Xây dựng chiến lược trong khu vực công nhìn từ dự án phát triển Nam Sài Gòn
March 08, 2022

Xây dựng chiến lược trong khu vực công nhìn từ dự án phát triển Nam Sài Gòn

March 08, 2022

Vừa qua, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng đã có buổi thỉnh giảng trong khuôn khổ bộ môn Quản lý công của chương trình đào tạo thạc sĩ Chính sách công khóa 2023 (MPP2023) tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) về chủ đề xây dựng chiến lược trong khu vực công. Ông Phan Chánh Dưỡng được coi là “tổng công trình sư” của khu vực Nam Sài Gòn, là người lãnh đạo “nhóm thứ Sáu” – nhóm chuyên gia đặc biệt của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế từ năm 1986.

Trong bài giảng, ông Phan Chánh Dưỡng phân tích cho các học viên MPP về tư duy xây dựng chiến lược trong khu vực công, làm thế nào để triển khai được các chiến lược này một cách có hiệu quả và quan trọng nhất là thông qua đó tạo ra được giá trị công, những giá trị để lại cho các thế hệ tương lai. Nghiên cứu tình huống cụ thể là việc xây dựng chiến lược phát triển khu vực Nam Sài Gòn.

 

Từ dự án Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận...

Theo chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, chiến lược có nhiều cách diễn tả khác nhau, nhưng có thể gọi là tập hợp các quyết định về các mục tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức (dùng đối sách, kế hoạch, hay chiến thuật ...) chọn ra con đường, giải pháp phù hợp nhất đạt đến mục tiêu cuối cùng hiệu quả nhất; điều này áp dụng cả trong thương trường lẫn chiến trường. Điều quan trọng nhất để xây dựng một chiến lược đúng là cần phải nhận dạng đúng thực trạng bối cạnh hiện tại và xu thế diễn biến trong tương lai đối với mục tiêu chúng ta đề ra cũng như nhận dạng đúng thực lực hiện có của chúng ta. Từ đó đề ra các phương pháp, kế hoạch, một tổ chức thực thi đúng và đủ tầm (thời gian, không gian, nhân lực, tài lực) để hoàn thành mục tiêu.

Trong câu chuyện Nam Sài Gòn, khởi nguồn là khi Công ty Cung Ứng Hàng Xuất Khẩu Quận 5 (Cholimex) được lãnh đạo Đảng TP Hồ Chí Minh cho phép tập hợp một số chuyên viên kinh tế - tài chính nhằm nghiên cứu, góp ý kiến về các vấn đề nảy sinh trong quá trình mở cửa với những đề án mang tính vĩ mô và các dự án vi mô. Nhóm có tên là Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế Cholimex (tiền thân của nhóm thứ Sáu).

Nhóm nghiên cứu đệ trình lên lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh bản nghiên cứu “Đề cương thành lập khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh” (5/1988) nhằm cụ thể hóa một số biện pháp góp phần thúc đẩy Luật đầu tư đi vào cuộc sống. Bản đề cương giới thiệu mô hình khu chế xuất, khu mậu dịch tự do, đặc khu kinh tế, v.v… trên thế giới cùng những kinh nghiệm thành công và thất bại của một số Khu chế xuất tại các nước. Bản đề cương cũng phân tích một số điều kiện thuận lợi của TP Hồ Chí Minh và đề xuất lãnh đạo cho xúc tiến nghiên cứu dự án thành lập một Khu chế xuất tại TP Hồ Chí Minh.

Khi đó, ông Phan Chánh Dưỡng đã đi khảo sát toàn vùng đất Nam Sài Gòn hàng ngày và nhận thấy Tân Cảng phù hợp để xây dựng thành KCX: có cảng, có đất và vị trí gần trung tâm thành phố. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không đồng ý khi ông xin với chính quyền thành phố chọn Tân Cảng. Ông nhìn ra một địa điểm thay thế là khu Tân Thuận, cụ thể là phường Tân Thuận Đông: ở ngay bên cảng Sài Gòn, ở gần khu dân cư nghèo khổ (nguồn lao động), và dễ tiếp cận điện nước. Ông nhận thấy đây là nơi phù hợp để xây dựng thành KCX vì vị trí gần trong trung tâm thành phố, phù hợp cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn là địa điểm cảng Cát Lái như một số người khác đề xuất. Dự án hình thành Khu chế xuất Tân Thuận được trình lên thành phố.

Nhằm xúc tiến triển khai đề án, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký quyết định cho thành lập một tổ chức lấy tên là “Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận”, và ông Phan Chánh Dưỡng - chủ nhiệm đề án Xây dựng KCX tại TP. HCM - được bổ nhiệm làm Giám đốc Chương trình. Bộ máy nhân sự ban đầu gồm có bốn chuyên viên, chuyển từ Nhóm nghiên cứu chuyên đề sang đảm nhiệm tất cả công việc của đơn vị. Khi đã xác định được chủ đầu tư và hình thức liên doanh đấu tư, ngày 3/4/1992, UBND TP ra quyết định cho chuyển Chương trình Khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận thành Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, gọi tắt là IPC.

... đến định hướng phát triển TP về phía nam

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho biết, ngay từ ban đầu khi nghiên cứu việc xây dựng KCX, ông bỏ ra tới hai năm để quan sát vùng đất TP. HCM, tìm hiểu lại lịch sử của vùng đất này. Ông quan sát bằng phương pháp “phỏng sinh vật học” để nhìn thấy vùng đất bị chi phối bởi các yếu tố lịch sử, thiên nhiên (khí hậu, thủy văn...) để có một tầm nhìn bằng các công cụ khác nhau. Việc nhận diện được bản chất của vùng đất sẽ giúp định hình được chiến lược đúng đắn cho phát triển kinh tế của TP. HCM.

Qua quá trình hình thành và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, ông nhận thấy được những lực cản và lực đẩy tự nhiên của những dòng sông trong việc hình thành ra vóc dáng và qui mô, phương hướng phát triển tự nhiên của Thành phố Hồ Chí Minh như ngày nay. Lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh làm nỗi bật một vấn đề có tính quy luật trong con đường phát triển của Người Việt xưa và nay. Đó là khuynh hướng chuyển dịch về phía Nam. Ngược dòng thời gian, Biên Hoà ra đời và phát triển trước Sài Gòn, nhưng hướng phát triển là từ Biên Hòa đến Sài Gòn là hướng Nam mà chưa thấy cha ông chúng ta “đi” theo hướng ngược lại. Sau này từ Sài Gòn xuôi về Nam là lục tỉnh tạo của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển dịch về hướng Nam, tiến ra biển Đông của cha ông ta gắn liền với những dòng sông từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè đến “9 con rồng” của châu thổ Nam Bộ và tất cả đều hướng về ánh mặt trời – Hướng Đông.

Ông Phan Chánh Dưỡng nhận thấy sự phát triển của toàn vùng TP. HCM ở vào thời điểm lịch sử khá đặc biệt khi kinh tế thế giới chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại chuyển từ Tây sang Đông. Thương mại nối kết liên vùng đưa đến hình thành các khu đô thị ở những vị trí thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, tình hình chính trị, văn hóa, xã hội biến động lớn tạo nên những cuộc di dân lớn đi tìm vùng đất mới để dung thân lập nghiệp, tạo nên những đô thị mới đa dân tộc, đa văn hóa (từ đó tạo ra chùm đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định).

Là người lãnh đạo phụ trách xây dựng chiến lược phát triển cho vùng đất, ông đã tận dụng được yếu tố bên trong là chính sách đổi mới và yếu tố bên ngoài là sự hội nhập toàn cầu của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung để phác họa kế hoạch phát triển. Việc chọn đề án đột phá (KCX Tân Thuận) đã tạo đòn bẩy thành công cho một loạt các đề án tiếp theo sau này: tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu Công nghiệp Hiệp Phước..., tạo các tiền đề cũng như các yếu tố thuận lợi thực hiện chiến lược phát triển đưa thành phố phát triển ra biển Đông.

Sự thành công của KCX Tân Thuận, khả năng phát triển và lan tỏa nhanh chóng của đô thị Phú Mỹ Hưng và tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cùng các dự án tại khu Hiệp Phước là tiền đề, là cốt lõi nhất; trong đó dự án đầu tư cảng Hiệp Phước của tập đoàn P&O (đầu tư 180 triệu USD) là cột mốc đánh dấu ý tưởng biến thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố cảng biển lớn nhất Việt Nam đã trở thành hiện thực.

Tròn 30 năm từ ngày KCX Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng, vùng đầm lầy “thả con trâu xuống cũng chìm” ở Nhà Bè đã trở thành một khu đô thị kiểu mẫu của thành phố và cả nước, chứng minh sự thành công của tư duy xây dựng chiến lược trong khu vực công của các chuyên gia chiến lược có phương pháp tư duy khoa học và nhạy bén nắm bắt thời cơ.

  • Thúy Hằng

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'