Luật lệ tài chính và ổn định vĩ mô
August 30, 2012

Luật lệ tài chính và ổn định vĩ mô

August 30, 2012

Jonathan Pincus

Thứ năm, ngày 30/08/2012

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

Thị trường tài chính không thể tự điều tiết. Giới ngân hàng làm ra lợi nhuận nhờ chấp nhận rủi ro và nếu luật lệ thiếu nghiêm khắc họ sẽ tìm cách nâng lợi nhuận bằng cách chịu mức độ rủi ro quá mức.

Tín dụng tăng trưởng quá mức làm nền kinh tế vĩ mô bất ổn, tạo ra bong bóng tài sản, lạm phát, thâm hụt mậu dịch và đồng tiền bản địa yếu. Mọi khủng hoảng tài chính lớn trong lịch sử đều xảy ra sau một thời kỳ cho vay và đi vay quá mức. Tăng trưởng tín dụng như thế thường gắn liền với những công cụ mới trên thị trường tài chính giúp ngân hàng và các nơi cho vay khác nâng mức đòn bẩy – tức tỷ lệ cho vay trên vốn. Giới quản lý thị trường lại thường đi sau một bước, theo dõi cẩn mật các phương pháp nâng mức đòn bẩy cũ nhưng lại chưa quen với các kỹ thuật mới nhất được phát triển trên thị trường tài chính.

Cho vay quá mức ở Việt Nam

Hình 1 cho thấy mức độ nợ của dân cư và doanh nghiệp tăng nhanh từ năm 2007. Điều này trùng hợp với dòng vốn chảy vào (đường kẻ trên biểu đồ) tăng nhanh, đỉnh điểm lên đến 16% GDP. Bởi dòng vốn này không được Ngân hàng Nhà nước trung hòa, chúng lại quay vòng và và cho dân cư và doanh nghiệp vay lại, làm tăng mức đi vay của họ lên rất cao vào năm 2007 và 2008. Mặc dù đây đã có thể là dịp tốt nhất để Chính phủ có thặng dư ngân sách, thế nhưng năm 2007 ngân sách lại thâm hụt đáng kể. Lạm phát tăng nhanh vào năm 2008, buộc Chính phủ phải thắt chặt tín dụng và giảm đà chi tiêu.

Nguồn tiền dễ dãi này đòi hỏi có người vay dễ dãi. Thực tế thật đa dạng – dân cư và doanh nghiệp đầu cơ đất đai, chứng khoán và ngoại tệ nên vay nhiều để tài trợ cho các khoản đầu tư của họ. Khi giá đất và chứng khoán tăng cao, càng thúc đẩy nhiều người và doanh nghiệp khác vay tiền để tham gia cuộc chơi. Ngân hàng thì đầy tiền mặt sẵn sàng cho vay.

Doanh nghiệp nhà nước vay tiền nhiều trong giai đoạn này để đa dạng hóa hoạt động của họ, thường là đầu tư vào bất động sản và tài chính. Doanh nghiệp nhà nước có sẵn tín dụng từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, nhiều doanh nghiệp đẩy mức đòn bẩy nợ lên cao kỷ lục. Bộ Tài chính ước tính các tập đoàn và tổng công ty chiếm đến 18% tín dụng nội địa. Thêm vào đó việc phát hành trái phiếu và cho công ty con vay, tỷ lệ này có thể lên đến trên 30%.

Một xu hướng đặc biệt rủi ro từ góc độ vĩ mô là sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước vào khu vực ngân hàng. Các tập đoàn tổng công ty đầu tư lón vào các ngân hàng cổ phần và có nhiều trường hợp tự thành lập ngân hàng mang tên mình. Cơ chế kiểm soát của thị trường tài chính Việt Nam còn yếu kếm nên không thể ngăn ngừa các doanh nghiệp này sử dụng quyền kiểm soát hay ảnh hưởng của họ lên các ngân hàng để ép các ngân hàng cho các công ty con hay công ty liên kết của họ vay tiền. Hơn nữa, cấu trúc sở hữu của các ngân hàng cổ phần, nhất là những ngân hàng chưa niêm yết đã trở nân rất phức tạp đến nỗi khó đo lường được chất lượng đồng vốn đầu tư vào các ngân hàng này.

Tình trạng sở hữu chéo và cho vay lẫn nhau không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp nhà nước mà còn lan ra các doanh nghiệp tư nhân. Theo nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một mê hồn trận sở hữu và cho vay đang tồn tại giữa các ngân hàng cổ phần và giữa các ngân hàng cổ phần với doanh nghiệp qua ủy thác đầu tư.

Cách làm này cũng vô hiệu hóa quy định của Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay bất động sản. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính tổng dư nợ tín dụng cho khối bất động sản lên đến 16,7 tỉ đô-la hay 14% GDP. Chính sách tiền tệ thắt chặt vào năm 2011 để chống lạm phát đã làm thị trường bất động sản đóng băng, làm cho các ngân hàng, cả quốc doanh lẫn cổ phần, phải chịu các khoản nợ xấu lớn.

Trong khi doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, đã có đòn bẩy nợ quá cao, ngân hàng vốn thấp, lại chịu gánh nặng nợ xấu, thì chi phí tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước rốt cuộc sẽ do ngân sách nhà nước gánh chịu. Đáng tiếc, dư địa tài khóa không còn nhiều bởi Chính phủ đã phải chịu thâm hụt ngân sách lớn để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó.

 

Phải làm gì?

Ưu tiên lớn nhất hiện nay phải là ổn định khu vực ngân hàng và giảm mức nợ xấu. Chính phủ đã công bố các biện pháp sáp nhập nhưng cần phải làm nhiều hơn. Rõ ràng là bên cạnh các vụ sáp nhập tự nguyện, Chính phủ nên đảm nhận một số ngân hàng quá yếu kém, củng cố bảng cân đối tài chính của chúng rồi bán lại cho công chúng. Cần nỗ lực thanh lý các tài sản thế chấp của các khoản nợ không trả được để giảm bớt tác động xấu về mặt tài chính của quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Nguyên tắc chính phải là chủ sở hữu ngân hàng kém mất vốn và giấy phép, giới điều hành mất việc. Nhưng Chính phủ sẽ bảo vệ người gửi tiền và người vay nghiêm chỉnh để hạn chế tác động lên nền kinh tế nói chung.

Về trung hạn, cần có luật lệ và sự giám sát nghiêm khắc hơn để tháo gỡ mối quan hệ sở hữu chéo phức tạp hiện nay của các ngân hàng cổ phần và các công ty tài chính, đầu tư. Các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi ngân hàng và công ty tài chính để giảm việc cho vay lẫn nhau trong khối doanh nghiệp nhà nước.

Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là chìa khóa để đạt được tính ổn định của khu vực tài chính. Cần có những chuẩn mực kế toán và báo cáo nghiêm khắc hơn để giảm nguy cơ nâng mức sử dụng đòn bẩy trái phép. Một nền tư pháp công minh và có năng lực là cần thiết để xét xử các cụ tranh chấp và đặc biệt để bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số.

(V.P. dịch)

Những bài viết liên quan

Trang web này sử dụng cookies để cung cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Các cookies cần thiết (Essential Cookies) được mặc định và là cơ sở để trang web hoạt động chính xác. Cookies phân tích (Analytics cookies) thu thập dữ liệu ẩn danh để cải thiện và theo dõi website. Cookies hiệu suất (Performance cookies) được sử dụng bởi bên thứ ba để tối ưu hóa các ứng dụng (như video và bản đồ) được tích hợp trong trang web của chúng tôi. Để chấp nhận tất cả cookies, vui lòng bấm vào 'Tôi chấp nhận.'