Hoài nghi sự thành công của Chương trình Tái cơ cấu
October 10, 2012

Hoài nghi sự thành công của Chương trình Tái cơ cấu

October 10, 2012

KINH TẾ VĨ MÔ – ĐẦU TƯ

Nguồn: www.cafeF.vn

Thứ 4, 10/10/2012, 13:28

TS. Vũ Thành Tự Anh


Chương trình tái cơ cấu vừa tốn chi phí, và quan trọng nó động chạm trực tiếp đến các nhóm đặc quyền đặc lợi. Các nhóm này sẽ cản trở làm quá trình tái cơ cấu chậm nhất, ít nhất có thể.

Cuối tuần qua, tại Tp. Hồ Chí Minh, VCBS tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam trước yêu cầu tái cơ cấu và Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán". Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến chương trình tái cơ cấu; sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. 

Ảnh: Internet

Thưa tiến sỹ, ông có tin tưởng vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay hay không?

Thực tế tôi không có niềm tin đáng kể vào hai chương trình tái cơ cấu này. Vì những lý do sau: 

Một, khi một chương trình tái cơ cấu không đặt ưu tiên hàng đầu là hiệu quả, lợi ích của cả nền kinh tế mà đặt ưu tiên vào  mục tiêu làm cho khu vực nhà nước trở thành chủ đạo, chủ lực, đóng vai trò then chốt, nòng cốt thì rất khó có thể thành công.

Trên thực tế nếu chúng ta nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, chúng ta có thể chứng minh một cách thuyết phục khu vực DNNN là một phần nguyên nhân chứ không phải là giải pháp cho nền kinh tế. 

Hay nói cách khác những sự kiện như Vinashin, Vinalines, hay một loạt sai sót quản lý vốn đầu tư, sử dụng nguồn tài chính công của Việt Nam ở trong những DNNN này đã tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước không thể được coi là “cứu cánh” mà là một phần (quan trọng) của nguyên nhân dẫn đến vấn đề hiện nay. 

Thế nhưng, mục tiêu tái cơ cấu vẫn làm cho nó trở nên trọng tâm, nền tảng, trụ cột, tiếp tục dùng nó như một công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.  

Vì thực tế không tương thích với mục đích nên tính khả năng có được chương trình tái cơ cấu hiệu quả là khó. 

Hai, tái cơ cấu bao giờ cũng đi với cái giá phải trả. Không có chương trình tái cơ cấu nào mà nhẹ nhàng và không tốn kém. Những vấn đề có tính cơ cấu và nội tại của nền kinh tế khó khăn như vậy, nên khi tái cơ cấu phải mất thời gian và hi sinh. 

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: trước hết phải xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu ở mức 10%GDP hay 13% như các tổ chức quốc tế tính toán thì khối lượng tiền chúng ta bỏ ra là không nhỏ. 

Mô hình công ty mua bán nợ xấu/tương tự mà Chính phủ đang thảo luận không đủ nguồn lực để giải quyết khối lượng nợ xấu này. Vì vậy khi chi phí của nó quá lớn, rất khó để có được biện pháp xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả. 

Tương tự như vậy đối với DNNN như khoản nợ của Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Sông Đà,.... nợ xấu của toàn bộ DNNN chiếm khoảng 50% tổng nợ xấu toàn hệ thống, nếu giải quyết Nhà nước phải bơm tiền, hoặc cổ phần hóa, hoặc sáp nhập... 

Tất cả cái này nó vừa tốn chi phí, và quan trọng hơn nó động chạm trực tiếp đến các nhóm đặc quyền đặc lợi. Các nhóm đặc quyền, đặc lợi sẽ cản trở làm quá trình tái cơ cấu chậm nhất có thể, ít nhất có thể. 

Đây là những lý do cơ bản nhất khiến tôi không mấy lạc quan về 2 đề án tái cơ cấu ngân hàng và DNNN.    

Chân thành cám ơn ông!

Phần 2: Cải cách để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai  

 

Q. Nguyễn

Theo TTVN

 

 

 

KINH TẾ VĨ MÔ – ĐẦU TƯ

www.cafeF.vn

Thứ 5, 11/10/2012, 15:32

 

TS. Vũ Thành Tự Anh : Thay đổi để phát triển bền vững (2)

 

Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục ra chính sách, làm chính sách, triển khai chính sách như chúng ta đã làm trong mấy năm trở lại đây thì đấy là con đường chắc chắn để đưa kinh tế Việt Nam đến trì trệ.

Liên quan đến nội dung trao đổi với Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh về chủ đề “Kinh tế Việt Nam trước yêu cầu tái cơ cấu” tại hội thảo do VCBS tổ chức, phần tiếp theo của nội dung trao đổi được chúng tôi đặt tên “Thay đổi để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai”.  

Ảnh: Internet

Theo ông chính sách vĩ mô năm 2012 – 2013 cần cải thiện như thế nào để nền kinh tế có thể tăng trưởng, bền vững?

Một, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu dựa vào đầu tư, nhưng đầu tư của Việt Nam lại cho kết quả không đáng kể. Vì vậy, điều đầu tiên để duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định chúng ta cần tăng cường hiệu quả đầu tư. Tăng hiệu quả đầu tư cần phải có những điều kiện cơ bản: 


Thứ nhất, cần có kỷ luật tài khóa nhất định. Nếu chúng ta so sánh quy mô đầu tư theo dự toán ngân sách ban đầu với quyết toán luôn có chênh lệch lớn đến 30 – 40%. Điều này đồng nghĩa, khi chúng ta cần đẩy mạnh đầu tư chúng ta sẵn sàng tung tiền ra, đầu tư một cách ào ạt, vượt quá dự toán ban đầu. 

Khi không có kỷ luật hoặc kỷ luật đầu tư yếu, rất dễ có thể đầu tư một cách phung phí. Vì vậy để đảm bảo đầu tư có hiệu quả cần thiết phải duy trì được kỷ luật tài khóa. Kỷ luật tài khóa ở đây được thể hiện ít nhất trên 2 phương diện: 

(i) Tất cả các khoản đầu tư nào vượt trên quy mô nhất định đều phải thông qua hội đồng thẩm định đầu tư. Chỉ khi nào hội đồng thẩm định đầu tư cân nhắc tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, tài chính thì khoản đầu tư đó mới được giải ngân. 

Cách đây không lâu (nửa năm) Thủ tướng Chính phủ đã ra  quyết định trong đó đề cập đến những dự án nào không bố trí được không cho đầu tư. Điều này cho thấy trước đây có nhiều dự án không bố trí được vốn vẫn được đưa vào danh mục đầu tư. 

(ii) Khi chúng ta đưa ra các chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, chúng ta phải giữ được các chỉ tiêu đó. 

Hiện thâm hụt ngân sách của Việt Nam rất cao  khoảng từ 4,8%- 6,9% GDP chưa bao gồm các khoản chi ngoài ngân sách. Nếu tính cả những khoản chi ngoài ngân sách (ODA, Trái phiếu công trình, Y tế, giáo dục...), thâm hụt tài khóa của Việt Nam sẽ còn cao hơn. 

Thêm vào đó chúng ta không chỉ giữ được chỉ tiêu thâm hụt mà còn phải giảm liên tục qua các năm để đưa thâm hụt tài khóa về ngưỡng an toàn, khoảng 3%GDP. 

Thứ hai, khi chúng ta thực hiện các khoản đầu tư công, phải đảm bảo các khoản đầu tư này có sự giám sát. Bởi kinh nghiệm cho thấy rất nhiều khoản đầu tư công đều bị đội vốn, điển hình như tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương. 

Thứ ba, sau khi dự án hoàn thành chúng ta cần phải đánh giá trở lại xem dự án có thực sự đem lại lợi ích kinh tế - xã hội như đã kỳ vọng ban đầu, hay so sánh mục tiêu ban đầu với kết quả đạt được.

Hai, tín dụng của Việt Nam không thể tăng trưởng quá nhanh và quá cao như các năm trước. Với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%, tín dụng chỉ nên giao động quanh 13 -14%. 

Quý III, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 4,7%, trong khi tín dụng chỉ tăng 2,35%. Giả sử con số này đúng, điều này đồng nghĩa chúng ta không cần phải tăng trưởng tín dụng quá nhiều để đạt được tăng trưởng GDP cao. Bởi tăng trưởng tín dụng cao, vòng xoáy lạm phát sẽ trở lại, tiếp tục phải thắt lưng buộc bụng... 

Ba, năng suất của Việt Nam không cải thiện trong vòng 10 năm trở lại đây. Như Lê Nin: Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể chiến thắng chủ nghĩa tư bản bằng năng suất. Một nền kinh tế chỉ có thể cải thiện năng lực cạnh tranh của mình nếu như có thể duy trì được tốc tăng trưởng năng suất. 

Năng suất của Việt Nam tăng trưởng thấp và điều đáng buồn là tăng trưởng năng suất lĩnh vực công nghiệp chế tạo lại thấp hơn tăng trưởng năng suất của lĩnh vực nông nghiệp. 

Tăng trưởng năng suất lĩnh vực nông nghiệp về cơ bản là rất khó vì công nghệ ổn định, tài nguyên ổn định, trong khi đó lĩnh vực công nghiệp có những phát minh, sáng chế, lẽ ra phải tăng trưởng năng suất cao hơn nhưng ở Việt Nam lại ngược lại.

Đây là những yếu tố cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo tôi Nhà nước cần phải thực hiện. Nhà nước cần đảm bảo năng suất, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực, ổn định vĩ mô. 

Vậy chúng ta cần phải thay đổi?

Chắc chắn chúng ta cần sự thay đổi. Tôi nghĩ nếu như chúng ta vẫn tiếp tục ra chính sách, làm chính sách, triển khai chính sách như chúng ta đã làm trong mấy năm trở lại đây thì đấy là con đường chắc chắn để đưa kinh tế Việt Nam đến trì trệ. 

Trên thực tế chúng ta có đầy đủ tiềm năng tăng trưởng nhanh, nếu như nền kinh tế Việt Nam chỉ cần thực hiện các chính sách bình thường, không đột biến, điều kiện vĩ mô ổn định tăng đầu tư khoảng 30 - 35%GDP, tăng trưởng tín dụng khoảng 15 -20%/năm, tôi tin chắc việc duy trì tăng trưởng GDP 7-8% đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là không khó. 

Chúng ta nhìn vào các nền kinh tế khác trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, ở thời điểm tăng trưởng cực thịnh của họ, họ đều có thể duy trì được mức tăng trưởng 9 -10%. Trong khi Việt Nam vừa tăng trưởng cao lên đã gặp phải những vấn đề bất ổn vĩ mô, sau đó trong mấy năm liền phải chịu tốc độ tăng trưởng thấp. 

Điều này có nghĩa tiềm năng tăng trưởng của một quốc gia đang phát triển là yếu tố tiên thiên; trong khi đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định và hiệu quả kinh tế là yếu tố hậu thiên – là yếu tố đến sau. Nếu chúng ta có tiên thiên tốt nhưng điều kiện hậu thiên không tốt thì nó sẽ phá yếu tố tiên thiên. 

Trên thực tế, tôi cho rằng nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này, chúng ta sẽ rơi vào bẩy thu nhập trung bình. 

Vì vậy để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, chúng ta nhất thiết phải thay đổi.

Chân thành cám ơn ông!


Q. Nguyễn

 Theo TTVN

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'