Đầu tư công: Phải minh bạch, rõ trách nhiệm
November 24, 2013

Đầu tư công: Phải minh bạch, rõ trách nhiệm

November 24, 2013

Nguồn: http://phapluattp.vn/

Tại phiên thảo luận mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: "Khi chúng tôi soạn thảo Luật Đầu tư công, có cán bộ cấp vụ nói với tôi rằng đang lấy đá ghè chân mình. Nếu làm mọi thứ minh bạch thế này thì còn ai tìm đến bộ nữa".

Từ đây trên các diễn đàn dấy lên những tranh luận về việc thu chi, đầu tư công dàn trải, khôngminh bạch...

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, vấn nạn đầu tư công lãng phí, không hiệu quả đã kéo dài dai dẳng suốt hơn chục năm qua. Tuy nhiên, các vấn đề thảo luận hiện nay không có gì mới. Hiện nay chúng ta chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu để quản lý đầu tư công.

Hơn bảy năm trì hoãn

. Ông đánh giá thế nào về dự thảo Luật Đầu tư công đang được thảo luận?

+ Đỗ Thiên Anh Tuấn: Một điều đáng lưu ý, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đầu tư công hiện nay đang thiếu đi ba thành phần quan trọng:

- Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

- Phần vốn và tài sản mà ngân sách đã đầu tư vào doanh nghiệp.

- Phần vốn Nhà nước trong các dự án liên kết.

Như vậy chúng ta đang bỏ qua nhiều phần vốn tài sản có nguồn gốc từ ngân sách. Đây là một thất bại ngay từ đầu của dự thảo Luật Đầu tư công.

. Đó chỉ là một điểm nhưng hầu hết chuyên gia đều cho rằng nó cần thiết. Vậy tại sao ông cho rằng Dự thảo Luật Đầu tư công không mới?

+ Dự thảo Luật Đầu tư công đã được đề xuất từ 7-8 năm trước, ngay khi nền kinh tế gặp bất ổn và suy giảm nhưng nó đã bị trì hoãn cho tới tận bây giờ người ta mới trình ra. Điều này phơi bày nhiều thứ, rằng có những người không chịu sửa chữa, không muốn cải cách. Bộ nào cũng muốn vơ quyền lực về phía mình, cố níu kéo lợi ích nên các ý tưởng và đề xuất cải cách luôn bị trì hoãn hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. Chính vì vậy mà vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được nói nhiều nhưng đến nay vẫn không có sự thay đổi. Việc soạn thảo, ban hành luật như hiện nay không đảm bảo được tính độc lập và khách quan, không phân định rõ được chức năng thực sự giữa một cơ quan hành pháp với một cơ quan lập pháp. Chính vì vậy mà dự thảo Luật Đầu tư công vẫn còn nhiều giới hạn và khiếm khuyết ngay cả khi Luật chưa chính thức ra đời. Tuy nhiên, điều cũng cần phải ghi nhận rằng, dự thảo Luật Đầu tư công này được đưa ra bàn luận cũng cho thấy vẫn có những người muốn cải cách và tạo tiền đề có thể thực hiện được. Đây cũng là một tín hiệu rất đáng mừng, mặc dù chúng ta vẫn có quyền đòi hỏi phải làm tốt hơn nữa.

Trách nhiệm mù mờ

. Nhưng không thể phủ nhận một, hai năm trở lại đây chúng ta cũng đã cắt giảm đầu tư công rất nhiều, thưa ông?

+ Đúng là đã cắt giảm. Nhưng nhìn lại đầu tư hiện nay của mình rất nhiều nhưng nó đi đâu hết. Tăng trưởng là nhờ vào đầu tư, khu vực kinh tế nhà nước khi cắt giảm cũng chưa được kiểm soát. Thành ra chỗ mình cắt quá nhiều, chỗ kia lại cắt ít. Nguyên nhân là do chúng ta không có tiêu chí rõ ràng trong cắt giảm đầu tư. Cuối cùng chỗ người ta than cần đầu tư thì cắt hết và ngược lại.

Trước đây có câu chuyện ở một tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, người ta dựng một cái xà thay cầu đi tạm cho các em học sinh đi học. Nhưng sau một cơn lũ lớn, chiếc cầu bị cuốn trôi và các em thiệt mạng. Khi điều tra ra thì được biết cầu đang xây dở dang, còn nguồn tiền hiện đang dành để xây trụ sở chính quyền xã. Việc phân bổ vốn đầu tư hiện nay có trách nhiệm của một số lãnh đạo các cấp. Và đây cũng là một trong những yêu cầu tối thiểu đặt ra đối với Dự thảo Luật Đầu tư công hiện nay. Trong câu chuyện trên, người đưa ra quyết định đầu tư trụ sở trong thời điểm đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế lại không có quy kết trách nhiệm nào.

. Vậy ông đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng đầu tư công vừa ăn đong vừa vung tay quá trán?

+ Ăn đong tức là vay vốn nước ngoài, vay vốn viện trợ, vay vốn đủ các loại mà mình lại chi tiêu một cách quá nhiều. Tôi không tin có một giải pháp ăn đong chính sách như vậy lại mang lại hiệu quả cả. Đặc biệt người Việt Nam có bệnh thích hoành tráng và thường làm trục trặc ở đâu sửa chữa tới đó. Nguyên nhân là vì mình không có ràng buộc ngân sách cứng. Một dự án đầu tư chẳng hạn, khi đưa ra phải bao gồm cả những dự phòng rủi ro, dự phòng trượt giá... nhưng người ta lại không đưa vào vì lý do xin ít sẽ dễ xin hơn. Nên phải chờ duyệt rồi thực hiện, nảy sinh ra anh quay lại xin thêm. Nếu không ràng buộc ngân sách mềm thì không ai vung tay quá trán như vậy.

. Nghĩa là điều đó tạo ra sự thất thoát?

+ Đúng vậy, thất thoát chính là sự lãng phí. Và bản thân sự thất thoát là tham nhũng. Ở các nước khác, khu kinh tế nhà nước đầu tư không quá lớn và không quá phình to như ở Việt Nam. Việt Nam lại chỉ muốn xây cái gì đặc thù và chi phí cho cái này cực kỳ đắt đỏ. Việc phân cấp xuống tỉnh thành, quận huyện, phường xã... chưa có sự rõ ràng trong phân quyền, phân cấp... Mà chúng ta làm gì có mô hình phân cấp và Luật Đầu tư công cũng không bao quát được điều này. Trong khi các quyết định chúng ta đa phần dựa vào chính trị nhiều hơn. Đó là vì họ muốn tạo ra dấu ấn nhiệm kỳ, từ lãnh đạo cấp cao, ảnh hưởng sang lãnh đạo cấp địa phương. Cái này có phục vụ cộng đồng hay không còn phải xem lại, mà nhiều phần là cơ hội mầm mống cho thất thoát và tham nhũng.

Mới đây có câu chuyện tại Trung Quốc, văn phòng có năm người nhưng họ xây trụ sở như một tòa lâu đài. Cũng giống Việt Nam, có thể phần nào ảnh hưởng văn hóa và một phần là do thể chế tạo thành cái lâu đài lộng lẫy bề thế ấy. Nhưng lâu đài ấy hay trụ sở văn phòng mới không phục vụ cho bản thân công việc, nó không làm cải cách hành chính tốt hơn, không làm cho dân địa phương đó giàu lên hay lợi ích địa phương đó được hưởng gì cả. Nhưng nó lấy đi nguồn lực dành cho các dự án phát triển khác, như cái cầu ở địa phương cho con em đi học chẳng hạn.

Tài nguyên không được dùng cho cộng đồng

. Nhưng ở nhiều nước cũng phân cấp vốn đầu tư công xuống các bang, tiểu bang, thưa ông?

+ Đúng vậy nhưng cái quan trọng là họ có phân cấp đầu tư, giám sát... phân quyền, phân cấp, phân trách nhiệm rõ ràng. Thứ hai là họ có nền tảng thể chế tốt để hỗ trợ mà mình thì không có được. Thứ ba, các quyết định là quyết định kinh tế thay vì là chính trị. Chung quy lại cũng là vấn đề thể chế, trong đó có thể chế kinh tế, mấu chốt là quyền sở hữu. Quyền sở hữu ở đây không chỉ có đất đai mà gồm cả rừng núi, sông hồ, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình... Hiện nay trong dự thảo Hiến Pháp chúng ta cũng mới chỉ bàn đến vấn đề sở hữu đất đai, trong khi Điều 17 Hiến Pháp 1992 còn định nghĩa nhiều tài sản khác cũng thuộc sở hữu toàn dân.

Elinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel Kinh tế, từng phát biểu rằng: "Tài sản của mọi người là tài sản không của ai cả." Mà tài sản không của ai cả là tài sản của một nhóm người. Việt Nam cũng như thế, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng bàn luận nhiều về vấn đề này nhưng vẫn còn các tài sản và tài nguyên khác hiện nay do Nhà nước đại diện sở hữu, và bằng cách này hay cách khác được phân bổ lại cho các DNNN sử dụng và khai thác, và nó không được dùng cho lợi ích chung của toàn dân.

. Nhưng những nguồn tài nguyên này cũng phục vụ cho lợi ích quốc gia, tại sao ông lại cho rằng không dùng cho cộng đồng?

+ Mục đích cộng đồng ở đây có nghĩa là giống như ở Chi Lê, sau khi phát hiện ra mỏ đồng và một hội đồng ngồi lại để xem sử dụng thế nào hiệu quả nhất. Sau đó họ đấu giá công khai và nguồn thu được họ tạo thành quỹ gọi là quỹ bình ổn. Quỹ đó dùng để bình ổn nền kinh tế khi gặp bất ổn như suy thoái kinh tế hay bình ổn chu kỳ kinh tế. Hơn nữa Chi Lê có quy tắc tài khóa gọi là quy tắc 1%. Nghĩa là mỗi năm phải duy trì 1% thặng dư cơ bản. Nguồn quỹ này được quản lý như một quỹ đầu tư an toàn, dùng để bình ổn kinh tế hay hỗ trợ thực hiện các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Còn mình chưa có thặng dư mà năm nào cũng -5% thâm hụt ngân sách.

. Vậy mình có thể học hỏi Chi Lê từ việc tạo ra quỹ này không, thưa ông?

+ Hiện nay nguồn tài nguyên của mình một phần thì đã cạn kệt, một phần thì đã được phân tán cho các tổ chức, các doanh nghiệp nhà nước rồi. Sự phân bổ quyền khai thác các nguồn tài nguyên đó cho các doanh nghiệp nhà nước và một phần là cho các doanh nghiệp tư nhân thân hữu nhưng không thông qua theo cơ chế giá thị trường đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là mình đang gặp nan giải là ngân sách đang thâm thủng nên có bao nhiêu tiền là bù vào cái thâm thủng. Mà cái bù thâm thủng thì làm gì có được cái quỹ bình ổn như Chi Lê.

Hiện nay nguồn trả nợ của Việt Nam đã ăn vào ngân sách chi hằng năm rồi. Nó làm giảm đi nguồn lực còn lại dành cho nền kinh tế, dành cho sự phát triển. Mỗi năm chúng ta trả hơn 2-3 tỉ USD, như vậy nó sẽ lấy đi rất đáng kể nguồn lực dành cho đầu tư phát triển. Tính ra mỗi người Việt Nam hiện nay đang phải gánh hơn 800 USD nợ công và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

. Xin cảm ơn ông.

Vấn đề hiện nay là rủi ro của nợ công nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhưng mà trong định nghĩa nợ công hiện nay thì không bao gồm nợ công của doanh nghiệp nhà nước. Do mình không bao gồm nợ công của doanh nghiệp nhà nước nên nợ công trên đầu người là trên 800 USD. Nếu như bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công khoảng 1.500 USD/người. Vụ việc Vinashin vừa rồi cho thấy việc không tính nợ doanh nghiệp nhà nước là hết sức rủi ro và không đánh giá đúng bản chất gánh nặng nợ thực sự của khu vực Nhà nước. Cuối cùng thì Chính phủ vẫn phải đứng ra bảo lãnh để Vinashin tái cấu trúc lại 600 triệu USD nợ. Như vậy, chính thức thì từ khi Chính phủ bảo lãnh thì mới làm nợ công tăng lên nhưng rõ ràng rủi ro nợ công đã tiềm ẩn trước đó. Khác nhau chính là chỗ này.

YÊN TRANG thực hiện

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'