của FSPPM ngày nay. Họ đã góp phần hình thành nên lớp cán bộ, công chức ưu tú của Việt Nam thời kì Đổi Mới, những người tiên phong kiến tạo thay đổi tích cực trong chính cộng đồng của mình.

Ông Seth Winnick, Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM từng chia sẻ câu chuyện với Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh cách đây hơn 10 năm rằng bất kỳ khi nào đi đến các địa phương của Việt Nam, gặp học viên trường Fulbright, ông có thể nhanh chóng nhận ra họ ngay thông qua nhận diện "DNA Fulbright". Ông thậm chí còn tự nghĩ ra một chỉ số gọi là "FETP Index" – tỉnh nào có chỉ số này cao – tức có nhiều học viên FETP – thì tỉnh ấy nhất định sẽ đi đầu trong đổi mới và cải cách ở Việt Nam.

Những đóng góp nổi bật của các cựu học viên FETP không chỉ diễn ra ở địa phương. Nhiều người, sau khi ghi dấu ấn trong vai trò lãnh đạo một tỉnh thành, một sở ngành nào đó, đã được đưa ra Trung ương, dẫn dắt quá trình hoạch định và thực thi những chính sách quan trọng ở tầm quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Phúc khi là Phó Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) dẫn đầu đoàn lãnh đạo Cấp cao Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) 2013 – một sáng kiến hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard và FETP.

Tri thức toàn cầu - hành động địa phương

Khi mới bắt đầu, FETP thực hiện đúng những gì được Chính phủ Việt Nam "đặt hàng" khi ấy, đó là truyền đạt những kiến thức cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

"Khi đó, chúng tôi dạy các khoá kinh tế học tân cổ điển theo đúng cách mà bạn sẽ học ở Harvard, với giáo trình của Trường Harvard Kennedy được chuyển ngữ sang tiếng Việt theo cách dễ hiểu", ông Thomas Vallely kể lại.

Ông Cao Văn Trọng, nguyên Chủ tịch tỉnh Bến Tre là một trong những học viên khóa 1 của FETP. Khi tham gia chương trình, ông đã có bằng cử nhân kinh tế công nghiệp của Đại học Kinh tế TP.HCM. Thế nhưng, một năm ở FETP đối với ông có ý nghĩa như một hành trình "xây mới" hoàn toàn từ tri thức đến tầm nhìn và tư duy.

"Chúng tôi được học những kiến thức vô cùng mới mẻ về kinh tế vi mô và vĩ mô, về các công cụ điều hành nền kinh tế, đặc biệt là hai công cụ vô cùng quan trọng trong nền kinh tế thị trường: Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Nhưng điều có ý nghĩa hơn cả mà tôi học được từ Fulbright là cách tiếp cận và phương pháp tư duy, soi rọi một vấn đề ở nhiều chiều khác nhau. Đấy là giá trị không bao giờ cũ", ông Trọng chia sẻ.

Tiến thêm một bước nữa, khi FETP đã gây dựng được niềm tin với xã hội và với hệ thống chính quyền, các giảng viên đã có thể mạnh dạn đưa thực tiễn sinh động của Việt Nam vào trọng tâm chương trình đào tạo. Phương pháp "case studies" nổi tiếng của Harvard được các giảng viên biến tấu phù hợp với bối cảnh Việt Nam, mà Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thường ví như hành trình "Việt Nam hoá tri thức toàn cầu".

Năm 2008 đánh dấu bước chuyển mang tính lịch sử của FETP khi chuyển từ chương trình đào tạo kinh tế học ứng dụng 1 năm thành chương trình đào tạo 2 năm cấp bằng Thạc sĩ Chính sách công – chương trình Thạc sĩ Chính sách Công đầu tiên của Việt Nam. Vượt ra khỏi khuôn khổ một chương trình đào tạo kinh tế học, Trường bắt đầu dấn thân vào địa hạt "nhạy cảm" nhưng ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam: chính sách công, quản lý công và quản trị công.

Bởi vì, theo lý giải của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã bước vào giai đoạn mà những động lực tăng trưởng cũ đã dần tới hạn và đòi hỏi bộ máy phải đưa ra được những cải cách quyết liệt, đặc biệt là về mặt thể chế. Không còn đơn thuần là những quyết sách mang tính "cởi trói" khỏi cơ chế cũ như trước, những cải cách này buộc phải gắn liền với thực tiễn sinh động, mang tính sáng tạo và đa chiều trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển là một trong những giảng viên thỉnh giảng thường xuyên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Để có thể giải được những bài toán chính sách ngày càng trở nên phức tạp này, những nhà lãnh đạo và cán bộ quản lý, do đó, cần được trang bị những kiến thức và tư duy mới. Các giảng viên Trường Fulbright vì thế đã nỗ lực không ngừng để kiến tạo những tri thức mới phù hợp với nhu cầu thời cuộc. Có những môn học "đặc sản" của Fulbright như Phát triển Vùng và Địa phương, Thẩm định Đầu tư công, Luật và Chính sách công...Mỗi giờ học ở trường Fulbright giờ đây đã trở thành những buổi thảo luận sôi nổi về các vấn đề thực tiễn Việt Nam đang đối diện.

Từ chính sách môi trường và năng lượng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cho đến chiến lược thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng theo mô hình đối tác công tư (PPP) hay thậm chí làm thế nào để xây dựng Thành phố Thủ Đức thành đô thị thông minh, mỗi luận văn tốt nghiệp của các học viên Fulbright là những bài phân tích chính sách hết sức thực tiễn mà họ có thể tiếp tục theo đuổi khi trở về với công việc hàng ngày.

TS. Vũ Thành Tự Anh và các học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong chuyến đi thực địa môn học Phát triển Vùng và Địa phương tại Huế.

Theo một nhà ngoại giao Việt Nam kì cựu, chính hành trình dấn thân vào trung tâm phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua, thể hiện qua nỗ lực không ngừng cập nhật các chương trình giảng dạy phù hợp với xu thế thời đại và cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao đã giúp "Fulbright trở thành chương trình trao đổi giáo dục quốc tế duy nhất đến nay vẫn không ngừng phát triển và tiếp tục phát triển ở một tầm cao mới".

Trong khi các dự án khác thu hẹp hoặc khép lại, thì FETP nay đã trở thành Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), một trong 10 trường chính sách công hàng đầu châu Á và là trường đầu tiên của Đông Nam Á đạt được kiểm định quốc tế của NASPAA – "bản vị vàng" của các trường chính sách công, quản lý công, và hành chính công trên thế giới.

Khi đặt những viên gạch đầu tiên khởi công ngôi trường nhỏ trong con hẻm Võ Thị Sáu, hẳn những người sáng lập FETP không thể ngờ Trường sẽ đi xa đến thế. Fulbright giờ đây không chỉ là "di sản giáo dục quan trọng bậc nhất trong quan hệ Việt – Mỹ" mà đã trở thành một "tài sản tri thức vô giá" của Việt Nam.

  • Việt Lâm

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'